Khởi kiện trọng tài viên, trung tâm trọng tài thương mại - liệu có khả thi?
Việc phán quyết trọng tài bị hủy có thể khiến một hoặc các bên tranh chấp gánh chịu các chi phí hoặc thiệt hại phát sinh. Vấn đề đặt ra là liệu rằng khi phán quyết trọng tài bị hủy do lỗi của Hội đồng trọng tài hoặc Trung tâm trọng tài, các bên tranh chấp có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại không?
Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài Tòa án được lựa chọn sử dụng ngày càng phổ biến hiện nay. Kết quả giải quyết vụ tranh chấp bởi trọng tài thương mại sẽ được thể hiện thông qua phán quyết của Hội đồng trọng tài. Phán quyết này là chung thẩm, các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo mà chỉ có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài. Trên thực tế, nhiều trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy do lỗi của Hội đồng trọng tài hoặc Trung tâm trọng tài trong quá trình tiến hành tố tụng, dẫn đến vụ tranh chấp phải được giải quyết lại tại trọng tài (nếu các bên có thỏa thuận lại) hoặc chỉ được giải quyết tại Tòa án.
Trong bài viết này, tác giả muốn giới hạn phạm vi phân tích đối với các vụ việc được giải quyết bởi trọng tài quy chế, tức là việc thành lập Hội đồng trọng tài được thực hiện thông qua một Trung tâm trọng tài.
1. Chủ thể nào có thể bị khởi kiện?
Để xem xét liệu rằng chủ thể nào có thể bị khởi kiện khi phán quyết trọng tài bị hủy, nhất thiết phải nhận biết được chủ thể nào là bên có lỗi/hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến phán quyết bị hủy.
Ngày 07/6/2022, TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT về việc hủy Phán quyết trọng tài số 16/21 HCM ngày 07/01/2022 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài V. Vụ tranh chấp này phát sinh giữa Công ty C và Công ty F. Theo đó, vào năm 2020, Công ty C và Công ty F đã ký kết các Thư giao kết tư vấn và thẩm định giá liên quan đến việc tư vấn và định giá của Công ty C đối với các dự án của Công ty F. Các bên sau đó phát sinh tranh chấp về khoản tiền mà Công ty F phải trả cho Công ty C. Vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại Trung tâm trọng tài V và Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm này đã chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty C. Không đồng ý với Phán quyết đã tuyên, Công ty F đã nộp đơn yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh hủy Phán quyết này.
Những lý do được Tòa án lập luận để hủy Phán quyết trên bao gồm: (i) Trung tâm trọng tài V đã vi phạm quy định tại Điều 12 Luật Trọng tài thương mại 2010 vì không giao tài liệu tố tụng cho Công ty F, dẫn đến Công ty F không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010, đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010; và (ii) Công ty C không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nhưng Hội đồng trọng tài đã tin tưởng Công ty C thực hiện đúng chức năng, chưa xác minh, làm rõ sự việc theo Điều 45 Luật Trọng tài thương mại 2010, hành vi này vi phạm thủ tục tố tụng theo điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Đối với lý do thứ nhất, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, trong quá trình tố tụng trọng tài, Trung tâm trọng tài sẽ cung cấp dịch vụ hành chính phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp, phí trọng tài sẽ bao gồm phí hành chính của Trung tâm trọng tài. Đồng thời, cũng theo Luật Trọng tài thương mại 2010, Trung tâm trọng tài là bên có nghĩa vụ gửi các tài liệu tố tụng cho các bên tranh chấp. Đối với lý do này, Trung tâm trọng tài V được xác định có hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Phán quyết trọng tài bị hủy. Theo quy định hiện hành, Trung tâm trọng tài V, giống như những Trung tâm trọng tài khác, là tổ chức có tư cách pháp nhân, do đó, Trung tâm trọng tài V hoàn toàn có thể bị khởi kiện bởi bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm của Trung tâm trọng tài V đã dẫn tới việc phán quyết trọng tài bị hủy.
Đối với lý do thứ hai, Tòa án cho rằng Hội đồng trọng tài đã vi phạm quy định pháp luật, cụ thể là Điều 45 Luật Trọng tài thương mại 2010 khi không tiến hành xác minh sự việc để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hội đồng trọng tài trong vụ việc này gồm ba Trọng tài viên, đồng thời, theo quy định tại Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài và các quyết định của Hội đồng trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số, nếu không đạt được đa số, phán quyết trọng tài và các quyết định của Hội đồng trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Có thể thấy, phán quyết trọng tài hay các quyết định của Hội đồng trọng tài được ban hành theo ý chí của cá nhân các Trọng tài viên, Hội đồng trọng tài không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân, do đó, hành vi vi phạm pháp luật của Hội đồng trọng tài thực chất là hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân các Trọng tài viên thông qua phán quyết trọng tài hoặc các quyết định của Hội đồng trọng tài.
Hiện nay không có căn cứ nào cho thấy việc các bên tranh chấp có thể biết được ý kiến đa số, thiểu số được đưa ra bởi cá nhân Trọng tài viên nào. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của mình, bên bị thiệt hại có thể phải khởi kiện đối với tất cả Trọng tài viên thuộc Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc. Việc chứng minh mình không phải liên đới chịu trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân các Trọng tài viên đã phủ quyết/ đưa ý kiến thiểu số đối với phán quyết trọng tài đã bị hủy.
2. Các bên tranh chấp phải chứng minh các điều kiện nào?
Trong trường hợp các bên tranh chấp khởi kiện Trung tâm trọng tài và/hoặc cá nhân các Trọng tài viên, tranh chấp này được xem là một tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi đó, các bên tranh chấp phải chứng minh ba yếu tố sau để thỏa mãn điều kiện được bồi thường thiệt hại, bao gồm (i) Có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; (ii) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần; và (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Đối với yếu tố hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Như đã phân tích trong vụ việc nêu trên, Trung tâm trọng tài và cá nhân các Trọng tài viên đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật, đứng ở góc độ của mỗi bên tranh chấp, chúng ta có thể nhận thấy có những hành vi xâm phạm khác nhau. Đơn cử, ở góc độ Công ty F, việc Trung tâm trọng tài V không gửi tài liệu tố tụng cho Công ty F dẫn đến việc Công ty F không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng, đây là quyền lợi hợp pháp của Công ty F, và trường hợp này đã bị xâm phạm. Hoặc ở góc độ Công ty C, dù việc Hội đồng trọng tài không tiến hành xác minh điều kiện kinh doanh của Công ty C có thể có lợi cho Công ty C theo phán quyết trọng tài, nhưng điều này không có nghĩa là quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty C không bị xâm phạm. Quyền được xét xử đúng quy định pháp luật cũng có thể là một quyền mà Công ty C đã bị xâm phạm, bởi rõ ràng việc phán quyết trọng tài bị hủy do có hành vi vi phạm pháp luật của Hội đồng trọng tài đã khiến vụ tranh chấp kéo dài hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Công ty C.
Đối với yếu tố thiệt hại, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến các thiệt hại vật chất. Theo quy định hiện hành, thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm. Có thể thấy, trường hợp các bên tranh chấp chứng minh được mình có phát sinh thiệt hại thực tế như nêu trên, các bên tranh chấp có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại này. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại có được bồi thường hay không còn liên quan đến yếu tố mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại. Do đó, có thể không phải mọi thiệt hại mà các bên tranh chấp yêu cầu đều được chấp nhận.
Một yếu tố rất quan trọng mà các bên tranh chấp cần chứng minh được chính là mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại phát sinh. Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng trọng tài đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty C, theo đó, Công ty F phải chịu toàn bộ phí trọng tài. Đây có thể được xem là thiệt hại thực tế mà Công ty F đã phải chịu, vì nếu không có hành vi vi phạm pháp luật của Trung tâm trọng tài và cá nhân các Trọng tài viên, phán quyết trọng tài có thể đã theo một chiều hướng khác, khi đó, Công ty F có thể sẽ không phải chịu hoặc chịu ít hơn mức phí trọng tài thực tế mà họ đã phải chịu. Trong khi đó, ở góc độ Công ty C, giả sử Công ty C đã có kế hoạch sử dụng nguồn tiền thu được từ kết quả giải quyết vụ tranh chấp với Công ty F, tuy nhiên, vì phán quyết trọng tài bị hủy dẫn đến việc thu hồi khoản tiền này bị chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch và các mục tiêu kinh doanh có sử dụng nguồn tiền này. Công ty C có thể yêu cầu bồi thường đối với các thiệt hại thực tế đã mất đi trong trường hợp này. Tuy nhiên, loại thiệt hại này có thể sẽ khó để chứng minh và được chấp nhận bởi Tòa án, bởi kể cả sau khi phán quyết trọng tài được thi hành (trong trường hợp không bị hủy), thì việc thu hồi khoản tiền tranh chấp của Công ty C còn phụ thuộc vào quá trình thi hành án.
Không giống như Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC)[1] hay Tòa trọng tài của Phòng thương mại quốc tế (ICC)[2], khi những quy tắc này đều có nội dung miễn trừ trách nhiệm của các Trung tâm trọng tài và/hoặc Trọng tài viên tham gia giải quyết vụ việc. Pháp luật Việt Nam cũng như quy tắc tố tụng trọng tài của một số Trung tâm trọng tài tại Việt Nam hiện nay đều chưa đề cập đến nội dung này. Do đó, nhìn chung, các bên tranh chấp vẫn có thể khởi kiện Trung tâm trọng tài và/hoặc cá nhân các Trọng tài viên nếu phán quyết bị hủy với điều kiện phải chứng minh được các yếu tố như đã nêu.
[1] Xem thêm tại Điều 38 Quy tắc tố tụng của SIAC, https://siac.org.sg/wp-content/uploads/2022/06/SIAC-Rules-2016-Vietnamese-version.pdf, truy cập ngày 21/10/2023.
[2] Xem thêm tại Bài báo 41 Quy tắc tố tụng của ICC, https://www.international-arbitration-attorney.com/vi/2017-icc-arbitration-rules/#_Toc487442258, truy cập ngày 21/10/2023.
TAND TP.HCM xét xử vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa hai doanh nghiệp - Ảnh: Hoàng Yến
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận