Khi luật pháp vắng góc nhìn nữ giới

Pháp luật hiện đại đã điều chỉnh bình đẳng giới. Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là sự điều chỉnh đó đã đầy đủ hay chưa, và liệu có phản ánh được tiếng nói, quan điểm, kinh nghiệm và vai trò của phụ nữ trong xã hội?

Chủ nghĩa nữ quyền đã manh nha từ đầu thế kỷ 18 và trở thành làn sóng nữ quyền thứ nhất từ giữa thế kỷ 19 ở các nước phương Tây để vận động cho bình quyền nam nữ. Kể từ đó, phụ nữ được trao quyền nhiều hơn. Tại Anh vào năm 1882, Đạo luật Tài sản của phụ nữ kết hôn cho phép phụ nữ có quyền sở hữu tài sản, và tại New Zealand vào năm 1893, phụ nữ lần đầu tiên giành được quyền bầu cử. 

Không như thời kỳ đầu khi phụ nữ mới đấu tranh để bình quyền với nam giới, các quốc gia văn minh hôm nay đều đã công khai nguyên tắc không phân biệt đối xử về giới. Các công ước quốc tế như Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đều yêu cầu bình đẳng nam nữ và được sự ủng hộ, tham gia rộng rãi của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã gia nhập các công ước này rất sớm, từ năm 1982.

Hiến pháp năm 2013 quy định về các quyền bình đẳng và nguyên tắc không phân biệt đối xử, trong đó có Quyền bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới được ban hành vào năm 2006. Để một đạo luật được thông qua, cơ quan soạn thảo phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động giới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Như vậy, pháp luật hiện đại đã điều chỉnh bình đẳng giới. Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là sự điều chỉnh đó đã đầy đủ hay chưa, và liệu có phản ánh được tiếng nói, quan điểm, kinh nghiệm và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nền tảng của các chuẩn mực pháp lý sẵn có phải chăng được tạo lập trên tư tưởng gia trưởng và diễn ngôn của nam giới. Thật vậy, khi phụ nữ bắt đầu thực hiện vai trò xã hội của mình và tham gia vào hoạt động lập pháp thì các tư tưởng và khái niệm pháp lý đã được hình thành từ rất lâu. Một số lĩnh vực pháp luật có thể cho thấy trong chừng mực nào đó sự ảnh hưởng của các quan điểm gia trưởng hoặc đặc trưng cho nam tính.

Một số lĩnh vực pháp luật có thể cho thấy trong chừng mực nào đó sự ảnh hưởng của các quan điểm gia trưởng hoặc đặc trưng cho nam tính.

Pháp luật hiện đại ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, coi mang thai hộ như một thỏa thuận dân sự giữa cặp vợ chồng hiếm muộn với người phụ nữ mang thai hộ. Cho dù mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là trường hợp duy nhất của mang thai hộ được công nhận ở Việt Nam, cách diễn đạt trong luật cho thấy quan hệ này là một giao dịch. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mô tả đây là một “thỏa thuận” giữa “bên nhờ mang thai hộ” và “bên mang thai hộ”. Thỏa thuận này có một điều kiện mặc định theo luật về xác định cha, mẹ, theo đó người con sinh ra là “con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ”. Trải nghiệm mang bầu, nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thời kì mang thai và sinh nở vốn dĩ gắn liền với vai trò làm mẹ đã bị bỏ qua trong các quy định của pháp luật, khi quan hệ huyết thống (noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng nhờ mang thai hộ) là yếu tố quyết định quan hệ cha, mẹ với đứa con sinh ra. Tử cung của người phụ nữ mang thai hộ được mô tả như một yếu tố vật chất (một phương tiện nuôi dưỡng bào thai) hơn là một cái gì đó thuộc về con người, một phần của con người (xem khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 định nghĩa về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo). Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam vốn dĩ là một đạo luật chứa đựng rất nhiều yếu tố tình cảm đặc trưng cho dân tộc mình khi sử dụng các từ ngữ như “yêu thương”, “quan tâm”, “tôn trọng”, “biết ơn” để xác định quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái nhưng lại khá lý trí (vốn được coi là đặc tính của nam giới) khi gọi người phụ nữ mang thai cho người khác là “người mang thai hộ” và quan hệ của họ với đứa trẻ sinh ra là từ hợp đồng và có thể phát sinh các trách nhiệm dân sự khi vi phạm hợp đồng xảy ra. Hãy thử tưởng tượng người phụ nữ mang thai hộ được gọi là “người mẹ mang thai” thay vì là “người mang thai hộ”, thì cơ thể và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ sẽ không còn là đối tượng để giao dịch và cảm xúc của người mẹ mang thai sẽ được tôn trọng và đề cao nhiều hơn.

 

Minh họa: Harvard Business Review

Một trong những yếu tố mà chủ nghĩa nữ quyền trong pháp luật quan tâm đó là điều chỉnh công việc chăm sóc không được trả lương như thế nào. Công việc chăm sóc không được trả lương là các công việc trong gia đình thường do người phụ nữ đảm nhận, xuất phát từ cơ chế sinh học cũng như các đặc điểm giới tính của họ. Người phụ nữ có vai trò tự nhiên là làm mẹ nhưng đó cũng là vai trò xã hội mà họ phải đảm nhận. Việc họ mang thai, nuôi dưỡng bào thai cho đến việc đảm đương chăm sóc đứa trẻ sơ sinh cho đến lớn dẫn đến tình trạng họ ở nhà nhiều hơn và không thuận tiện để tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội. Cũng do hoàn cảnh như vậy, người phụ nữ ở vị trí dễ dàng hơn để gánh vác các công việc gia đình như nội trợ, chăm sóc các thành viên khác bao gồm cả chăm sóc người bệnh, thăm hỏi hoặc tổ chức các sự kiện gia đình. Công việc chăm sóc không được trả lương nên giá trị kinh tế của loại công việc này không được tính đến hoặc được công nhận như các công việc tạo ra thu nhập khác.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/multimedia/ maps-and-charts/enhanced/WCMS_721348/lang–en/index.htm) công bố một thống kê cho thấy phụ nữ làm công việc chăm sóc không được trả lương trung bình 265 phút một ngày và chỉ có 183 phút dành cho công việc có trả lương. Trong khi đó, nam giới chỉ làm 83 phút công việc chăm sóc không được trả lương và có 322 phút làm công việc có trả lương trong một ngày. 

Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa việc làm là “hoạt động tạo ra thu nhập” và người lao động là người làm việc “được trả lương”. Quan niệm này hoàn toàn loại bỏ những người làm công việc chăm sóc không được trả lương ra khỏi phạm vi của “người lao động” và công việc đó không được coi là “việc làm”. Trong khi đó, công việc chăm sóc có trả lương, cụ thể là lao động giúp việc gia đình, đã được Bộ luật Lao động năm 2019 điều chỉnh. Lao động giúp việc gia đình được coi là việc làm và người giúp việc gia đình là người lao động. Như vậy, những người đảm nhiệm công việc chăm sóc gia đình toàn thời gian, mà phụ nữ chiếm đa số, vẫn bị coi là những người phụ thuộc về kinh tế, hay nói cách khác, không thể tự nuôi sống bản thân, như những quan niệm truyền thống trước đây.

Cũng trong quan hệ lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hai chế độ bảo hiểm khác nhau: bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia, và bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng đến những người không có hợp đồng lao động nhưng muốn đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế của họ để được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện này không bao gồm quyền lợi bảo hiểm y tế và chế độ thai sản như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định của pháp luật như vậy trên bề mặt không cho thấy sự phân biệt đối xử nào về giới. Tuy nhiên, một thực tế là thời gian làm công việc nhà không trả lương của người phụ nữ tương đối cao so với nam giới nên khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm của họ cũng hạn chế hơn. Do đó, phụ nữ chính là đối tượng tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn. Dù vậy, họ không thể tiếp cận với mức hưởng chế độ thai sản bất chấp họ vẫn đóng tiền bảo hiểm xã hội trên mức thu nhập mà họ lựa chọn. Điều này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng kinh tế của phụ nữ so với nam giới khi cả hai đều không có “việc làm” đúng nghĩa như quy định trong Bộ luật Lao động.

Ở một chiều cạnh khác, trong phạm vi pháp luật về hôn nhân và gia đình, một trong những thành công của chủ nghĩa nữ quyền là đã làm cho pháp luật công nhận lao động trong gia đình là lao động tạo ra thu nhập. Trong Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn là chia đôi khi hai bên không có thỏa thuận và tỷ lệ tài sản được xác định phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Luật khẳng định “Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”. Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn rõ hơn điểm này: “Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm.” Có thể coi đây là một bước tiến bộ khi công việc chăm sóc gia đình được ghi nhận là lao động được trả lương để đảm bảo quyền lợi tài sản cho người làm nội trợ khi xảy ra ly hôn. Tất nhiên, quy định này có thể không xuất phát từ một phong trào nữ quyền cụ thể nào ở Việt Nam nhưng nó là thành quả của sự tiến bộ chung và tiếp nhận pháp luật nước ngoài.

Cũng cần lưu ý thêm, cho dù ngày nay phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn, có hoặc khi nào thì làm mẹ chẳng hạn, và đàn ông ngày càng đảm nhiệm nhiều hơn công việc nội trợ, nhưng công việc chăm sóc trong gia đình đã được coi là công việc không có trả lương trong quá khứ và nó xuất phát, gắn liền với vai trò của phụ nữ. Chủ nghĩa nữ quyền, vì vậy, không chỉ bảo vệ người phụ nữ, đòi hỏi đối xử bình đẳng về giới như trong thời kỳ đầu, mà còn hướng đến sự bảo vệ toàn diện, không tính đến giới tính như trong trường hợp của công việc chăm sóc. Nam giới khi đảm nhận công việc nhà cũng được coi như lao động có thu nhập và vì thế cũng được đối xử công bằng hơn.

Tuy nhiên, từ pháp luật đi đến thực hiện pháp luật trong thực tế cũng có khoảng cách. Không ít những bản án ly hôn, người phụ nữ nội trợ thường nhận được tài sản phân chia sau khi ly hôn thấp hơn hoặc cách phân chia không thuận lợi do họ làm công việc nội trợ trong một phần hoặc toàn bộ thời kỳ hôn nhân. 

Trong một lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật môi trường, vấn đề về giới không những bị bỏ qua mà chuẩn mực pháp luật chính thống cũng đã tạo ra những rào cản đối với phụ nữ nói riêng và nhóm người yếu thế nói chung. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động của dự án đầu tư khi thực hiện hoạt động đánh giá tác động môi trường bằng hình thức tổ chức họp lấy ý kiến. Tuy nhiên, yêu cầu về tổ chức họp lấy ý kiến không có quy định về đảm bảo cân bằng giới. Đối với những vùng dự án ở nông thôn, nơi mà vai trò xã hội của phụ nữ còn tương đối thấp so với thành thị thì việc đảm bảo tỷ lệ cân bằng giới là rất quan trọng để phụ nữ có cơ hội nêu ý kiến của mình. Đáng chú ý là ở vùng nông thôn, phụ nữ và người già có xu hướng ở lại quê nhà và nam giới trong độ tuổi lao động có khả năng đi xa để tiếp cận việc làm. Vai trò kinh tế của người phụ nữ lúc này có thể phụ thuộc vào môi trường mà họ đang sống, ví dụ như những hoạt động sinh kế dưới tán rừng ngập mặn như bắt hoặc nuôi trồng thủy sản, thu nhặt lâm sản ngoài gỗ như rau rừng, mật ong… Vì vậy, một dự án đầu tư tác động đến môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ và họ có vai trò là những người có lợi ích liên quan trực tiếp. Tiếng nói của họ cần phải được phản ánh trong các báo cáo tham vấn cộng đồng. Việc không quy định về tỷ lệ cân bằng giới khi lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư tại cuộc họp có thể dẫn đến tình trạng những người tham gia cuộc họp là nam giới, với tư cách chủ hộ gia đình.

Ở góc độ khác, nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường chính là nội dung tham vấn cộng đồng dân cư. Ngôn ngữ và cách diễn đạt của báo cáo này mang tính chuyên môn, khoa học và khái quát như chuẩn mực pháp luật đương thời đòi hỏi. Cần nhắc lại là các yếu tố như tính khách quan, lý trí, tính khoa học, tính trừu tượng vốn dĩ là đặc tính mà nam giới coi trọng và nó cũng chính là các đặc tính của pháp luật. Những nội dung truyền tải có tính chất này làm cho những người có học vấn thấp, ít tiếp cận xã hội có sự e ngại và họ tự cảm thấy mình là thiếu hiểu biết để đóng góp ý kiến. Những người phụ nữ phụ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên như rừng, hoặc sông suối cho các hoạt động kinh tế và gia đình của mình thường rơi vào nhóm có học vấn không cao, thuộc diện nghèo, hay nói cách khác họ hội tụ rất nhiều những điểm yếu thế, ví dụ như về giới, giáo dục và mức sống. Chuẩn mực pháp luật hiện tại có thể nói đã đặt họ ngoài lề, tạo ra những rào cản để họ khó có thể nêu lên các quan điểm, tiếng nói của mình, cũng như các khó khăn mà họ gặp phải và rất cần thiết được pháp luật ghi nhận. Họ không thể chủ động để xây dựng quyền lợi của mình trong xã hội thông qua pháp luật mà đơn thuần thụ động nhận được, làm cho vị thế yếu thế của họ không được cải thiện.

Những chủ đề được chọn để thảo luận trong bài viết này về chủ nghĩa nữ quyền trong pháp luật không thể tránh khỏi những hoài nghi, thậm chí gây tranh cãi. Nhưng nó là thuộc tính đang có của chủ nghĩa nữ quyền cho đến nay. Chủ nghĩa nữ quyền đặt ra vấn đề về phân biệt giới tính, sự áp bức hoặc lệ thuộc về giới. Trong pháp luật, đó là vấn đề liệu pháp luật có trở thành một công cụ phân biệt giới tính hoặc duy trì sự áp bức hoặc lệ thuộc về giới hay không. Tuy vậy, các nhà nữ quyền xuất phát từ những hoàn cảnh gia đình, chủng tộc, xã hội, văn hóa, và kể cả mục tiêu khác nhau, có thể có những quan điểm không thống nhất về cùng một vấn đề. Chủ nghĩa nữ quyền trong pháp luật vẫn là cách tiếp cận đang đi trên con đường tìm kiếm phương pháp luận của mình, nhưng những đóng góp của nó là không thể chối bỏ, và vấn đề mà nó đặt ra đáng để suy ngẫm.□

Theo Tiasang.vn

 

 

 

 

 

TS. TRỊNH THỤC HIỀN (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP HCM)

Những người phụ nữ đấu tranh cho quyền được bầu cử ở Anh từng bị tống vào tù. Trong ảnh là thời điểm họ được thả năm 1908, trên người vẫn đang mặc áo tù nhân. Ảnh: Getty Images