.jpg)
Một số vấn đề về định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tiền ảo trong thực tiễn xét xử và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Bài viết phân tích cơ sở pháp lý của “đồng tiền ảo”, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành có liên quan và quan điểm thực tiễn giải quyết các vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó đề xuất hướng giải quyết vụ án về tội danh, trách nhiệm dân sự, tư cách tham gia tố tụng và xử lý “dữ liệu điển tử” bị chiếm đoạt liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền ảo.
1. Giá trị pháp lý của “tiền ảo” ở Việt Nam
Hiện nay, ở nước ta người đầu tư tiền ảo ngày càng nhiều và giao dịch tiền ảo công khai. Theo số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), ước có khoảng 01 triệu người sở hữu và tham gia với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. [1]Những người đầu tư tiền ảo coi “đồng tiền ảo” là một loại tài sản, bởi thực tế, họ phải bỏ tiền Việt Nam Đồng (VNĐ) ra để mua đồng tiền ảo. Khi thị trường trên sàn giao dịch tiền ảo tăng, họ có thể bán và được sàn giao dịch tiền ảo quy đổi sang tiền VNĐ và chuyển về tài khoản ngân hàng Việt Nam. Hoặc các nhà đầu tư tiền ảo tự thỏa thuận, giao dịch mua bán với nhau.
Hiện nay, về mặt pháp lý ở nước ta chưa có một khái niệm nào về “tiền ảo” trong khi hàng loạt các loại tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam và phát triển như một xu thế tất yếu trong thời đại số. Ở Việt Nam, đến nay có hơn 20 loại tiền ảo phổ biến như: Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB), RIPPLE (XRP), Tether (USDT), Cardano (ADA), Polkadot (DOT), Dogecoin (DOGE), Uniswap (UNI), Litecoin (LTC)...[2] Cùng với đó là mô hình kinh doanh tiền ảo cũng xuất hiện. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẳng định rõ việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, tuy nhiên, trên thế giới, có quốc gia thừa nhận và cho phép kinh doanh, giao dịch tiền ảo như Argentina, Colombia và Brazil; có quốc gia hoàn toàn cấm tiền ảo như Trung Quốc; có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận như Việt Nam[3].
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 thì “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Trong đó, “vật” được hiểu là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai thác, sử dụng như vàng, bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa…; “tiền” là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao gồm nội tệ và ngoại tệ; “giấy tờ có giá” là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc… và “quyền tài sản” là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “tiền ảo” là một dạng “tài sản ảo” có những đặc tính gồm[4]:
- Tính phi vật chất: Do tài sản ảo chỉ tồn tại dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số nên không có hình dạng vật lý như tài sản thông thường, giá trị của tài sản ảo được công nhận thông qua các nền tảng số hoặc cộng đồng sử dụng chúng.
- Tính phi tập trung: Phần lớn tài sản ảo, đặc biệt là tiền điện tử, không chịu sự quản lý của một tổ chức hay chính phủ nào. Thay vào đó, chúng hoạt động dựa trên các mạng lưới phân tán như Blockchain, giúp tăng tính minh bạch và bảo mật.
- Tính ẩn danh: Các giao dịch tài sản ảo thường không yêu cầu cung cấp danh tính người tham gia, giúp bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng có thể bị lạm dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
- Giá trị tương lai biến động theo nhu cầu thị trường: Giá trị tương lai của tài sản ảo không ổn định, có thể thay đổi liên tục do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nổi bật nhất là yếu tố về tâm lý, nhu cầu thị trường, sự tiến bộ của công nghệ, sự khan hiếm, tiện ích được nhận thức và hệ sinh thái nơi chúng tồn tại.
- Tính toàn cầu: Tài sản ảo không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, có thể giao dịch ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần có kết nối Internet. Điều này giúp tài sản ảo dễ dàng tiếp cận với nhiều người dùng và thị trường.
- Tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý: Các tài sản ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý do không giống như tài sản truyền thống, tài sản ảo thường không có bất kỳ giá trị nội tại nào. Giá của chúng chủ yếu dựa vào niềm tin của nhà đầu tư cũng như cung và cầu thị trường vốn rất nhạy cảm với tin tức và tin đồn thị trường.
Như vậy, “tiền ảo” có thể được hiểu là một “sản phẩm” có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do Chính phủ của một quốc gia nào đó phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác[5].
Mặc dù không có quy định nào thừa nhận tiền ảo là tài sản, nhưng pháp luật hiện hành cũng không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 về danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Theo quy định tại Điều 33 Hiến pháp thì “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Như vậy, pháp luật Việt Nam không cấm kinh doanh “đầu tư” tiền ảo nhưng cũng không thừa nhận tiền ảo là một tài sản, do đó, mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến tiền ảo pháp luật không giải quyết. Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, nếu vợ chồng yêu cầu “chia tài sản” là tiền ảo thì Tòa án không có căn cứ để xem xét giải quyết; nhưng nếu vợ chồng tự thỏa thuận chia tiền ảo khi ly hôn thì pháp luật không cấm.
Như vậy, một vấn đề tồn tại ở nước ta hiện nay là các giao dịch “tiền ảo” không được pháp luật bảo vệ nhưng lại được mặc nhiên hoạt động mà chưa có một hành lang pháp lý nào điều chỉnh. Điều này dẫn đến những bất cập, vước mặc khi có tranh chấp hay hành vi chiếm đoạt “tiền ảo” xảy ra.
2. Hành vi chiếm đoạt “tiền ảo” có được pháp luật bảo vệ không?
Các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác được BLHS 2015 quy định trong Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, ví dụ: tội cướp tài sản (Điều 168), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)… Cũng có tội phạm thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng lại không được quy định tại chương các tội xâm phạm sở hữu, ví dụ “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) thuộc Chương XXI các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Như vậy, bất kỳ hành vi nào chiếm đoạt tài sản của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và nếu mức độ nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ được xét xử bằng 01 vụ án hình sự.
Mặc dù các giao dịch liên quan đến tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, nhưng nếu đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền ảo thông qua các phương thức, thủ đoạn mà hành vi này lại xâm phạm các khách thể khác được pháp luật hình sự bảo vệ thì hành vi của đó vẫn bị xử lý hình sự theo tội phạm tương ứng và tiền ảo bị chiếm đoạt có để được xử lý trong vụ án hình sự mà bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Xác định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt “tiền ảo” thông qua xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, phiên tiện điển tử
3.1. Nội dung vụ án
Khoảng 03 giờ ngày 24/11/2021 tại phòng trọ của Tr phòng 401 CT1A Chung cư Tân Tây Đô thuộc xã T L, huyện Đan Ph, thành phố H, Tr đã sử dụng ứng dụng Trust, là ứng dụng để lưu trữ tiền điện tử hay còn gọi là ví nóng trên điện thoại của Tr kết nối mạng internet, nhập 12 chữ bảo mật tài khoản ví điện tử địa chỉ “TK5zSmq14QBWuwrAwF7Exn9kudJZztLyZ" do Nguyễn Thị Ng quản lý, xâm nhập trái phép vào ví điện tử này và chuyển toàn bộ dữ liệu điện tử trong ví là 106.337 USDT[6] ra khỏi ví điện tử do chị Ng quản lý. Nguyễn Tiến Tr đã nhờ Đỗ T A bán 100.007 USDT cho nhiều nhà đầu tư và thu lợi 2.370.000.000 đồng. Ngoài ra Tr chuyển 3.380 USDT vào ví điện tử của T A để trả nợ cho T A; chuyển 2.950 USST vào ví điện tử của Tr để đầu tư nhưng thua lỗ hết. Toàn bộ số tiền thu lợi từ việc bán dữ liệu điện tử trong ví điện tử của chị Ng bị cáo Tr sử dụng trả nợ, mua ô tô và tiêu dùng cá nhân hết. Bản án hình sự sơ thẩm số số 136/2023/HSST ngày 22/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đan Ph, thành phố H đã áp dụng điểm c khoản 3 Điều 289 BLHS xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Tr về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tửcủa người khác”.
Ngày 18/01/2024, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố H có kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐ-VKS ngày 18/01/2024 về tội danh và hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Tiến Tr tại bản án Hình sự sơ thẩm số 136/2023/HSST ngày 22/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đan Ph. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hxét xử phúc thẩm v ụán theo hướng hủy toàn bộ bản án Hình sựsơ thẩm số136/2023/HSST ngày 22/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Đan Ph với nhận định hành vi của bị cáo phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điển tử thực hiện hành vi chiếm đoat tài sản” theo Điều 290 BLHS. HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố H với nhận định: USDT là một đồng tiền điện tử, hay còn gọi là “tiền ảo” đang tồn tại ởViệt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa công nhận đồng tiền điện tử này là tài sản. USDT không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng loại tiền điện tử này làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là những hành vi không phù hợp quy định pháp luật Việt Nam. Chính vì USDT chưa được công nhận là tài sản nên không đủ căn cứ để tiến hành định giá số lượng USST trong ví điện tử của chị Ng nhằm xác định giá trị tài sản chiếm đoạt đểxác định khung hình phạt trong trường hợp cho rằng hành vi của bịcáo là chiếm đoạt tài sản.
Tác giả đồng tình với nhận định của HĐXX cấp phúc thẩm. Bởi vì, trong vụ án trên, chúng ta thấy rằng hành vi của bị cáo Nguyễn Tiến Tr đã xâm phạm trái phép phương tiện điện tử của người khác, có mục đích chiếm đoạt nhưng cụ thể trong trường hợp này là nhằm lấy cắp dữ liệu điện tử (USDT) để thực hiện nhiều mục đích khác nhau. Trên thực tế bị cáo đã lấy cắp các dữ liệu điện tử này và bán một phần để thu lợi bằng tiền Việt Nam đồng, sử dụng một phần để đầu tư, một phần để trả nợ. Hành vi này phù hợp với mô tả trong cấu thành tội phạm tội “Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” tại Điều 289 BLHS. Do chưa đủ cơ sở để xác định số USDT trong ví điện tử là tài sản, và không định giá được để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt nên chưa đủ căn cứ để truy tố, xét xử bị cáo về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 290 BLHS.
Hơn nữa, căn cứ vào hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người kháctheo Điều 289 BLHS 2015 thì bị cáo bị áp dụng định khung tăng nặng là “thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 289 BLHS. Số tiền thu lợi chính là giá trị tiền VNĐ mà bị cáo Tr đã thu được khi bán đồng tiền áo USDT.
3.2. Phân tích cấu thành tội phạm
“Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
- Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, tức là họ có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hình vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Đồng thời, người đó phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nghĩa là vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, họ phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi được quy định tại Điều 12 BLHS 2015.
- Khách thể của tội phạm
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác được quy định tại Điều 289 thuộc Mục 2: Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Chương XXI: Các tội xâm phạm trật tự công cộng. Do đó, khách thể mà tội phạm xâm phạm trong tình huống trên là quản lý nhà nước về an toàn công cộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.
- Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm gồm hành vi khách quan, hậu quả và mối quan hệ nhân quả. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi truy cập trái phép bằng một trong các hành vi nêu tại Điều 289 BLHS. Đây là tội có cấu thành hình thức, do đó, hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc. Việc tội phạm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do hành vi phạm tội gây ra là yếu tố để xác định định khung tăng nặng. Hành vi khách quan của tội phạm trong tình huống nêu trên là hành vi cố ý xâm nhập trái phép vào tài khoản “tiền ảo” của chủ tài khoản sau đó sử dụng quyền quản trị tài khoản tiền ảo để chuyển đồng tiền ảo ra khỏi . Khi bị cáo xâm nhập vào tài khoản tiền ảo của chủ tài khoản và chiếm quyền điều khiển tài khoản chuyển tiền ảo sang tài khoảng của mình là hành vi phạm tội đã hoàn thành. Không bắt buộc bị cáo đã bán được tiền ảo chiếm đoạt hay chưa.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm phạm tội với lỗi cố ý, họ nhận thức rõ hành vi xâm nhập trái phép vào tài khoản tiền ảo của người khác là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Hậu quả của tội phạm mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích hành động, với sự mong muốn của người đó.
3.3. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xác định khung hình phạt tăng nặng
Số tiền thu lợi bất chính của bị cáo để xem xét định khung tăng được xác định là khi bị cáo đã bán đồng tiền ảo để thu về tiền VNĐ. đồng tiền ảo USDT).
Trong trường hợp bị cáo chỉ mới chiếm đoạt đồng tiền ảo từ tài khoản sang tài khoản tiền ảo của bị cáo mà chưa bán được số tiền ảo đã chiếm đoạt thì bị cáo chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 289 BLHS 2015 mà không có căn cứ để áp dụng tình tiết định khung “thu lợi bất chính”
3.4. Về xử lý dữ liệu điển tử bị lấy cắp
Trường hợp bị cáo đã bán được đồng tiền ảo để thu về tiền VNĐ thì đây được xác định là số tiền bị cáo hưởng lợi do phạm tội mà có nên buộc bị cáo phải trả lại số tiền VNĐ này cho chủ tài khoản. . Đối với số tiền ảo còn lại bị cáo chưa bán thì được coi là “dữ liệu điển tử” bị lấy cắp của vụ án và buộc bị cáo trả lại cho chủ tài khoản. . Tuy nhiên, trường hợp bị cáo chiếm đoạt tiền ảo sau đó tiếp tục đầu tư và thua lỗ hết không còn để buộc trả lại đông tiền ảo, cũng như không có căn cứ định giá đồng tiền ảo để buộc bị cáo phải bồi thường.
3.5. Tư cách tham gia tố tụng của chị Ng
Mặc dù tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” được quy định tại Điều 289 BLHS khách thể bị xâm hại là về trật tự công cộng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn không, không phải xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, trong các vụ án có hành vi “chiếm đoạt tiền ảo” như thế này, thì chủ tài khoản đã bị xâm hại đến quyền quản trị tài khoản, thực tế họ cũng bị thiệt hại về vật chất do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra do đó, cần xác định họ là “bị hại” trong vụ án để đảm bảo đầy đủ quyền cho chị Ng.
4. Một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến “tiền ảo”
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu đưa ra một khái niệm thống nhất về “tiền ảo”, “tiền điển tử”. Việc chưa có được một khái niệm chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật Việt Nam đã tạo ra rào cản và khó khăn khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn[7].
Thứ hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 105 BLDS 2015 quy “tiền ảo” là một lại tài sản, được phép lưu thông có điều kiện. Việc thừa nhận tiền ảo là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự là điều cần thiết bởi điều này vừa phù hợp với xu thế chung của quốc tế vừa tạo được cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam[8]. Đồng thời, giao cho Ngân hành Nhà nước Việt Nam quản lý các công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền ảo hoặc xếp nó thuộc loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện để ràng buộc trách nhiệm của các công ty này đối với khách hàng[9].
Thứ ba, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch để kịp thời hướng dẫn xử lý khi giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tiền ảo theo hướng lấy giá trị tiền VNĐ làm căn cứ xác định thiệt hại khi bị cáo chiếm đoạt tiền ảo sau đó mang đi đầu tư và thua lỗ không có khả năng thu hồi đồng tiền ảo để trả lại cho bị hại.
[1] Trịnh Kim Chi (NHNN), Tiền ảo, tài sản ảo vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, https://tapchinganhang.gov.vn/tien-ao-tai-san-ao-van-nam-ngoai-su-dieu-chinh-cua-phap-luat-6917.html, truy cập ngày 08/5/2025.
[2] Phạm Thị Trang (NHNN), Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ pháp lý tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV624352&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop, truy cập ngày 08/5/2025.
[3] Minh Đức, Tiền ảo và pháp luật điều chỉnh vấn đề này tại Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnghiencuu?dDocName=TAND283831, truy cập ngày 08/5/2025.
[4] Phạm Thị Trang (NHNN), Tlđd (2).
[5] Đoàn Thị Ngọc Hải, Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2507, truy cập ngày 31/8/2022.
[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Tether_(cryptocurrency).
[7] Trần Văn Biên - Nguyễn Minh Oanh, Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4, năm 2020, tr.32.
[8] Trần Linh Huân - Trần Quốc Minh, Tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV554224&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=22203735734048755#%40%3F_afrLoop%3D22203735734048755%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV554224%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D12yuequeqh_9, truy cập ngày 08/5/2025.
[9] Đặng Văn Vương - Xuân Thoại, Tiền ảo và những vấn đề pháp lý, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/tien-ao-va-nhung-van-de-phap-ly1632244829.html, truy cập ngày 31/8/2022.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Thanh Hóa: Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao
-
Nhất trí cùng nhau nỗ lực đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững
-
Kiên Giang: Đưa Tết đến cùng cán bộ, chiến sĩ vùng biển đảo Tây Nam
Bình luận