Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài vì khát vọng phát triển đất nước Bài 1: Phòng, chống tham nhũng dưới góc nhìn lịch sử và vai trò của cán cân công lý
Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là “quốc nạn”, một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, cản bước công cuộc đổi mới. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước chuyển biến mạnh mẽ từ năm 2013, khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng ban chỉ đạo. Để tiếp tục luận giải, làm rõ thực trạng, đề xuất các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả dưới góc nhìn khoa học của ngành tòa án, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử trân trọng giới thiệu tuyến bài “Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài vì khát vọng phát triển đất nước”.
Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Trang TTĐT Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh)
Tham nhũng - hiện tượng xã hội dưới góc nhìn lịch sử
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó, một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Tham nhũng và tham ô làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó, nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu. Các nghiên cứu về lịch sử nhân loại cho thấy, tham nhũng và chống tham nhũng là hiện tượng xã hội đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ XX, tham nhũng nổi lên như căn bệnh ác tính bùng phát, với tính chất vô cùng nguy hại, đe dọa nền kinh tế, văn hóa, đạo đức của loài người; có sức tàn phá và ngăn cản lớn đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Quá trình nghiên cứu xây dựng học thuyết về con người, các nhà kinh điển Mác - Lê-nin khẳng định: “Con người khác với con cừu chỉ là ở chỗ trong con người, ý thức thay thế bản năng, hoặc bản năng của con người là bản năng đã được ý thức”(1). Thực tế là, sự tồn tại của con người luôn gắn liền với bản năng, nhu cầu tự nhiên, như: ăn, uống, mặc, ở, đi lại,... nó được “ý thức hóa”, đó là sự khác biệt căn bản nhất giữa con người so với con vật.
Quá trình hoạt động thực tiễn làm cho sự thống nhất biện chứng giữa bản năng sinh vật và mặt xã hội trong con người ngày càng hoàn thiện; nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần, lợi ích ngày càng cao, không có giới hạn, vì nó được “ý thức hóa”. Ngược lại, những nhu cầu đó tác động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy hoạt động thực tiễn, làm cho ý thức con người phát triển ngày càng hoàn thiện.
Để thỏa mãn nhu cầu của mình, mỗi người, bộ phận, cộng đồng người đều có mục đích, cách thức tiến hành riêng; phần đông (nhất là thành phần lao động trong xã hội chiếm đa số) đều mong muốn được phát triển toàn diện, cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực của mình, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, mọi người đều bình đẳng trong thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mặc dù “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(2) và “hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/phần nhiều do giáo dục mà nên”(3), nhưng sự tác động, chi phối của quy luật phát triển không đồng đều làm cho cá nhân, bộ phận và thậm chí là giai cấp (trong xã hội có đối kháng giai cấp) bị “tha hóa”; hoạt động của họ là nhằm thỏa mãn nhu cầu về địa vị xã hội, lợi ích riêng, chứ không vì sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.
Đắk Nông trên đường phát triển (Ảnh: Báo Đắk Nông)
Nguy hại và vô cùng khó khăn, phức tạp trong phòng, chống hiện tượng này là sự “tha hóa” chủ yếu rơi vào những cá nhân, bộ phận nắm giữ những trọng trách nhất định trong xã hội; họ thường xuyên, trực tiếp, gián tiếp liên quan đến những quyết sách, điều tiết về mặt lợi ích, quyền lực xã hội. Trong thực tế trên thế giới đã có những người được xã hội giao cho giữ cương vị nguyên thủ quốc gia, nhưng vẫn tham nhũng(4).
Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam - những bước tiến lịch sử
Trải qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội, thời kỳ phong kiến Việt Nam diễn ra tình trạng tham nhũng phức tạp, làm cho đời sống nhân dân lao động lâm vào cảnh bần hàn, cơ cực… Nhiều triều đại sớm nhận rõ sự nguy hại và có những quy định ngăn ngừa, nghiêm trị hành vi tham nhũng, điển hình như nhà nước phong kiến triều Lý (1009 - 1225) đề ra những quy định khắt khe để ngăn ngừa, trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại.
Cụ thể, nếu quan nha, thư lại nào mà thu thuế vượt quá số lượng thì bị khép vào tội ăn trộm và bị xử nặng tội. Năm 1043, Lý Thái Tông đặt thêm quy định, ai trộm lúa của dân sẽ bị đánh 100 trượng; nếu không lấy được mà làm bị thương người khác sẽ bị tội lưu (tội đem đi nơi phương xa, suốt đời không được về). Quân lính lấy của cải của dân sẽ bị đánh 100 trượng và thích 30 chữ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: “Vào năm Quý Mùi (1043), vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty, (ty coi việc kho lụa) “ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”(5).
Điều 138, Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông ghi rõ, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức; từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày; từ 20 quan trở lên bị xử chém. Đối với của hối lộ, một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho. Chứng kiến cảnh tham nhũng và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội thời vua Lê, chúa Trịnh, nhà bác học Lê Quý Đôn (từng giữ chức Thượng thư bộ Công) đã tổng kết dâng tấu (tờ trình dâng lên vua); trong đó, chỉ ra năm nguy cơ dẫn đến mất nước gồm: Một, trẻ không kính già (đạo đức suy đồi); hai, trò không trọng thầy (giáo dục suy đồi); ba, binh kiêu tướng thoái (quân đội suy đồi); bốn, tham nhũng tràn lan (thể chế suy đồi); năm, sĩ phu ngoảnh mặt (niềm tin suy đồi).
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh cả xương máu, tính mạng của mình; nhân dân ra sức đóng góp tiền của, sức lực cho cách mạng và luôn sẵn sàng “mỗi người dân là một chiến sĩ”; vậy mà tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra.
Một trong những sự thật đau lòng cách đây hơn 70 năm, ngày 5/9/1950, tại chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu phải cúi đầu nhận tội. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Sau vụ án Trần Dụ Châu, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 15 đến ngày 17-11-1950, trong bài phát biểu kết luận, Bác căn dặn: “Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ”(6).
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra với tính chất, mức độ khác nhau, làm trì trệ sự phát triển của xã hội, là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Để đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống “quốc nạn” này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (từ ngày 20 đến 25-1-1994) xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội VIII của Đảng năm 1996 tiếp tục khẳng định bốn nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX của Đảng năm 2001 nhấn mạnh thêm:“Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(7). Đại hội X của Đảng năm 2006 một lần nữa nêu quyết tâm: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(8).
Đảng ta dùng các từ “phổ biến”, “nghiêm trọng”, “kéo dài”, “đe dọa”,… để nói về tình trạng tham nhũng ở nước ta. Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết thành các nhóm lợi ích. Do đó, phòng, chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, kéo dài nhằm chống lại kẻ thù “nội xâm” từ chính trong nội bộ của chúng ta, thậm chí là những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nếu không chiến thắng trong “cuộc chiến” này thì chúng ta không thể hiện thực hóa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng vào các nghị quyết của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống luật, nghị định, hướng dẫn thực hiện do nhà nước ban hành ngày càng hoàn thiện; hệ thống cơ quan chỉ đạo, cơ quan chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chuyên sâu. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực và đã đạt được thành quả quan trọng, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Kết quả từ nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh, đột phá, bài bản, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu.
Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)(9). Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn héc-ta đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm(10). Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”(11).
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng tiếp tục diễn ra với quy mô, mức độ, tính chất khác nhau, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương. “Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi”(12), và “Chưa bao giờ một khóa mấy ông Bộ Chính trị đi tù, bị cách chức, tịch thu lại bao nhiêu tài sản. Có người hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương định biếu xén, lấp liếm. Tôi nói tại Hội nghị toàn quốc rồi, đồng chí cán bộ kiểm tra mở ra xem đó là gì. Mở vali ra, thấy là tiền, USD, yêu cầu khóa lại lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”(13). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về những khó khăn, phức tạp trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (viết tắt là TI) công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020, đánh giá 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, năm 2020, Việt Nam đạt 36/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2019, đứng thứ 104/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Điểm CPI của Việt Nam thấp hơn điểm trung bình của khu vực ASEAN (42/100) nhưng cao hơn một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Phi-líp-pin, Lào, My-an-ma và Campuchia(14).
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành và “đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”(15).
Dấu ấn chuyển biến mạnh mẽ từ sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của Tòa án nhân dân
Tại cuộc họp báo quốc tế bế mạc Đại hội XIII của Đảng, ngày 1-2-2021, trả lời câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là vấn đề lớn, đất nước nào cũng có, thời nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã xử rất nhiều vụ, nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị đi tù, thu hồi tài sản lên đến hàng triệu USD và nhiều tỷ đồng. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, làm không phải cốt là để trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn là nhân văn, nhân đạo. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cưa một cành cây mọt, sâu, để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, xử cho nặng mới là nghiêm. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt và gian nan. Vừa qua mới là hạn chế, ngăn ngừa được một bước. Sắp tới nhiệm vụ còn lớn, nhiều, nặng nề, khó khăn và còn nhiều nguy cơ, nhiều diễn biến phức tạp chưa lường hết được.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, phòng, chống tham nhũng được xem là dấu ấn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ XII của Đảng. Mục tiêu đích thực của phòng, chống tham nhũng là xây dựng bộ máy trong sạch, đội ngũ cán bộ liêm chính. Mấy năm qua có một điều dần quen thuộc, đó là việc người dân chờ đợi kết quả các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra một thời gian dài được xem là thông tin bí mật nhưng bây giờ được công khai, đây là điểm mới của nhiệm kỳ này. Vì sao người dân chờ đợi? Bởi vì, họ biết mỗi phiên họp sẽ có những quyết định quan trọng về công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, thiết lập kỷ cương, kỷ luật. Và qua đây, người dân hiểu được cuộc đấu tranh này đã diễn ra thực chất như thế nào. Đồng thời, cũng giám sát việc làm của Đảng, nói là phải làm, chứ không phải nói rồi giấu giếm.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, hệ thống Tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ với 14.540 bị cáo. Nhưng còn có những điều thuyết phục hơn khi nhiều vụ án thuộc những lĩnh vực xưa nay ít được quan tâm như lĩnh vực ngân hàng được đưa ra xét xử. Bắt đầu từ vụ Ngân hàng ACB đến Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Oceanbank... lần lượt được đưa ra xét xử. Những lĩnh vực trước đây ít được “sờ đến” như quốc phòng, các hoạt động nghiệp vụ của công an mà vụ án của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) là điển hình…Việc xử lý các cá nhân vi phạm là không có vùng cấm, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang,... có sai phạm đều bị xử phạt nghiêm minh.
Có thể nói, cuộc đấu tranh trải qua giai đoạn tố tụng bắt đầu bằng điều tra, truy tố, xét xử thì tòa án là khâu cuối cùng. Nhân dân hoan hỉ hay không chính là ở khâu này, tin hay không tin chính là ở chỗ bản án nghiêm hay không nghiêm. Có một thời người ta nói chống tham nhũng chỉ “đánh từ vai đánh xuống”, nhưng bây giờ chuyện này không còn. Chúng ta đã đi từ xử lý về kỷ luật Đảng đến xử lý bằng các bản án nghiêm khắc. Đối tượng chức vụ càng cao thì mức án càng cao, gần như kịch khung, khoản pháp luật cho phép. Bản án làm cho các đối tượng tham nhũng khuất phục và thuyết phục được người dân. Chính vì vậy, không ít bị cáo khi ra tòa đã thành khẩn xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng Bí thư, nhận trách nhiệm, thậm chí khóc tại phiên tòa, ăn năn nhận ra sai sót.
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua cũng là điểm nhấn quan trọng, tỉ lệ thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng của thế giới không quá 10% nhưng của Việt Nam là 40%, cá biệt có những vụ án thu hồi 100%. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm nhưng không phải chỉ chú trọng răn đe, mà các bản án cũng luôn có yếu tố nhân văn, nhân đạo. Ví dụ, trong vụ Ngân hàng Oceanbank, Ngân hàng Đại Tín hay Ngân hàng ACB, nhiều nhân viên tham gia chu trình tham nhũng là những người làm công ăn lương, bị phụ thuộc vào cấp trên, không hưởng lợi từ tài sản tham nhũng và tòa án đã ân giảm rất nhiều, thậm chí miễn truy tố. Việc này được thống nhất rất cao trong các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thành công phía sau mỗi bản án không chỉ là kinh tế
Sau mỗi vụ án được xét xử, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, không phải chỉ việc tuyên án 5 năm, 10 năm, hay 20 năm, mà Hội đồng xét xử đặc biệt đề cao việc đưa ra các kiến nghị trong bản án. Ví dụ, với vụ án Trịnh Xuân Thanh, ban đầu bị xét xử về tội cố ý làm trái, nhưng Hội đồng xét xử cho rằng, Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham ô và kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ. Từ kiến nghị này, bản án tiếp theo kết án Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô. Tòa án cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm của những người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bổ nhiệm sai đối với Phạm Công Danh không đủ tiêu chuẩn, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước. Hoặc kiến nghị đến các cơ quan quản lý trong việc khắc phục những kẽ hở, thiếu sót về mặt thực thi pháp luật như quản lý đánh bạc trên mạng, khắc phục các sơ hở trong việc quản lý ngân hàng... Đó là một thành công nữa của các bản án đã tuyên, kết quả không chỉ là hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Chống tham nhũng có mục tiêu cao nhất không phải để bắt ông nọ, ông kia, không phải hướng đến việc có nhiều quan chức ra tòa, với mức án cao, mà phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ không tham nhũng. Hướng đến mục tiêu như vậy thì không chỉ phải làm cho cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng mà còn phải không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.
Chính vì vậy, song song với việc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng quyết liệt, không có vùng cấm thì phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa tham nhũng. Phòng ngừa bằng giáo dục cán bộ, bằng các thiết chế về quản lý kinh tế, về công tác cán bộ để có muốn tham nhũng cũng không được. Các quy định phải rất chặt chẽ, về quản lý cán bộ, về kỷ luật Đảng, về kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều người dân chờ đợi nhất là một đội ngũ cán bộ liêm chính, trong sạch.
“Bắt bớ không bao giờ là mong muốn của dân, của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước cũng không bao giờ lấy đó làm mục tiêu.Chúng ta đã làm nghiêm rồi, nhưng để cuộc đấu tranh này đi vào hiệu quả thực chất và bền vững thì công tác phòng ngừa phải làm được nhiều hơn nữa. Đây là chờ đợi của dân, qua đây dân tin là chúng ta làm thật, chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu: tăng cường, tích cực, nỗ lực, khẩn trương… Có thể câu chuyện phòng ngừa này không tạo ra cái hoan hô, sự hoan hỉ bộc phát từ dư luận như việc khởi tố, xét xử các vụ án mang lại. Nhưng gắng làm những việc phòng ngừa âm thầm, bền bỉ như vậy thì trong tương lai, chúng ta xây dựng được một bộ máy trong sạch, một đội ngũ cán bộ liêm chính. Cái đó mới đích thực là mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng này” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định./.
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 44
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 19
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 413
(4) Cựu Tổng thống Hàn Quốc Ly-Miung-Pắc, bị truy tố vào tháng 4-2018 và nhận mức án 17 năm tù giam; cựu Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-ríp Ra-rắc, bị kết án 12 năm tù vào ngày 28-7-2020
(5) Trần Đức: Vị vua ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên của Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 27-12-2019
(6) Bùi Sỹ Lợi: Đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng - một quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trang thông tin điện tử, Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 10-11-2018
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 50
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 46
(9) Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-12-2020
(10) Phan Đình Trạc: Một số vấn đề về phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-6-2020
(11) Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-12-2020
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Hà Nộitập 1, tr. 213
(13) Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là không ngừng, không nghỉ, Báo điện tử Chính phủ, ngày 1-2-2021
(14) Chỉ số CPI 2020: Cần tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng quyết liệt để đạt hiệu quả hơn ở Việt Nam, Trang thông tin điện tử tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương, ngày 6-2-2021
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, Hà Nộitập 1, tr. 206
Bài liên quan
-
Kế hoạch triển khai thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
-
Kiểm soát xung đột lợi ích để phòng chống tham nhũng
-
Phòng chống tham nhũng và tội phạm trong ngành Ngân hàng - Vấn đề đáng quan tâm hiện nay
-
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan kiểm toán cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận