Giải quyết tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người vay tiền chết để lại – Vướng mắc và kiến nghị
Người vay tiền chết, có di sản nhưng không để lại di chúc. Người cho vay khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc những người thừa kế di sản của người vay phải trả tiền, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
1. Quy định của pháp luật
Điều 615 của BLDS 2015 có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 658 BLDS 2015, có thể nhận thấy một số nghĩa vụ tài sản và thứ tự thanh toán như sau: (1)- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; (2)- Tiền cấp dưỡng còn thiếu; (3)- Chi phí cho việc bảo quản di sản; (4)- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; (5)- Tiền công lao động; (6)- Tiền bồi thường thiệt hại; (7)- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; (8)- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; (9)- Tiền phạt; (10)- Các chi phí khác.
Như vậy, đối với các khoản nợ của người vay tiền chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (theo quy định tại Điều 620 của BLDS 2015).
Khi người vay tiền chết, bên cho vay có quyền yêu cầu người thừa kế của người vay trả tiền. Trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Bị đơn có thể bao gồm tất cả những người thừa kế trong trường hợp người chết không có lập di chúc; trường hợp người chết có lập di chúc cho một hoặc một số cá nhân nào đó để hưởng di sản thì những người hưởng thừa kế theo di chúc sẽ là bị đơn trong vụ án nêu trên.
Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người vay tiền chết để lại là: người vay tiền chết phải có di sản thừa kế, đã giải quyết chi trả các nghĩa vụ theo thứ tự thanh toán từ (1) đến (7) còn di sản dôi dư ra. Do đó, khi khởi kiện thì bên cho vay cần phải có các giấy tờ chứng minh về việc vay tiền; tài liệu, chứng cứ chứng minh là người vay tiền chết có để lại di sản thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, những người thừa kế theo pháp luật của người vay tiền đã chết hoặc di chúc, người được thừa kế theo di chúc…
2. Khó khăn, vướng mắc
Vào ngày 03/12/2020, ông Nguyễn Văn T có vay tiền của ông Trần N số tiền là 300 triệu đồng; lãi suất thỏa thuận là 1,5%/tháng, ông T cam kết đến ngày 03/12/2021 sẽ trả toàn bộ số tiền lãi và vốn cho ông N. Tuy nhiên, đến ngày 06/10/2021, ông T chết do nhiễm bệnh Covid-19.
Khi chết, ông T không có để lại di chúc, ông T đã ly hôn với vợ và có 5 người con. Ông T có di sản là căn nhà cấp 4 và thửa đất diện tích 5.065m2, trị giá khoảng 4 tỷ đồng.
Sau khi ông T chết, ông N có đến gặp các con của ông T để yêu cầu trả tiền theo hợp đồng vay giữa hai bên nhưng các con của ông T đều cho rằng không biết giao dịch giữa ông T với ông N nên không đồng ý trả theo hợp đồng của ông N cung cấp.
Ngày 11/01/2022, ông N đã khởi kiện những người thừa kế di sản của ông T yêu cầu những người này phải trả 300 triệu đồng vốn vay và 54 triệu đồng tiền lãi. Do ông N không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông T đã chết (trích lục khai tử hoặc giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc ông T đã chết); tài liệu, chứng cứ chứng minh hàng thừa kế thứ nhất của ông T (giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về việc xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của ông T); tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản thừa kế của ông T để lại (giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện về việc xác nhận thông tin quyền sử dụng đất của ông T) nên Tòa án đã trả lại đơn vì không đủ điều kiện khởi kiện.
Ông N đã liên hệ các cơ quan chức năng để xin xác nhận nhưng các cơ quan này đều từ chối không xác nhận vì căn cứ vào Điều 38 của BLDS 2015 thì những thông tin trên là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của ông T. Các cơ quan này chỉ xác nhận hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ của Tòa án.
Từ vụ án cụ thể nêu trên cho thấy để khởi kiện vụ án tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người vay tiền chết để lại còn tồn tại những vướng mắc, khó khăn:
- Người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người vay tiền chết;
- Người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh những người thừa kế theo pháp luật của người vay tiền chết. Trong trường hợp, người vay tiền chết có để lại di chúc thì người khởi kiện càng không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ về di chúc để xác định người bị kiện;
- Người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh di sản thừa kế do người vay tiền chết để lại; không để cung cấp giá trị của di sản để Tòa án xem xét theo thứ tự thanh toán các nghĩa vụ do người vay tiền chết để lại;
3. Đề xuất, kiến nghị
Mặc dù, việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án trong trường hợp dẫn chứng nêu trên là phù hợp với các quy định của pháp luật về điều kiện thụ lý vụ án. Nhưng, có ý kiến cho rằng việc áp dụng pháp luật như vậy là quá cứng nhắc và làm giảm đi hiệu quả bảo vệ công lý của BLTTDS 2015. Bởi lẽ, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý một cách thuận lợi thì BLTTDS đã bãi bỏ quy định: trả lại đơn khởi kiện với lý do hết thời hiệu khởi kiện (so với BLTTDS 2005) và bổ sung quy đinh mới: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (Khoản 2 Điều 4 của BLTTDS 2015).
Mặt khác, khoản 2 Điều 6 của BLTTDS 2015 có quy định: “Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ…”. Trường hợp dẫn chứng nêu trên, Thẩm phán được phân công giải quyết đơn khởi kiện của ông N có thể tạm thời không trả lại đơn khởi kiện của đương sự và có thể hướng dẫn người khởi kiện làm đơn yêu cầu thu thập tài liệu, chứng cứ, Tòa án có thể ban hành công văn hỗ trợ gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xác nhận các tài liệu, chứng cứ bổ sung vào hồ sơ khởi kiện ban đầu của ông N để đủ điều kiện thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật. Hoặc Thẩm phán có thể thụ lý với những tài liệu, chứng cứ do ông N cung cấp. Sau đó trong quá trình giải quyết vụ án nếu có các tài liệu, chứng cứ chứng minh điều kiện khởi kiện của người khởi kiện thì tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật; ngược lại, nếu không có đầy đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án theo định tại điểm g, khoản 1 Điều 217 của BLTTDS 2015 do không đủ điều kiện khởi kiện.
Do đó, tác giả kiến nghị TANDTC cần có văn bản hướng dẫn về việc thụ lý giải quyết tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ do người vay tiền chết để lại theo hướng tác giả đã nêu trên.
TAND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ngọc Yến
Bài liên quan
-
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
-
Hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2024 và một số kiến nghị thực thi
-
Một số ý kiến về việc giải quyết các vụ án tranh chấp có đối tượng là bất động sản theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
-
Tranh chấp giữa bà A và ông B là tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận