Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, đáp ứng xây dựng nhà nước pháp quyền

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp nói chung và Luật Tổ chức TAND năm 2014 nói riêng, đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, qua thực tiễn việc tổ chức và hoạt động của các TAND hiện nay cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, khắc phục để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

1.Những hạn chế, bất cập trong thực tiễn

Cần phải khẳng định rằng, việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chiến lực cải cách tư pháp” hơn mười năm qua đã đạt được nhiều kết quả trên nhiều phương diện như xây dựng pháp luật và tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp.

Về tổ chức bộ máy TAND, thì điểm nổi bất nhất là: Thành lập các TANDCC thay cho các Tòa phúc thẩm TANDTC; TANDTC được tổ chức đúng nghĩa là cơ quan xét xử cao nhất thực hiện chức năng phá án (giám đốc thẩm, tái thẩm) và hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, việc tổ chức và hoạt động của các TAND hiện nay cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu:

Thứ nhất, các TAND cấp huyện vẫn được tổ chức theo địa giới hành chính mỗi huyện có một TAND. Việc tổ chức TAND ở mỗi huyện không bảo đảm được chuyên môn hóa hoạt động xét xử của Thẩm phán mặc dù theo quy định tại Điều 45 Luật Tổ chức TAND, thì “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu, thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách”. So với tổ chức của TAND cấp tỉnh, thì ở TAND cấp huyện không có Tòa kinh tế, Tòa lao động và Tòa hành chính nhưng lại có thêm Tòa xử lý hành chính. Như vậy, về cơ cấu tổ chức bên trong của TAND, thì chỉ có TANDCC và TAND cấp tỉnh là động bộ và cùng có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên.[1]

Vậy vấn đề tại sao mà cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện không đồng bộ với cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh và TANDCC? Theo chúng tôi, thì vấn đề nằm ở chỗ biên chế con người (số lượng Thẩm phán) của mỗi TAND cấp huyện không đủ để thành lập đầy đủ các tòa chuyên trách theo Luật Tổ chức TAND. Bởi lẽ, đã thành lập tổ chức thì phải có người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và cán bộ chuyên môn (Chánh Tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán). Với biên chế mỗi TAND cấp huyện chưa đến 10 Thẩm phán, thậm chí có Tòa án chỉ có chưa tới 5 Thẩm phán thì không thể thành lập các Tòa chuyên trách theo luật định. Điều này dẫn tới Thẩm phán TAND cấp huyện sẽ được phân công giải quyết tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động… và không chuyên môn hóa được hoạt động xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong khi đó, chuyên môn hóa hoạt động xét xử của Thẩm phán TAND cấp huyện là điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án là xét xử đúng người, đúng vụ việc và đúng pháp luật.

Bởi lẽ, hoạt động xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp xã hội và  xử lý hành vi vi phạm pháp luật cho nên về nguyên tắc thì Thẩm phán phải nắm chắc nội dung của tất cả các văn bản pháp luật. Hệ thống pháp luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn và Bộ ban hành thông tư là rất lớn. Thẩm phán cũng là con người bình thường như những cán bộ, công chức khác do vậy dù muốn nhưng cũng không thể nắm chắc nội dung của tất cả các văn bản pháp luật. Do vậy, việc xét xử sai (không do lỗi chủ quan của Thẩm phán) những vụ án trong thời gian quan là điều khó tránh khỏi nhưng xã hội lại không chấp nhận.

Thứ hai, việc thành lập TAND cấp huyện theo địa giới hành chính sẽ không bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là độc lập  trong việc xét xử vụ án hành chính. Đây là điều có thật nhưng ít khi được thừa nhận công khai và sẽ là rất buồn khi một vị lãnh đạo địa phương trả lời Đoàn giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội là ông ta còn giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương đó, thì không bao giờ thi hành bản án hành chính (cụ thể được Đoàn giám sát nêu) mà Tòa án địa phương đó đã xét xử (Chính quyền địa phương đó thua kiện)[2]!.

 Thứ ba, đồng thời với việc thành lập TANDCC, thì pháp luật hiện hành đã bỏ quy định TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án do TAND cấp huyện xét xử. Do vậy, việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án của tất cả các TAND cấp huyện dồn về 3 TANDCC (tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh). Hệ quả của quy định này là các TANDCC bị quá tải và các TAND cấp tỉnh thì làm việc không hết công suất.

Bởi lẽ, như đã trình bày, thì ở TAND cấp tỉnh có Ủy ban Thẩm phán và đầy đủ các Tòa chuyên trách (Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên) nhưng lại chỉ xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh và phúc thẩm các vụ án do TAND cấp huyện trong tỉnh xét xử sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Trong khi, về xét xử sơ thẩm thì TAND cấp huyện xét xử đa số vụ án xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh.

Ví dụ: Đối với vụ án hình sự, thì TAND cấp huyện xét xử ba trên bốn loại tội phạm là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, trừ một số tội phạm quy định tại Điều 268 BLTTHS. TAND cấp tỉnh chỉ xét xử sơ thẩm một loại tội là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, cho thấy:

+ Số vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng chiếm đa số tuyệt đối số vụ án hình sự được xét xử; số vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trong chiểm thiểu số tuyệt số vụ án hình sự được xét xử;

+ Số vụ án hình sự bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% số vụ án hình sự bị các TAND cấp huyện xét xử.

Những bất cập nêu trên là những lý do thực tiễn của việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền.

2. Kiến nghị sửa đổi

Về quan điểm và nội dung chủ đạo trong tổ chức hệ thống TAND và một số nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Tòa án, chúng tôi đồng tình với GS.TSKH Đào Trí Úc trong bài “Sự cần thiết và một số định hướng nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 11/9/2021. Đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy TAND.

Theo đó, việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy TAND phải bảo đảm: Nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án; Không hạn chế việc thực hiện quyền tiếp cận công lý của công dân; Kết hợp cấp hành chính lãnh thổ với cấp thẩm quyền xét xử và xây dựng bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán. Chúng tôi đề nghị:

- Thứ nhất, sắp xếp lại các TAND cấp huyện thành các TAND vùng ở một số huyện (với cơ cấu tổ chức bên trong của các Tòa án này là Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên…). Việc tổ chức này là để bảo đảm sự độc lập trong xét xử của Tòa án và của các Thẩm phán từ phía chính quyền địa phương[3]. Đồng thời chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của Thẩm phán vì khi đó các Thẩm phán TAND cấp huyện hiện nay sẽ về công tác tại TAND vùng và đủ số lượng để thành lập các Tòa chuyên trách.

- Thứ hai, thành lập các Tòa án khu vực là các Tòa án cấp dưới của TAND vùng (không thuộc cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện) để giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế không phức tạp, hầu hết các vụ án hôn nhân và gia đình, các tranh chấp mà ta hay gọi là phát sinh từ sinh hoạt nội bộ dân cư v.v..; xét xử các vụ án hình sự mà hình phạt được BLHS quy định dưới 2 năm tù và các hình phạt khác nhẹ hơn như quan điểm của GS.TSKH Đào Trí Úc[4].

- Thứ ba, trả lại thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án do TAND vùng xét xử cho TAND cấp tỉnh để giảm tải cho TANDCC cấp cao và phát huy được công suất của bộ máy tổ chức TAND cấp tỉnh.

- Thứ tư, đề nghị nghiên cứu thành lập Đảng bộ ngành Tòa án, Đảng bộ ngành Kiểm sát theo hướng độc lập với các Đảng bộ địa phương cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thành lập các Đảng bộ này sẽ là bảo đảm cho việc Thẩm phán độc lập xét xử, nhất là xét xử các vụ án hành chính và phù hợp với tổ chức Tòa án vùng, Tòa án khu vực không thuộc cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện.

 

TAND huyện Tri Tôn, An Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Ngọc Lan

[1] Xem: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, Điều 30 và 38.

[2] Đây là ý kiến phát biểu của một Đại biểu Quốc hội khóa 14 tại phiên họp của Đoàn giám sát của Quốc hội khi thảo luận về kết quả giám sát ở một số địa phương mà tác giả bài viết này tham dự.

[3] Xem: GS.TSKH Đào Trí Úc, Sđd.

[4] Xem: GS.TSKH Đào Trí Úc, Sđd.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)