Gọi điện quảng cáo ngoài giờ hành chính có thể bị phạt đến 30 triệu đồng
Bắt đầu từ hôm nay, 1/10 , một số quy định mới có hiệu lực thi hành.
1. Không được gọi điện thoại quảng cáo ngoài giờ hành chính
Từ ngày 01/10/2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo đó, chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với chủ thuê bao.
Tổ chức có hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
2. Ưu đãi về đất đai đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Trung tâm) có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2020.
Theo đó, cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai và tạo mặt bằng hoạt động đối với Trung tâm như sau:
– Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê.
– Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc:
+ Miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do nhà nước đầu tư;
+ Miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư;
+ Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư cơ sở Trung tâm.
3. Thư viện đại học phải có không gian đọc ít nhất 200m2
Nghị định 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2020.
Theo đó, cơ sở vật chất và tiện ích thư viện đại học phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– Bảo đảm không gian đọc, bao gồm phòng đọc tổng hợp và phòng đọc khác dành cho người sử dụng thư viện ít nhất 200 m2;
– Được bố trí ở trung tâm của cơ sở giáo dục, thuận tiện cho người sử dụng, đặc biệt đối với người khuyết tật;
– Diện tích đủ để lưu trữ tài nguyên thông tin, khu vực phục vụ, khu làm việc cho người làm công tác thư viện và các nhu cầu xử lý nghiệp vụ khác;
– Bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh…đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác thư viện và phục vụ người sử dụng;
– Bảo đảm các thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo quản tài nguyên thông tin, an ninh, an toàn và phòng cháy, chữa cháy.
4. Người Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền không mang theo CMND/CCCD/Hộ chiếu sẽ bị phạt
Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2020.
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:
– Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới không mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
– Tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực biên giới đất liền không đúng quy định;
– Không thông báo, khai báo, đăng ký hoặc che giấu, giúp đỡ người khác đi lại, lưu trú, tạm trú trái phép trong khu vực biên giới đất liền.
Nghị định cũng quy định phạt tiền 40-50 triệu đồng với một trong những hành vi làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo; làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia…
Nếu tổ chức vi phạm các lỗi trên, mức phạt tăng gấp đôi, tương ứng 80-100 triệu đồng. Người nổ súng săn bắn trong phạm vi 1.000 mét từ đường biên giới trên đất liền sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng.
5.Bán hàng xách tay không hoá đơn có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ 15/10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Mức hiện nay tối đa là 100 triệu đồng.
Cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu (hiện nay mức phạt 200.000-50 triệu đồng). Tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc… có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
6.Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp
Thông tư 28 về điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực ngày 20/10 nêu rõ điểm mới so với quy định hiện hành là nếu trong trường hợp, học sinh có khuyết điểm, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để tiến bộ hơn; thông báo với phụ huynh. Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Thông tư này cũng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng không bắt học sinh phải sử dụng.
Thông tư quy định mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo ; việc quản lý, sử dụng và lựa chọn tài liệu tham khảo sử dụng trong nhà trường thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng.
Ảnh minh họa của Văn Phong/ QĐND
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận