Hành vi của Trần Văn H đủ cơ sở cấu thành tội Vô ý làm chết người

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn H phạm tội Giết người do vô ý hay phạm tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” của tác giả Phạm Hoài Ngân đăng ngày 01/12/2023, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.

Theo Điều 4 Luật Thủy sản 2017 quy định, nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy nguồn lợi thủy sản do Nhà nước quản lý và bảo vệ, việc sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, dù vì mục đích gì, đều là vi phạm pháp luật.

Trong vụ án trên, hành vi dùng kích điện tự chế đánh bắt cá ở khu vực ao chung của H làm cháu C tử vong là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017. Tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản là: “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”. Như vậy, việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản của H là hành vi bị nghiêm cấm, không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản thậm chí còn làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Đồng thời, hành vi vi phạm pháp luật của H trong trường hợp này còn gây thiệt hại đến tính mạng cho cháu C.

Căn cứ vào yếu tố lỗi và các yếu tố khách quan như vị trí, thời gian, mật độ người qua lại, biện pháp cảnh báo ngăn ngừa khi sử dụng kích điện, mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả chết người với hành vi vi phạm pháp luật thì hành vi của H đủ cơ sở cấu thành tội Vô ý làm chết người, cụ thể:

Thứ nhất, về yếu tố lỗi và vị trí, thời gian, mật độ người qua lại và biện pháp cảnh báo ngăn ngừa:

Trong vụ án này, H đã có hành vi dùng bộ kích điện tự chế để đánh bắt cá ở khu lưu vực ao chung của thôn T, huyện X, tỉnh B. Ao mà H đặt kích điện để khai thác cá mặc dù là nơi xa khu dân cư, vắng vẻ và có rất ít người qua lại. Nhưng khi H đặt kích điện để bắt cá và đi về nhà, H không nhờ ở lại ao chung canh gác và cũng không để lại biển báo nhắc nhở mọi người không qua lại gần khu vực ao này. Hành vi này của H biết là nguy hiểm nhưng vẫn bỏ mặc hậu quả xảy ra, đây là tình huống mà về mặt khách quan, người thực hiện hành vi mắc điện nhận thức được hoàn cảnh là nơi có nhiều người qua lại, khả năng cao gây chết người nhưng người đó vẫn lựa chọn thực hiện hành vi trên với lỗi cố ý gián tiếp.

Hành vi của H thể hiện ở dạng không hành động, mặc dù người đó có nghĩa vụ phải làm để đảm bảo sự an toàn tính mạng người khác trong khi có điều kiện thực hiện và đã dẫn đến hậu quả chết người trên thực tế. Như vậy, xét về dấu hiệu lỗi trong trường hợp này thì H có lỗi vô ý với việc gây ra cái chết cho cháu C.

Thứ hai, mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả chết người với hành vi vi phạm pháp luật

Hậu quả chết người là hậu quả thực tế, xuất phát từ lỗi của người thực hiện và có mối quan hệ nhân quả với nhau. Người thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra mặc dù không mong muốn hậu quả đó xảy ra trên thực tế. Hậu quả chết người mà H gây ra là vô cùng nghiêm trọng, nếu truy tố, xét xử H về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 242 BLHS năm 2015 là làm chết người và phải chịu mức hình phạt là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm là chưa đủ sức răn đe, chưa phù hợp với hậu quả mà H gây ra. Do vậy cần phải truy tố, xét xử hành vi của H về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 128 BLHS năm 2015 mới đủ sức răn đe và bảo đảm phù hợp với dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm.

Trên đây là quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

* Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận

Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu xét xử vụ án chống người thi hành công vụ - Ảnh: Hoàng Hiệp

TRẦN THỊ NHẬT VI*