Góp ý sửa đổi quy định của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Bài viết nêu vấn đề tồn đọng và góp ý sửa đổi một số điều cụ thể về: quy định xử lý chuyển hướng, thủ tục tố tụng thân thiện và hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Một nội dung quan trọng, cấp thiết trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam là hoàn thiện các quy định về tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, không chỉ là đáp ứng theo yêu cầu hội nhập với xu hướng của luật pháp quốc tế mà còn nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người cho người dưới 18 tuổi. Dựa trên việc phân tích các quy định của Dự thảo và các quy định pháp luật có liên quan nhận thấy vẫn còn tồn tại những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp.
Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta chưa có một văn bản pháp luật nào quy định riêng về lĩnh vực tư pháp đối với người chưa thành niên (NCTN). Thay vào đó việc quy định tản mạn tại 30 Bộ luật, Luật và 20 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành chưa có sự sắp xếp hệ thống thành một văn bản thống nhất[1]. So sánh với pháp luật một số nước, cụ thể: Ở Liên Bang Nga vẫn chưa có luật áp dụng riêng cho NCTN, việc xử lý được lồng ghép trong BLHS, chế định chuyển hướng còn chung chung, chưa cụ thể hóa như tại khoản 2 Điều 87 BLHS Liên Bang Nga: “Đối với người chưa thành niên phạm tội có thể áp dụng các biện pháp giáo dục bắt buộc hoặc có thể áp dụng hình phạt”[2]. Pháp luật của Autralia cũng thừa nhận việc xử lý chuyển hướng như một biện pháp hỗ trợ để giúp NCTN tránh khỏi việc bị khởi tố hình sự, trong đó các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: cảnh cáo do cảnh sát tiến hành, hội nghị tư pháp chưa thành niên và giới thiệu họ tới một chương trình hoặc một dịch vụ xử lý chuyển hướng[3].
Hiện tại, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (TPNCTN) đã quy định tương đối đầy đủ, khá chi tiết. Dự thảo Luật gồm 168 điều được bố cục thành 5 phần, 12 chương quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, bảo đảm người chưa thanh niên được đối xử bình đẳng, bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời, bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của NCTN trong suốt quá trình tố tụng, bảo đảm giữ bí mật cá nhân của NCTN, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của NCTN, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với NCTN[4]…
Bên cạnh những ưu điểm trên thì Dự thảo vẫn còn nhiều hạn chế, cần hoàn thiện.
1. Quy định về xử lý chuyển hướng
Xử lý chuyển hướng là biện pháp xử lý đối với NCTN phạm tội, biện pháp này giúp họ loại bỏ việc phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên vẫn phải chịu một biện pháp xử lý khác. Việc quy định chuyển hướng như trên thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với NCTN. Bởi ở độ tuổi dưới 18 tuổi thì về cả thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý chưa phát triển toàn diện luôn bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, những tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội. Đó cũng là một nguyên nhân khiến các vụ trọng án do NCTN gây ra ngày một tăng.
Các hình thức xử lý chuyển hướng đối với NCTN được quy định tại khoản 1 Điều 27 Dự thảo gồm có 11 hình thức: khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; xin lỗi người bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
So sánh với các quy định tại Điều 32, 46, 93, 94, 95, 96, 98 BLHS năm 2015, Dự thảo quy định thêm 5 biện pháp xử lý mới.
Việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp này phải thỏa điều kiện tại Điều 28, 29 Dự thảo, Tòa án quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội thuộc các trường hợp sau:
“Điều 28: Đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng:
1. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự;
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự;
3. Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”.
Đối chiếu theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 thì về tổng quan Dự thảo đã nới rộng phạm vi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho NCTN phạm tội. Quy định trong Dự thảo đã phi tội phạm hóa rất nhiều đối với NCTN phạm tội. Hay nói cách khác, chúng ta chuyển một số lớn các hành vi của NCTN quy định trong BLHS là tội phạm trở thành không còn là tội phạm trong Luật TPNCTN. Chẳng hạn, một người 15 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng như tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội mua bán người (Điều 150); tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); tội cướp tài sản Điều (168); tội cướp giật tài sản (Điều 171); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) nếu áp dụng hình thức xử lý chuyển hướng như Dư thảo Luật TPNCTN thì đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự, việc này là không phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, không phù hợp với mục đích phòng ngừa tội phạm.
Từ những phân tích về hình thức xử phạt, điều kiện áp dụng cho thấy quy định về hình phạt còn chưa thống nhất, điều kiện áp dụng mang tính tùy nghi, việc chồng chéo về quy định khi cả hai văn bản cùng điều chỉnh một hành vi của một chủ thể sẽ dẫn đến lúng túng trong việc truy tố, xét xử. Nếu áp dụng BLHS thì đề cao tính “răn đe, nghiêm khắc” còn nếu áp dụng Luật TPNCTN thì lại “nới lỏng, chưa thích đáng” đối với hành vi phạm tội.
Nếu song song cùng có hiệu lực trên thực tiễn thì việc mâu thuẫn giữa các quy định về trách nhiệm hình sự NCTN trong BLHS hiện hành với các quy định của Luật TPNCTN là hoàn toàn có thể xảy ra ở nhiều trường hợp. Việc quy định tại nhiều luật, bộ luật sẽ dẫn đến không thuận tiện trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự của người áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ, không thể tra cứu cùng một lúc vừa quy định tội danh, thời hiệu, các tình tiết giảm nhẹ của BLHS, vừa tra cứu quy định của Luật TPNCTN. Sự rắc rối trong việc quy định quy phạm pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu quy định của luật hình sự và người áp dụng pháp luật trên thực tế. Đứng về góc độ bảo đảm quyền con người thì quy định pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không ổn.
Kiến nghị: Để đồng bộ, thống nhất trong áp dụng thì cần quy định các hình thức xử lý chuyển hướng, điều kiện áp dụng các hình thức này theo hướng đồng bộ, cụ thể hóa các quy định tại Chương X Những quy định đối với NCTN phạm tội của BLHS, cũng như Chương I Quy định chung về xử lý vi phạm hành chính NCTN trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Xây dựng thêm trong Dự thảo những quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng, cũng như xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp NCTN được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.
2. Thủ tục tố tụng thân thiện và hòa nhập cộng đồng đối với NCTN
Thực hiện theo Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/6/2016 của TANDTC về việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, ngày 04/4/2016 TAND TP Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong việc thành lập Tòa gia đình và NCTN.
Ngoài việc giải quyết các vụ án về hôn nhân, gia đình thì đơn vị này còn có thẩm quyền giải quyết: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (điểm a khoản 6 Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-CA). Như vậy, trong vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thì Tòa gia đình và NCTN xét xử toàn bộ vụ án, không phân biệt vụ án đó có bị cáo là người trên 18 tuổi hay không.
Việc truy tố, xét xử đối với NCTN phạm tội trước đây được thực hiện theo Điều 413 đến Điều 430 Chương XXVIII của BLHS năm 2015, nội dung này cũng được đề cập tại Chương VIII Dự thảo Luật TPNCTN. Việc xây dựng riêng một chương để điều chỉnh riêng về thủ tục tố tụng đã thể hiện việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý NCTN vi phạm pháp luật nói riêng; phù hợp với các cam kết và khuyến nghị của quốc tế[5]. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại bất cập, cụ thể:
Nội dung Điều 14 Dự thảo quy định về bào chữa như sau:
“1. Người bị buộc tội là người chưa thành niên có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người chưa thành niên bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người chưa thành niên bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người chưa thành niên không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật...”.
Có thể hiểu, người bào chữa trong vụ án NCTN phạm tội là bắt buộc, ngoài ra người bào chữa còn phải đảm bảo thêm các tiêu chí về kiến thức, trường hợp nếu không có người bào chữa thì các cơ quan điều tra, xét xử sẽ tiến hành chỉ định người bào chữa. So với Điều 422 BLTTHS năm 2015 thì quy định này gần như trùng khớp hoàn toàn. Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế người bào chữa thường không được đào tạo để có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục về NCTN. Với luật sư chỉ định tuy đã được cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia bào chữa, nhưng nhiều luật sư lại chưa tích cực khi tham gia tố tụng, đôi khi còn chưa coi trọng việc bào chữa do chỉ định mà chỉ làm qua loa cho xong. Từ đó, ảnh hưởng đến bản chất, mục đích của việc bắt buộc phải có luật sư chỉ định, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cảm xúc của người phạm tội.
Kiến nghị: Bổ sung thêm quy định tại Điều 14 Dự thảo: “Kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận bào chữa, người đại diện của người chưa thành niên bị buộc tội bắt buộc phải tham gia các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, xét xử”.
[1] Theo Dự thảo 3 Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến người chưa thành niên của Tòa án nhân dân tối cao, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND283062.
[2] Nguyễn Thanh Huyền, Xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Sự khác biệt so với pháp luật hình sự Liên Bang Nga và kinh nghiệm cho Việt Nam, https://lsvn.vn/xu-ly-chuyen-huong-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-su-khac-biet-so-voi-phap-luat-hinh-su-lien-bang-nga-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-1710256385.html.
[3] Trần Kim Chi, Trần Tuấn Vũ, Xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội - Kinh nghiệm của Autralia đối với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 9/2022, tr.65-70.
[4] Xem thêm nội dung Dự thảo tại https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND326014.
[5] Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên, https://tapchitoaan.vn/mot-so-kho-khan-vuong-mac-trong-hoat-dong-cua-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien9163.html.
Băng nhóm cướp tài sản tại TP Vinh, Nghệ An chủ yếu là các thanh niên độ tuổi 14 - 18 tuổi - Ảnh: Thương Huyền
Bài liên quan
-
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Giữ quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng
-
Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
-
Tính nhân văn của chế định xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận