Một số vấn đề về việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng của Viện kiểm sát
BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đã có cách hiểu khác nhau trong việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu tìm hiểu, phân tích các quy định của BLTTHS năm 2015 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng, làm rõ sự hạn chế, vướng mắc để từ đó đề xuất hướng dẫn và hoàn thiện.
1. Khiếu nại bản cáo trạng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự
1.1. Bản cáo trạng
Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Quy định này của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và trong các văn bản quy phạm pháp luật về tố tụng.
Trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát (VKS) có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, được ghi nhận tại Điều 20 BLTTHS năm 2015. Theo đó, VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội.
Điều 243 BLTTHS năm 2015 quy định về quyết định truy tố bị can như sau:
“Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng.
Bản cáo trạng phải ghi diễn biến hành vi phạm tội; những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự được áp dụng.
Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng”.
Khoản 1 Điều 132 BLTTHS năm 2015 quy định: “Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất”.
Như vậy, với các quy định nêu trên của BLTTHS năm 2015 thì cáo trạng là văn bản tố tụng của VKS quyết định truy tố bị can trước Tòa án để xét xử về tội danh và điều luật quy định trong BLHS.
1.2. Bản cáo trạng có thể bị khiếu nại
Bảo đảm quyền khiếu nại là một trong những nguyên tắc được quy định tại Điều 32 BLTTHS năm 2015. Và một trong các quyền của bị can được quy định tại Điều 60 BLTTHS, đó là quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm k khoản 2).
Điều 469 BLTTHS năm 2015 quy định về người có quyền khiếu nại như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”.
Đồng thời, khoản 1 Điều 470 BLTTHS năm 2015 quy định: “Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này”.
Như đã phân tích ở trên, bản cáo trạng là văn bản tố tụng - hình thức thể hiện quyết định truy tố của VKS do Viện trưởng VKS ban hành. Do đó, bản cáo trạng là loại quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại.
Ngày 05/9/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch này đã quy định loại trừ: “2. Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị quy định tại khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Như vậy, bản cáo trạng của VKS là đối tượng có thể bị khiếu nại nhưng không được giải quyết theo quy định tại Chương XXXIII BLTTHS năm 2015.
Nghiên cứu các chương quy định tại khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 (Chương XXI (xét xử sơ thẩm); Chương XXII (xét xử phúc thẩm); Chương XXIV (thi hành án tử hình, xóa án tích); Chương XXV (xét lại bản án có hiệu lực pháp luật); Chương XXVI (thủ tục tái thẩm); Chương XXXI (thủ tục rút gọn)), chúng tôi thấy các chương này đều không quy định trực tiếp việc giải quyết khiếu nại bằng một trình tự, thủ tục riêng đối với bản cáo trạng của VKS.
Liệu đây có phải là một “lỗ hổng” của pháp luật tố tụng hình sự dẫn đến có ý kiến cho rằng, đây là vướng mắc mà cơ quan VKS và Tòa án gặp phải trong quá trình truy tố, xét xử, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể[1].
2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị
Trong thực tiễn, có trường hợp cáo trạng của VKS sau khi ban hành và tống đạt (giao) cho bị can thì bị can đã có đơn khiếu nại bản cáo trạng gửi đến VKS cho rằng bản cáo trạng có nội dung không đúng. Vấn đề đặt ra là, VKS đã ban hành cáo trạng có thụ lý và giải quyết khiếu nại của bị can hay không?
Về vấn đề này, hiện nay đang có các quan điểm khác nhau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: BLTTHS năm 2015 không quy định quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức nói chung và bị can nói riêng đối với bản cáo trạng cũng như thủ tục giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng. Do đó, VKS không có căn cứ để thụ lý giải quyết.
Việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng sẽ được xem xét, giải quyết trong phiên tòa xét xử vụ án.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc không giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng của bị can đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can; vi phạm các quy định tại Chương II Hiến pháp 2013 (quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Tất cả các khiếu nại về cáo trạng hoặc quyết định truy tố của các chủ thể tham gia tố tụng hình sự phải được VKS xem xét, giải quyết bằng một quyết định giải quyết khiếu nại mới bảo đảm quyền khiếu nại theo đúng nguyên tắc của BLTTHS năm 2015. Việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng sẽ được Tòa án xem xét, giải quyết trong quá trình xét xử vụ án theo quan điểm thứ nhất không những đã hiểu sai lệch về vị trí, vai trò của Tòa án được quy định tại Điều 102 Hiến pháp 2013 mà còn gây không ít khó khăn cho Tòa án trong quá trình chuẩn bị xét xử (vì Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, chứ không phải là cơ quan giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng của VKS)[2].
Do có các quan điểm khác nhau trong việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng, trong thực tiễn, có VKS đã tiến hành thụ lý và giải quyết khiếu nại, nhưng cũng có VKS không thụ lý.
Về vấn đề này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có hướng dẫn. Tại mục 2 phần II Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC ngày 05/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2018 nêu:
“Đơn vị 12 của Viện kiểm sát các cấp[3] phải phân loại chính xác, xử lý kịp thời các đơn đã tiếp nhận, chuyển ngay đến đơn vị nghiệp vụ khác hoặc thụ lý để giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, không để ảnh hưởng thời hạn giải quyết; đồng thời, quản lý, đôn đốc việc giải quyết.
Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, Đơn vị 12 phải căn cứ các quy định về thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Chương XXXIII để phân loại đơn đảm bảo chính xác, xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sai sót, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Thực hiện khoản 2 Điều 469, khiếu nại cáo trạng, quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì không áp dụng quy định về giải quyết khiếu nại theo Chương XXXIII mà xử lý, giải quyết theo quy định tại các Chương tương ứng. Vì vậy, khi nhận được khiếu nại đối với các quyết định này, Đơn vị 12 chuyển đến đơn vị nghiệp vụ của cấp mình hoặc Viện kiểm sát đã ban hành quyết định đó để xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết”.
Công văn số 877/VKSTC-V12 ngày 08/3/2018 của VKSNDTC thông báo rút kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có đoạn viết: “… Một số Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thụ lý khiếu nại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cáo trạng, trong đó hướng dẫn công dân nếu không đồng ý có quyền khiếu nại tiếp đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong khi pháp luật không quy định, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có căn cứ thụ lý giải quyết” (mục 1).
Với các văn bản hướng dẫn và rút kinh nghiệm nêu trên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể hiểu, trường hợp có khiếu nại bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố thì không áp dụng Chương XXXIII quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự để giải quyết mà chủ thể đã ban hành bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố sẽ xem xét theo hồ sơ vụ án và ban hành công văn trả lời trong trường hợp cần thiết và pháp luật không quy định nên không có căn cứ thụ lý giải quyết bằng việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Chúng tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất khi cho rằng BLTTHS năm 2015 không quy định quyền khiếu nại đối với bản cáo trạng cũng như thủ tục giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng, do đó, VKS không có căn cứ để thụ lý giải quyết; việc giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng sẽ được xem xét, giải quyết trong phiên tòa xét xử vụ án. Chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm thứ hai khi cho rằng VKS phải giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng bằng một quyết định giải quyết khiếu nại.
Chúng tôi cho rằng, việc BLTTHS năm 2015 (và cả BLTTHS năm 2003 trước đây) không quy định thủ tục giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố thành một thủ tục riêng biệt, độc lập là hoàn toàn phù hợp nhằm bảo đảm thời hạn tố tụng không bị kéo dài. Bởi lẽ:
- BLTTHS năm 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định truy tố, VKS phải chuyển hồ sơ cùng với bản cáo trạng cho Tòa án có thẩm quyền xét xử. Do đó, VKS không thể giải quyết khiếu nại của người có yêu cầu trong thời gian này bằng một quyết định giải quyết khiếu nại và rất có thể người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại sẽ lại khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại này. Tuy nhiên, trước khi mở phiên tòa, VKS đã ban hành cáo trạng có thể xem xét để thực hiện quyền rút một phần, toàn bộ hay thay đổi bản cáo trạng trước khi mở phiên tòa nếu khiếu nại có căn cứ và phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015.
- Tại phiên tòa: Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung bản cáo trạng[4]. Trong quá trình xét hỏi, bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án[5]. Sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn[6].
VKS và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bản cáo trạng này sẽ được tranh tụng trực tiếp và công khai tại phiên tòa. Và tại phiên tòa, VKS sẽ xem xét khiếu nại bản cáo trạng một cách trực tiếp và quyết định giải quyết khiếu nại thông qua các quy định rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố, kết luận về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn, phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa (Điều 266 BLTTHS năm 2015). Kiểm sát viên đề nghị Tòa án kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn[7]. Và đặc biệt là quy định tại Điều 322 BLTTHS năm 2015 về tranh luận tại phiên tòa có sự sửa đổi, bổ sung quan trọng, đó là: “Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình”; đồng thời quy định: “Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”.
- Trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án sẽ ban hành bản án trong đó phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra; phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (khoản 2 Điều 260 BLTTHS năm 2015).
Tại phiên tòa, sau khi VKS xem xét, giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng mà người khiếu nại không đồng ý thì Tòa án sẽ xem xét, giải quyết. Trường hợp Tòa án ban hành bản án mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Có thể thấy, không phải BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 không quy định giải quyết khiếu nại đối với bản cáo trạng hay quyết định truy tố do VKS ban hành mà quy định giải quyết khiếu nại này là những “quy định ẩn”. Và khiếu nại của chủ thể có quyền khiếu nại đối với bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố được giải quyết theo một quy trình chặt chẽ, toàn diện, triệt để, bảo đảm quyền của chủ thể khiếu nại mà vẫn bảo đảm thời hạn tố tụng không bị kéo dài. Ở đây, theo chúng tôi, hoàn toàn không có vướng mắc trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà chỉ là sự “vướng mắc” trong nhận thức về quy định của pháp luật tố tụng.
Vì vậy, Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC và Công văn số 877/VKSTC-V12 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hoàn toàn phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015.
Tuy nhiên, do còn có các ý kiến khác nhau như trên, để bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật, chúng tôi cũng cho rằng, trước mắt, các cơ quan tố tụng liên ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp bị can có khiếu nại đối với bản cáo trạng. Theo chúng tôi, trong mọi trường hợp khiếu nại đối với bản cáo trạng, để người khiếu nại yên tâm, VKS cần xác nhận đã nhận đơn khiếu nại trong trường hợp nhận trực tiếp (bằng phiếu nhận đơn) hoặc ra văn bản thông báo đã nhận được đơn khiếu nại trong trường hợp nhận đơn khiếu nại qua tổ chức bưu chính hoặc phương tiện điện tử. Và việc xử lý khiếu nại bản cáo trạng được thực hiện theo quy định của BLTTHS năm 2015 như chúng tôi đã phân tích ở trên. Như vậy, vừa bảo đảm quyền khiếu nại của bị can, vừa bảo đảm không kéo dài thời hạn tố tụng.
Đồng thời, chúng tôi cho rằng, Điều 469 BLTTHS năm 2015 quy định về người có quyền khiếu nại như hiện nay là chưa thực sự phù hợp và khoa học, bởi vì, BLTTHS năm 2015 đã có quy định bổ sung tại Điều 470 về các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại. Vì vậy, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung thì cần chuyển nội dung quy định tại khoản 2 Điều 469 xuống sau khoản 1 Điều 470 để tạo thành khoản loại trừ, có bổ sung thêm cụm từ “không giải quyết theo quy định của Chương này mà” (như quy định tại Điều 325 BLTTHS năm 2003 trước đây) cho rõ ràng, cụ thể như sau:
“Điều 470. Các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại
1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này.
Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”.
[1] Nguyễn Ngọc Tuấn, Một số vấn đề về giải quyết khiếu nại tố đối với bản cáo trang trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2019, tr.18.
[2] Nguyễn Ngọc Tuấn, Tlđd, tr.17.
[3] Đơn vị 12 của Viện kiểm sát các cấp là đơn vị kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp.
[4] Điều 306 BLTTHS năm 2015.
[5] Khoản 2 Điều 309 BLTTHS năm 2015.
[6] Khoản 1 Điều 320 BLTTHS năm 2015.
[7] Khoản 3 Điều 321 BLTTHS năm 2015.
VKSND huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đã phối hợp với TAND huyện Cát Hải tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm và trực tuyến hai cấp xét xử sơ thẩm giải quyết vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính - Ảnh: Đỗ Thu Hằng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận