Bàn về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Thực tiễn xét xử cho thấy, một người không chỉ thực hiện tội phạm một lần mà còn có thể thực hiện nhiều lần phạm tội khác nhau, gây ra hậu quả nguy hiểm hơn, cũng như thể hiện nhân thân của người phạm tội xấu hơn so với trường hợp phạm tội một lần. Bài viết phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên; đưa ra các vướng mắc trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tình tiết phạm tội 02 lần và kiến nghị hoàn thiện tình tiết này.

Đặt vấn đề

Phạm tội 02 lần trở lên (phạm tội nhiều lần) được quy định là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) tại điểm g khoản 1 Điều 52 và là tình tiết định khung hình phạt của một số tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Mặc dù, tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đã được ghi nhận từ rất sớm (trong quy định của BLHS năm 1985 và liên tục cho đến nay), nhưng thực tiễn xét xử khi áp dụng tình tiết này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định của BLHS năm 2015 về phạm tội 02 lần trở lên; tìm ra những vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện vấn đề này.

1. Quy định của pháp luật về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên

Mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đã được quy định là tình tiết tăng nặng TNHS trong một khung hình phạt từ BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, nhưng cho đến nay, cả ba BLHS vẫn chưa ghi nhận chính thức khái niệm của tình tiết này. Về mặt thuật ngữ sử dụng, đến BLHS năm 2015, tình tiết “phạm tội nhiều lần” được sửa đổi thành “phạm tội 02 lần trở lên”, mặc dù tên gọi đã được thay đổi, nhưng bản chất tình tiết này không có gì thay đổi. Vì các BLHS chưa quy định chính thức khái niệm “phạm tội 02 lần trở lên”, nên hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm của tình tiết này và hầu hết các quan điểm đều cho rằng: “Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội từ hai lần trở lên cùng một loại tội phạm, trong đó, mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nay các lần phạm tội này được đưa ra xét xử trong cùng một lần”1. Ngoài ra, cũng đã có một số văn bản hướng dẫn về tình tiết này ở các tội phạm cụ thể, đó là:

- Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (đã hết hiệu lực và hiện nay chưa có văn bản thay thế) đã hướng dẫn áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với tội chứa mại dâm quy định tại Điều 254 BLHS năm 1999 như sau:

“4.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn);

b. Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian;

c. Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau”2.

- Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 17/2007) hướng dẫn áp dụng như sau: “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”3.

- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự đã hướng dẫn: “Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 và điểm e khoản 2 Điều 151 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”4.

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi đã hướng dẫn: “Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”5.

- Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ quy định: “Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 361, 364, 365 và 366 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”6.

Như vậy, mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên chưa có khái niệm chính thức trong BLHS năm 2015, nhưng các văn bản hướng dẫn áp dụng và thực tiễn xét xử đều thống nhất cho rằng: “Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội từ 02 lần trở lên cùng một loại tội phạm, trong đó mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nay các lần phạm tội này được đưa ra xét xử trong cùng một lần”7.

Theo quy định của BLHS năm 2015, tình tiết phạm tội 02 lần trở lên được quy định là tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và là tình tiết định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể.

Với vai trò là dấu hiệu định khung hình phạt thì phạm tội 02 lần trở lên được BLHS năm 2015 quy định trong 82 điều luật thuộc 12 chương tại Phần các tội phạm của BLHS năm 2015. Qua nghiên cứu thì thấy, phạm tội 02 lần trở lên không được BLHS năm 2015 quy định là dấu hiệu định khung hình phạt của 02 chương: Chương XIII ( các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh). Như vậy, phạm tội 02 lần trở lên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt ở hầu hết các chương trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 (chiếm 12/14 chương), trong đó tình tiết này được quy định phổ biến nhất ở Chương XIV (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người - 15 điều); Chương XVIII (các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - 12 điều) và Chương XX (các tội phạm về ma túy - 12 điều). Ngoài ra, khi phạm tội 02 lần trở lên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt thì tình tiết này trong từng chương cũng không được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt của hầu hết các tội danh trong chương đó. Ví dụ: Đối với Chương XIV quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thì phạm tội 02 lần trở lên được quy định trong 15 điều luật trong tổng số 34 điều luật tại Chương này. Với tính nguy hiểm của các tội phạm là khác nhau, nên chương này chỉ có 15 điều luật quy định tình tiết định khung phạm tội 02 lần trở lên. Việc quy định như vậy xuất phát từ tính chất khách thể của tội phạm xâm hại cũng như khả năng phạm tội nhiều lần của người phạm tội nên hầu hết các tội xâm phạm đến tính mạng thì phạm tội 02 lần trở lên không được BLHS năm 2015 quy định là dấu hiệu định khung hình phạt.

Mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt của 82 điều luật, nhưng đến nay, chỉ tồn tại một số văn bản hướng dẫn về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đối với một số tội danh như: các tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tội chứa mại dâm; tội rửa tiền; tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; các tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ; các tội phạm về ma túy,… Hầu hết các tội danh còn lại, mặc dù phạm tội 02 lần trở lên đóng vai trò là dấu hiệu định khung hình phạt của những tội danh này, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, đối với từng loại tội phạm khác nhau thì vấn đề xác định “01 lần phạm tội” trong tình tiết phạm tội 02 lần trở lên của người phạm tội khác nhau, nên việc chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng cũng là nguyên nhân dẫn đến thực tiễn xét xử gặp nhiều khó khăn và áp dụng không thống nhất đối với tình tiết này.

Cũng giống như tình tiết tăng nặng TNHS khác, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, tình tiết phạm tội 02 lần trở lên được áp dụng là tình tiết tăng nặng TNHS trong một khung hình phạt. Tuy nhiên, do tình tiết này được quy định độc lập với tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cho nên thực tiễn áp dụng gặp nhiều vướng mắc trong trường hợp đã áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Ví dụ, người phạm tội trộm cắp 06 lần, mỗi lần cấu thành tội phạm độc lập và lấy việc trộm cắp làm nguồn thu nhập thường xuyên. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp này, ngoài việc áp dụng tình tiết định khung hình phạt phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015), thì có được phép áp dụng thêm tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên (điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015) hay không. Đây là vấn đề không chỉ trong lý luận mà trong thực tiễn cũng đang có các ý kiến khác nhau.

2. Một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên

Mặc dù BLHS năm 2015 quy định tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng định khung của 82 tội danh, nhưng trong quá trình áp dụng tình tiết này vẫn còn một số điểm vướng mắc, chưa phù hợp như sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên nhân tình tiết phạm tội 02 lần trở lên chưa được quy định khái niệm chính thức trong BLHS năm 2015, do đó, khi áp dụng tình tiết này, thực tiễn xét xử có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm tội 02 lần trở lên. Mặc dù quan điểm phổ biến hiện nay đều cho rằng: phạm tội nhiều lần (phạm tội 02 lần trở lên) là trường hợp người phạm tội có từ 02 lần trở lên phạm cùng một loại tội, trong đó, mỗi lần đều đã có đủ yếu tố CTTP, chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, nay, các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một lần, nhưng cụm từ “02 lần trở lên” này được hiểu là mỗi lần phạm tội có thể thuộc bất cứ khoản nào của một điều luật, của một tội hay là mỗi lần phạm tội đều phải thuộc một khung hình phạt do Tòa án áp dụng. Đây là một trong những vướng mắc phổ biến về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên trong thực tiễn xét xử. 

Thứ hai, hiện nay, mặc dù BLHS năm 2015 không quy định trực tiếp các dấu hiệu của tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là dấu hiệu định tội, nhưng một số văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết này đối với các tội phạm cụ thể thì quy định nếu trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội của cùng một tội, mà mỗi lần chưa đủ định lượng truy cứu TNHS, thì được cộng định lượng tất cả các lần phạm tội để định tội đối với người phạm tội. Tuy nhiên, các văn bản này lại cho phép áp dụng thêm tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng TNHS đối với người phạm tội. Tác giả cho rằng, việc hướng dẫn nêu trên là chưa hợp lý và vi phạm nguyên tắc áp dụng của các tình tiết tăng nặng TNHS liên quan đến nhiều tội phạm. Ngoài ra, trong thực tiễn, có những trường hợp do người phạm tội 02 lần trở lên, mà hành vi phạm tội bị “nhảy khung” cao hơn. Vậy, trong trường hợp này, ngoài xét xử bị cáo với khung hình phạt cao hơn, thì có áp dụng thêm tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên hay không. Ví dụ: Người phạm tội thực hiện 02 lần trộm cắp tài sản, lần 1 là 30 triệu đồng và lần 2 là 25 triệu đồng, tổng trị giá tài sản trộm cắp là 55 triệu đồng. Vậy, trường hợp này, ngoài việc áp dụng điểm c khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 để định tội, thì có cần áp dụng thêm tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 hay không?

Tác giả cho rằng, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là một trường hợp đặc biệt của phạm tội 02 lần trở lên và có tính nguy hiểm cao hơn. Nhưng BLHS năm 2015 lại quy định tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là dấu hiệu định khung hình phạt của nhiều tội phạm hơn so với tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Cũng như hiện nay, có 07 điều luật trong BLHS năm 2015 quy định đồng thời phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên cùng là dấu hiệu định khung hình phạt trong một CTTP tăng nặng8 là chưa hợp lý, chưa tương xứng với bản chất của hành vi phạm tội.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên

Từ nội dung phân tích trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định về khái niệm tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên”.

Xuất phát từ nguyên nhân tình tiết phạm tội 02 lần trở lên chưa được quy định khái niệm chính thức trong BLHS năm 2015 nên thực tiễn áp dụng pháp luật còn có nhiều vướng mắc (như đã nêu ở phần trước). Ví dụ: A đã thực hiện 02 lần hành vi trộm cắp tài sản, trong đó, lần đầu tiên hành vi trộm cắp thỏa mãn CTTP tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và lần thứ hai thì thỏa mãn CTTP tại khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015. Trong lần thứ hai, khi người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì bị phát hiện và bắt giữ. Như vậy, trong trường hợp này, A bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015, nhưng có hai quan điểm cho rằng: (i) không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, vì lần phạm tội đầu tiên không thỏa mãn CTTP tại khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 nên không thỏa mãn điều kiện của tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên là tất cả các lần phạm tội phải bị truy cứu TNHS trong cùng một khung hình phạt của một tội danh; (ii) áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 02 lần trở lên tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với A, vì chỉ cần tất cả các lần phạm tội của A đều thỏa mãn dấu hiệu của CTTP cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 thì được xem là phạm tội 02 lần trở lên. Đây là một trong những vướng mắc phổ biến về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên trong thực tiễn xét xử.

Theo tác giả, xuất phát từ bản chất của phạm tội 02 lần trở lên là phạm tội từ 02 lần trở lên và mỗi lần phạm tội chỉ cần thỏa mãn các dấu hiệu định tội được mô tả trong CTTP cơ bản thì được xem là một lần phạm tội. Do đó, tác giả đề xuất cần ban hành văn bản hướng dẫn tình tiết phạm tội 02 lần trở lên với nội dung như sau: Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội có từ 02 lần trở lên phạm cùng một loại tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố CTTP, chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS, nay các lần phạm tội đó được xét xử trong cùng một lần.

Thứ hai, cần ban hành văn bản hướng dẫn cách xác định “01 lần” phạm tội khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên trong một số nhóm tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS năm 2015.

Hiện nay, thực trạng áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên trong một số tội danh cụ thể của BLHS năm 2015 còn chưa thống nhất. Đặc biệt, trong việc xác định như thế nào là “01 lần” phạm tội khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đối với tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS năm 2015), tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS năm 2015), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 BLHS năm 2015)…. Tác giả cho rằng, mặc dù cách xác định như thế nào là “01 lần” phạm tội khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đều phải căn cứ vào nền tảng lý luận chung về phạm tội 02 lần trở lên, nhưng vì phụ thuộc vào tính chất của hành vi phạm tội mà trong một số nhóm tội phạm là khác nhau, nên cách xác định là khác nhau. Do đó, để có sự thống nhất trong việc xác định số lần thực hiện hành vi phạm tội để từ đó áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đối với những tội phạm có tính chất đặc trưng, tác giả kiến nghị như sau:

- Đối với tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 BLHS năm 2015, mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007, nhưng văn bản này không mô tả rõ ràng và đầy đủ các dạng hành vi mua bán trái phép chất ma túy trong trường hợp phạm tội 02 lần trở lên và mặt khác, văn bản này đã hết hiệu lực một phần. Do đó, trên cơ sở hướng dẫn tại Tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007,  tác giả cho rằng, cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 như sau: “Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 được hiểu là người phạm tội đã có từ 02 lần phạm tội mua bán trái phép chất ma túy trở lên, tức là người phạm tội có từ 02 lần bán trái phép chất ma túy cho người khác trở lên bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác; từ 02 lần mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác trở lên; từ 02 lần xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác trở lên; từ 02 lần dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép trở lên; từ 02 lần dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác trở lên; từ 02 lần tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác trở lên; từ 02 lần vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác trở lên, mà mỗi lần phạm tội đều có đủ yếu tố CTTP quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS”.

- Đối với tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015, hiện nay, khi áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên, thì thực tiễn xét xử áp dụng không thống nhất khi người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản kế tiếp nhau về mặt thời gian. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, cho dù người phạm tội thực hiện nhiều hành vi trộm cắp tài sản ở các khoảng thời gian khác nhau, hoặc liên tiếp nhau về mặt thời gian, xuất phát từ định nghĩa phạm tội 02 lần trở lên mà tác giả kiến nghị nêu trên, thì 01 lần phạm tội trộm cắp tài sản nếu hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu CTTP của tội trộm cắp tài sản, không phụ thuộc vào việc các tội phạm thực hiện liên tiếp hoặc trong các khoảng thời gian khác nhau. Chính vì vậy, tác giả đề xuất cần ban hành văn bản hướng dẫn về việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” của tội này với nội dung như sau: “Trộm cắp tài sản thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” được hiểu là người phạm tội đã có từ 02 lần phạm tội trộm cắp tài sản trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đủ yếu tố CTTP quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 và mỗi lần phạm tội được thực hiện tại các thời điểm khác nhau, khi hành vi phạm tội lần thứ nhất đã kết thúc trên thực tế, thì người phạm tội lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội lần tiếp theo, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS”.

- Đối với các tội phạm tình dục, mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đã được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, nhưng chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, nên cũng tương tự như tội trộm cắp tài sản, tác giả cho rằng, cần ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” với nội dung: “Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại Điều 141, 142, 143, 144, 145 BLHS năm 2015 được hiểu là người phạm tội đã có từ 02 lần giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác mà mỗi lần phạm tội đều có đủ yếu tố CTTP và mỗi lần phạm tội được thực hiện tại các thời điểm khác nhau, khi hành vi phạm tội lần thứ nhất đã kết thúc trên thực tế thì người phạm tội lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội lần tiếp theo, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS”.

- Đối với tội chứa mại dâm được quy định tại Điều 327 BLHS năm 2015, mặc dù theo hướng dẫn tại Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP thì phạm tội 02 lần trở lên bao gồm cả trường hợp chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian” và tại Tiểu mục 4.2 Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn không áp dụng phạm tội 02 lần trở lên trong trường hợp “chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thỏa thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian”. Tuy nhiên, Nghị quyết này đã hết hiệu lực và thêm nữa là, nếu tiếp thu toàn bộ hướng dẫn như trên của Nghị quyết này vào văn bản hướng dẫn mới thì không còn phù hợp. Bởi vì, khi phát sinh vấn đề là nhiều người trong cùng một nhóm đến thực hiện hành vi mua dâm nhưng một trong số những người này không đứng ra để giao dịch với chủ chứa mại dâm mà tự mỗi người giao dịch và tự trả tiền mua dâm thì có được xem là hành vi chứa mại dâm độc lập hay không? Tác giả cho rằng, bản chất của cụm từ “độc lập” trong Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP là giữa các khách mua dâm không có mối quan hệ quen biết nhau nhưng cùng đến mua dâm trong cùng một thời điểm, do đó tác giả kiến nghị cần ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” đối với tội chứa mại dâm tại Điều 327 BLHS năm 2015 với nội dung như sau:

“Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ 02 lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn).

- Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên trong cùng một khoảng thời gian nhưng khách mua dâm không có mối quan hệ quen biết.

- Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau”.

Thứ ba, kiến nghị bãi bỏ vai trò là dấu hiệu định khung hình phạt của tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” trong Phần các tội phạm và chỉ quy định tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng TNHS trong một khung hình phạt quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.

Như tác giả đã phân tích, hiện nay, mặc dù tình tiết phạm tội 02 lần trở lên có tính nguy hiểm thấp hơn so với tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Nhưng BLHS năm 2015 quy định tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là dấu hiệu định khung hình phạt của nhiều tội danh hơn so với tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là điều không phù hợp. Ngoài ra, không phải trong mọi trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên thì có tính nguy hiểm cao hơn so với trường hợp thực hiện tội phạm một lần, chẳng hạn như hành vi tham ô tài sản một lần, nhưng giá trị tài sản tham ô cao, thì trong nhiều trường hợp, về bản chất sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với trường hợp tham ô tài sản nhiều lần, nhưng tổng giá trị tài sản tham ô thấp. Bởi vậy, điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015 áp dụng phạm tội từ 02 lần trở lên là dấu hiệu định khung hình phạt đối với người phạm tội là không phù hợp.

Mặt khác, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp đặc biệt của phạm tội 02 lần trở lên và có tính nguy hiểm cao hơn nên để bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người phạm tội cũng như nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS liên quan đến nhiều tội phạm, tác giả cho rằng, việc áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp  nên loại trừ việc áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên. Hiện nay, mặc dù phạm tội có tính chất chuyên nghiệp có tính nguy hiểm cao hơn phạm tội 02 lần trở lên, nhưng BLHS năm 2015 lại quy định phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và tình tiết phạm tội 02 lần trở lên cùng là dấu hiệu định khung hình phạt trong một CTTP tăng nặng tại 07 điều luật trong BLHS năm 20159. Do đó, để bảo đảm đánh giá đúng tính nguy hiểm của hành vi phạm tội và tránh tình trạng áp dụng chồng lấn các tình tiết này với nhau, tác giả kiến nghị chỉ nên quy định phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và bãi bỏ vai trò dấu hiệu định khung hình phạt của tình tiết phạm tội 02 lần trở lên ở các điều luật quy định các tội phạm cụ thể.

Thứ tư, những trường hợp do phạm tội 02 lần trở lên mà hành vi cấu thành khung nặng hơn theo yếu tố định lượng thì chỉ áp dụng khung nặng hơn mà không áp dụng thêm tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đối với người phạm tội.

Hiện nay, một số văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết phạm tội 02 lần trở lên đối với một số tội phạm cụ thể quy định nếu trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội thuộc cùng một tội danh mà mỗi lần chưa bị truy cứu TNHS thì được cộng định lượng tất cả các lần phạm tội để xác định khung hình phạt áp dụng cho người phạm tội và đồng thời, cho phép áp dụng thêm tình tiết phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết tăng nặng TNHS đối với người phạm tội. Tác giả cho rằng, việc hướng dẫn nêu trên đã vi phạm nguyên tắc tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015 là một tình tiết chỉ được áp dụng một lần trong quá trình xác định TNHS đối với người phạm tội cũng như sẽ dẫn đến việc trùng lặp dấu hiệu của các tình tiết này đối với người phạm tội khi quyết định hình phạt. Do đó, để bảo đảm nguyên tắc áp dụng tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015 cũng như  nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS liên quan đến nhiều tội phạm, tác giả đề xuất bổ sung văn bản hướng dẫn áp dụng trong trường hợp này như sau: “Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này đã được cộng định lượng của tất cả các lần phạm tội để làm dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không áp dụng thêm tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng TNHS đối với người phạm tội”.

Kết luận

Hiện nay, tình tiết phạm tội 02 lần trở lên không chỉ được quy định là tình tiết tăng nặng TNHS tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, mà còn được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt trong một số tội phạm cụ thể. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện quy định của pháp luật về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định của BLHS năm 2015 về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên trong cả Phần những quy định chung và Phần các tội phạm; tìm ra các vướng mắc, bất cập trong quy định BLHS năm 2015 khi áp dụng tình tiết này; từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.

Nguồn Tạp chí TAND số 18 năm 2024.
 

TS. NGUYỄN THỊ MINH TRÂM (Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Quảng Lực, Bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự đối với trường hợp phạm nhiều tội hoặc phạm tội nhiều lần, Tạp chí Kiểm sát, số 04, năm 2019.

2. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 (Phần chung), Nxb. TP. HCM, năm 2000.

3. Lê Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Hồng Đức, năm 2005.

4. Lê Văn Đệ, Chế định nhiều tội phạm - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2003.

5. Trần Thị Quang Vinh, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Hồng Đức, năm 2012.

6. Trường Đại học Luật TP. HCM, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, năm 2013.

7. Trường Đại học Luật TP. HCM, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung (Tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, năm 2019.

8. Võ Khánh Vinh, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Hồng Đức, năm 2002.


1 Trường Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung, Nxb. Hồng Đức, năm 2015, tr.336.

2 Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS năm 1999.

3 Xem tại Tiểu mục 2.3 Mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.

4 Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

5 Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NĐ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

6 Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2022 của Hội đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự nằm trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

7 Trường Đại học Luật TP.HCM, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung, Nxb. Hồng Đức, năm 2015, tr.120.

8 Bao gồm: điểm b, h khoản 2 Điều 188; điểm b, c khoản 2 Điều 285; điểm c, d khoản 2 Điều 324; điểm c, d khoản 2 Điều 328; điểm b, d khoản 2 Điều 348; điểm a, c khoản 2 Điều 350; điểm b, e khoản 2 Điều 365 BLHS năm 2015.

9 Bao gồm: điểm b, h khoản 2 Điều 188; điểm b, c khoản 2 Điều 285; điểm b, c khoản 2 Điều 285; điểm c, d khoản 2 Điều 324; điểm c, d khoản 2 Điều 328; điểm b, d khoản 2 Điều 348; điểm a, c khoản 2 Điều 350; điểm b, e khoản 2 Điều 365 BLHS năm 2015.

Hình ảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm tại TAND tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Thanh Tùng.