Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự
Lẽ công bằng là một nguồn luật, có thể được sử dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự khi chưa có luật áp dụng, không có thỏa thuận giữa các bên hay không có án lệ... Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện chế định về áp dụng lẽ công bằng là vô cùng cần thiết, góp phần tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng và chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
1. Khái quát về áp dụng lẽ công bằng
Lẽ công bằng lần đầu tiên được quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và được coi là một loại nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng lẽ công bằng còn hạn chế vì nó chỉ được áp dụng khi không thể áp dụng các loại nguồn khác.
Khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Như vậy, việc xác định và đánh giá thế nào là lẽ công bằng một phần dựa trên “cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận”, nhưng trên thực tế nó còn phụ thuộc vào quan điểm và nhận định của Hội đồng xét xử.
Từ quy định này, nhóm tác giả cho rằng lẽ công bằng có một số đặc điểm cơ bản sau:
Một là, lẽ công bằng phải là lẽ phải, là những điều hợp tình, hợp lý, phù hợp với các quy tắc xử sự, chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Hai là, lẽ công bằng phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, tức là phải được đa số mọi người công nhận là đúng, là phù hợp. Đặc điểm này đảm bảo lẽ công bằng được đánh giá một cách khách quan bởi đại đa số quần chúng nhân dân mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng, để tránh tình trạng lạm quyền hoặc không vô tư khách quan trong quá trình xét xử.
Ba là, lẽ công bằng phải phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự. Đặc điểm này hướng tới tránh sự tùy tiện khi áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự bởi theo nguyên tắc này, lẽ công bằng phải là những giá trị tốt đẹp, nhân văn và phải cân bằng được quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ việc dân sự đó.
- Về điều kiện và nguyên tắc áp dụng lẽ công bằng:
Lần đầu tiên nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng ở nước ta được ghi nhận trong BLDS năm 2015, điều đó có nghĩa là nguyên tắc này chỉ được áp dụng trong các quan hệ pháp luật dân sự, Tòa án chỉ áp dụng lẽ công bằng theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật này. Việc áp dụng lẽ công bằng không thể không áp dụng đồng thời với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015, bởi lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp dân sự đã vượt ra ngoài phạm vi của luật dân sự, nhưng nó phù hợp với đặc điểm, bản chất và nguyên tắc chung của quan hệ dân sự.
Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự cần tuân thủ các điều kiện sau:
Một là, lẽ công bằng chỉ được áp dụng cho các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực dân sự. Việc áp dụng lẽ công bằng trong lĩnh vực hành chính, hình sự chỉ dừng lại ở việc đó là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm cho các chủ thể.
Hai là, các bên tranh chấp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được với nhau; pháp luật không có quy định hoặc có quy định không rõ ràng, đầy đủ về vấn đề đang được giải quyết; không thể áp dụng tương tự pháp luật và không có án lệ. Điều 6 BLDS năm 2015 chỉ quy định được áp dụng lẽ công bằng khi “pháp luật không có quy định” mà không đề cập đến trường hợp luật quy định không đầy đủ hoặc không rõ ràng. Vì thế, chúng tôi thấy việc áp dụng lẽ công bằng cũng cần được khai thác khi pháp luật có quy định nhưng quy định đó không rõ ràng (lúc này có thể coi đây là trường hợp “pháp luật không có quy định rõ ràng”) hay các quy định của pháp luật chồng chéo nhau dẫn tới cách vận dụng pháp luật khác nhau (lúc này có thể coi đây là trường hợp “pháp luật không có quy định về sự chồng chéo giữa các quy định”).
Ba là, việc áp dụng lẽ công bằng phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, thậm chí trong những vụ việc tương tự nhau thì việc áp dụng lẽ công bằng cũng không thể giống nhau. Bởi áp dụng lẽ công bằng đòi hỏi phải có sự chú trọng đến các yếu tố riêng biệt trong từng vụ việc, nếu áp dụng tương tự nhau sẽ gây nên tình trạng “cào bằng” và không đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc.
- Về nguyên tắc áp dụng lẽ công bằng:
Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về nguyên tắc áp dụng lẽ công bằng, tuy nhiên trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả đi sâu vào nghiên cứu 03 nguyên tắc cơ bản nhất trong việc áp dụng lẽ công bằng theo hệ thống pháp luật dân sự ở nước ta, cụ thể:
Thứ nhất, nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị: Có thể nói, đây là nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật dân sự nói riêng. Cũng như các quy định khác, khi áp dụng, lẽ công bằng cũng được thực hiện theo một trình tự, thủ tục tố tụng nhất định, bảo đảm cho việc xem xét công khai, công bằng; không tồn tại những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình giải quyết vụ việc như áp đặt, gợi ý trước nhằm làm sai lệch bản chất của vụ việc dân sự đang được giải quyết. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề bảo đảm sự vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng tại Điều 16, theo đó: “Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên;... không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện quyền hạn của mình”.
Ngoài ra, tại Điều 12 Bộ luật này còn quy định Thẩm phán và Hội thẩm phải xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm được thể hiện thông qua các phán quyết của Tòa án đối với bất kì vụ án nào, đối với bất kì cấp xét xử nào khi được đưa ra phải đảm bảo sự vô tư, khách quan, không chịu sự tác động của bất kì cá nhân, tổ chức nào. Các phán quyết đó phải dựa vào sự thật khách quan của vụ án và các quy định của pháp luật; bất kì một cá nhân, tổ chức nào khi bị xét xử đều được thực hiện bởi Tòa án xét xử độc lập, không thiên vị và công khai. Tòa án độc lập, không thiên vị là một nội dung quan trọng trong việc vận dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự.
Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự: Điều 3 BLDS năm 2015 quy định: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kì lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Quy định này có nghĩa đã là chủ thể trong các quan hệ dân sự thì đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa, không có bất kỳ sự phân biệt nào.
Thứ ba, việc áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết vụ việc dân sự phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rõ thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự từ Điều 26 đến Điều 34; trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì trình tự giải quyết được quy định từ Điều 43 đến Điều 45. Điều này cho thấy áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự phải được thực hiện theo một tình tự, thủ tục nhất định mà nếu không tuân thủ trình tự đó thì có thể sẽ thuộc trường hợp “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, dẫn đến hủy bản án để xét xử lại từ đầu.
- Về thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng: Theo quy định hiện hành, thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng thuộc Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ việc đó và thuộc tất cả các cấp Tòa án. Khi áp dụng lẽ công bằng, Tòa án có vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tranh tụng và tuân theo những nguyên tắc, thủ tục tố tụng. Việc áp dụng lẽ công bằng đòi hỏi thành viên Hội đồng xét xử phải có trách nhiệm, trình độ, kỹ năng cần thiết thì mới có thể vận dụng một cách đúng đắn nhất, nhằm bảo đảm tốt nhất sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự, bảo đảm sự chính xác trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng của vụ việc dân sự đó.
2. Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử của một số quốc gia trên thế giới
Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về lẽ công bằng, nhưng thực tế, lẽ công bằng đã được nhiều quốc gia công nhận và áp dụng trong thực tiễn xét xử của Tòa án, điển hình là các quốc gia theo hệ thống Common Law. Nghiên cứu quy định về lẽ công bằng trong pháp luật Anh cho thấy, các nguyên tắc của luật công bình là những luật lệ được xây dựng bởi các Tòa Đại pháp qua nhiều thế kỷ. Nhận thấy, “trong khi thông luật quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc thì luật công bình cá nhân được cai quản bởi Tòa Đại pháp lại quan tâm đến việc xem xét lương tâm của từng bị đơn. Hơn nữa, vai trò của luật công bình là để điều chỉnh bất kì sự bất công nào khả dĩ xảy ra do việc áp dụng cứng nhắc thông luật. Như Lord Ellesmere đã nói mục tiêu thứ hai của Tòa Đại pháp là làm mềm mại và dịu lại sự nghiêm khắc của pháp luật”.
Như vậy, từ thế kỷ XV, nguyên tắc công bằng đã dần trở thành một hệ thống pháp luật tồn tại song song và bổ sung cho hệ thống thông luật tại Anh. Họ có Tòa án riêng để xét xử theo nguyên tắc công bằng mà nền tảng là công lý tự nhiên, coi trọng ý chí đích thực của các bên, sự ngay tình của các bên trong giao dịch và có thể bỏ qua các thỏa thuận bằng văn bản hay các quy định cứng nhắc về hình thức giao dịch của thông luật, thậm chí nguyên tắc công bằng còn được ưu tiên áp dụng.
Với các nước áp dụng hệ thống thông luật, trong trường hợp vụ án phát sinh mà không có tiền lệ pháp, không có luật thành văn hay tập quán pháp thì Thẩm phán chính là chủ thể tạo ra luật bằng cách sử dụng lẽ phải, lẽ công bằng. Nhiều quốc gia theo hệ thống Civil Law cũng đã và đang áp dụng tinh thần tiến bộ của nguyên tắc này như Pháp, Đức, Thụy Sĩ... “Theo kinh nghiệm các nước, kể cả các nước có nền tư pháp lâu đời và phát triển, xét xử theo lẽ công bằng là việc khó khăn và phức tạp của Tòa án/Thẩm phán, bởi lẽ nguyên tắc hàng đầu của Thẩm phán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, và khi không có cơ sở luật định, Thẩm phán buộc phải dựa vào nhận thức và lương tâm của mình về lẽ công bằng để xét xử”.
Bộ Dân luật Thụy Sĩ quy định: “Thẩm phán áp dụng các quy tắc luật pháp và sự công bằng mỗi khi luật dành cho Thẩm phán quyền quyết định hay tuyên án tùy theo trường hợp hoặc lý do chính đáng”.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự
Khoản 3 Điều 45 BLDS năm 2015 ghi nhận lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó, nhưng việc xác định như thế nào là “lẽ phải, được mọi người trong xã hội thừa nhận, không thiên vị và bình đẳng” lại là điều không dễ dàng. Mỗi cá nhân có thể có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề khác nhau nên để đạt được sự thừa nhận của mọi người trong xã hội là một vấn đề khó khăn, trong khi đó chế định này lại chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Để áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử các vụ việc dân sự được hiệu quả, nhóm tác giả đề xuất như sau:
Thứ nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, tuy nhiên, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản và lẽ công bằng để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng, giải quyết các vụ việc dân sự trong toàn ngành Tòa án cũng như sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết vụ, việc dân sự. Chẳng hạn như cần xác định rõ hơn cụm từ “lẽ công bằng”, để dựa vào đó các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có nhận thức thống nhất về khái niệm này, tránh sự suy diễn chủ quan của các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ hai, dựa trên quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả cho rằng việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử ở nước ta có thể được áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự sau:
Một là, về điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng tại Điều 406 BLDS năm 2015. Điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Để bảo đảm sự công bằng cho các bên chủ thể, BLDS đã quy định điều kiện giao dịch chung phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, trường hợp có tồn tại sự bất bình đẳng thì hợp đồng đó sẽ bị vô hiệu. Những tranh chấp về điều kiện giao dịch chung thường tồn tại ở nhiều lĩnh vực nên pháp luật không hoàn toàn giải quyết triệt để các vấn đề đó, trong trường hợp này, có thể áp dụng lẽ công bằng để giải quyết nếu đáp ứng được các điều kiện áp dụng.
Hai là, vấn đề tặng cho tài sản có điều kiện theo Điều 462 BLDS năm 2015: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho”. Bản chất của quy định này được thể hiện như một hợp đồng có đền bù; thực tế cho thấy điều luật này còn quy định một cách chung chung và chưa hoàn thiện về điều kiện tặng cho, gây khó khăn cho các Tòa án trong quá trình giải quyết. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về “điều kiện tặng cho là gì?”, “điều kiện đó có bắt buộc phải mang lại lợi ích cho bên tặng cho hoặc chủ thể thứ ba khác hay không?”, “các điều kiện đó có gây bất lợi cho bên nhận tặng cho hay không?”, do vậy, cơ quan xét xử nên theo hướng nếu các bên đã giao kết hợp đồng tặng cho tài sản và có thỏa thuận về điều kiện tặng cho như quy định tại Điều 462 BLDS năm 2015 thì hoàn toàn có thể áp dụng lẽ công bằng để giải quyết. Điều này có nghĩa là trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng tặng cho có điều kiện mà Hội đồng xét xử xét thấy những điều kiện đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận tặng cho hoặc chủ thể thứ ba thì Hội đồng xét xử hoàn toàn có thể vận dụng lẽ công bằng để giải quyết theo hướng làm giảm bớt các nghĩa vụ mà người nhận tặng cho phải thực hiện, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng ý chí của người tặng cho tài sản.
Ba là, Điều 602 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Quy định tại điều luật này chưa bao quát hết những thiệt hại về môi trường, bởi lẽ thiệt hại về môi trường có yếu tố khác biệt so với thiệt hại về tài sản thông thường. Cách xác định thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm cũng không đơn giản bởi khi môi trường bị ô nhiễm, thiệt hại thường chỉ xảy ra sau một khoảng thời gian nhất định. Việc xác định nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tương lai, những thiệt hại lâu dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân là vô cùng khó khăn, phức tạp. Do đó, quy định này theo hướng chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi, bởi lẽ trong hoạt động sản xuất, hành vi xả thải ra môi trường đã đem lại cho họ những lợi ích vật chất nhất định; nên khi có hành vi gây thiệt hại thì chủ thể gây ra ô nhiễm phải bồi thường và điều này là phù hợp với lẽ công bằng. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, Tòa án có thể áp dụng lẽ công bằng để giải quyết trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ để xác định mức bồi thường cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể có liên quan.
Theo Kiemsat.vn
Một vụ tranh chấp đất đai do Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xét xử - Ảnh: PV
Bài liên quan
-
Quyền con người, lẽ công bằng: từ Châu bản triều Nguyễn đến pháp luật quốc tế
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Về nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng
Kiến nghị bãi bỏ quy định về áp dụng lẽ công bằng trong BLDS và BLTTDS năm 2015 -
Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và án lệ: Góc nhìn từ Cộng hòa Pháp và tham khảo cho Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận