Công ty BIC Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về nhà ở
Luật sư cho rằng, nếu nhận thấy việc Chủ đầu tư là Công ty BIC Việt Nam “cố tình” chiếm dụng quỹ bảo trì thì cần ra quyết định cưỡng chế và bàn giao quỹ này lại cho Ban Quản trị tòa nhà. Trường hợp phát hiện hành vi chiếm dụng trái phép của chủ đầu tư, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra và xử lý hành vi vi phạm nếu có.
Sau khi bài viết “Công ty BIC Việt Nam: “Chây ỳ” bàn giao quỹ bảo trì, cư dân đi lại bằng thang máy bị đứt cáp?” ngày 11/5/2021 trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, bài báo đã được nhiều bạn đọc quan tâm.
Xem xét dấu hiệu chiếm dụng
Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, nếu nhận thấy việc Chủ đầu tư là Công ty BIC Việt Nam “cố tình” chiếm dụng quỹ bảo trì thì cần ra quyết định cưỡng chế và bàn giao quỹ này lại cho Ban Quản trị tòa nhà. Trường hợp phát hiện hành vi chiếm dụng trái phép của chủ đầu tư, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra và xử lý hành vi vi phạm nếu có.
Luật sư Hoàng Tùng phân tích: Quỹ bảo trì sẽ được sử dụng để bảo trì các hệ thống thuộc sở hữu chung của tòa nhà, bao gồm thang máy, máy phát điện, máy bơm nước, hệ thống thông gió, hệ thống điện, hệ thống nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy… và các thiết bị khác dùng cho nhà chung cư. Xử lý ứ nghẹt, hút bể phốt định kỳ, cấy vi sinh cho hệ thống nước thải của tòa nhà… Ngoài ra, khoản 1, khoản 3, Điều 36 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định tiền phí bảo trì 2% sẽ phải bàn giao cho Ban quản trị Tòa nhà để sử dụng vào các mục đích bảo trì nêu trên.
Tuy nhiên, điều bất cập trong trường hợp này là Nghị định nêu trên có hiệu lực từ 26/3/2021 nên đối với tòa Trung Rice City Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư tại thời điểm người dân sinh sống vài năm nay chưa có quy định về việc bắt buộc phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng. Vì thế, việc bàn giao quỹ bảo trì vẫn được tiến hành như bình thường. Ngay từ thời điểm thành lập Ban Quản trị nhà chung cư thì Chủ đầu tư phải bàn giao cho BQT khoản phí bảo trì.
Cư dân treo băng rôn đòi Chủ đầu tư là Công ty CP BIC Việt Nam trao trả quỹ bảo trì tòa nhà
“Chính vì vậy, việc “chây ỳ” không chịu bàn giao phí bảo trì của chủ đầu tư cho Ban quản trị tòa nhà là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về nhà ở. Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thông qua các chế tài sau đây: Xử phạt vi phạm hành chính: Chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 150 triệu do không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì và biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm này là Chủ đầu tư bị buộc bàn giao ngay phí bảo trì cho Ban Quản trị. Trong trường hợp Chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Cư dân hoặc Ban quản trị Tòa nhà có quyền đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có nhà chung cư yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao. Nếu quá thời hạn 15 ngày ra văn bản yêu cầu, Chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì đơn vị này có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cũng phân tích thêm, việc chậm bàn giao quỹ bào trì của Chủ đầu tư trong trường hợp này có căn cứ để nhận thấy rằng Công ty BIC Việt Nam đang cố ý chiếm dụng khoản phí này bởi lẽ: Việc chậm bàn giao tính đến hiện nay theo phản ánh đã kéo dài và Ban Quản trị đã phát công văn kiến nghị đến lần thứ 3. Tiếp nữa, Ban Quản trị Tòa nhà đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu phía chủ đầu tư bàn giao theo quy định nhưng Chủ đầu tư đã phớt lờ và thực tế là đến nay vẫn chưa bàn giao.
Khoản phí bảo trì này được thu khi tiến hành mua bán căn hộ với mức là 2%. Ta tạm tính một phép tính đơn giản với mức bình quân giá trị phí bảo trì các căn hộ chung cư hiện nay thì khoản phí bảo trì cho 1 căn hộ rơi vào khoảng tầm ít nhất là hơn 10 triệu đồng . Vậy đối với tòa Trung Rice City Linh Đàm hiện nay thì có thể nói số tiền bảo trì là rất lớn, lên tới nhiều tỷ đồng. Việc Chủ đầu tư cầm khoản phí này một thời gian dài, cho đến khi chung cư đưa vào sử dụng, Ban Quan trị tòa nhà cũng đã được thành lập là cố ý, có “dấu hiệu” chiếm dụng trái phép.
Trường hợp có căn cứ cho rằng, chủ đầu tư chiếm dụng trái phép số tiền là phí bảo trì chung cư thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS 2015.
“Trước tiên, cư dân cần có ý kiến yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì lại Ban quản trị tòa nhà. Đồng thời, cư dân và Ban Quản trị gửi đơn lên UBND TP. Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì này. Trường hợp cần phải cưỡng chế bàn giao đối với Chủ đầu tư thì ra Quyết định cưỡng chế bàn giao đối với chủ đầu tư. Trường hợp phát hiện hành vi chiếm dụng trái phép của chủ đầu tư, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành điều tra và xử lý hành vi vi phạm nếu có”, Luật sư Tùng đưa ra lời khuyên.
Cư dân phản đối thay thế thiết bị
Để làm rõ hơn về những phản ánh này, Phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử đã gửi nội dung qua email và trao đổi với 1 đại diện của Công ty CP BIC Việt Nam. Tuy nhiên, vị đại diện này lại cho rằng, Tạp chí đã đăng tải thông tin thì còn làm việc gì nữa?
Trong một diễn biến khác, ngày 12/5/2021, Ban Quản lý vận hành tòa nhà Trung Rice City Linh Đàm đã phát đi Thông báo do ông Lã Tuấn Anh, Trưởng ban ký cho biết, sẽ tiến hành thay thế cáp tải và puly máy kéo của thang máy PL6 bắt đầu tư ngày 14/5/2021 bằng kinh phí của quỹ bảo trì của tòa nhà và sự đóng góp của Chủ đầu tư. Dự kiến việc thay thế này sẽ diễn ra trong thời gian khoảng 3 ngày.
Tuy nhiên, ngày 13/5/2021, ông Nguyễn Đức Long, Trưởng ban Quản trị tòa nhà Trung Rice City đã có Văn bản số 16/2021/TB-BQT.TT Thông báo gửi tới Công ty BIC Việt Nam, Công ty SASP, Công ty TNHH thang máy Mitsubishi Việt Nam, Ban Quản lý vận hành tòa nhà Trung Rice City Linh Đàm và các đơn vị có liên quan về việc chưa thay thế cáp tải và puly thang máy PL6. Lý do mà Ban Quản trị tòa nhà Trung Rice City đưa ra là vì Ban Quản trị chưa xin được ý kiến của cư dân liên quan đến việc thay thế này. Nếu Công ty BIC Việt Nam, Công ty SASP, Công ty TNHH thang máy Mitsubishi Việt Nam, Ban Quản lý vận hành tòa nhà Trung Rice City Linh Đàm và các đơn vị có liên quan vẫn tiếp tục thực hiện việc thay thế này thì sẽ không được sử dụng quỹ bảo trì tòa nhà mà phải tự chịu trách nhiệm về kinh phí và mọi hậu quả (nếu có xảy ra).
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên, một vị đại diện của Ban Quản trị tòa nhà bức xúc cho biết, đến chiều ngày 13/5/2021 Ban Quản trị tòa nhà mới nhận được Thông báo nhưng không có giá thay thế chốt cuối cùng là bao nhiêu. Ban Quản trị không hề biết gì về giá cả, chưa có sự thống nhất cuối cùng, trong khi số tiền chi ra được nêu trong thông báo là trừ vào quỹ bảo trì của cư dân. Cũng theo vị này, việc thay thế này đã bị cư dân đã phản đối và không cho đơn vị vận hành thang máy thi công sửa chữa.
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cư dân treo băng rôn đòi Chủ đầu tư là Công ty CP BIC Việt Nam trao trả quỹ bảo trì tòa nhà
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận