Hoàn thiện pháp luật về tạm đình chỉ, hoãn, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện
Trên cơ sở phân tích những bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan về: Thời hạn tạm đình chỉ, hoãn chấp hành hình phạt tù; xác định trường hợp người bị kết án lập công lớn; căn cứ xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; căn cứ xem xét phạm nhân “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”; tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Về tạm đình chỉ, hoãn, miễn chấp hành án phạt tù
Về thời hạn tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù
Theo Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thì: “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”.
Như vậy, có thể hiểu, hoãn chấp hành án phạt tù là việc người phạm tội được Tòa án cấp có thẩm quyền cho phép chưa chấp hành hình phạt tù vì những lý do nhất định. Nếu trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù mà người được hoãn chấp hành án phạt tù lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo Điều 56 BLHS năm 2015.
Về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù Điều 68 BLHS năm 2015 quy định: “Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù”.
Như vậy, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là trường hợp người phạm tội đang chấp hành hình phạt tù, nhưng vì một trong những lý do trên mà người phạm tội được xin tạm ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định.
Hiện nay, có nhiều quan điểm trái chiều về thời hạn tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án cần căn cứ theo các điều 67, 68 BLHS năm 2015; Điều 44 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015); các điều 24, 25, 36, 37 Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019. Theo đó, người chấp hành án phạt tù được cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án một lần đến khi sức khỏe hồi phục.
Theo điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 thì Tòa án có quyền cho hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đối với người bị bệnh nặng theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên đến khi người đó hồi phục. Điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 quy định: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”. Vì vậy, Tòa án có quyền cho hoãn thi hành án phạt tù đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi đến khi con đủ 36 tháng tuổi (quyết định hoãn và tạm đình chỉ một lần đến 36 tháng). Bởi lẽ, quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án cư trú quản lý trong thời gian hoãn, tạm đình chỉ (khoản 1 Điều 19 Luật THAHS năm 2019). Bên cạnh đó, 01 năm hoặc 06 tháng, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THAHS cùng cấp và chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, theo dõi người bị kết án trong thời gian hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trên cơ sở đó, các cơ quan này có văn bản kiến nghị, báo cáo hoặc Tòa án tự xét thấy việc hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không còn phù hợp, thì Tòa án ban hành ngay quyết định hủy bỏ quyết định hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án, buộc họ phải chấp hành án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án chỉ cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án mỗi lần là 12 tháng. Hết thời hạn 12 tháng, người bị kết án nếu muốn hoãn thì phải có đơn xin hoãn chấp hành án kèm theo tài liệu xin hoãn. Cơ quan THAHS cùng cấp, trại giam, trại tạm giam muốn tiếp tục cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì chỉ cần có văn bản yêu cầu, kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan (không cần lập hồ sơ). Trên cơ sở đó, Tòa án tiến hành xác minh, nếu đủ điều kiện thì cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, còn không đủ điều kiện thì Tòa án thông báo cho người bị kết án, cơ quan THAHS cùng cấp; trại giam, trại tạm giam để buộc người bị kết án đi chấp hành án. Việc này tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước dễ dàng theo dõi, giám sát và quản lý người bị kết án.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Việc Tòa án cho hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án dựa trên các điều 67, 68 BLHS năm 2015; Điều 44 BLTTHS năm 2015; các điều 24, 25 36, 37 Luật THAHS năm 2019. Tuy nhiên, quyết định cho người chấp hành hình phạt tù được hoãn và tạm đình chỉ còn phụ thuộc vào tình hình an ninh, chính trị - trật tự an toàn xã hội của địa phương và từng tính chất vụ việc. Do đó, thời gian cho người bị kết án hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù của mỗi địa phương và vụ việc là khác nhau.
Khi Tòa án có thẩm quyền nhận được đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù và tài liệu, chứng cứ kèm theo hoặc hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của cơ quan THAHS cùng cấp; trại giam, trại tạm giam với nội dung yêu cầu cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Tòa án tiến hành kiểm tra, xác minh, xem xét và trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp để chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu Tòa án chấp nhận thì tùy từng trường hợp cho hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần phù hợp với tình hình địa phương, nhưng không quá quy định của Luật THAHS năm 2019. Trường hợp không chấp nhận cho người bị kết án được hoãn và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Tòa án thông báo cho người bị kết án, cơ quan đề nghị hoãn thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
Về miễn chấp hành án phạt tù
Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy định miễn chấp hành hình phạt theo BLHS năm 2015, nên thực tế hiện nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Nghị quyết số 01/2007). Điều này làm phát sinh một số bất cập sau:
Một là, về xác định trường hợp người bị kết án lập công lớn.
Theo Mục 2 Nghị quyết số 01/2007 thì “lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã… có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tác giả cho rằng, cụm từ “có giá trị” trong quy định trên còn trừu tượng. Việc xác định thế nào là phát minh, sáng kiến có giá trị, điều kiện để các cơ quan có thẩm quyền xác nhận và thời gian xác nhận là bao lâu là những vấn đề chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc tùy nghi khi áp dụng. Việc đánh giá “có giá trị” hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền; từ đó, dẫn đến sai sót trong việc đề nghị người không đủ điều kiện cũng như không đề nghị người có đủ điều kiện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật.
Hai là, về xác định trường hợp người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt.
Tiểu mục 2.3 Mục 2 Nghị quyết số 01/2007 quy định: “Cải tạo tốt được chứng minh bằng việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập”. Theo đó, việc xác định người bị kết án có cải tạo tốt hay không phụ thuộc vào đánh giá của các cơ quan, tổ chức như chính quyền địa phương, tổ dân phố hoặc Công an khu vực. Tuy nhiên, tiêu chí để đánh giá người bị kết án cải tạo tốt hay không chưa được nhận thức thống nhất, dẫn đến việc đánh giá chưa hoàn toàn chính xác. Bên cạnh đó, việc đánh giá như thế nào là “thành thực, tích cực” cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đánh giá tình tiết này, cần chú ý đến thái độ của người bị kết án trong quá trình chấp hành hình phạt, có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cũng cần đề phòng trường hợp người bị kết án lợi dụng cơ chế khoan hồng.
Ba là, về xác định các điều kiện kép.
Theo khoản 3 Điều 62 BLHS năm 2015, người bị kết án ngoài thỏa mãn các điều kiện cần là lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì cần thỏa mãn điều kiện đủ là không còn nguy hiểm cho xã hội. Đối với trường hợp người bị kết án lập công lớn, việc đánh giá người này còn nguy hiểm cho xã hội hay không còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, việc đánh giá chủ yếu phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền.
Đề xuất, kiến nghị:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn. Theo tác giả, cần xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung sau: Đánh giá người bị mắc bệnh hiểm nghèo; sự phối hợp của các cơ quan trong đánh giá người phạm tội chấp hành tốt pháp luật, cải tạo tốt, lập công lớn và xác định người này không còn nguy hiểm đối với xã hội.
Thứ hai, cần ban hành nghị định hướng dẫn thay thế Nghị định số 01/2007 trên cơ sở tổng hợp, sửa đổi những những quy định vẫn còn khả năng áp dụng từ những văn bản cũ và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cần sửa cụm từ “khó có phương thức chữa trị” tại điểm a tiểu mục 2.1 Nghị định số 01/2007 thành “có phương thức chữa trị phức tạp hoặc không có phương pháp điều trị” (bởi từ “khó” có thể hiểu theo nghĩa là khó nhưng không phải không chữa trị được).
Về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Về căn cứ giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù
Thứ nhất, BLHS năm 2015 quy định thêm điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” làm căn cứ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; quy định này còn có sự chồng chéo, bất hợp lý với các văn bản pháp luật khác liên quan. Cụ thể là:
Các khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư số 181/2013/TT-BQP ngày 08/10/2013 của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn thi đua và xếp loại chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam quân sự (Thông tư số 181/2013) quy định: Xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân gồm 04 loại: Tốt, khá, trung bình, kém; ngoài thực hiện tốt 04 tiêu chuẩn thi đua tại Điều 5 Thông tư này thì việc xếp loại chất lượng cải tạo còn phụ thuộc vào việc đánh giá yếu tố “tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả”.
Nếu thực hiện tốt 04 tiêu chuẩn thi đua, mà các nghĩa vụ dân sự chưa thực hiện được thì phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn phải có đơn trình bày thì phạm nhân mới được xếp loại chấp hành án ở mức khá. Theo đó, mức đề nghị xét giảm của phạm nhân cao nhất chỉ ở mức 09 tháng (điểm 1.3 Mục 1 Phần B Văn bản số 04/THAHS-P4 ngày 25/3/2014 của cơ quan quản lý THAHS Bộ Quốc phòng).
Mặt khác, BLHS năm 2015 quy định việc đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự cũng là điều kiện bắt buộc phải xem xét đối với phạm nhân khi xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Đây là điều bất hợp lý, bởi một yếu tố được xem xét hai lần đối với một đối tượng áp dụng, trong cùng một chế định pháp luật như vậy gây thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, hạn chế cơ hội được xét giảm, tinh thần, động lực phấn đấu cải tạo của phạm nhân.
Thứ hai, về căn cứ áp dụng đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lần hai.
Theo BLHS năm 2015 thì phạm nhân được cơ quan THAHS có thẩm quyền đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù khi có đủ 03 điều kiện: Đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định; có nhiều tiến bộ; bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định rõ 03 điều kiện đó được áp dụng chung cho tất cả các lần đề nghị xét giảm hay chỉ áp dụng đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu.
Mặt khác, khoản 5 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của liên ngành tư pháp trung ương hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (Thông tư liên tịch số 02/2013) quy định: “Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét đề nghị giảm thời hạn đúng đợt…”, mà không quy định điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Tinh thần của quy định trên được nêu rõ tại Mục 1 Công văn số 09/THAHS-P4 ngày 14/9/2018 của cơ quan quản lý THAHS Bộ Quốc phòng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân.
Thứ ba, về căn cứ để xem xét phạm nhân “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Theo tinh thần của Mục 1 Phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao (Công văn số 64/2019), thì “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” theo khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án”. Nội dung này không được hướng dẫn cụ thể nên khi áp dụng có nhiều quan điểm trái chiều:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Yếu tố “đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” được xem xét áp dụng đối với tất cả các lần được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Có nghĩa là, trong lần đầu xét giảm, phạm nhân đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự theo quyết định của bản án và lần xét giảm tiếp theo, phạm nhân phải tiếp tục thực hiện thêm một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm.
Quan điểm thứ hai cho rằng: “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” chỉ xem xét đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu; còn đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần hai, không cần xem xét phạm nhân phải thực hiện một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại (chỉ cần xem xét phạm nhân có tiếp tục thể hiện tinh thần khắc phục phần nào hậu quả của vụ án hay không).
Đề xuất, kiến nghị:
- Thông tư số 181/2013 cần được sửa đổi theo hướng: Hủy bỏ yếu tố “tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả” là tiêu chuẩn bắt buộc trong quá trình xếp loại chất lượng chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, để đảm bảo phù hợp với việc đánh giá điều kiện “đã bồi thường nghĩa vụ dân sự” theo khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015.
- Cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 để thay thế Thông tư liên tịch số 02/2013 do Thông tư liên tịch này đến nay đã có những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Yếu tố “đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự” được làm căn cứ đánh giá việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho mỗi phạm nhân theo hướng: “Đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự” chỉ được xem xét trong lần đề nghị xét giảm lần đầu đối với những phạm nhân phạm tội thuộc các nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; đối với đề nghị xét giảm lần hai, không cần xem xét phạm nhân đã thực hiện một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại, mà chỉ xem xét phạm nhân có tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, tích cực khắc phục phần nào hậu quả của vụ án hay không. Tuy nhiên, phải xem xét cụ thể từng trường hợp: Đối với những phạm nhân mà nghĩa vụ dân sự còn nhiều thì đòi hỏi phải thực hiện nghĩa vụ dân sự có phần đáng kể, nhiều hơn những phạm nhân có nghĩa vụ dân sự còn lại ít hơn, đồng thời xem đó là yếu tố để quyết định mức giảm phù hợp. Những phạm nhân phạm tội thuộc các nhóm tội khác thì các lần đề nghị xét giảm không bắt buộc phải “bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự”, nhưng phạm nhân phải thể hiện tinh thần tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả và các nghĩa vụ dân sự khác trong bản án, quyết định của Tòa án.
Về đối tượng giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù:
Hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn trong xử lý phạm nhân có hành vi phạm tội khác xảy ra trước nhưng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình chấp hành hình phạt của bản án đối với hành vi phạm tội xảy ra sau. Pháp luật có cần hạn chế quyền được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đúng đợt của đối tượng này hay không?
Ví dụ: Năm 2016, H chấp hành án phạt tù 07 năm theo Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2016/HSST ngày 15/01/2016 của Tòa án quân sự Quân khu K. Trong quá trình chấp hành án tại trại giam, H đã được Tòa án quyết định xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 01 lần. Quá trình chấp hành án tiếp theo, H đều được xếp loại chất lượng cải tạo khá. Tuy nhiên, đến đợt 30/4/2019, trại giam, cơ quan THAHS không đề nghị xét giảm án đối với H, với lý do: H đang bị Tòa án quân sự Quân khu K xét xử theo trình tự phúc thẩm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác xảy ra trước khi chấp hành hình phạt của Bản án số 01/2016/HSST.
Đề xuất, kiến nghị:
Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung Điều 63 BLHS năm 2015 theo hướng: “Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà có hành vi phạm tội khác xảy ra trước nhưng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình chấp hành hình phạt của bản án đối với hành vi phạm tội xảy ra sau, thì Tòa án chỉ xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung”.
Về căn cứ giải quyết trường hợp phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án, nhưng quyết định này chưa có hiệu lực pháp luật mà phạm nhân vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật THAHS năm 2019 không quy định cụ thể về trường hợp nêu trên. Do đó, hiện nay có các ý kiến trái chiều như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu “phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật”, thì áp dụng Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2013 để giải quyết theo trình tự phúc thẩm quyết định của Tòa án.
Ý kiến thứ hai rằng, nếu “phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật” thì cơ quan đã đề nghị giảm đối với phạm nhân cần lập hồ sơ chuyển đến Tòa án đã ra quyết định giảm để xem xét, hủy quyết định giảm (áp dụng tương tự chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo Điều 71 Luật THAHS năm 2019).
Theo tác giả, việc Viện kiểm sát kháng nghị quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải xem xét tại thời điểm xét giảm, Tòa án có vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện xét giảm đối với phạm nhân hay không. Còn trong trường hợp này, tại thời điểm xét giảm, phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm; Tòa án tiến hành các trình tự, thủ tục xét giảm đúng quy định của pháp luật, nhưng vì lý do khách quan nên sau khi có quyết định xét giảm, phạm nhân vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, Viện kiểm sát không có cơ sở để kháng nghị.
Đề xuất, kiến nghị:
Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02/2013 theo hướng: “Phạm nhân đã có quyết định xét giảm của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam và bị xử lý kỷ luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan đã đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lập hồ sơ, chuyển đến Tòa án đã ra quyết định xét giảm để xem xét, hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; đồng thời, gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 38 Luật THAHS năm 2019”.
Về điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện
Một là, chưa quy định thống nhất về thời gian công bố quyết định, tổ chức tha phạm nhân khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Khoản 9 Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định: “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện...”; theo khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 07/5/2018 của Bộ Công an quy định thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Công an nhân dân (Thông tư số 12/2018) thì ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ tổ chức công bố quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án cho phạm nhân đang chấp hành án biết và tiến hành tha phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện... Theo đó, ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì cơ sở giam giữ phải công bố và tổ chức tha phạm nhân.
Tuy nhiên, theo Mục 2 Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01/8/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì thời điểm có hiệu lực pháp luật của quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành; đồng thời, theo khoản 8 Điều 368 BLTTHS năm 2015 thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định đi (khi cơ sở giam giữ nhận được quyết định thì chưa tới 15 ngày kể từ ngày ban hành). Trong trường hợp này, nếu cơ sở giam giữ công bố và tổ chức tha phạm nhân ngay sau khi nhận quyết định thì quyết định vẫn chưa có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 59 Luật THAHS năm 2019: “Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện phải niêm yết danh sách phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật, trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện và tha phạm nhân. Thời gian thử thách được tính từ ngày quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật...”. Như vậy, ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật thì cơ sở giam giữ mới công bố và tổ chức tha phạm nhân.
Theo tác giả, việc công bố quyết định và tổ chức tha phạm nhân khi có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện phải diễn ra sau khi quyết định này có hiệu lực pháp luật. Bởi lẽ, nếu tha phạm nhân trước khi quyết định này có hiệu lực pháp luật, trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị (theo các điều 336, 337 BLTTHS năm 2015) và Tòa án cấp trên chấp nhận kháng nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì phải bắt giam lại phạm nhân và thực hiện các thủ tục liên quan. Điều này gây mất thời gian, chi phí và có thể phát sinh những tình huống khó giải quyết liên quan đến việc bắt giam lại phạm nhân.
Hai là, về việc thực hiện xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Pháp luật chưa định lượng cụ thể về thời gian thực hiện nghĩa vụ đối với phạm nhân chưa chấp hành xong hình phạt tiền do có nghĩa vụ bồi thường là cấp dưỡng cho người già là cha mẹ của bị hại, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định phạm nhân đã thực hiện xong nghĩa vụ hay chưa.
Ba là, về điều kiện “khi về địa phương không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội…” theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01/2018). Quy định này còn mang tính tùy nghi, chưa có căn cứ cụ thể để cơ quan có thẩm quyền nhận xét, xác nhận; dẫn đến việc đánh giá có thể còn chủ quan, cảm tính, không phản ánh đúng thực tế.
Đề xuất, kiến nghị:
- Cần sửa đổi khoản 9 Điều 368 BLTTHS năm 2015 và khoản 1 Điều 7 Thông tư số 12/2018 theo hướng: “Ngay sau khi quyết định tha tù trước thời hạn có hiệu lực pháp luật, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện...”. Việc sửa đổi này để đảm bảo thống nhất các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tha tù trước thời hạn có điều kiện.
- Về thực hiện hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân chưa chấp hành xong hình phạt tiền do thuộc trường hợp nghĩa vụ bồi thường là cấp dưỡng định kỳ, cần bổ sung quy định: “Nếu người phạm tội thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi thường, cấp dưỡng theo từng kỳ đến thời điểm xét giảm thì được xác định là đã đủ điều kiện để áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Bên cạnh đó, cần quy định về điều kiện đảm bảo người phạm tội khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bồi thường và cấp dưỡng đã tuyên trong bản án, các quy định xử lý khi vi phạm nghĩa vụ bồi thường và cấp dưỡng.
- Nếu phạm nhân được nơi chấp hành án đánh giá có nhiều tiến bộ, xếp loại cải tạo tốt ở nhiều quý liền kề hoặc có thành tích xuất sắc, lập công trong quá trình lao động, cải tạo trước thời điểm lập hồ sơ xét, đề nghị tha tù thì không cần áp dụng điều kiện “khi về địa phương không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018. Ngoài ra, cần quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm xác minh, xác định việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương theo khoản 7 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận