Huyện Trần Đề & Trường THPT Tam Dương
Trần Đề - Đổi thay sau một thập kỷ hình thành và phát triển
Tháng 4-2010, huyện mới Trần Đề gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã (điều chỉnh địa giới hành chính của hai huyện: Long Phú và Mỹ Xuyên) được công bố thành lập và đi vào hoạt động. Từ một vùng đất nghèo khó, sau 10 năm, Trần Đề đang đổi thay từng ngày, những con đường thênh thang rộng thoáng nối liền với các địa phương trong và ngoài tỉnh, những cánh đồng lúa đặc sản, khu nuôi tôm công nghệ cao, cảng cá, bến tàu cao tốc… cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề, đã chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đưa Trần Đề vươn lên trở thành một huyện phát triển khá của tỉnh Sóc Trăng.
Đội tàu khai thác biển của huyện Trần Đề ngày một đông đúc, to lớn và hiện đại hơn
Ngồi chờ đến giờ lên tàu xuất phát đi Côn Đảo, anh Nguyễn Văn Nông ở xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) chia sẻ với chúng tôi: Cha của anh là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và hy sinh ở nhà tù Côn Đảo. Trước đây muốn đi ra thăm và thắp hương lên phần mộ rất khó khăn, 3 đến 4 năm mới đi được 1 lần; giờ đây nhờ có chuyến tàu cao tốc Superdong, Express đi từ Trần Đề đến Côn Đảo chỉ mất gần 2 giờ là đến nơi. Vì vậy, mỗi năm gia đình anh đều đi Côn Đảo một lần để tảo mộ và du lịch. Anh Nông tâm sự: “Gia đình tôi trước đây cũng thuê vuông nuôi tôm ở khu vực Mỏ Ó. Khi ấy, nơi này còn hoang vu lắm. Chỉ hơn 10 năm mà Trần Đề đã phát triển đến không ngờ. Đường sá, thương mại, dịch vụ phát triển không thua gì ở thành phố”. Còn một chủ doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh thổ lộ: “Doanh nghiệp của chúng tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của vùng biển Trần Đề nên đã đầu tư một xưởng sửa chữa, đóng tàu tại thị trấn Trần Đề để đóng tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ và phục vụ cho các công trình, dự án phát triển kinh tế biển”.
Theo đồng chí Lưu Hữu Danh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Trần Đề: Thời điểm thành lập huyện, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém. Vượt qua những khó khăn của một huyện mới thành lập, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Trần Đề đã bắt tay vào thực hiện ngay các nhiệm vụ trước mắt như hoạch định các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Trần Đề đã nỗ lực đưa kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 230 triệu đồng (tăng 90 triệu đồng so năm 2010). Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề và chuyển dần từ thuần nông sang mở rộng ngành nghề phi nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.500 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng chiếm 99,7%, tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,8% (có 64,86% hộ sử dụng nước sạch).
Đặc biệt là sau 10 năm thành lập huyện, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống giao thông của Trần Đề phát triển toàn diện với tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, 4 tuyến đường tỉnh: 933B, 934, 935, 936B đi qua nối liền các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu; 8 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 93,4km; đường đô thị thuộc thị trấn Trần Đề và thị trấn Lịch Hội Thượng và 275 tuyến đường giao thông nông thôn xã liền xã, ấp liền ấp với tổng chiều dài 446,7km. Hệ thống thủy lợi, đê bao, kè ngăn mặn, chống sạt lở, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đến cuối năm 2020, huyện Trần Đề có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Trần Đề và thị trấn Lịch Hội Thượng đạt 22/24 tiêu chí văn minh đô thị. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều tiến bộ mới, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư được tăng lên.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, theo đồng chí Lưu Hữu Danh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trần Đề, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu phát triển trong 5 năm tới là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền. Tranh thủ tối đa cơ hội và điều kiện thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đột phá về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, tăng thu ngân sách; nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phấn đấu xây dựng Trần Đề sớm trở thành huyện nông thôn mới và là đô thị loại IV.
Là huyện ven biển, hướng đến, Trần Đề sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ có hiệu quả và an toàn, góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh, an toàn chủ quyền vùng biển; đầu tư mở rộng Cảng cá Trần Đề (giai đoạn 2); phát triển nuôi thủy, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ và du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, với lợi thế có 12km bờ biển, hàng loạt các dự án trọng điểm của quốc gia đang được dự tính đầu tư trên địa bàn huyện Trần Đề như: Cảng biển nước sâu Trần Đề, điểm cuối đường cao tốc, đường quốc phòng, đường ven biển cùng với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ là cơ hội để huyện Trần Đề tăng tốc phát triển trong tương lai gần.
Một công trình trọng điểm đang được Trần Đề đẩy nhanh tiến độ thi công là Khu thương mại kinh tế biển Trần Đề. Nằm ở phía đông thị trấn Trần Đề và trải dài theo hướng Đông - Tây, Khu thương mại kinh tế biển Trần Đề có tổng diện tích 36 ha, bao gồm các cụm qui hoạch khu thương mại, các khu phố và khu dân cư cho người có thu nhập thấp… đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho từ 1.300 - 1.400 hộ dân. Dự án hiện đang được triển khai thi công giai đoạn 1 trên diện tích 6 ha. Với vị trí phía tây tiếp giáp với tuyến đường nam sông Hậu, phía đông giáp với sông Hậu nên Khu thương mại kinh tế biển Trần Đề rất thuận tiện cho cả hai hệ thống giao thông thủy và bộ, kết nối với Dự án Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, vừa khai thác tiềm năng kinh tế biển, vừa phát triển thương mại dịch vụ ven biển của Trần Đề.
Một chặng đường mới đã mở ra, hòa trong không khí hân hoan của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nô nức chuẩn bị đi bầu cử để chọn ra những nhân tài cho đất đước, cho quê hương, tự hào với những thành tựu đạt được qua 10 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Đề tự tin bước vào giai đoạn mới, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn và thách thức, tiếp tục phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương Trần Đề phát triển nhanh, bền vững.
Trường THPT Tam Dương ( Vĩnh Phúc )
quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo
Ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, các thầy cô giáo Trường THPT Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực xây dựng kế hoạch giáo dục; giúp HS kế hoạch hóa việc học tập ở mức độ vừa rèn luyện toàn diện và chuyên sâu kiến thức, phát triển tốt phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới; quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo”.
Năm học 2020 – 2021, trường THPT Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc có: 74 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV NV), về trình độ: 100% đạt chuẩn, trong đó có 42 trình độ trên chuẩn, 01 Giáo viên trung học Cao cấp, 01 Hạng I, 53 Hạng II; Chi bộ Đảng gồm 40 đảng viên, với 02 Cao cấp chính trị, 14 Trung cấp chính trị. Về HS: tổng có 30 lớp với 1.177 em, trong đó 398 HS lớp 10, là những HS ưu tú của các trường THCS trên địa bàn, đã nỗ lực phấn đấu học tập và vinh dự trở thành học sinh của trường THPT Tam Dương. Đây là một sự lựa chọn rất quan trọng và sáng suốt của các em khi được học tập tại ngôi chuẩn chuẩn quốc gia, trường kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ cao nhất trong tốp đầu các trường THPT tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường rộng và khang trang với: diện tích 2,5 ha; có 05 khu nhà lớp học cao tầng với 49 phòng học, trong đó 31 phòng học lý thuyết được trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, kết nối Internet; đủ các phòng học bộ môn: 01 phòng học ngoại ngữ, 03 phòng học tin học, Nhà rèn luyện thể chất, nhà Thư viện truyền thống, bể bơi, sân chơi bãi tập. Quang cảnh môi trường sư phạm nhà trường “Xanh – Sạch – Đẹp” và thân thiện, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng với công tác giáo dục và đào tạo.
Nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Phan Hồng Hiệp – Hiệu trưởng trường THPT Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Năm học 2020 – 2021, trường THPT Tam Dương tích cực thực hiện tốt 09 nhiệm vụ chủ yếu và 05 nhóm giải pháp cơ bản; trong đó đặc biệt chú trọng: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cấp cơ sở. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD; Chú trọng xây dựng “Trường học Hạnh phúc”…
Đồng thời, trường THPT Tam Dương sẽ tăng cường hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, như: phối hợp mời chuyên gia giáo viên nước ngoài về giảng dạy Ngoại ngữ, tiến tới tổ chức thành công chương trình Quốc tế hóa Giáo viên, Quốc tế hóa học sinh…
Thầy giáo Phan Hồng Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển trường THPT Tam Dương trong giai đoạn mới, toàn thể các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng đến mức cao nhất và tạo ra một sự đoàn kết nhất trí để phát huy sức mạnh nội lực của mỗi thành viên trong nhà trường.
Do đó, ngay từ đầu năm học, mỗi thầy cô giáo nhà trường đã tích cực xây dựng Kế hoạch giáo dục của mình; đồng thời giúp đỡ HS kế hoạch hóa việc học tập của các em ở mức độ vừa rèn luyện toàn diện, vừa chuyên sâu kiến thức, phát triển tốt phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới; quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo”.
Xứng danh Trường trọng điểm chất lượng cao của huyện Tam Dương
Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Tam Dương, thầy giáo Phan Hồng Hiệp chia sẻ: Năm học 2019 - 2020 vừa qua, một năm học lịch sự chưa từng ghi nhận với thời gian kéo dài do tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhưng phát huy truyền thống giáo dục vẻ vang của mái trường 54 năm xây dựng và phát triển. Cùng với việc nhà trường luôn nhận được sự quan tâm: chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy – UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc; sự phối hợp, ủng hộ của các bậc PHHS; sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể CBGV NV và sự nỗ lực tu dưỡng đạo đức, học tập của các em HS; trường THPT Tam Dương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.
Theo đó, tổng kết năm học 2019 - 2020, các em HS trường THPT Tam Dương tiếp tục khẳng định được truyền thống và xứng đáng với vị thế trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm chất lượng cao của huyện Tam Dương, của tỉnh Vĩnh Phúc, với: 43 giải học sinh giỏi (HSG) văn hóa cấp Tỉnh lớp 12 được Sở Giáo dục biểu dương (09 Nhì, 10 Ba, 24 KK- Lưu ý: do tình hình dịch bệnh, lớp 10, 11 không tổ chức thi HSG cấp tỉnh); 01 giải Nhất và 01 giải Ba Cuộc thi KHKT cấp Tỉnh được Sở Giáo dục biểu dương; 06 Huy chương HKPĐ cấp tỉnh (2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng); 04 giải Hội thao GDQP- AN cấp tỉnh (01 Nhất, 01 Nhì, 01 Ba, 01 KK).
Ngoài ra, kết quả xếp loại Hạnh kiểm HS đạt 98,8% loại khá, tốt (trong đó loại tốt: 86,32%); kết quả Học lực đạt 71,52% loại khá, giỏi (trong đó loại giỏi: 9,21%), không có học sinh lưu ban. Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020: đạt 100%, điểm TB đạt 6,96 điểm xếp thứ 07 toàn tỉnh Vĩnh Phúc, tăng 02 bậc so với năm học trước.
Song song với đó, kết quả thi Đại học của học HS nhà trường đạt điểm trung bình 03 môn thi ĐH là 23,24 điểm; trong đó điểm trung bình theo khối thi là: Khối A: 23,23 điểm; Khối C: 24,3 điểm; Khối D: 22,73. Đặc biệt có 22 HS ưu tú đạt thành tích xuất sắc đạt từ 27,0 điểm trở lên; trong đó có 3 HS đạt đồng thời 27,0 điểm cho hai khối xét ĐH.
Ghi nhận và biểu dương thành tích giáo dục và đào tạo mà trường THPT Tam Dương đạt được năm học 2019 – 2020, các tập thể và cá nhân nhà trường được khen tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Chi bộ Đảng đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh được Huyện ủy Tam Dương tặng khen; Nhà trường được Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc tặng khen; Công đoàn được Công đoàn Ngành GD tặng khen; Đoàn Thanh niên được Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc khen. 06/06 tổ chuyên môn, tổ Văn phòng của nhà trường đạt danh hiệu Tập thể tiên tiến xuất sắc.
Nhiều giáo viên trường THPT Tam Dương được khen thưởng có thành tích cao trong công tác giáo dục năm học 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, nhà trường có nhiều GV dạy giỏi các cấp, được biểu dương khen thưởng: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 01 GV; có 01 GV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 03 thầy cô được tặng Bằng khen cấp tỉnh Vĩnh Phúc; 11 CBGV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 12 CBGV được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen; 02 cô giáo đạt danh hiệu Điển hình tiên tiến Ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 5 năm (2015 - 2020); 03 cô giáo được tham dự vòng 3 Hội thi GV giỏi cấp Tỉnh các môn KHXH (đạt 01 Nhất, 01 Nhì, 01 Ba);…
Phát huy thành tích đã đạt được, năm học 2020- 2021 nhà trường đã tiếp tục tăng cường đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục, “Lấy chất lượng thực làm động lực cho sự phát triển giáo dục” với nhiều giải pháp mới có tính đột phá nhằm xây dựng tốt vị thế và thương hiệu của nhà trường. Công tác bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL đạt hiệu quả cao. Kết quả xếp loại Hai mặt HS tiếp tục được duy trì ổn định và tăng trưởng dương; số lượng và chất lượng các Kỳ thi, cuộc thi HSG cấp tỉnh và các sân chơi trí tuệ khác tiếp tục được nâng lên, được Sở Giáo dục biểu dương và đánh giá cao, tiêu biểu như: đạt 142 giải HSG văn hóa cấp tỉnh (trong đó có 06 giải HSG lớp 12 cấp tỉnh Bảng thi Chuyên; tổng toàn trường, gồm: 03 Nhất, 33 Nhì, 60 Ba, 46 KK). Đạt 01 giải Ba cấp tỉnh cuộc thi nghiên cứu KHKT. Đặc biệt đạt 04 KK quốc gia cuộc thi Violympic Toán, Lý trên mạng Internet với 03 giải KK môn Toán, 01 KK môn Vật lý, 02 em được nhận phần thưởng tốp 20 cả nước, và nhiều giải thưởng quan trọng khác… Nhà trường đã và đang nỗ lực và quyết tâm cao để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2020- 2021, nâng cao chất lượng Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét ĐH, CĐ năm 2021, Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10- THPT năm học mới 2021- 2022 sắp tới.
Đến nay, trường THPT Tam Dương là: trường Chuẩn Quốc gia; đạt Kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3 (cao nhất), là 01 trên 09 trường THPT trọng điểm chất lượng cao trong khối THPT của tỉnh Vĩnh Phúc; liên tục đạt danh hiệu Trường Tiên tiến Xuất sắc, Tập thể Lao động Xuất sắc được các cấp tặng khen. Nhà trường vinh dự được tặng thưởng 03 Huân chương Lao động các hạng: Hạng Nhất năm 2016; Hạng Nhì năm 2006; Hạng Ba năm 2001.
Với những thành tích giáo dục và đào tạo mà các thế hệ thầy và trò trường THPT Tam Dương đã đạt được trong thời gian qua; sẽ là tiền đề, tạo thế và lực để nhà trường phát triển bền vững, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo” trong thời gian tới và giai đoạn tiếp theo.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận