Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 - Một số tồn tại, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Bài viết tập trung phân tích, đánh giá quy định của pháp luật dân sự về di sản dùng vào việc thờ cúng, từ đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung này.
Đặt vấn đề
Di sản dùng vào việc thờ cúng là quy định không mới trong pháp luật dân sự Việt Nam và tiếp tục được ghi nhận tại BLDS năm 2015. Điều này phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử và cũng là điểm khác biệt với một số quốc gia trên thế giới, bởi lẽ, pháp luật của những quốc gia này không có quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và đến BLDS năm 2015 tiếp tục được điều chỉnh để bảo đảm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình áp dụng vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số nội dung cơ bản trong quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong BLDS năm 2015; từ đó chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc và nêu kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
1. Khái quát chung về di sản dùng vào việc thờ cúng
1.1. Về khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng
Trong BLDS năm 2015 không đưa ra khái niệm về di sản nói chung và di sản dùng vào việc thờ cúng nói riêng. Tại Điều 612 BLDS năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Điều luật này cũng không đưa ra khái niệm thế nào là di sản mà chỉ ghi nhận di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác.
Điều 626 và Điều 645 BLDS năm 2015 cũng chỉ ghi nhận quyền của người lập di chúc là có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng[1] và quy định các nội dung có liên quan đến di sản dùng vào việc thờ cúng[2] mà cũng không đưa ra khái niệm về di sản dùng vào việc thờ cúng.
Trong thực tiễn, đã có một số nghiên cứu đưa ra khái niệm về vấn đề này như sau:
Có quan điểm cho rằng: “Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện”[3].
Quan điểm khác lại cho rằng: “Di sản có thể được hiểu một cách đầy đủ nhất là những giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị tự nhiên và tài sản mà thế hệ trước đã tích lũy, gìn giữ và để lại cho thế hệ sau”[4].
Như vậy, các quan điểm đều đưa ra những khái niệm khác nhau về di sản, và điểm chung của các quan điểm nêu trên đều xác nhận di sản là tài sản của người chết để lại. Đây cũng là cách nhận định được thừa nhận trong thực tế áp dụng pháp luật từ trước tới nay.
Đối với khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng cũng được phát triển trên cơ sở của khái niệm di sản nói chung và cũng có nhiều khái niệm được đưa ra trong thực tiễn nghiên cứu, theo đó, có quan điểm nêu: “Di sản dùng vào việc thờ cúng là phần di sản được trích ra nhằm mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên”[5]. Có quan điểm khác lại nêu khái niệm: “Di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản của người để lại thừa kế dùng để thờ cúng người đó và tổ tiên của người ấy”[6].
Như vậy, các khái niệm được đưa ra dựa trên những nhận định, đánh giá của người nghiên cứu, nhưng về cơ bản đều có những điểm thống nhất nhau khi cho rằng di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản trong khối di sản của người chết và mục đích sử dụng của tài sản này là để thờ cúng tổ tiên; tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các khái niệm này là chưa thực sự đầy đủ. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá quy định của pháp luật dân sự và các nghiên cứu có liên quan, chúng tôi đưa ra khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
“Di sản dùng vào việc thờ cúng là một phần tài sản thuộc sở hữu của người chết được xác lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và dùng vào việc thờ cúng theo ý chí của người để lại di chúc hoặc theo thỏa thuận, phù hợp với quy định của luật và không trái đạo đức xã hội”.
1.2. Một số đặc điểm của di sản dùng vào việc thờ cúng
Di sản dùng vào việc thờ cúng được điều chỉnh tại một số điều luật trong BLDS năm 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tại Điều 645 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Một số đặc điểm của di sản dùng vào việc thờ cúng gồm:
- Về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng: Khoản 3 Điều 626 BLDS năm 2015 quy định người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Như vậy, tài sản dùng vào việc thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc, còn trường hợp thừa kế theo pháp luật thì không đặt ra vấn đề tài sản để thờ cúng.
- Trường hợp không được dành một phần di sản để thờ cúng:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
- Về chia thừa kế di sản dùng vào việc thờ cúng. Khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế. Như vậy, phần di sản đã được người lập di chúc định đoạt là di sản dùng vào việc thờ cúng thì không được chi thừa kế.
- Về người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng: Khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 quy định về người quản lý tài sản thờ cúng như sau:
+ Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
+ Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
+ Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Một số tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đã được ghi nhận từ khá sớm trong pháp luật dân sự nước ta và thực tế được áp dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung pháp luật dân sự, quy định này cũng dần được hoàn thiện, nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn về căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với di sản dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng như qua việc nghiên cứu quy định của pháp luật cho thấy, quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể:
2.1. Về quyền định đoạt đối với di sản dùng vào việc thờ cúng của người lập di chúc
Theo quy định tại khoản 3 Điều 626 BLDS năm 2015 thì người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong tổng khối di sản của mình để thờ cúng. Tại khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 cũng quy định: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng...”.
Như vậy, BLDS năm 2015 quy định người lập di chúc có quyền để một phần tài sản trong khối tài sản của mình để thờ cúng. Quy định này cơ bản được giữ nguyên theo quy định tại Điều 648 và Điều 670 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định này thì thấy, còn tồn tại hạn chế, vướng mắc cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Thứ nhất, về mặt cơ sở pháp lý, tại Điều 631 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình...”; theo đó, pháp luật ghi nhận người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản là một trong những quyền rất quan trọng[7] được ghi nhận trong BLDS năm 2015 và BLDS năm 2015 cũng quy định quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định[8]. Như vậy, về nguyên tắc định đoạt đối với tài sản, chủ thể sở hữu tài sản có toàn quyền định đoạt tài sản theo ý mình (như chọn người nhận chuyển giao quyền sở hữu, cách thức định đoạt...) và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp luật quy định. Để cụ thể hóa quy định này thì tại khoản 2 Điều 196 BLDS năm 2015 quy định hai trường hợp mà luật quy định hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu, gồm:
- Nhà nước có quyền ưu tiên mua khi tài sản định đoạt là di tích, lịch sử văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
- Các trường hợp khác mà chủ thể có quyền ưu tiên mua theo quy định của pháp luật như: ví dụ khoản 3 Điều 218 BLDS năm 2015 có quy định:
“Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại”.
Tương tự, khoản 1 Điều 168 Luật Nhà ở năm 2023 cũng quy định về quyền ưu tiên mua trong trường hợp mua bán nhà ở đang cho thuê như sau:
“1. Trường hợp chủ sở hữu bán nhà ở đang cho thuê thì phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết về việc bán và điều kiện bán nhà ở; bên thuê nhà ở được quyền ưu tiên mua nếu đã thanh toán đủ tiền thuê nhà cho bên cho thuê tính đến thời điểm bên cho thuê có thông báo về việc bán nhà ở đang cho thuê...”.
Hay tại khoản 3 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định: “3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Như vậy, có thể thấy, việc định đoạt đối với di sản thừa kế thuộc về quyền của người lập di chúc và cũng không có cơ sở pháp lý cụ thể quy định việc hạn chế quyền này của người lập di chúc giống như một số trường hợp phân tích ở trên. Do vậy, trường hợp BLDS năm 2015 quy định theo hướng ấn định là người lập di chúc chỉ được để lại một phần tài sản trong khối tài sản của mình để làm di sản dùng vào việc thờ cúng là chưa phù hợp và thống nhất với các quy định khác có liên quan về quyền định đoạt tài sản.
Thứ hai, về mặt thực tiễn, trong đời sống dân sự, có nhiều trường hợp người lập di chúc có duy nhất là một căn nhà và mong muốn của họ là lập di chúc để định đoạt toàn bộ ngôi nhà này sẽ được dùng làm di sản thờ cúng sau khi họ mất đi mà không muốn cho bất cứ ai khác sử dụng ngôi nhà này[9]. Đây là nguyện vọng chính đáng cần được tôn trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, do quy định tại Điều 626 và Điều 645 là chỉ ghi nhận người lập di chúc được để lại “một phần di sản” dùng vào việc thờ cúng nên thực tế có thể phát sinh vướng mắc khi có quan điểm cho rằng họ chỉ được lập di chúc để định đoạt một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Từ những phân tích về vướng mắc về cả cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn trong việc định đoạt tài sản dùng vào việc thờ cúng, chúng tôi cho rằng, quy định này cần sớm được sửa đổi, bổ sung theo hướng không nên ghi nhận hạn chế quyền định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng của người để lại di chúc.
Theo đó, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 626 BLDS năm 2015 như sau:
“Người lập di chúc có quyền sau đây:
.... 3. Định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng không trái quy định của luật.”
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 như sau:
“1. Trường hợp người lập di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng;...”.
2.2. Về giới hạn trong việc để lại di sản thừa kế
Khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015 quy định:
“Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Theo quy định này thì việc định đoạt đối với di sản dùng vào việc thờ cúng bị giới hạn trong trường hợp người để lại tài sản có nghĩa vụ tài sản phải thực hiện mà toàn bộ di sản người đó để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản đó. Quy định này là hoàn toàn hợp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên thứ ba và tránh phát sinh những tranh chấp có liên quan. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ nêu giới hạn trong việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ mà chưa xác định trường hợp mà người chết phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc,... thì việc lập di chúc để định đoạt về di sản thờ cúng có bị giới hạn hay không?
Khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Như vậy, BLDS quy định những người được thừa kế tài sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động. Đây đều là những đối tượng mà người để lại di sản có trách nhiệm phải nuôi dưỡng, phụng dưỡng, chăm sóc. Vì vậy, kể cả trong trường hợp người lập di chúc định đoạt về di sản của họ mà không xác định phần thừa kế đối với những đối tượng này thì họ vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật, trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.
Quy định này của Điều luật hoàn toàn phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể được coi là bên yếu thế trong mối quan hệ này. Có thể thấy rằng, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nước ta là tôn trọng quyền tự do, tự nguyện của các cá nhân[10], tuy nhiên, luật vẫn đặt ra những giới hạn nhất định nhằm xác lập, duy trì trật tự xã hội. Tương tự như vậy, vấn đề thờ cúng tổ tiên là vấn đề luôn được coi trọng trong đời sống xã hội của nước ta từ trước đến nay, pháp luật ghi nhận quyền định đoạt cho người lập di chúc đối với việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng; tuy nhiên, cũng đặt ra giới hạn trong trường hợp di sản do người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, trường hợp để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thì luật lại không đặt ra giới hạn đối với trường hợp quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc mà tác giả phân tích ở trên. Điều này có thể làm phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, theo đó, có trường hợp người lập di sản định đoạt di sản dùng vào việc thờ cúng, đồng thời cũng di chúc phần di sản cho một số người thừa kế; tuy nhiên, khi khi chúc có hiệu lực[11], sau khi đã chia di sản cho những người thừa kế theo di chúc thì xác định được phần di sản của người chết còn lại sau khi đã chia thừa kế theo di chúc nhưng không đủ để chia cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015 thì trường hợp này giải quyết như thế nào? Đây là hạn chế, vướng mắc do chưa có quy định thống nhất, rõ ràng trong các điều luật, do vậy, cần sớm được bổ sung, hoàn thiện để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, chúng tôi kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015, nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung quy định này bảo đảm thống nhất với các điều luật khác có liên quan, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn.
Tác giả kiến nghị nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015 như sau:
“Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó hoặc không đủ để chia cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.
Tuy nhiên, kiến nghị này đặt ra trong trường hợp di chúc đã được lập và giải quyết đối với trường hợp di chúc đã phát sinh hiệu lực. Đồng thời, quyền định đoạt đối với di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định tại khoản 1 Điều 645 BLDS năm 2015 còn được xác lập theo thỏa thuận của những người thừa kế, tức là, khi họ được nhận di sản theo di chúc nhưng họ thống nhất thỏa thuận dùng phần di sản thừa kế đó làm di sản dùng vào việc thờ cúng thì thỏa thuận này của họ có hiệu lực. Bên cạnh đó, quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc là quyền được luật ghi nhận và bảo vệ, do đó, trường hợp khi xem xét giải quyết tranh chấp có phát sinh liên quan đến nội dung di chúc thì Tòa án cần lập luận đánh giá trong từng trường hợp cụ thể để xác định di sản chia cho những người thừa kế theo di chúc, người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc và di sản dùng vào việc thờ cúng một cách linh hoạt, phù hợp.
Kết luận
Di sản dùng vào việc thờ cúng là một trong những quy định pháp lý được ghi nhận khá sớm trong pháp luật dân sự nước ta, chế định này được xây dựng dựa trên các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống luôn biến động và phát sinh các trường hợp cụ thể khác nhau mà quy phạm pháp luật dù có được xây dựng theo hướng có dự trù các trường hợp có thể phát sinh trong tương lai nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn ở các mốc thời gian. Do vậy, các quy phạm pháp luật cần được nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện là nhu cầu tất yếu, khách quan. Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần gắn với các lần sửa đổi, bổ sung pháp luật dân sự ở nước ta và hiện nay được ghi nhận trong BLDS năm 2015; tuy nhiên, vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, Trong thời gian tới, BLDS năm 2015 cần có những điều chỉnh phù hợp hơn nhằm đáp ứng những yêu cầu phát sinh từ đời sống thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 2005.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Luật Nhà ở năm 2023.
4. Hiến pháp năm 2013.
5. Di sản là gì? Di sản gồm những loại hình nào?, https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/di-san-la-gi-883-96189-article.html#:~:text=K%E1%BA%BFt%20lu%E1%BA%ADn-,1.,th%E1%BB%83%20v%C3%A0%20ch%C3%ADnh%20x%C3%A1c%20h%C6%A1n.
6. Trần Thị Huệ, Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), NXB. Tư pháp, Hà Nội, năm 2012.
7. Hồ Thị Bảo Ngọc, Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghề luật số 6, năm 2020.
8. Lê Quang Hậu, Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1740.
[1] Khoản 3 Điều 626 BLDS năm 2015.
[2] Điều 645 BLDS năm 2015.
[3] Trần Thị Huệ, Di sản thừa kế theo pháp luật dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012, tr.72.
[4] Di sản là gì? Di sản gồm những loại hình nào?, https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/di-san-la-gi-883-96189-article.html#:~:text=K%E1%BA%BFt%20lu%E1%BA%ADn-,1.,th%E1%BB%83%20v%C3%A0%20ch%C3%ADnh%20x%C3%A1c%20h%C6%A1n., truy cập ngày 15/11/2024.
[5] Hồ Thị Bảo Ngọc, Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, (6) 2020, tr.35.
[6] Lê Quang Hậu, Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng trong pháp luật dân sự của Việt Nam qua các thời kỳ, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1740, truy cập ngày 15/11/2024.
[7] Điều 194 BLDS năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 196 BLDS năm 2015.
[9] Trường hợp này loại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 645 BLDS năm 2015.
[10] Xem khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015.
[11] Xem Điều 643 BLDS năm 2015.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận