Cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định của BLTTHS 2015
Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, tuy nhiên Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 không quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đây là một bất cập đã được khắc phục trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cụ thể:
Điều 123. Cấm đi khỏi nơi cư trú
1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
2. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép;
b) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
c) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
d) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
4.Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
5. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ.Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
6. Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.
Theo quy định của điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 ở trên, ta thấy biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng đối với mọi loại tội phạm; người được áp dụng biện pháp này phải có có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, phải làm giấy cam đoan, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của người đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó.
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, sau khi Cơ quan điều tra ra lệnh áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì lệnh này sẽ tồn tại suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án nếu không được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Do đó có trường hợp có bị cáo sau khi xét xử hàng chục năm vẫn còn lệnh này vì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 không quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú cũng không quy định khi nào khi hết thời hạn áp dụng biện pháp này.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”. Tức thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú tại giai đoạn điều tra do Cơ quan điều tra quyết định nhưng không được quá thời hạn điều tra; thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú tại giai đoạn truy tố do Viện kiểm sát quyết định nhưng không được quá thời hạn truy tố; thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú tại giai đoạn xét xử do Toà án quyết định nhưng không được quá thời hạn xét xử, nếu người bị kết án bị phạt tù thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với họ không được quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Đến ngày 01/01/2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành và quy định này được áp dụng. Tuy luật đã có quy định khá rõ ràng nhưng theo chúng tôi cũng cần có sự hướng dẫn để thống nhất áp dụng: Vụ án đang ở gian đoạn nào thì do cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn đó quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; Người ra quyết định và hủy bỏ quyết định của từng cơ quan tiến hành tố tụng. Riêng tại giai đoạn xét xử thì biện pháp này cần có sự phân biệt về thời điểm chuẩn bị xét xử và thời điểm xét xử vụ án.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
5 Bình luận
Đỗ Thị Thanh Hoa
11:09 08/01.2025Trả lời
Giang
11:09 08/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Le hong van
11:09 08/01.2025Trả lời
Nguyễn Anh Hùng
11:09 08/01.2025Trả lời
Hoài Anh
11:09 08/01.2025Trả lời