Cường không phạm tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng
Qua nghiên cứu bài viết “Cường có phạm tội hay không?” của tác giả Cao Thanh Loan đăng trên Tạp chí Tòa án online số ngày 14/7/2022 và một số ý kiến trao đổi, tôi cho rằng Cường không phạm tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Trong vụ án này, Bảo mới chỉ dừng ở vai trò là người chào hàng, Cường ở vai trò là người xem hàng. Bảo đã thực hiện việc chào hàng: nhắn tin cho Cường mời mua, gửi hình ảnh, gửi giá cho Cường. Các hành vi và ý chí của Bảo đều cho thấy mục đích của Bảo là muốn bán khẩu súng bút đó. Cường cũng đã có những trao đổi thể hiện sự quan tâm đến khẩu súng bút như: yêu cầu Bảo chụp ảnh cho xem, xem video Bảo gửi, hỏi giá, nói với Bảo là khoái khẩu súng, hứa hẹn hôm sau sẽ mua luôn. Tuy nhiên, các hành vi mà Bảo và Cường thực hiện mới chỉ là hành vi liền trước của việc mua bán, không có gì đảm bảo chắc chắn là việc mua bán này sẽ được diễn ra và thực tế là việc mua bán súng đã không được thực hiện. Ở đây không có sự chuyển hóa từ người chào hàng thành người bán hàng, người xem hàng thành người mua hàng vì không có hành vi mua là dùng tiền để đổi lấy súng và hành vi bán là dùng súng để đổi lấy tiền.
Trong thực tế đời sống, việc người đi xem hàng hứa hẹn mua hàng nhưng không mua diễn ra rất phổ biến. Không phải cứ có chào hàng và xem hàng là có việc mua bán diễn ra, mà đã không có việc mua bán diễn ra thì không thể gọi đó là quan hệ mua bán hàng hóa được.
Trong vụ án này, để xác định rõ việc Cường có phạm tội hay không còn phải quan tâm đến câu hỏi tại sao việc mua bán súng không diễn ra? Ở đây, không có việc mua bán súng hoàn toàn là do ý thức chủ quan của Cường, do Cường không mua súng (sau hôm đó Cường không liên lạc, không hứa hẹn, không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho việc mua khẩu súng) chứ không phải do nguyên nhân khách quan là Bảo bị công an bắt. Do đó, Cường không phạm tội, khác với trường hợp phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Nếu lúc qua nhà Bảo, Cường mang tiền đến để mua súng nhưng không mua được vì Bảo bị bắt thì Cường phạm tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Nếu Cường đã có động tác chuẩn tiền để đi mua nhưng sau đó lại quyết định không mua nữa thì Cường phạm tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” nhưng được miễn trách nhiệm hình sự vì “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”.
Đối tượng được đem ra để mời chào mua bán là cây súng bút đã được Cơ quan giám định kết luận là vũ khí được chế tác thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng và thuộc danh mục vũ khí quân dụng, là đối tượng thuộc quyền quản lý của Nhà nước, bị cấm mua bán, trao đổi. Vì vậy, hành vi của Bảo và của Cường đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chỉ đủ căn cứ để kết tội Bảo về tội “Tàng trữ, trái phép vũ khí quân dụng”; không đủ yếu tố để kết tội Cường về tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”
Trên đây là một số quan điểm của tôi về bài viết, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc.
Súng bút tự chế- Ảnh: MH
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận