Giỗ tổ Hùng Vương, cội nguồn sức mạnh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt
Những ngày này người dân cả nước hướng về đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh – Phú Thọ, nơi thờ phụng các vị quốc tổ, với niềm tin cả dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, chung một giống nòi.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Từ niềm tin thiêng liêng đó mà nhân dân cả nước gọi nhau là “đồng bào”, đối đãi với nhau bằng tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung một nước phải thương nhau cùng”; “Máu chảy, ruột mềm”; “Chị ngã, em nâng”…
Lễ hội Đền Hùng rực rỡ sắc màu.
1. Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu, lập ra nhà nước Văn Lang và được hậu thế tôn làm Vua Hùng – Hùng Vương.
Hùng Vương truyền được 18 đời, khoảng 2000 năm thì chấm dứt nhưng nền văn hóa Đông Sơn thời các Vua Hùng thì vẫn được tiếp nối. 18 đời là con số mang tính ước lệ chỉ việc truyền nối lâu dài. Lãnh thổ của nước Văn Lang theo Đại Việt sử ký toàn thư: Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức Chiêm Thành, nay là Quảng Nam, được chia làm 15 bộ. Kinh đô Văn Lang ở Phong Châu, Phú Thọ ngày nay. Tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mị nương.
Các nhà sử học hình dung nhà nước Văn Lang đứng đầu là Hùng Vương vị thủ lĩnh (Cun) của bộ lạc Văn Lang tối cao, địa bàn trải dài hai bên bờ sông Hồng từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo. Mỗi bộ lạc đều có chiềng, mường, bản ở miền núi và kẻ, chạ ở đồng bằng và có “Cun” đứng đầu bộ lạc. Dấu vết nhà nước sơ khai này còn thấy ở người Mường sau này có Lang cun là con trưởng nhà Lang, có quyền lực lớn nhất.
Khi đó, người dân biết trồng lúa nước kết hợp với nương rẫy, biết săn bắn động vật hoang dã, đánh bắt cá và làm các nghề thủ công như đồ gốm, chế tác đá, dệt vải, đặc biệt là luyện đúc đồng, luyện sắt.
2. Văn hóa Đông Sơn và nhà nước Văn Lang tuy còn sơ khai nhưng đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của cộng đồng các cư dân bản địa chuyển từ thời đại nguyên thủy sang thời đại văn minh hơn. Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc sau đó đã mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.
Năm 40 Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán, giành lại độc lập với khát vọng “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng đã trở thành cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta hết thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối Hai Bà Trưng đứng lên giành lại độc lập. Sức mạnh ấy khiến dân tộc ta đã giành lại được giang sơn sau đằng đẵng 1000 năm Bắc thuộc. Kỳ vĩ xiết bao!
Đền Hùng đầu thế kỷ XX.
Đến thế kỷ XI, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống tại phòng tuyến sông Như Nguyệt, bài thơ Thần đã vang lên, thôi thúc tinh thần của những người lính vệ quốc “Nam quốc sơn hà Nam đến cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”…
Trong Bình Ngô đại cáo sau khi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thay lời Bình Định vương Lê Lợi đã tuyên cáo:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng Đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Từ Văn Lang, Âu Lạc xưa đến Đại Việt, Đại Nam rồi Việt Nam ngày nay là một dòng chảy mãnh liệt, bền bỉ. Với bàn tay và khối óc, dân tộc ta đã anh dũng bảo vệ Tổ quốc, cần mẫn và sáng tạo dựng xây đất nước, tạo nên một nền văn hiến, văn hóa đặc sắc.
3. Vì vậy, cùng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được truyền từ đời này qua đời khác và không ngừng lan rộng theo sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là giai đoạn ý thức về độc lập dân tộc trở nên mạnh mẽ thì việc thờ cúng các vua Hùng càng được chú trọng. Các sử liệu cho thấy dưới thời Hậu Lê (1428-1788) tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh ở tầm mức quốc gia. Các triều đại tiếp sau như nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều ban nhiều sắc phong cho các đền miếu thờ Vua Hùng, pháp điển hóa nghi thức thờ phụng, đặt ruộng lấy hoa lợi phục vụ việc thờ cúng và trông nom đền miếu.
Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm là ngày quốc tế các Vua Hùng tại Phong Châu (tức là tổ chức tế lễ cấp nhà nước).
Cổng đền Hùng ngày Giỗ Tổ.
Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 1.417 đền thờ Vua Hùng. Đền thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Vua Hùng trước đây tập trung chủ yếu tại Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thì ngày nay lan rộng khắp cả nước. Từ Cà Mau đến Thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương lên Đắk Lăk, ra Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An… đều lập đền thờ Hùng Vương và cử hành nghi lễ hàng năm rất trang trọng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã mang ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới quốc gia khi UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”.
4. Gắn kết cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc là một sức mạnh truyền thống của dân tộc ta, nhờ có lòng yêu nước mãnh liệt mà mỗi khi có địch họa, thiên tai và các thử thách thì tinh thần đoàn kết lại càng bộc lộ và tạo nên sức mạnh vượt trội.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ thể hiện lòng biết ơn công đức lập quốc của các Vua Hùng mà còn là ý thức về cội nguồn dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ và ý thức về tình nghĩa đồng bào, ý thức đại đoàn kết dân tộc.
Ngày nay, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Vươn mình, cũng là lúc cần có một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029. Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo, bền chặt các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, bản lĩnh và sức mạnh con người Việt Nam, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bài liên quan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
-
Chuỗi hoạt động trọng thể nhân dịp “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024”
-
Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Doanh nhân Trần Văn Mười - Người lan tỏa tinh thần tự hào Doanh nhân, tự hào con cháu Vua Hùng
-
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận