Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng
Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng là một trong số các nội dung của Quyết định số 442/QĐ-VKSTC Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký ban hành về Quy chế về việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quy chế được áp dụng đối với công chức của VKSND và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Quy chế quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức của VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Quy chế không áp dụng đối với các chức vụ, chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra Cơ quan Điều tra VKSND tối cao.
Về nguyên tắc thực hiện, Quy chế nêu rõ: Ban cán sự đảng VKSND tối cao lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo, đảng ủy VKSND cấp cao lãnh đạo công tác cán bộ ở VKSND cấp cao. Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ ở VKSND cấp tỉnh.
Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ và quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức. Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với công chức thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng
Về thẩm quyền thực hiện Quy chế: Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho công chức miễn nhiệm, từ chức, cách chức. Đối với công chức thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức, cách chức. Cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức khi có đủ căn cứ.
Về căn cứ xem xét miễn nhiệm chức vụ, Quy chế nêu rõ, việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm; có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định của Đảng đến mức phải miễn nhiệm; các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.
Đồng thời, thực hiện miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Về căn cứ xem xét miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Quy chế nêu rõ: Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có thể được miễn nhiệm chức danh vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quy định rõ nội dung về cách chức đối với công chức
Cụ thể, căn cứ và quy trình cách chức đối với công chức giữ chức vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với công chức. Về căn cứ cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, gồm Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau: Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; vi phạm quy định những việc Kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật Tổ chức VKSND; vi phạm về phẩm chất đạo đức; có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đối với Kiểm tra viên cũng đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm tra viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm tra viên khi thuộc một trong các trường hợp sau: Vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ; vi phạm những việc công chức không được làm; vi phạm về phẩm chất đạo đức; có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Quy chế về việc miễn nhiệm, từ chức, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 442/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao gồm 3 chương, 19 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định ban hành.
Ảnh: Hình ảnh đẹp đồng phục kiểm sát
Bài liên quan
-
Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
-
Tòa án nhân dân tối cao công bố, trao Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ
-
Chủ tịch nước trao Quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho đồng chí Lê Quốc Hùng
-
Bàn về hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự về phần con chung và cấp dưỡng nuôi con chung do có kết luận giám định ADN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận