Các tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Việc xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và việc xuất nhập cảnh của công dân nước ngoài (ra vào Việt Nam) được thực hiện theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Xuất nhập cảnh là việc ra khỏi hoặc vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam[1]. Theo quy định của Luật Biên giới quốc gia, thì việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu; việc quá cảnh qua biên giới vào lãnh thổ đất liền, vùng biển, vùng trời phải tuân thủ quy định đi theo các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng hải, đường hàng không; việc qua lại biên giới của nhân dân trong khu vực biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới[2]. Người xuất nhập cảnh ra khỏi hoặc vào lãnh thổ Việt Nam bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó:
1. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: có giấy tờ xuất nhập cảnh (là hộ chiếu, giấy thông hành) còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 06 tháng trở lên; có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực; và không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng. Riêng các đối tượng sau đây, thì điều kiện qua lại biên giới là giấy thông hành (giấy tờ dơ cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới theo điều ước quốc tế giữ Việt Nam và nước có chung đường biên giới[3]) và việc qua lại biên giới được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới[4]: Công dân Việt Nam cư trú ở đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương khác nhưng có trụ sở đóng tại tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng[5]. Như vậy, việc qua lại biên giới ở nơi mở ra cho qua lại bằng giấy thông hành cũng là hành vi xuất nhập cảnh nhưng chưa được Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đề cập. Về thủ tục, mặc dù việc xuất nhập cảnh được thực hiện tại cửa khẩu hoặc nơi mở ra cho qua lại biên giới, thì người xuất nhập cảnh cũng phải chịu sự kiểm soát của người có thẩm quyền. Theo đó, người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh có trách nhiệm kiểm tra điều kiện xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và giải quyết như sau: Trường hợp đủ điều kiện thì giải quyết cho xuất cảnh, nhập cảnh; Trường hợp không đủ điều kiện xuất cảnh thì lập biên bản không giải quyết cho xuất cảnh; Trường hợp không đủ điều kiện nhập cảnh thì xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sau đó giải quyết cho nhập cảnh[6].
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có đủ các điều kiện có hộ chiếu (hộ chiếu giấy, hộ chiếu điện tử) hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của Luật này. Người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; Chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú còn giá trị; Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử xuất nhập cảnh cũng phải đủ các điều kiện (nêu trên) và việc xuất nhập cảnh được thực hiện tại cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định[7]. Việc xuất nhập cảnh của người nước ngoài được thực hiện tại cửa khẩu và người xuất nhập cảnh cũng phải chịu sự kiểm soát của người có thẩm quyền[8].
Như vậy, xuất nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài là hành vi qua lại biên giới (tại cửa khẩu, nơi mở cho qua lại biên giới hoặc nơi khác trên biên giới) trái pháp luật bằng cách không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, bao gồm: hành vi qua lại biên giới được phép nhưng bằng giấy tờ xuất nhập cảnh không hợp pháp mà người xuất nhập cảnh đã sử dụng để lừa dối người có thẩm quyền kiểm soát xuất nhập cảnh; hành vi qua lại biên giới không được phép của người có thẩm quyền kiểm soát xuất nhập cảnh. Cho nên, hành vi trốn đi nước ngoài hoặc trốn vào Việt Nam (là hành vi qua lại biên giới không được phép của người có thẩm quyền kiểm soát xuất nhập cảnh) cũng chỉ là một trường hợp cụ thể vi phạm quy định về xuất nhập cảnh.
2. Theo quy định của BLHS năm 2015, thì các tội phạm cụ thể liên quan đến việc xuất nhập cảnh trái pháp luật bao gồm: Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới; Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; Tội ở lại Việt Nam trái phép; Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép; Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Trong đó:
- Theo quy định tại Điều 120 BLHS, thì tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm chống chính quyền nhân dân[9].
- Theo quy định tại Điều 121 BLHS, thì tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm chống chính quyền nhân dân[10].
- Theo quy định tại Điều 346 BLHS, thì tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới là hành vi vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong khu vực biên giới[11].
- Theo quy định tại Điều 347 BLHS, thì tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép là hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong khu vực biên giới, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam[12].
- Theo quy định tại Điều 348 BLHS, thì tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là hành vi vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong khu vực biên giới, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam[13].
- Theo quy định tại Điều 349 BLHS, thì tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong khu vực biên giới, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam[14].
- Theo quy định tại Điều 350 BLHS, thì tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là hành vi cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong khu vực biên giới, chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam[15].
Nghiên cứu quy định của BLHS về các tội phạm nêu trên cho thấy:
- Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài là những tội phạm có cùng hành vi khách quan. Điểm khác nhau căn bản giữa tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân với các tội còn lại là mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, tội vi phạm quy định về xuất cảnh và tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh là những tội phạm có cùng hành vi khách quan. Điểm khác nhau căn bản giữa tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân với các tội còn lại là mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân;
- Tội trốn ở lại nước nước ngoài, tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn ở lại nước ngoài trái phép và tội ở lại Việt Nam trái phép không liên quan trực tiếp đến tội xuất nhập cảnh trái phép. Bởi lẽ, tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi của người Việt Nam xuất cảnh hợp pháp nhưng khi hết thời hạn xuất cảnh người đó không trở lại Việt Nam mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền nhằm chống chính quyền nhân dân; và tội ở lại Việt Nam trái phép là hành vi của người được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng khi hết thời hạn nhập cảnh, người đó không chịu rời khỏi Việt Nam mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền;
- Về ngôn ngữ pháp lý, thì quy định tại Điều 120, 121, 347, 348, 349 và 350 BLHS lại chưa thực sự được thống nhất. Bởi lẽ, như đã trình bày hành vi trốn đi nước ngoài hoặc trốn vào Việt Nam (là hành vi qua lại biên giới không được phép của người có thẩm quyền kiểm soát xuất nhập cảnh) cũng chỉ là một trường hợp cụ thể vi phạm quy định về xuất nhập cảnh. Do vậy, với quy định tại các điều 348, 349, 350 BLHS, thì không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi tổ chức, môi giới, cưỡng ép người khác vi phạm quy định về xuất nhập cảnh (qua lại biên giới được phép nhưng) bằng giấy tờ xuất nhập cảnh không hợp pháp;
- Về kỹ thuật lập pháp, thì việc tách hành vi tổ chức, môi giới, xúi giục khỏi hành vi trốn hoặc vi phạm quy định về xuất nhập cảnh trái phép để quy định là những tội phạm độc lập tuy đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi tổ chức vượt biên trái phép những năm 1980, 1990 của thế kỷ trước nhưng chưa thực sự bảo đảm tính thống nhất (tính hệ thống, thống nhất cấu trúc bên trong) của việc xuất nhập cảnh trái pháp luật một cách có tổ chức. Bởi lẽ, xuất nhập cảnh trái pháp luật một cách có tổ chức là trường hơp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện hành vi xuất nhập cảnh trái pháp luật có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện hành vi đó, trong đó có người thực hành (là người trực tiếp thực hiện hành vi xuất nhập cảnh trái phép) và người tổ chức; và có thể có người xúi giục, người giúp xức (có thể là người môi giới hoặc giúp sức khác).
3. Từ những nội dung nghiên cứu nêu trên, để hoàn thiện pháp luật về các tội phạm về xuất nhập cảnh đề nghị:
- Thứ nhất, sửa đổi nội dung khoản 1 và 2 Điều 2 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam theo hướng quy định: “1. Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua của khẩu của Việt Nam hoặc nơi mở cho qua lại biên giới; 2. Nhập cảnh là việc công dân Việt Nam từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua của khẩu của Việt Nam hoặc nơi mở cho qua lại biên giới”.
- Thứ hai, tách hành vi trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân khỏi “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân đan - Điều 121 BLHS” và quy định là một tội phạm độc lập xâm phạm an ninh quốc gia. Tách tội ở lại Việt Nam trái phép khỏi “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái pháp luật - Điều 347 BLHS” và quy định là một tội phạm độc lập xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Đồng thời chuyển nội hàm hành vi tổ chức, môi giới, cưỡng ép người khác ở lại Việt Nam trái phép (ở Điều 348 và 350 BLHS) về tội phạm này và thay thế bằng quy định phạm tội “có tổ chức” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội phạm này.
- Thứ ba, gộp hành vi trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân với các hành vi tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (ở Điều 120 và 121 BLHS) thành “Tội xuất cảnh trái phép nhằm chống chính quyền nhân dân” và quy định phạm tội “có tổ chức” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của tội phạm này để thay thế các hành vi tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài.
- Thứ tư, gộp hành vi tổ chức, môi giới cho người khác cho người khác xuất nhập cảnh trái phép (ở Điều 348 BLHS) và hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi đước ngoài (ở Điều 349 BLHS) thành một hành vi phạm tội “có thổ chức” và quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của “Tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh”.
Như vậy, sau khi sửa đổi theo hướng nêu trên, thì trong BLHS sẽ có các tội vi phạm quy định về xuất nhập cảnh sau đây:
“1. Điều … Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt….
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt…:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”.
“2. Điều … Tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
1. Công dân Việt Nam nào ở lại nước ngoài trái phép nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt….
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt…:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”.
“3. Điều ... Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh
1. Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt….
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt…:
a) Có tổ chức;
b)…”.
“4. Điều ... Tội ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào ở lại Việt Nam trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt…:
a) Có tổ chức;
b) …”.
[1] Điều 2, Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2020.
[2] Điều 15 Luật Biên giới quốc gia năm 2003.
[3] Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2020.
[4] Điều 15 Luật Biên giới quốc gia năm 2003.
[5] Điều 19 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2020.
[6] Điều 35 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2020.
[7] Điều 20 và 27 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2020.
[8] Điều 47 và 49 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2020.
[9] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Vi phạm pháp luật và quy trình xử lý vi phạm pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tr.76.
[10] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.76.
[11] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.204.
[12] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.205.
[13] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.205.
[14] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.205.
[15] Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.206.
Lực lượng biên phòng tỉnh Cao Bằng ngăn chặn các đối tượng có hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới - Ảnh: Thế Hiển.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận