Bình luận Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Bản chất của cạnh tranh là sự thi đua, đấu tranh giữa các nhà kinh doanh về mặt kinh tế để có thể đạt được những điều kiện thuận lợi trên cùng thị trường bằng một số phương thức khác nhau. Tuy nhiên, có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, nên Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.
Tội vi phạm quy định về cạnh tranh là tội phạm mới thay thế tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS 1999. Mặt khác, về hình thức thì tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS 1999 đã bị bãi bỏ. Chính vì vậy, mà điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội phải quy định “Đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của BLHS năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý[1]. Nếu hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà chưa bị khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 không được khởi tố về tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”. Đây là quy định có lợi cho người phạm tội và được coi là trường hợp người phạm tội được hưởng lợi do pháp luật thay đổi.
Bản chất của cạnh tranh là sự thi đua, đấu tranh giữa các nhà kinh doanh về mặt kinh tế để có thể đạt được những điều kiện thuận lợi trên cùng thị trường bằng một số phương thức khác nhau.
Để cạnh tranh, buộc nhà sản xuất và buôn bán phải cải tiến kỹ thuật, tổ chức quản lý để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hoá, thay đổi mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu của khách hàng; giữ tín nhiệm; cải tiến nghiệp vụ thương mại và dịch vụ, giảm giá thành, giữ ổn định hay giảm giá bán và tăng lợi nhuận.
Có hai loại cạnh tranh: Cạnh tranh xuất hiện giữa các người bán với nhau khi mà cung lớn hơn cầu và cạnh tranh giữa những người mua với nhau khi mà cầu lớn hơn cung.
Tuy nhiên, không phải hành vi cạnh tranh nào cũng là hành vi phạm tội mà chỉ đối với một số hành vi quy định từ điểm a đến điểm c khoản 1 điều luật mới là hành vi phạm tội. Các hành vi cạnh tranh trái pháp luật không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tùy trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi cạnh tranh không trái pháp luật thì được khuyến khích trong một nên kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là một nền kinh tế luôn phải cạnh tranh. Chính vì vậy, Nhà nước muốn kinh tế phát triển thì phải quản lý, nhất là nền kinh tế thị trường ở nước ta là một nên kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhà nước phải có những quy định chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Đây cũng là lý do Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.
1. Các dấu hiệu chủ thể của tội phạm
a) Đối với người phạm tội
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng cũng không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người theo quy định của pháp luật có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Chủ thể của tội phạm này phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Các dấu hiệu về tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự của người phạm tội cũng tương tự như đối với các tội phạm khác.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào, vì theo quy định tai khoản 2 Điều 12 BLHS thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS (không có Điều 217).
b) Đối với pháp nhân thương mại
Ngoài người phạm tội, thì chủ thể của tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” còn có pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, không phải pháp nhân thương mại nào vi phạm quy định về cạnh tranh cũng là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ có pháp nhân thương mại nhất định mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm: Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của BLDS 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
c) Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phải thực hiện một trong các hành vi quy định từ điểm a đến điểm c khoản 1 của điều luật mới là chủ thể của tội phạm này.
2. Các dấu hiệu khách thể của tội phạm
Tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” là tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về cạnh tranh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường.
Quản lý kinh tế của Nhà nước về cạnh tranh được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”[2].
Lần đầu tiên, Hiến pháp quy định vấn đề cạnh tranh là cơ sở cho việc xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh, trong đó có pháp luật cạnh tranh:
“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”[3]
Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004, tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, là dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội, Bộ luật Hình sự đã chính thức coi hành vi vi phạm cạnh tranh là hành vi phạm tội và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật cạnh tranh, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.
Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV thông qua Luật Cạnh tranh thay thế Luật Cạnh tranh 2004. Với nhiều sửa đổi, bổ sung so với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật cạnh tranh 2018 không chỉ tạo ra cú hích to lớn thúc đẩy môi trường kinh doanh, cạnh tranh tự do, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, mà còn là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử đối với hành vi phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”.
Đối tượng tác động của tội phạm này có nhiều quan điểm khác nhau:
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa hoặc dịch vụ, vì chỉ có hàng hóa hoặc dịch vụ mới đem lại lợi nhuận cho người sản xuất, dinh doanh, nếu không có hàng hóa hoặc dịch vụ thì cũng không có hành vi cạnh tranh xảy ra.
- Ý khiến thứ hai thì cho rằng, hàng hóa hoặc dịch vụ chỉ là đối tượng của hoạt động kinh doanh và là đối tượng của nhiều tội phạm khác, còn đối tượng tác động của tội phạm “vi phạm quy định về cạnh tranh” phải là các quy định về cạnh tranh. Thông qua các quy định về cạnh tranh mà người phạm tội xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về cạnh tranh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp trên thị trường. Ý kiến này có nhân tố hợp lý và phù hợp với bản chất của tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”.
3. Các dấu hiệu khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người hoặc pháp nhân thương mại có thể thực hiện một hoặc tất cả các hành vi sau:
- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh
Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường là việc thống nhất thực hiện những hành vi nhằm tạo nên các rào cản ngăn trở việc gia nhập thị trường bằng cách gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường.
Đối tượng bị ngăn cản là các doanh nghiệp đang có nhu cầu gia nhập thị trường nhưng không tham gia thỏa thuận, có thể là những tổ chức, cá nhân kinh doanh đang hoạt động ở thị trường khác, nhưng có nhu cầu đầu tư hoặc chuyển hướng kinh doanh hoặc là những nhà đầu tư tiềm năng đang có nhu cầu đầu tư vốn vào thị trường bị ngăn cản. Với thỏa thuận ngăn cản kìm hãm không cho doanh nghiệp khác gia nhập thị trường, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận đã thực hiện các để cảnh báo các doanh nghiệp tiềm năng rằng nếu gia nhập thị trường, họ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình kinh doanh; làm giảm tính hấp dẫn của thị trường mà họ có ý định ngăn cản việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp khác.
Để thực hiện ý định cạnh tranh không lành ạnh, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận đã thực hiện một trong các hành vi:
+ Thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận, còn gọi là hành vi “cấm vận” hay “tẩy chay” doanh nghiệp khác nhằm tạo ra những áp lực tâm lý và gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp bị ngăn cản trong việc tiếp cận nguồn thông tin của thị trường, nguồn nguyên liệu…
+ Thống nhất yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, không bán hàng hoá, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác nhằm mong muốn phong tỏa mạng lưới phân phối, tiêu thụ hoặc nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ của họ; Việc yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không giao dịch với doanh nghiệp khác có thể thực hiện thông qua các cam kết của nhà phân phối, của đại lý không mua, không bán sản phẩm của doanh nghiệp đó hoặc bằng các thủ đoạn “đầu tư, chiến lược chiết khấu có điều kiện”…. tạo ra rào cản về chi phí cho việc gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp khác để họ phải gánh chịu thêm chi phí xây dựng và phát triển mạng lưới thu mua, thiêu thụ.
+ Thống nhất mua, bán hàng hoá, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp khác không thể tham gia thị trường liên quan. Hành vi này, các bên tham gia thỏa thuận có thể chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận nhằm làm cho thị trường liên quan không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khác để các doanh nghiệp này thấy rằng chiến lược gia nhập thị trường sẽ không khả thi vì không có lợi nhuận.
Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại tạo ra những thông tin về giá không chính xác bằng cách bán hàng hoá, dịch vụ với mức giá đủ để cho các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể gia nhập thị trường liên quan, họ trực tiếp hoặc gián tiếp thông báo cho những doanh nghiệp khác khó có thể thu hồi vốn hoặc kinh doanh hiệu quả nếu họ thực hiện ý định tham gia thị trường liên quan, làm cho các doanh nghiệp là đối tượng bị ngăn cản phải e ngại mà từ bỏ ý định của mình[4].
- Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường các doanh nghiệp khác không phải là các bên mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại đã thỏa thuận với nhau.
Đây là loại thoả thuận trong đó người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại muốn loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp bằng các thủ đoạn: yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, bán hàng hoá, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại muốn loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp hoặc yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ các nhà phân phối, các nhà bán lẻ đang giao dịch với mình phân biệt đối xử khi mua, bán hàng hoá của doanh nghiệp muốn loại bỏ khỏi thị trường theo hướng gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp này hoặc mua, bán hàng hoá, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp này phải rút lui khỏi thị trường.
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên đã thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ, hoặc hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Khi áp dụng tình tiết phạm tội này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần hiểu rõ một số thuật ngữ kinh tế như:
- Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Thị trường liên quan chính là tập hợp tất cả các sản phẩm hay dịch vụ có thể thay thế cho nhau trong khu vực địa lý riêng biệt nhất định. Ví dụ: Các hãng bia tại Việt Nam như: Heineken, Tiger, Carlsberg, Sapporo… được xem là có cùng thị trường sản phẩm liên quan vì các hãng bia này có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan bao gồm: Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận;
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan là thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh;
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh có thể ở toàn bộ các khâu sản xuất, mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ nhưng cũng có thể chỉ diễn ra ở một khâu sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường như: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
- Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường là việc thống nhất thực hiện những hành vi nhằm tạo nên các rào cản ngăn trở việc gia nhập thị trường bằng cách gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường.
b) Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Nếu chưa gây ra hậu quả thì hành vi chưa cấu thành tội phạm này.
Hậu quả của tội phạm được quy định ngay tại điều luật, đó là “gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng”
Nếu hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh chưa gây ra thiệt hại thì người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phải thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh mới cấu thành tội phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều luật cần quy định: Nếu thiệt hại cho người khác chưa đến 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 500.000.000 đồng, thì người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh hoặc đã bị kết án về tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục vi phạm quy định về cạnh tranh” thì vẫn cấu thành tội phạm này. Ý kiến này có nhiều nhân tố hợp lý. Hy vọng khi có chủ trường sửa đổi, bổ sung BLHS, các nhà làm luật quan tâm đến ý kiến này.
c) Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm
Đối với tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” ngoài hành vi khách quan, hậu quả đã được quy định tại khoản 1 của điều luật, thì không thể không nói đến các quy định của pháp luật về cạnh tranh như Luật cạnh tranh, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật cạnh tranh, các Thông tư của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các án lệ về tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn.
4. Các dấu hiệu chủ quan của tội phạm
a) Lỗi của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại
Đối với tội “vi phạm quy định về cạnh tranh, người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
b) Động cơ, mục đích của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại
Đối với tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” người hoặc pháp nhân thương mại có thể có nhiều động cơ, mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là vì lợi nhuận. Ngoài lợi nhuận, thì trong một số trường hợp người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại còn vì động cơ cá nhân khác nhằm “triệt hạ” các doanh nghiệp khác là đối thủ có thể gây nguy hại đến doanh nghiệp của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại.
(Còn nữa)
[1] Xem điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội.
[2] Văn kiện Đại hội Đảng
[3] Điều 51 Hiến pháp 2013;
[4] Xem thêm các khoản 1, 2 và 3 Luật Cạnh tranh
Khu vực rau quả ở một siêu thị - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Gần 100 Khu công nghiệp cùng bàn giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
-
Vinamilk khẳng định chất lượng và mở ra các lợi thế cạnh tranh mới cho sữa Việt khi xuất khẩu
-
Bình luận về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ -
Quy hoạch Đồng bằng sông Hồng phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của vùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận