Bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành quy định này đã xảy ra những vướng mắc mà chưa có hướng dẫn áp dụng thống nhất.
BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, theo đó tại khoản 1 Điều 155 xác định các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 266 của BLHS năm 2015.
Vướng mắc trong thực tiễn
Theo quy định này thì khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết mới được khởi tố vụ án hình sự và chỉ có những người này rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì vụ án phải được đình chỉ.
Tuy nhiên, có những vướng mắc trong thực hiện quy định trên đây.
Trường hợp thứ nhất: Trong vụ án cố ý gây thương tích có 3 bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 134 của BLHS, vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng có 1 bị cáo bỏ trốn, phải tách vụ án để truy nã. Hai bị cáo còn lại đã bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật và hai bị cáo này đã đi chấp hành án. Khi bị cáo bị truy nã bị bắt và đưa ra xét xử thì bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án.
Điều 155 BLTTHS và các quy định khác của BLTTHS chỉ quy định bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự mà không có quy định rút yêu cầu khởi tố bị can. Như vậy, trong tình huống trên thì khi bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì buộc phải đình chỉ vụ án đối với vụ án đã tách có bị cáo bị truy nã. Nhưng lại liên quan đến vụ án có hai bị cáo đã đi chấp hành án trong vụ án ban đầu thì có được xử lý theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để huỷ bản án sơ thẩm trước đó để đảm bảo quyền lợi cho hai bị cáo đã bị xét xử trước đó hay không. Điều này còn có nhiều quan điểm khác nhau mà BLTTHS chưa quy định cụ thể.
Điều 282 BLTTHS quy định “Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, bị cáo thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo”. Như vậy, trong trường hợp khi khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại đối với vụ án có nhiều bị cáo nhưng bị hại lại có đơn rút yêu cầu một trong số các bị can, bị cáo đã bị khởi tố (thường là những bị cáo có vai trò thứ yếu, người chưa thành niên, khắc phục hậu quả triệt để,….) thì có thể định chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo đã được bị hại rút theo Điều 282 nhưng Điều 155 chưa có quy định để xử lý vấn đề này.
Trường hợp thứ hai: Trong các vụ án cố ý gây thương tích, khi xử lý tin báo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra thu thập các tài liệu chứng cứ để xử lý vụ án thì hướng dẫn bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, khi có kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 134 của BLHS thì có thể bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án, dẫn đến việc phải đình chỉ vụ án. Trường hợp kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 thì không sử dụng đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại nữa. Điều này làm cho quá trình tố tụng không được bảm bảo các nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thứ ba: Đối với nội dung được nêu ở tình huống thứ nhất, tại phiên toà xét xử vụ án có bị cáo bị truy nã thì bị hại mới có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì Hội đồng xét xử phải căn cứ vào khoản 2 Điều 299 của BLTTHS vào phòng nghị án thảo luận việc này nhưng tại khoản 6 Điều 326 của BLTTHS quy định khi kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử phải quyết định một trong các vấn đề của vụ án, không quy định trường hợp đình chỉ vụ án. Điều này gây khó khăn cho Hội đồng xét xử.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất. Khoản 1 Điều 155 của BLTTHS cần bổ sung cụm từ “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng nêu ra ở tình huống thứ nhất và đồng bộ với quy định tại Điều 282 BLTTHS.
Thứ hai. Khoản 2 Điều 155 của BLTTHS cần bổ sung cụm từ “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Thứ ba. Khoản 6 Điều 326 của BLTTHS cần bổ sung thêm điểm e là “Đình chỉ vụ án”.
TAND thành phố Kon Tum đã thực hiện xét xử trực tuyến vụ án hình sự- Ảnh: Hà Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận