Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Đức C có phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?” của tác giả Vi Nhật Hoàng đăng ngày 22/8/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ ba: B phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS.
Theo quy định tại Điều 323 của BLHS: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở các hành vi như: Chuyển dịch quyền sở hữu như mua, bán, trao đổi, cho, tặng, sử dụng… tài sản cho người khác mà mình biết rõ tài sản này là do người đó phạm tội mà có. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
* Về mặt khách thể: Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, đồng thời gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
* Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý; có nghĩa người phạm tội phải biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp hoặc tiêu thụ. Mục đích không phải yếu tố bắt buộc khi xác định có phạm tội này hay không.
* Về mặt khách quan:
- Hành vi khách quan: Căn cứ để xác định người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dựa vào giá trị tài sản mà họ tiêu thụ. Vì nếu người có được tài sản đó nhưng không phải là do người khác phạm tội mà có, hoặc có hành vi của người có tài sản đó thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì chưa gọi là tài sản do phạm tội mà có. Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội.
- Hậu quả của hành vi phạm tội: xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VKSNDTC, TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua);
2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
Tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của TANDTC, trường hợp biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây: “ a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có); ... d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đối với vụ án trên, R do không có tiền tiêu xài nên R nảy sinh ý định đi tìm kiếm tài sản của người dân sơ hở để trộm cắp. Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 16/6/2023, R đi dọc đường bờ kè biển phía trước Trung tâm y tế huyện V thuộc xã L, huyện V, tỉnh K. thì phát hiện xe mô tô Yamaha, loại SIRIUS, biển kiểm soát 79H1-402.20 của anh Nguyễn Văn L đang dựng ở giữa bờ, không có ai trông coi. R lấy trộm xe và chạy về nhà cất giấu chờ tiêu thụ. Khi R thấy Trần Đức C đi ngang qua nên R gọi C lại và nói với C là mới trộm được xe mô tô, nhờ C mang xe đi bán. Bán được xe thì R sẽ cho C tiền. C đồng ý. Sau khi R trộm được xe mô tô thì R mới gặp C.
R và C không có sự hứa hẹn trước về việc R trộm được xe sẽ giao cho C đem đi bán, mà khi R trộm được xe rồi thì khi thấy C đi ngang qua mới nói là mới trộm được xe và kêu C mang xe đi bán rồi sẽ cho C tiền. C biết rõ xe mô tô là R trộm cắp là tài sản phạm tội mà vẫn đồng ý đem đi bán. Việc C không bán được xe do không có người mua xe nằm ngoài ý muốn của C. Do đó, hành vi của C đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS thuộc giai đoạn tội phạm đã hoàn thành.
Trên đây là một số quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của các độc giả.
TAND huyện Mang Yang, Gia Lai xét xử vụ án “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”- Ảnh: Thu Thảo
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận