Bàn về nguyên tắc suy đoán vô tội

Suy đoán vô tội hay giả định vô tội (The presumption of innocence) là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nội dung cốt lõi của nguyên tắc cho rằng mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.

Suy đoán vô tội là nguyên tắc có tính nền tảng của tố tụng văn minh, vì thiếu nó chúng ta không thể đạt được nền tư pháp công bằng và nhân đạo. Là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người, nguyên tắc suy đoán vô tội được đánh giá được nhiều quốc gia coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự.

1.Khái niệm nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguồn gốc của thuật ngữ “suy đoán” bắt nguồn  từ  tiếng Latin “praesumptino” hay trong tiếng Anh “presump” được hiểu là coi vấn đề, hiện tượng nào đó là đúng đắn cho đến khi chưa có lý do bác bỏ  vấn đề, hiện tượng đó. Từ điển Longman nêu rõ trong lĩnh vực pháp luật, “presump” được hiểu là “chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng”[1]. Trong  tiếng  Anh,  thuật  ngữ  “suy  đoán  vô  tội” được  dịch  từ  “presumption  of innocence” trong  các  tài  liệu  khoa  học  hay  cụm  từ  “the  right  to bepresumed innocent” trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Cội nguồn của nguyên tắc này từ thời La Mã cổ đại khi Hoàng đế La Mã Justinian (thế kỷ VI tr.CN) ban hành một bản tóm lược Luật La Mãđược gọi là “Digest of Justinian”, trong đó có quy định về nguyên tắc chung liên quan đến chứng minh thuộc về bên tố tụng (dân sự) “Ei incumbit probatio qui dicit, non qui negat”- có nghĩa là “chứng minh là công việc thuộc về anh ta, người khẳng định, chứ không phải là người phủ định”. Theo đó, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo và người nào đi kiện thì người đó chứng minh trước. Sau đó, các triều đại La Mã đã áp dụng  nguyên tắc này trong quá trình xét xử hình sự và bắt đầu khẳng định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội[2] và một hệ quả tất yếu là bị cáo luôn được coi là vô tội.

Tuy nhiên, suy đoán vô tội chỉ được chính thức được xem như một nguyên tắc mang tính công cụ pháp luật bởi luật gia người Pháp Jean Lemonie nhằm ủng hộ cho một cách suy luận mang tính pháp lý rằng hầu hết mọi người không phải là tội phạm. Suy đoán vô tội được ví như là nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình hình sự (TTHS), một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người và chứng minh trong TTHS đã được thể hiện trong và được quy định trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền như Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Cộng hòa Pháp (Déclaration des droits de l’Homme et du citoyen), Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights-UDHR), Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR)[3]. Tư tưởng về suy đoán vô tội chỉ trở thành nguyên tắc pháp luật khi Cách mạng tư sản Pháp thắng lợi cùng với đó là đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội cần phải có biện pháp hạn chế, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán xâm phạm thôbạo quyền con người từ phía nhà nước, ngày càng có tính quốc tế khi được thừa nhận trong nhiều điều ước quốc tế mà nhiều quốc gia ký kết hoặc gia nhập. Trước yêu cầu bảo vệ quyền con người và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, suy đoán vô tội (hay giả định vô tội) – một trong những nguyên tắc cơ bản trong luật TTHS đã được ghi nhận và áp dụng rộng rãi trong nền tư pháp của nhiều quốc gia văn minh, trong đó có Việt Nam.

2.Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội

Để đảm bảo cho nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện một cách triệt để trong hệ thống luật pháp, có ba (03) nguyên tắc cốt lõi được đặt ra để có thể áp dụng trong TTHS, bao gồm: (i). Căn cứ vào những sự kiện có thật liên quan đến vụ án – cho dù việc phạm tội có xảy ra và bị cáo có tội hay không – cơ quan công tố phải hoàn toàn gánh vác nghĩa vụ chứng minh.(ii). Căn cứ vào những sự kiện có thật liên quan đến vụ án, bị cáo không có bất kỳ nghĩa vụ chứng minh nào. Bị cáo không cần phải trình bày chứng cứ, gọi nhân chứng hay làm bất cứ điều gì để chứng minh mình vô tội và điều này không được xem là cơ sở để chống lại bị cáo. (iii). Toà án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở là những chứng cứ được trình bày trước toà để dựa vào đó ra phán quyết và không được phép suy diễn theo hướng không tốt cho bị cáo chỉ vì bị cáo bị truy tố và cáo buộc bởi cơ quan công tố[4].

Pháp luật Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng tiến bộ và ghi nhận suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật TTHS để đảm bảo quyền con người và hoạt động TTHS. Suy đoán vô tội là nguyên tắc hiến định và là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, được quy định đầy đủ, cụ thể tại Điều 13 BLTTHS. Với tư cách là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, là những quy phạm pháp luật cơ bản và quan trọng nhất của hệ thống pháp luật quốc gia, Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31). Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam 2015 được xây dựng,  và thực hiện theo 27 nguyên tắc cơ bản (từ Điều 7 đến Điều 33), bổ sung và quy định lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội” (Điều 13)[5]. Nguyên tắc suy đoán  vô tội đặt ra những đòi hỏi cụ thể hơn mà tố tụng hình sự phải đảm bảo đó là:

2.1. Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[6].

Yêu cầu đầu tiên của nguyên tắc suy đoán vô tội là yêu cầu về lỗi phải được chứng minh theo trình tự thủ tục đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử là đúng quy định pháp luật[7]. Bị can, bị cáo phải được coi là vô tội cho tới khi lỗi của bị can, bị cáo đó được chứng minh. Nếu lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với “sự vô tội được chứng minh”. Là sự thừa nhận chính thức của xã hội, thông qua các quy tắc pháp lý về việc một người bị tình nghi phạm tội được coi là ngoại phạm chừng nào các bằng chứng rõ ràng chống lại người này chưa được cơ quan có thẩm quyền đưa ra ánh sáng. Đồng thời, yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý là việc truy tố, xét xử một người phải tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền). Thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện, bảo đảm xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng yêu cầu phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội đối với người đó. Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó[8].

2.2.Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bên buộc tội). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (Điều 15, Bộ luật TTHS 2015). Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan buộc tội, người buộc tội) phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục luật định. Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội đồng nghĩa với việc tại phiên toà bị cáo có quyền im lặng tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Để có thể ra một trong các quyết định khởi tố, điều tra, truy thì các cơ quan THTT phải có trách nhiệm chứng minh và xác định rõ ràng các căn cứ là có tội được quy định trong BLHS; phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án một cách khách quan, đầy đủ. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong các quy trình thu nhập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Tòa án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước Tòa để đưa ra phán quyết. Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ[9]. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Khi có những nghi ngờ về pháp luật (về lỗi của bị can, bị cáo) và chứng cứ xuất hiện nếu không chứng minh làm rõ được thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên toà xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.

2.3. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của BLTTHS thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận (ra quyết định) trả tự do hoặc tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội. Đây là quy định rõ ràng, dứt khoát và tinh thần này được thể hiện ở các ở giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Mục đích của TTHS là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Tuy nhiên, trong thực tế có thể xảy ra tình huống các chứng cứ buộc tội yếu, cả hai khả năng oan và lọt cùng song song tồn tại mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà pháp luật quy định. Trong trường hợp này, nguyên tắc suy đoán vô tội phải thực hiện theo hướng “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”, mở ra một hướng mới cho những trường hợp còn tồn tại những hoài nghi[10]. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã đưa ra một phương án tốt nhất để đảm bảo quyền vàlợi ích cho người bị buộc tội.

3.Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

3.1. Suy đoán vô tội là một nguyên tắc có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án nói chung và quá trình chứng minh nói riêng; giúp hoạt động chứng minh được thực hiện đúng quy định pháp luật, theo trình tự thủ tục nhất định và loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội. Các quy định liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện trong các giai đoạn TTHS, tạo thành hệ thống các quy phạm ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội, bởi lẽ: việc ghi nhận quyền chứng minh của người bị buộc tội sẽ  đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động TTHS giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được thực hiện bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị buộc tội. Đảm bảo người bị buộc tội không bị phân biệt đối xử khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòaán và là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực TTHS.

3.2. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật TTHS; tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể tố tụng, duy trì trật tự và tạo điều kiện cho việc phát huy, bảo đảm các quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan. Không chỉ là quyền của người bị buộc tội và nghĩa vụ của bên buộc tội, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội. Như là một điều luật bảo vệ bên yếu thế, chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: cơ quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan THTT, người THTT trước số phận chính trị, danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội là “lá chắn thép” bảo vệ quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo, phòng chống oan sai – yếu tố căn bản, thể hiện rõ nhất việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người.

3.3. Suy đoán vô tội có nội dung quan trọng và trọng tâm là bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phản ánh bản chất nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, loại trừ việc buộc tội và kết án thiếu căn cứ. Do vậy, trong quá trình tiến hành tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như người tiến hành tố tụng phải nghiêm túc tuân thủ, tôn trọng và chấp hành theo nguyên tắc này để tránh việc oan sai đối với những công dân vô tội[11]. Nguyên tắc mở ra một định hướng tích cực hơn và được coi là nguyên tắc “vàng” trong hoạt  động điều tra, truy tố, xét xử hiện nay.

Là nguyên tắc, tư tưởng pháp lý tiến bộ và văn minh – thành tựu lớn của khoa học pháp lý trong chứng minh và bảo vệ quyền con người trong TTHS; suy đoán vô tội là một nguyên tắc có ý nghĩa chính trị to lớn, vượt ra ngoài phạm vi và nội dung pháp lý của nó nhằm ghi nhận địa vị của con người, tự do và dân chủ, ghi nhận mối liên hệ giữa tự do và trách nhiệm, dân chủ và pháp luật trong xã hội. Vì thế, việc ghi nhận cụ thể, đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội như là nguyên tắc cơ bản là đòi hỏi cấp thiết của luật TTHS trong nhà nước pháp quyền. Suy đoán vô tội được quốc tế thừa nhận như giá trị chung của văn minh nhân loại phải được nghiên cứu và ghi nhận vềmặt lập pháp, đã và đang được nhiều quốc gia xác định là nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS.

TAND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xét xử vụ án hình sự – Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn/ VKSND Tân Sơn

 

[1] Từ thuật ngữ “presump” đã xuất hiện hai ý kiến với ý nghĩa khác nhau: “suy đoán” hoặc “giả định”. Dưới góc độ ngữ nghĩa tiếng Việt,  “presump” được xem là gần với những khái niệm “giả  định”, “giảthiết” – là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau. Việc “suy đoán”đòi hỏi phải có thông tin, dữ kiện, tài liệu, chứng cứ để khiến con người tin vào một điều gì đó. Còn “giả định” được hiểu là “cho một cái gì đó là có thật để làm căn cứ đểtiến hành làm cái gì đó”. Theo ngôn ngữ đời thường, “suy đoán” là dựa vào cái này mà đoán ra cái khác. Luậthọc không sử dụng “presump” theo những nghĩa này. Trong pháp luật, suy đoán là một trong những kỹ thuật lập pháp, là suy đoán pháp lý nên phải chịu sự ràng buộc của pháp luật. Nguyên tắc suy đoán có tội và nguyên tắc suy đoán vô tội đều là những nguyên tắc của tố tụng hình sự. Nhưng nguyên tắc suy đoán có tội là nguyên tắc của tố tụng thẩm vấn (inquisitorial), còn nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc điển hình của tố tụng tranh tụng (adversarial).

[2] Nghĩa là: trong TTHS, các cơ quan tiến hành tố tụng là người khẳng định một người nào đó có tội hay không thì phải đi chứng minh được rằng họ thực sự là có tội.

[3]Cụ thể là:Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Pháp 1789: “As all persons are held innocent until they shall have been declared guilty, if arrest shall be deemed indispensable, all harshness not essential to the securing of the prisoner’s person shall be severely repressed by law- Tất cả mọi người đều vô tội cho đến khi họ bị tuyên là có tội, nếu việc bắt giữ sẽ được coi là không thể thiếu, mọi sự khắc nghiệt không cần thiết đối với việc bảo vệ người tù sẽ bị pháp luật nghiêm khắc đàn áp” (Điều 9): Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948:Everyone charged with a penal offence has the right to be presumed innocent until proved guilty according to law in a public trial at which he has had all the guarantees necessary for his defence- Mọi người bị buộc tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo luật trong một phiên tòa công khai mà tại đó anh ta có tất cả các bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa của mình” (Khoản 1, Điều 11). Công ước quốc tế về quyền dân sự  và chính trị 1966: “Everyone charged with a criminal offence shall have the right to be presumed innocent until proved guilty according to law-Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”(Khoản 2, Điều 14).

[4]“Nghề Luật buộc phải thuộc nằm lòng câu giáo đầu…”

https://danluat.thuvienphapluat.vn/nghe-luat-buoc-phai-thuoc-nam-long-cau-giao-dau-138088.aspx

[5]Ngoài Điều 13 Bộ luật TTHS quy định cụ thể về nguyên tắc này thì nguyên tắc suy đoán vô tội còn được thể hiện trong Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, có quan hệ chặt chẽ với Nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa (các điều 15, 16 BLTTHS và một số điều luật khác). Nguyên tắc này kết hợp với các nguyên tắc cơ bản khác để trở thành những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

[6]Trong pháp luật hình sự, thuật ngữ “người bị buộc tội” dùng để chỉ người đã thực hiện hành vi được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm, hành vi của người đó đã cấu thành tội phạm (người bị tình nghi, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo).

[7] Đào Trí Úc (2017),  “Nguyên tắc suy đoán vô tội – nguyên tắc hiến định quan trọng trong BLTTHS năm 2015”, Tạp chí Kiểm sát số 02/2017.

[8]Là cơ quan thực hiện quyền tư pháp thông qua hoạt động xét xử để giải quyết các tranh chấp trong xã hội, Tòa án là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước có quyền ra bản án kết tội khi có các căn cứ theo quy định pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là: chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Tính duy nhất của Tòa án thể hiện ở chỗ ngoài Tòa án ra, không có bất cứ cơ quan nào khác có thể ra quyết định đó..

[9]Như: nghi ngờ một người là phạm tội nhưng không chứng minh được họ phạm tội thì phải coi họ là người vô tội; nghi ngờ một người phạm tội nặng nhưng không chứng minh được họ phạm tội nặng mà chỉ có cơ sở xác định hành vi của họ thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhẹ hơn thì phải coi là họ phạm tội nhẹ hơn…

[10]Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng ngăn ngừa khuynh hướng buộc tội theo kiểu tư duy “thà làm oan còn hơn bỏ lọt”. Theo đó, người đã thực hiện một hành vi phạm tội trên thực tế vẫn có thể được tuyênbố là người không phạm tội nếu các cơ quan THTT không thể chứng minh bằng cácchứng cứ xác thực theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Người được tòa án tuyên bố không phạm tội có thểvẫn là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng do không thể chứng minh người đó đã phạm tội nên tòa án buộc phải tuyên bố người đó không có tội.

[11]Thực chất, việc bảo đảm quyền con người trong TTHS được coi là trục xoay của toàn bộ hoạt động TTHS: vừa làm thế nào để trên con đường đi tìm sự thật và công lý thì quyền của tất cả nhưng ai có liên quan đều phải được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Việc ghi nhận nguyên tắc này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc, nó sẽ có giá trị bắt buộc đối với các cơ quan THTT và có trách nhiệm hơn trong hoạt động chứng minh tội phạm, bên cạnh đó, khi có những vụ án rơi vào trường hợp chứng cứ không đầy đủ, thiếu tính vững chắc thì người THTT sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa ra kết luận về kết quả của vụ án theo nguyên tắc “ suy đoán vô tội”.

PGS.TS ĐỖ ĐỨC MINH (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội) Ths TRẦN QUANG MINH (TAND Tp Hải Dương)