Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ theo Điều 305 BLTTHS
Thực tiễn việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp chứng cứ và việc giải quyết yêu cầu cung cấp chứng cứ của Hội đồng xét xử còn nhiều vướng mắc. Do đó việc nghiên cứu, hoàn thiện Điều 305 BLTTHS là cần thiết.
Trong giai đoạn xét xử, người tham gia tố tụng có quyền cung cấp chứng cứ để Tòa án xem xét. Thông thường những người tham gia tố tụng ít khi cung cấp chứng cứ trước khi xét xử mà chờ đến phiên toà, khi Toà án tiến hành xét xử mới cung cấp. Thực tiễn việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp chứng cứ và việc giải quyết yêu cầu cung cấp chứng cứ của Hội đồng xét xử còn nhiều vướng mắc. Do đó việc nghiên cứu, hoàn thiện Điều 305 BLTTHS là cần thiết, trong phạm vi bài viết này chỉ nghiên cứu yêu cầu về xem xét chứng cứ tại phiên tòa của những người tham gia tố tụng và trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc xem xét chứng cứ này.
1. Cơ sở pháp lý của quyền yêu cầu về xem xét chứng cứ
Điều 305 về giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt quy định: Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định”.
Tên của Điều 305 là “giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ” nhưng tại phần nội dung ghi là quyền “yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét”. Như vậy là chưa thống nhất về mặt từ ngữ vì chứng cứ theo Điều 86 BLTTHS “là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”, còn vật chứng, tài liệu theo Điều 87 BLTTHS là một trong những nguồn chứng cứ. Do đó cần thống nhất về mặt từ ngữ là “giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ” .
Chính vì chưa có sự quy định thống nhất nên dễ nhận đến gây hiểu lầm trong điều luật. Cụ thể là quyền yêu cầu về xem xét chứng cứ có hai dạng:
- Quyền yêu cầu Tòa án đưa các chứng cứ đã được thu thập ra xem xét tại phiên tòa vì mặc dù chứng cứ đã được thu thập nhưng khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử lại không đưa các chứng cứ này ra xem xét (thường là các vật chứng, dữ liệu điện tử, flie ghi âm, ghi hình). Đối với quyền này thì tất cả những người tham gia tố tụng có quyền yêu cầu và chỉ được Hội đồng xét xử xem xét trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa theo Điều 305 BLTTHS
- Quyền đưa ra các chứng cứ mới do người tham gia tố tụng thu thập, cung cấp tại phiên tòa và yêu cầu hội đồng xét xử xem xét. Đối với quyền này thì không phải tất cả những người tham gia tố tụng đều có mà chỉ có những người nào được BLTTHS quy định thì mới phát sinh quyền. Cụ thể là nhóm người tham gia tố tụng sau: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (điểm d khoản 2 Điều 57); Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, Người bị tạm giữ, Bị can, Bị cáo (điểm đ khoản 2 các Điều 58, 59, 60, 61); Bị hại, nguyên đơn dân sự, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (điểm b khoản 2 các Điều 62, 63, 65); Bị đơn dân sự (điểm c khoản 2 Điều 64); Người bào chữa (điểm h khoản 1 Điều 73); Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự (điểm a Khoản 3 Điều 82, 83)
Về thời điểm đưa ra quyền này tuy BLTTHS không quy định cụ thể về thời hạn cuối cùng để đưa ra chứng cứ và yêu cầu hội đồng xét xử xem xét, tuy nhiên theo các quy định khác của BLTTHS có thể xác định thời hạn cuối cùng để đưa ra chứng cứ là trước khi kết thúc phần tranh luận.
Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 322 thì “Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu …”. Cơ chế để thực hiện việc kiểm tra chứng cứ khi bị cáo đưa ra chứng cứ mới tại phần tranh luận sẽ được thực hiện thông qua việc quay lại phần xét hỏi theo quy định tại Điều 323 BLTTHS, cụ thể “Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận”.
2. Trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc xem xét chứng cứ
Đối với yêu cầu đưa các chứng cứ đã được thu thập ra xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xem xét, quyết định và thông báo việc chấp nhận yêu cầu hay không chấp nhận yêu cầu trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Đối với việc đưa ra các chứng cứ mới do người tham gia tố tụng thu thập, cung cấp tại phiên tòa và yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét. Tuy chưa quy định trình tự cụ thể nhưng có thể vận dụng Điều 252 BLTTHS để giải quyết như sau:
+ Yêu cầu họ nộp tại bàn Thư ký để chuyển Hội đồng xét xử kiểm tra, đánh giá tính xác thực, hợp pháp của chứng cứ (theo Điều 108 BLTTHS), nguồn chứng cứ mà họ có được? Làm rõ lý do tại sao tại phiên toà mới cung cấp?
+ Sau khi đã hỏi rõ các tình tiết liên quan đến hoạt động thu thập và giao nộp chứng cứ Hội đồng xét xử cần hỏi Kiểm sát viên, Người bào chữa, người bào vệ quyền và lợi ích của bị hại, Bị cáo, Bị hại và những người khác theo quy định của pháp luật có ý kiến như thế nào đối với việc giao nộp chứng cứ mới và đánh giá có đảm bảo theo Điều 86 BLTTHS hay không.
Trên cơ sở kiểm tra đánh giá tính xác thực và hợp pháp của chứng cứ và ý kiến của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng Hội đồng xét có thể quyết định theo các hướng như sau:
+ Nếu tài liệu, chứng cứ, đồ vật cung cấp không đảm bảo tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án thì Hội đồng xét xử không coi đó là chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
+ Nếu các tài liệu, chứng cứ, đồ vật cung cấp đã đảm bảo tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án nhưng không thay đổi bản chất vụ án, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo, người bị hại ví dụ như gia đình bị cáo nộp các chứng cứ chứng minh có tình tiết giảm nhẹ; Gia đình bị hại nộp các chứng cứ chứng minh bị cáo có hành vi đe dọa, trả thù; Nguyên đơn dân sự nộp thêm các hóa đơn chứng từ chứng minh cho yêu cầu của mình thì Hội đồng xét xử chấp nhận và xem xét làm rõ trong phần xét hỏi và đánh giá khi nghị án.
+ Nếu tài liệu chứng cứ trên làm thay đổi bản chất vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng thì Hội đồng xét xử cần lưu ý:
Với các chứng cứ, đồ vật có thể được xác minh, xem xét thực hiện ngay trong 05 ngày thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên toà để xác minh.
Với các chứng cứ, đồ vật cần có thời gian để xem xét, xác minh bổ sung thì Kiểm sát viên đề nghị tạm hoãn phiên toà. Cụ thể: Trường hợp không thể bổ sung tài liệu tại phiên toà, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
3. Đề xuất
Từ những phân tích ở trên, để góp phần hoàn thiện Điều 305 BLTTHS, người viết đề xuất xem xét, bổ sung Điều này như sau:
“Điều 305. Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
1. Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ
Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu đưa thêm chứng cứ đã được thu thập trong vụ án ra xem xét hoặc yêu cầu được đưa thêm các chứng cứ mới, chưa được thu thập trong vụ án ra xem xét tại phiên tòa hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Việc giải quyết yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, yêu cầu đưa thêm chứng cứ đã được thu thập trong vụ án ra xem xét được thực hiện trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Việc giải quyết yêu cầu được đưa thêm các chứng cứ mới, chưa được thu thập trong vụ án ra xem xét tại phiên tòa được thực hiện chậm nhất trước khi khi Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần tranh luận.
2. Giải quyết yêu cầu hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Trên đây là quan điểm của người viết về giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ theo Điều 305 BLTTHS. Rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến của quý độc giả.
Tòa án nhân dân tp Kon Tum, tỉnh Kon Tum xét xử 11 bị cáo bị truy tố về các tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”, “Chống người thi hành công vụ” và tội “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Đức Nhuận
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận