Bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trên không gian mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay
Bài viết này sẽ tập trung vào việc trình bày và phân tích các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nói chung và trên không gian mạng nói riêng.
Trong thời gian gần đây quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như các nhà lập pháp khi việc xúc phạm, đả kích, làm nhục người khác diễn ra ngày càng phức tạp nhất là những hành vi vi phạm được thực hiện trên không gian mạng[1]. Do vậy, bài viết này sẽ tập trung vào việc trình bày và phân tích các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nói chung và trên không gian mạng nói riêng.
1. Tổng quan
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong số những quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân và vô cùng quan trọng của con người. Theo đó, Điều 12 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948 quy định: “Không ai phải chịu can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân…”. Tương tự như các nước khác, quyền này đã được ghi nhận rất sớm trong pháp luật Việt Nam. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín trở thành quyền hiến định khi chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp 1980. Cụ thể, Điều 7 Hiến pháp 1980 quy định: “Công dân có quyền tự được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”. Quyền này tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp 1992[2] và 2013[3].
Có thể thấy danh dự, nhân phẩm, uy tín là yếu tố bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ và đây là quyền hiến định. Tuy nhiên, trên thực tế việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác vẫn thường xuyên diễn ra nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay. Tình trạng đăng tải thông tin không chính xác, xúc phạm, đả kích,… người khác xuất hiện tràn lan trên không gian mạng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Do vậy, bên cạnh hệ thống các quy định pháp luật hiện có, Nhà nước ta đã ban hành thêm nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên không gian mạng như: Luật An ninh mạng 2018[4]; Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử... Các văn bản này đã xác định những hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, những thông tin vi phạm pháp luật cũng như trao cho cá nhân thêm những công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Cơ chế bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân
Để bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được thực hiện trên thực tế, ngoài việc được ghi nhận trong Hiến pháp thì quyền này còn được thể chế hoá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, Luật An ninh mạng 2018,… Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân mà người có hành vi vi phạm sẽ gánh chịu các loại trách nhiệm khác nhau. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm dân sự
Điều 34 BLDS 2015 quy định như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, bên cạnh việc ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, BLDS 2015 còn quy định những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trong trường hợp có hành vi xâm phạm như yêu cầu bác bỏ thông tin, yêu cầu nguời có hành vi xâm phạm xin lỗi, cải chính công khai và bồi thuờng thiệt hại. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải gỡ bỏ, cải chính, huỷ bỏ thông tin đó. Trong trường hợp không xác định được nguời đã đưa thông tin thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Ngoài ra, cá nhân còn có quyền yêu cầu người đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 592 BLHS 2015. Theo đó, thiệt hại trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác theo thoả thuận hoặc không quá muời lần mức luơng cơ sở do Nhà nuớc quy định để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Điều đáng lưu ý là theo quy định nêu trên thì quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được đảm bảo kể cả khi cá nhân chết. Vợ, chồng, con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người đã chết có quyền yêu cầu Toà án bác bỏ những thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đã chết đó. Trong trường hợp những thông tin gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc gỡ bỏ, cải chính được thực hiện bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó[5]. Có thể thấy rằng quy định này sẽ giúp cho người dân có thêm cơ chế bảo vệ hiệu quả hơn nữa danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình trước các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống... Bởi lẽ khi có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đặc biệt là trên không gian mạng thì vấn đề ngăn chặn những thông tin đó tiếp tục bị phát tán là rất quan trọng bên cạnh việc xử lý và xem xét trách nhiệm của người có hành vi vi phạm. Việc này sẽ góp phần hạn chế đến mức tối đa thiệt hại xảy ra cho người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Thứ hai, về trách nhiệm hành chính
Các hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội tùy thuộc vào tính chất, mức độ khác nhau có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trong lĩnh vực an ninh mạng nói riêng, Luật An ninh mạng 2018 đã xác định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng nhằm tăng cường việc phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng[6]. Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 cũng đã xác định cụ thể những thông tin trên không gian mạng bị xem là có nội dung làm nhục, vu khống. Cụ thể, đó là những hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Trên cơ sở đó, người nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật[7].
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được quy định chi tiết tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Thứ ba, về trách nhiệm hình sự
Bên cạnh việc bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo quy định của pháp luật dân sự, hành chính như đã trình bày ở trên thì hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, trong trường hợp hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo quy định tại các Điều 155 và 156 BLHS 2015. Cụ thể, nếu một cá nhân có hành vi công khai xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác nhằm mục đích hạ thấp nhân cách, uy tín của người đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS năm 2015[8]. Trong trường hợp cá nhân cố tình tự đặt ra các thông tin không đúng, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 BLHS năm 2015[9].
Như vậy, có thể thấy rằng trước khi Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trên không gian mạng được ban hành và có hiệu lực thì quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân cũng như cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế đã được quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, những quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trong trường hợp việc xâm phạm được thực hiện trong không gian mạng. Do vậy, sự ra đời của Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản khác có liên quan là rất cần thiết vì đã tạo ra cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này từ đó góp phần hoàn thiện quy chế pháp lý về việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
3. Kết luận
Tóm lại, với việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên không gian mạng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định các loại trách nhiệm mà người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nói chung và trên không gian mạng nói riêng từ đó góp phần đảm bảo môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn trước, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân như bị vu khống, công kích, bôi nhọ… Trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật hiện nay, có thể thấy rằng quy định về việc bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nói chung và trên không gian mạng nói riêng đã áp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội cũng như tạo nên cơ chế bảo vệ đồng bộ, toàn diện và hiệu quả đối với quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng với người có hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc danh dự, nhân phẩm cá nhân người khác trên mạng xã hội - Ảnh: Nhị Hà
[1] Khoản 3, Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 quy định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.
[2] Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”.
[3] Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
[4] Luật An ninh mạng được Quốc hội Khóa IV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào ngày 12/6/2018 và chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 (sau đây gọi là Luật an ninh mạng 2018). Luật an ninh mạng 2018 gồm 07 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có quy định về cơ chế bảo đảm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
[5] Ví dụ, đối với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thực hiện trên không gian mạng, Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, cũng như yêu cầu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật.
[6] Điều 8 Luật An ninh mạng 2018.
[7] Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
[8] Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rằng người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
[9] Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rằng người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị xem là tình tiết tăng nặng, hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận