Hành vi cho vay và nhận bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng hình ảnh, phim khỏa thân và các chế tài có liên quan

Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi cho vay và nhận bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng hình ảnh, phim khỏa thân của người vay, từ đó, tác giả có một số kiến nghị có trong việc xử lý các hành vi đó.

Chiều ngày 01/9/2021, báo Thanh Niên đưa tin về việc “Cấn” ảnh khỏa thân để... vay tiền ở Việt Nam[1]. Thật ra, đây không phải là hiện tượng quá mới tại Việt Nam, mà đã xuất hiện ở nước ta từ năm 2020. Đầu năm 2021, báo Giao thông đã đưa tin về việc một nhóm cho vay và nhận thế chấp bằng ảnh, phim khỏa thân tại quận T đã bị bắt[2]. Đối với các quốc gia như Malaysia và Trung Quốc, thì hành vi trên đã phổ biến từ lâu. Tại Trung Quốc, vào năm 2016, hành vi trên đã ở mức báo động cao, mất kiểm soát. 

1. Quy định pháp luật có liên quan 

Trên thực tế, việc cho vay và nhận bảo đảm bằng hình ảnh, phim khỏa thân của người vay không dừng lại ở chính các hành vi đó, mà luôn có thêm một số hành vi đi kèm như, cho vay với lãi suất cao, cách xử lý của người cho vay khi người đi vay không trả được nợ và hậu quả gây ra cho người đi vay từ cách xử lý của người cho vay. 

1.1. Hành vi vi phạm liên quan đến lãi suất và các chế tài tương ứng

Trong vụ việc tại quận T, người đi vay chịu lãi suất với mức dao động từ 20% đến 40%/tháng (tức từ 240% đến 480%/năm). Tại Trung Quốc, mức lãi suất trong trường hợp tương tự cũng trong khoảng 25%/tháng (tức 300%/năm)[3]. Có trường hợp tại Trung Quốc có khi lãi suất lên đến 5.200%/năm[4]. Hiện nay, những hành vi cho vay với lãi suất cao như vậy tại Việt Nam là vi phạm quy định của pháp luật và sẽ phải chịu những chế tài có liên quan như sau:

Trước tiên, hành vi trên vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Cách xử lý về mặt dân sự là trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này, thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Nếu hành vi cho vay với lãi suất cao, nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự, thì chỉ bị xử lý hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình ( Nghị định số 167). Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định này quy định đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong vụ việc tại quận T nêu trên đã lên 240% đến 480%/năm. Như vậy, hành vi trên có thể bị xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định các điều kiện để áp dụng xử lý hành vi cho vay về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là: (1) lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS năm 2015 (tức lãi suất ít nhất 100%/năm của khoản tiền vay); (2) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản 2 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ [U1] 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

1.2. Các hành vi vi phạm từ cách xử lý của người cho vay khi người vay không trả được nợ và các chế tài tương ứng

Khi người vay chưa trả nợ hoặc chưa trả hết nợ, người cho vay thường xuyên hối thúc, gây áp lực để buộc người vay phải trả tiền nợ gốc, lãi. Tiếp theo hoặc cùng lúc đó, người cho vay lại đăng thông tin người vay, tìm và đăng thông tin về người thân của người vay lên mạng để tạo áp lực.

Hành vi này sẽ bị xem xét để xử lý hành chính, vì vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Khoản 1 Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP[5] quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó. Khoản 2 Điều 84 Nghị định này còn bổ sung quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Kèm theo các mức phạt như trên, thì người cho vay phải khắc phục hậu quả, bị buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Ngoài ra, nếu chủ thể cho vay tiêu dùng là công ty tài chính, thì hành vi trên còn vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN[6] (Thông tư số 43). Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ là do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Sau này, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN[7] (Thông tư số 18) đã quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó, số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định của Thông tư số 18 đã chi tiết hóa và không cho phép các công ty tài chính nhắc nợ, làm phiền đến tổ chức, cá nhân, người thân của người vay. Điều này vừa hợp tình, vừa hợp lý, trừ trường hợp giữa các bên có sự thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ theo quy định của Điều 370 BLDS năm 2015[8]. Chế tài đối với những chủ thể vi phạm quy định trên được quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP[9] (Nghị định số 15). Theo đó, đối với các hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác, mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngoài việc hối thúc, đe dọa bản thân người đi vay, người thân của họ, người cho vay còn đăng các đoạn phim, ảnh khỏa thân của người vay lên mạng để gây áp lực cho người vay và gia đình họ. Hành vi này bị xem là vi phạm quy định sau đây và phải chịu các chế tài tương ứng:

- Khi hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì sẽ bị xử lý hành chính theo khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15. Cụ thể, hành vi trên vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, nên bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng do có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

- Khi hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 326 BLHS năm 2015 về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Theo đó, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 GB; b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị; c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh; d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản 2 Điều này quy định khung hình phạt là xử phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Khoản 3 Điều này quy định khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, việc bị xử lý ở khung hình phạt nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố như dung lượng của file hình ảnh, phim khỏa thân của người đi vay; số lượng phim, ảnh; số lượng người được phổ biến các hình ảnh, phim khỏa thân đó. Cấu thành tội phạm này bao gồm 4 yếu tố:

Về chủ thể: Là những người cho vay trong các tình huống trên và có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Về mặt khách quan: Những người cho vay trong các tình huống trên đã có hành vi tạo ra, sao chép, lưu trữ, lan truyền, phát tán các hình ảnh, phim khỏa thân của người đi vay.

Về khách khể: Hành vi trên của những người cho vay đã xâm phạm trật tự công cộng kèm theo xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người đi vay.

Về mặt chủ quan: Những người cho vay trên đã có lỗi cố ý, có động cơ và mục đích phạm tội.

2. Một số quy định cần được điều chỉnh [NKBT2] 

Như phần trên đã phân tích, việc cho vay có nhận phim, ảnh khỏa thân làm tài sản bảo đảm không chỉ dừng ở chính những hành vi đó, mà thường đi kèm theo hành vi cho vay lãi suất cao, hành vi dùng chính những hình ảnh, phim khỏa thân đó để gây áp lực đối với người vay. Chính vì vậy, một số quy định cần được điều chỉnh và các kiến nghị sau đây có liên quan đến các hành vi đó.

Thứ nhất, cần bổ sung cụm từ “làm cho người vay tự sát” vào Điều 201 BLHS năm 2015 (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) và bổ sung cụm từ “làm nạn nhân tự sát” vào Điều 326 (tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy)

Mức lãi suất quá cao làm người vay lâm vào cảnh không thể trả được tiền vay và lãi phát sinh dù số tiền vay ban đầu có thể chỉ là một số tiền nhỏ (ví dụ ban đầu chỉ vay có 72 USD)[10]. Thực tế cho thấy, tại Trung Quốc, áp lực trả tiền vay với lãi suất cao, bị đòi nợ liên tục đã khiến người đi vay lâm vào tình trạng quẫn bách, họ đã chọn cái chết để “giải thoát”. Tại Việt Nam, tác giả Việt Phong, trong bài viết “Cần đúng luật khi thu hồi nợ” cho biết, có thông tin về khách hàng của một công ty tài chính tự tử, nghi do mất khả năng trả nợ và bị bên cho vay liên tục khủng bố đòi nợ[11]. Ngoài ra, việc bị đăng ảnh, phim khỏa thân lên mạng cũng làm cho người vay cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng và tìm cách tự sát. Theo Anh Minh[12], truyền hình Trung Quốc cho biết, đường dây cho vay nặng lãi khét tiếng ở nước này đã dẫn đến cái chết của 89 người và hàng trăm nghìn người khác là nạn nhân trước khi bị cảnh sát triệt phá vào năm 2019. Không ai trong chúng ta dám đảm bảo rằng, những vụ tự sát đã, đang, sẽ xảy ra tại Trung Quốc sẽ không xảy ra tại Việt Nam.

Việc đề xuất bổ sung cụm từ “làm cho người vay tự sát” vào tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và bổ sung cụm từ “làm nạn nhân tự sát” vào tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là phù hợp và cần thiết. Bởi lẽ, quy định về 2 tội này trong BLHS năm 2015 của Việt Nam chưa đề cập đến tình tiết tăng nặng có tính chất định khung hình phạt cao hơn khi người vay, nạn nhân tự sát. Trong Điều 130 (tội bức tử) và Điều 131 (tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát) của BLHS năm 2015, việc làm cho người khác tự sát là dấu hiệu để xác định tội danh của người có hành vi. Nhưng, tự sát là yếu tố có tính chất định khung hình phạt cao hơn được quy định tại 21 điều luật trong BLHS năm 2015[13], mà không được quy định trong Điều 201 BLHS năm 2015 (tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) và Điều 326 (tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy).

Thứ hai, quy định liên quan đến chế tài hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng cần được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp

Việc chỉnh sửa, bổ sung quy định liên quan đến chế tài hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng được đề cập tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167 bao gồm những nội dung cụ thể sau đây:

Nghị định số 167 đã được ban hành vào ngày 12/11/2013( cách đây gần 8 năm) nên mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng không còn tương xứng với hành vi vi phạm và chưa đủ sức giáo dục, răn đe người có hành vi vi phạm. Số tiền phạt này chỉ là một số tiền rất nhỏ, so với khoản lợi mà người vay nhận được từ việc cho vay với lãi suất cao. Chính vì vậy, việc quy định mức tiền phạt cần phải căn cứ theo sự thay đổi của đời sống xã hội và tương xứng với hành vi vi phạm, thì mới đủ sức giáo dục và răn đe. Hiện nay, Bộ Công an đã soạn thảo Dự thảo lần 2 của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình (Dự thảo) để thay thế Nghị định số 167. Khoản 5 Điều 12 của Dự thảo trên quy định về hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đã cho thấy sẽ có sự thay đổi về mức phạt trong quy định sắp tới. Cụ thể là, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: ... d) Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự; đ) Không đăng ký ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, để việc tăng mức phạt trên có sức thuyết phục hơn, thì tờ trình đính kèm dự thảo Nghị định nên có thêm phần giải thích về cơ sở để đưa ra mức phạt mới là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Nếu điểm d nêu trên của Dự thảo hướng đến mục tiêu chỉ áp dụng cho chủ thể là tiệm cầm đồ, thì việc chỉ dùng cụm từ “cầm cố tài sản” là phù hợp. Nhưng, ở điểm đ lại đề cập đến việc “không đăng ký ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố hoặc không cầm cố tài sản” thì sẽ bị phạt hành chính. Cách quy định trên có thể dẫn đến sự thắc mắc là, chế tài hành chính đó chỉ áp dụng cho chủ thể là tiệm cầm đồ hay đối với bất kỳ chủ thể cho vay nào ngoài tiệm cầm đồ. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai (quy định trên áp dụng cho tất cả các chủ thể cho vay mà không đăng ký ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự) thì hành vi cho vay kèm theo biện pháp thế chấp tài sản có phải là đối tượng xử lý của Nghị định sắp ban hành không khi họ dùng biện pháp bảo đảm khác biện pháp “cầm cố tài sản”. Trong khi đó, Điều 292 BLDS năm 2015 quy định đến 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[14]. Nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất (quy định trên chỉ áp dụng cho tiệm cầm đồ), thì điểm d đã đề cập đến, thiết nghĩ không cần quy định lặp lại. Chính vì vậy, để mang tính bao quát, điểm đ nêu trên nên được thiết kế lại theo hướng, xác định chủ thể nào sẽ thuộc trường hợp nêu ở điểm đ sẽ bị phạt. Nếu chủ thể đó là bất kỳ chủ thể nào mà không phải là tiệm cầm đồ thì quy định tại điểm đ nên được thiết kế lại theo hướng “tuy không đăng ký ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhưng có hành vi cho vay tiền mà có hay không có biện pháp bảo đảm kèm theo, nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Dự thảo đã không còn dùng cụm từ “lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Điều này là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 và xu thế chung trên thế giới. Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thực tế ở Việt Nam cho thấy, từ năm 2011 đến 2015, NHNN không còn công bố về lãi suất cơ bản nữa. Cũng theo đại biểu này, từ năm 2015 một số quốc gia đã dùng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản như Anh, Nhật, Hong Kong, Singapore[15]. Ông Nguyễn Văn Giàu, khi đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trên thế giới không có khái niệm lãi suất cơ bản mà chỉ có phổ biến 3 loại lãi suất, gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất qua đêm. Nếu Việt Nam vẫn giữ lãi suất cơ bản trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có thể gây khó khăn trong việc giao dịch với các quốc gia khác[16]. Bên cạnh đó, việc tiếp tục sử dụng cụm từ “lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố” tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành sẽ khiến cho việc xử phạt vi phạm hành chính có thể phải chậm trễ do phải liên hệ với Ngân hàng nhà nước để tìm hiểu về mức lãi suất cơ bản đó là bao nhiêu tại thời điểm vay để xác định có hay không có hành vi vi phạm hành chính.

Tựu trung lại, việc cho vay và nhận bảo đảm bằng ảnh, phim khỏa thân của chính người đi vay đã bắt đầu xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Thực trạng này vừa có liên quan đến việc cho vay lãi nặng, vừa có những đặc thù riêng (nhận bảo đảm bằng ảnh, phim khỏa thân của người đi vay) và những hệ lụy phát sinh từ cách xử lý những hình ảnh, phim khỏa thân đó của người cho vay. Chính vì vậy, để nhận diện và xử lý các hành vi có liên quan, chúng ta cần xem xét dưới nhiều khía cạnh như dân sự, hành chính, hình sự cho tương ứng với từng hành vi của người cho vay. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý hiện hành (hình sự, hành chính) là hết sức cần thiết, để việc phòng, chống phù hợp với thực tế hơn, đủ sức răn đe, giáo dục và đạt được hiệu quả cao trong việc phòng, chống vi phạm và tái phạm./.

 

 

 

[1] Phan Xuân (2021), “Cấn” ảnh khỏa thân để... vay tiền, https://thanhnien.vn/gioi-tre/ky-1-can-anh-khoa-than-de-vay-tien-1443097.html, báo Thanh Niên, đăng ngày 01/9/2021.

[2] Bùi Tư (2021), Bắt nhóm “tín dụng đen” dùng ảnh clip khỏa thân để đòi nợ gái bán dâm, báo Giao thông, https://www.baogiaothong.vn/bat-nhom-tin-dung-den-dung-anh-clip-khoa-than-de-doi-no-gai-ban-dam-d492773.html, đăng ngày 18/01/2021.

[3] Hồng Hạnh (2016), 170 cô gái Trung Quốc bị ép khỏa thân để thế chấp vay nặng lãi, https://vnexpress.net/170-co-gai-trung-quoc-bi-ep-khoa-than-de-the-chap-vay-nang-lai-3510487.html, đăng ngày 08/12/2016.

[4] Anh Minh (2021), Hé lộ vụ cho vay lãi suất 5.200% khiến 89 người phải tự sát ở Trung Quốc, https://tienphong.vn/he-lo-vu-cho-vay-lai-suat-5-200-khien-89-nguoi-phai-tu-sat-o-trung-quoc-post1324163.tpo, báo Tiền Phong, đăng ngày 30/3/2021.

[5] Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được ban hành ngày 03/02/2020.

[6] Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.

[7] Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN.

[8] Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ

1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. 2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

[9] Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

[10] V.Nguyễn-D.T, Hàng trăm cô gái bị ép dùng ảnh khỏa thân thế chấp để được vay lãi, https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Trung-Quoc-Hang-tram-co-gai-bi-ep-dung-anh-khoa-than-the-chap-de-duoc-vay-lai-i426300, đăng ngày 20/3/2017.

[11] Việt Phong (2020), Cần đúng luật khi thu hồi nợ, https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/can-dung-luat-khi-thu-hoi-no-617813, đăng ngày 24/9/2020.

[12] Anh Minh (2021), tlđd 5.

[13] Điều 141. Tội hiếp dâm (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân); Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình); Điều 143. Tội cưỡng dâm (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm); Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân); Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm); Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm); Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân); Điều 150. Tội mua bán người (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm);  Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi (làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân); Điều 155. Tội làm nhục người khác (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm); Điều 156. Tội vu khống (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm); Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm); Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm); Điều 327. Tội chứa mại dâm (cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân); Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (làm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan tự sát thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm); Điều 369. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (làm người bị hại tự sát, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm); Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật (dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật (làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm); Điều 373. Tội dùng nhục hình (làm người bị nhục hình tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm; Điều 374. Tội bức cung (làm người bị bức cung tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm); Điều 397. Tội làm nhục đồng đội (làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm).

[14] Đi20s:// BLDS năm 2015: Các bi//nhandan.vn/cung-suy-ngam/can-dung-luat-khi-thu-hoi-no-617813], đăng ngày 24- si sCđ b bi ci sCđ b bicược; 5. Ký quỹ; 6. Bảo lưu quyền sở hữu; 7. Bảo lãnh; 8. Tín chấp; 9. Cầm giữ tài sản.

[15] Quang Minh (2015), Đề nghị thay thế quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi), https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=29795, đăng ngày 25/6/2021.

[16] Nguyễn Hoàng Linh (2015), Nên bỏ lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự, https://plo.vn/thi-truong-tieu-dung/nen-bo-lai-suat-co-ban-trong-bo-luat-dan-su-562276.html, đăng ngày 16/6/2015.


 

 

NGUYỄN KIÊN BÍCH TUYỀN (Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM )