Bình luận về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
Trong phần trước tác giả đã bình luận về các dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm quy định về cạnh tranh, trong phần này là các trường hợp phạm tội cụ thể, với những bình luận, hướng dẫn chi tiết.
1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật
Đây là cấu thành cơ bản của tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” với đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm[1] và người phạm tội bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
So với BLHS 1999 thì tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” là tội phạm mới mà BLHS 1999 chưa quy định. Do đó, không chỉ đối với khoản 1 của điều luật mà toàn bộ quy định tại Điều 217 BLHS 2015 chỉ áp dụng đối với người phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Khi áp dụng khoản 1 của điều luật để quyết định hình phạt đối với người phạm tội cần chú ý:
- Khi xác định thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh gây ra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định và việc giám định thiệt hại phải căn cứ vào Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/04/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP[2].
- Khi xác định tình tiết “thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng” quy định tại khoản 1 của điều luật cần chú ý: Đây là tình tiết không phụ thuộc vào thiệt hại mà người phạm tội gây ra bao nhiêu, có thể bằng hoặc lớn hơn thiệt hại mà người phạm tội gây ra nhưng cũng có thể thấp hơn thiệt hại quy định tại khoản 1 của điều luật. Số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được không phải là thiệt hại. Số tiền thu lợi bất chính là số tiền sau khi đã trừ các khoản chi phí cho hành vi vi phạm quy định cạnh tranh mà người phạm tội phải bỏ ra.
- Khi xác định số tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính do hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh gây ra, không bắt buộc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định và việc giám định thiệt hại phải căn cứ vào Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/04/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định nhằm xác định trị giá tài sản mà người phạm tội thu lợi bất chính.
Khi quyết định loại hình phạt hoặc mức hình phạt cụ thể đối với người phạm theo khoản 1 của điều luật, ngoài việc phải căn cứ vào Điều 50 BLHS, thì Tòa án còn phải căn cứ vào số lượng hành vi mà người phạm tội thực hiện, cũng như số lượng và tính chất nghiêm trọng của các tình tiết quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 của điều luật. Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Nếu người phạm tội thuộc cả 03 trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật thì mức hình phạt phải nặng hơn trường hợp người phạm tội chỉ thuộc 01 tình tiết là dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 của điều luật; số lượng các tình tiết định tội càng nhiều mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội gây thiệt hại cho người khác có giá trị càng lớn quy định tại khoản 1 của điều luật mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội thu lợi bất chính với số tiền càng lớn quy định tại khoản 1 của điều luật, mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi thuộc một trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 1 của điều luật, với số thiệt hại chỉ 1.000.000.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính 500.000.000 đồng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ;
- Khi áp dụng hình phạt tiền, Tòa án phải căn cứ vào Điều 35 BLHS, còn hình phạt cải tạo không giam giữ thì phải căn cứ vào Điều 36 BLHS[3];
- Nếu người phạm tội thực hiện cả 03 trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 1 của điều luật, gây thiệt hại cho người khác xấp xỉ 5.000.000.000 đồng, thu lợi bất chính xấp xỉ 3.000.000.000 đồng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt tù đến 02 năm;
- Nếu người phạm tội có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS thì có thể được hưởng án treo[4].
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật
a) Phạm tội 02 lần trở lên
Phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh 02 lần trở lên là trường hợp có 02 lần trở lên vi phạm quy định về cạnh tranh và mỗi lần thực hiện hành vi đều đã cấu thành tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” và tất cả các lần phạm tội đó đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu 02 lần trở lên phạm tội và mỗi lần đó lại cấu thành các tội phạm khác nhau thì không phải là phạm tội 02 lần trở lên mà là phạm nhiều tội.
Phạm nhiều tội không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, vì khi quyết định hình phạt, Tòa án đã tổng hợp hình phạt đối với từng tội và quyết định một hình phạt chung, nếu coi trường hợp phạm nhiều tội cũng là phạm tội 02 lần trở lên thì tội phạm nào người phạm tội cũng bị tăng nặng, như vậy là làm bất lợi cho người phạm tội hai lần về cùng một hành vi phạm tội.
Phạm tội 02 lần trở lên cũng khác phạm tội liên tục. Phạm tội liên tục là người phạm tội thực hiện một loạt hành vi phạm quy định về cạnh tranh, xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, nhằm đạt tới mục đích phạm tội. Trong một loạt hành vi ấy có hành vi đã cấu thành tội phạm, có hành vi chưa cấu thành tội phạm, nhưng nó là tội phạm thống nhất.
Việc xác định một người phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh 02 trở lên cần chú ý:
- Nếu hành vi phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh đã bị xử lý, không kể bị xử lý bằng hình thức gì, như xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án, được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án thì không tính lần phạm tội đó vào lần phạm tội sau để coi bị cáo phạm tội 02 lần trở lên.
- Trường hợp hành vi phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh đã được Viện kiểm sát miễn truy tố hoặc không truy tố cùng với lần phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh bị đưa ra xét xử, hoặc tách thành một vụ án khác thì cũng không coi là phạm tội 02 lần tở lên[5].
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
Trường hợp phạm tội này thực chất là 02 tình tiết, đó là: Dùng thủ đoạn tinh vi và dùng thủ đoạn xảo quyệt. Tuy nhiên, hai tình tiết này có liên quan đến nhau và trong một số trường hợp thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt được hiểu như là một. Chính vì vậy, nhà làm luật bao giờ cũng quy định tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi đi liền với dùng thủ đoạn xảo quyệt ở cùng một điểm, Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp chỉ quy định tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyết, mà không quy định tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi.
Thông thường tình tiết dùng thủ đoạn tinh vi và dùng thủ đoạn xảo quyệt được nhà làm luật quy định là dấu hiệu định khung hình phạt trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và một số tội phạm xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công công cộng, các tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về ma túy, các tội phạm về chức vụ và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.v.v… Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại Mục 3 Chương XVIII nhà làm luật cũng quy định tình tiết “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt” ở 09 tội danh quy định tại các điều 217, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224 và 230 Bộ luật Hình sự.
Dùng thủ đoạn tinh vi là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá hoặc sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, mà người khác không biết để đề phòng hoặc để người phạm tội che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
Dùng thủ đoạn tinh vi được hiểu là dùng cách thức thực hiện hành vi khôn khéo, kín đáo, phức tạp, khó nhận biết.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt là thủ đoạn phạm tội gắn liền với những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thì dùng thủ đoạn xảo quyệt là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao đê thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm[6]. Tuy Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ chứ không hướng dẫn cho mọi tội phạm nhưng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng có thể tham khảo để xác định tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”.
Đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh thì thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòa quyện với nhau là một mà không tách bạch. Ví dụ: Người phạm tội tung tin sai sự thật, rồi thông báo cho đối tượng để đối tượng từ bỏ thị trường.
Biểu hiện của hành vi dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt rất đa dang, nhất là trong lĩnh vực cạnh tranh “khốc liệt” của nền kinh tế thị trường.
c) Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại có vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền trên thị trường đã lạm dụng vị trí mà mình có để thao túng thị trường.
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền là những hành vi do doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp thực hiện nhằm củng cố vị trí thống lĩnh bằng cách loại bỏ doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường; ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác không cho gia nhập thị trường; phát triển kinh doanh hoặc nhằm thu lợi nhuận độc quyền bằng cách bóc lột khách hàng.
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh[7]
Vị trí thống lĩnh trên thị trường là vị trí của doanh nghiệp trên thị trường mà với vị trí ấy doanh nghiệp có thể chi phối sự biến động giá cả trên thị trường một cách đáng kể. Có thể coi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh là doanh nghiệp có quyền lực thị trường ở mức cao.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, thì “Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.[8]
Để chống hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền để thực hiện hành vi phạm quy định về cạnh tranh, Luật về cạnh tranh quy định hành vi của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm thực hiện:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị cấm thực hiện các hành vi sau:
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
- Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác[9].
Tóm lại, để xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh khi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thực hiện một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh.
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh[10]
Có thể hiểu vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường như sau:
Vị trí thống lĩnh trên thị trường được xác định dựa trên thị phần hoặc khả năng gây hạn chế cạnh tranh của một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp. Theo đó, một doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Một nhóm doanh nghiệp cũng có thể được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động thỏa thuận với nhau nhằm gây hạn chế cạnh tranh. Ví dụ: Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan cấu kết với nhau để thao túng thị trường.
Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền gồm:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất họp lí hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
Với hành vi này, khách hàng là những người bị chịu thiệt hại bởi giá mà họ phải mua quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm hoặc phải bán hàng hóa với giá thấp hơn giá thành thực. Giá mua, bán sản phẩm trên thị trường không được hình thành từ cạnh tranh mà do các doanh nghiệp thống lĩnh ấn định. Mức chênh lệch giữa giá được ấn định với giá cạnh tranh (giả định) là khoản lợi ích độc quyền mà doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền có được. Vì vậy, bằng hành vi này doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền đã có được toàn bộ giá trị thặng dư tiêu dùng của thị trường, mà thực chất là phần giá trị lẽ ra được hưởng của người tiêu dùng nếu có cạnh tranh. Do đó, hành vi này được coi là hành vi điển hình mang tính chất bóc lột khách hàng.
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kĩ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng gồm ba hành vi sau:
Thứ nhất, hạn chế sản xuất, phân phối sản phẩm gây thiệt hại cho khách hàng - là hành vi giảm khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ một cách giả tạo để lũng đoạn thị trường, làm biến động quan hệ cung cầu theo hướng có lợi cho doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trong giao dịch với khách hàng.
Thứ hai, hạn chế thị trường gây thiệt hại cho khách hàng - là việc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh tự giới hạn khu vực bán hoặc giới hạn nguồn mua sản phẩm mà không có lý do chính đáng gây thiệt hại cho khách hàng.
Thứ ba, hạn chế sự phát triển kỹ thuật, công nghệ làm thiệt hại cho khách hàng - là việc doanh nghiệp thực hiện những hành vi nhằm cản trở đối thủ cạnh tranh tiến hành việc nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động kinh doanh. Ví dụ: mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng hoặc hành vi đe dọa hoặc ép buộc người đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ phải ngừng hoặc hủy bỏ việc nghiên cứu.
Tuy nhiên, việc xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền để thực hiện hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh chỉ trong phạm vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 của điều luật, còn nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 của điều luật, thì không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật.
d) Thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên;
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại do vi phạm quy định về cạnh tranh mà thu được khoản tiền bất chính 3.000.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định khoản tiền thu lợi bất chính cũng tương tự như việc xác định khoản thu lợi bất chính quy định tại khoản 1 của điều luật.
đ) Gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại do vi phạm quy định về cạnh tranh nên đã gây thiệt hại cho người khác 5.000.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định thiệt hại cho người khác do hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh cũng tương tự như trường hợp gây thiệt hại cho người khác quy định tại khoản 1 của điều luật và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng phải căn vào Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/04/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định loại hình phạt hoặc mức hình phạt cụ thể đối với người phạm theo khoản 2 của điều luật, ngoài việc phải căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự, thì Tòa án còn phải căn cứ vào số lượng hành vi mà người phạm tội thực hiện, cũng như số lượng và tính chất nghiêm trọng của các tình tiết quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 của điều luật. Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Nếu người phạm tội thuộc cả 05 trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì mức hình phạt phải nặng hơn trường hợp người phạm tội chỉ thuộc 01 tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật; số lượng các tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật càng nhiều mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội gây thiệt hại cho người khác có giá trị càng lớn quy định tại khoản 2 của điều luật mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội thu lợi bất chính với số tiền càng lớn quy định tại khoản 2 của điều luật, mức hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Nếu người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, gây thiệt hại cho người khác với số tiền chỉ 5.000.000.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính 3.000.000.000 đồng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt dưới 01 năm tù.
- Khi áp dụng hình phạt tiền, Tòa án cũng phải căn cứ vào Điều 35 BLHS;
- Khi áp dụng hình phạt dưới 01 năm tù, Tòa án phải căn cứ vào Điều 54 BLHS;
- Nếu người phạm tội thực hiện cả 05 trường hợp quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 của điều luật, gây thiệt hại cho người khác gấp 03 lần mức thấp nhất ở khoản 2 của điều luật, thu lợi bất chính gấp 03 lần mức thấp nhất ở khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt tù đến 05 năm;
3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Đối với hình phạt tiền.
Tòa án chỉ áp dụng khi không áp dụng loại hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội. Tòa án cũng phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng. Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì hình phạt tiền đối với người phạm tội phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật mức phạt sẽ thấp hơn trường hợp người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật;
- Số tiền người phạm tội thu lợi bất chính càng lớn, mức tiền phạt càng nhiều và ngược lại;
- Người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính là hình phạt tù càng nặng, mức phạt tiền càng lớn và ngược lại.
- Đối với hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Tòa án chỉ áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể tiếp tục vi phạm quy định về cạnh tranh.
Thời hạn cấm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội, cũng chỉ cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh, còn các chức vụ, các nghề hoặc công việc nhất định không liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh, thì không nên cấm.
4. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội vi phạm quy định về cạnh tranh
Cũng như đối với các tội có quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm, khoản 4 của điều luật không phải là cấu thành tăng nặng hay giảm nhẹ của tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” đối với người phạm tội, mà là cấu thành độc lập và chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”. Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLHS 1999 nên chỉ áp dụng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của pháp nhân thương mại kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Tuy nhiên, không phải pháp nhân thương mại nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”, mà chỉ đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh khi nhân danh pháp nhân thương mại đó; vì lợi ích của pháp nhân thương mại đó; khi thực hiện hành vi phạm tội có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người có trách nhiệm của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS [11].
Việc xác định hành vi phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” của pháp nhân thương mại cũng tương tự như đối với người phạm tội.
Theo quy định tại khoản 2 của Điều 75 BLHS thì việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân của pháp nhân thương mại đó. Trách nhiệm cá nhân của pháp nhân thương mại nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”, thì cũng như đối với người phạm tội.
Pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
Theo quy định tại điểm a khoản 4 của điều luật, thì pháp nhân thương mại vi phạm quy định về cạnh tranh, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Việc xác định hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, cũng tương tự như đối với người phạm tội.
So với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật thì đối với pháp nhân thương mại chỉ bị phạt tiền nhưng mức tiền phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng, gấp nhiều lần so mức phạt tiền đối với người phạm tội quy định tại khoản 1 của điều luật .
Khi quyết định mức phạt tiền cụ thể đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại điểm a khoản 4 của điều luật, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự và tăng nặng quy định tại Điều 85 BLHS đối với pháp nhân thương mại, tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng[12].
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Pháp nhân thương mại càng thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, mức phạt tiền càng nặng và ngược lại;
- Nếu thuộc cả 03 trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật thì mức phạt tiền phải nặng hơn trường hợp chỉ thuộc 01 tình tiết là dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 của điều luật; số lượng các tình tiết định tội càng nhiều mức phạt tiền càng nhiều và ngược lại;
- Pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại cho người khác có giá trị càng lớn quy định tại khoản 1 của điều luật mức phạt tiền càng nhiều và ngược lại;
- Pháp nhân thương mại thu lợi bất chính với số tiền càng lớn quy định tại khoản 1 của điều luật, mức phạt tiền càng nhiều và ngược lại;
- Nếu pháp nhân thương mại chỉ thuộc 01 trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, phạm tội lần đầu, gây thịệt cho người khác 1.000.000.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính 500.000.000 đồng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng thì có thể được áp dụng mức phạt tiền 1.000.000.000 đồng.
- Nếu pháp nhân thương mại thuộc hầu hết các trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật, gây thịệt cho người khác xấp xỉ 5.000.000.000 đồng, thu lợi bất chính xấp xỉ 3.000.000.000 đồng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 3.000.000.000 đồng.[13]
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm
Điểm b khoản 4 của Điều 217 Bộ luật Hình sự là cấu thành tăng nặng đối với pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”, vì khoản 2 của Điều 217 BLHS quy định đối với người phạm tội cũng là cấu thành tăng nặng của tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”.
Việc xác định các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 của điều luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng tương tự như việc xác định các tình tiết phạm tội này quy định tại khoản 2 của Điều 217 BLHS đối với người phạm tội.
So với người phạm tội quy định tại khoản 2 của điều luật thì pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” chỉ bị phạt tiền nhưng mức tiền phạt là từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Khi quyết định mức phạt tiền cụ thể đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 4 của điều luật, Tòa án cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự và tăng nặng quy định tại Điều 85 BLHS đối với pháp nhân thương mại, tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả.
Nếu pháp nhân thương mại vi phạm quy định về cạnh tranh chỉ thuộc 01 trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, chỉ phạm tội 02 lần, không dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại cho người khác chỉ 5.000.000.000 đồng, thi lợi bất chính chỉ 3.000.000.000 đồng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng, được đánh giá là chấp hành tôt pháp luật, thì có thể được áp dụng mức phạt tiền 3.000.000.000 đồng hoặc dưới 3.000.000.000 đồng nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
Nếu pháp nhân thương mại vi phạm quy định về cạnh tranh mà dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại cho người khác 15.000.000.000 đồng trở lên, thi lợi bất chính 9.000.000.000 đồng trở lên và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể áp dụng mức tiền phạt đến 5.000.000.000 đồng.
Riêng đối với hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, khi áp dụng loại hình phạt này, Tòa án còn phải căn cứ vào quy định tại Điều 78 BLHS về hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn[14].
Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 BLHS, thì hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.
So với căn cứ quyết định hình phạt đối với người phạm tội quy định tại Điều 50 BLHS, thì đối với pháp nhân thương mại thương mại còn“căn cứ việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại thương mại”. Nếu việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại thương mại trước khi phạm tội cũng như sau khi phạm tội và trước khi xét xử được đánh giá là tốt thì việc Tòa án quyết định đình chỉ hoạt động một thời gian ngắn hơn so với pháp nhân thương mại thương mại trước khi phạm tội hoặc sau khi phạm tội và trước khi xét xử được đánh giá là không tốt. Tòa án chỉ áp dụng một trong hai loại hình phạt hoặc là hình phạt tiền hoặc hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, vì cả hai loại hình phạt này là hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài hình phạt chính quy định tại các điểm a, b khoản 4 của điều luật, thì Pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh” còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đây là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội “vi phạm quy định về cạnh tranh”
Cũng như đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
- Đối với hình phạt tiền
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tiền khi không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, mà hình phạt chính là hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn thì mới được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Nếu đã áp dụng hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại thương mại phạm tội là phạt tiền thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa.
Khi áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại thương mại phạm tội cũng phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả. Mức phạt từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại thì không buộc phải theo nguyên tắc như đối với người phạm tội, vì hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại chủ yếu là hình phạt tiền, nếu áp dụng như đối với người phạm tội sẽ hầu như không có trường hợp nào pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền là hình phạt bổ sung nữa.
Ý kiến ngược lại cho rằng, dù là người phạm tội hay pháp nhân thương mại thì cũng phải căn cứ vào quy định của BLHS. Điều 74 của BLHS quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội ghi rất rõ: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này (Chương XI). Mặt khác khoản 1 Điều 77 Bộ luật Hình sự quy định về hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại cũng quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội”. Nhà làm luật dùng từ “Hoặc”, chứ không dùng từ “Và”, tức là hoặc là hình phạt chính hoặc là hình phạt bổ sung chứ không thể vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Vì vậy, dù 77 Bộ luật Hình sự không quy định rõ là “hình phạt tiền được áp dụng đối với pháp nhân thương mại khi không áp dụng là hình phạt chính” như đối với người phạm tội, thì vẫn phải hiểu rằng phạt tiền chỉ được áp dụng khi không áp dụng là hình phạt chính.
Tuy nhiên, không chỉ đối với hình phạt tiền mà các loại hình phạt khác đối với pháp nhân thương mại quy định tại Chương XI cho đến nay vẫn là một vấn đề rất mới, lại chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên dẫn đến việc hiểu khác nhau. Hy vọng rằng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm hướng dẫn để các Tòa án áp dụng thống nhất.
- Đối với hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định
Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể tiếp tục vi phạm quy định về cạnh canh, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.
Tòa án phải nói rõ trong bản án là cấm kinh doanh, cấm hoạt động lĩnh vực nào, chứ không thể tuyên chung chung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được.
Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cũng chỉ từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không được cấm vĩnh viễn, vì đây là hình phạt bổ sung.
- Đối với hình phạt cấm huy động vốn
Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại thương mại huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục vi phạm quy định về cạnh canh .
Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; cấm phát hành, chào bán chứng khoán; cấm huy động vốn khách hàng; cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
Mặc dù Điều 81 BLHS quy định nhiều hình thức cấm huy động vốn, nhưng Tòa án chỉ cần quyết định cấm huy động vốn, mà không cần cấm huy động vốn bằng hình thức nào, vì các hình thức cấm huy động vốn chỉ là biểu hiện của hình phạt, chứ không phải là hình phạt độc lập với nhau.
[1] Các dấu hiệu cấu thành tội phạm được phân tích tại mục A (các dấu hiệu cơ bản của tội phạm)
[2] Xem toàn văn Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ, Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ và Thông tư số 30/2020/TT-BTC ngày 17/04/2020 của Bộ Tài chính đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ
[3] Xem bình luận Bộ luật Hình sự (phần thứ nhất) của tác giả về hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.. NXB Thông tin và Truyền thông. Năm 2000 hoặc năm 2020. Tr 172-177
[4] Xem bình luận Bộ luật Hình sự (phần thứ nhất) của tác giả về án treo. NXB Thông tin và Truyền thông. Năm 2000 hoặc năm 2020. Tr 345-355
[5] Xem thêm bình luận Bộ luật Hình sự (phần thứ nhất) của tác giả về “Phạm tội 02 lần trở lên”. NXB Thông tin và Truyền thông. Năm 2000 hoặc năm 2020. Tr 281-283
[6] Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP, ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ.
[7] Khoản 2 và khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018.
[8] Khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018
[9] Điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018
[10] Khoản 2 và khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018.
[11] Xem Điều 75 Bộ luật Hình sự
[12] Điều 77 Bộ luật Hình sự
[13] Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả
[14] Xem khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hình sự
Sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng trong sự cạnh tranh cũng hàm chứa nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Quang Phúc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận