Nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay
Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả nêu lên thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân diễn ra trên môi trường mạng từ đó gợi mở cho pháp luật Việt Nam một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong giai đoạn hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Danh dự, nhân phẩm của cá nhân là một trong những yếu tố nhân thân cơ bản của con người, được bảo vệ bởi hành lang pháp lý do Nhà nước đặt ra. Pháp luật thừa nhận những giá trị vốn có trong mỗi con người và bảo vệ cho những giá trị ấy, bảo đảm duy trì sự bất khả xâm phạm đối với danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân.
Có thể nói, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân là việc mỗi cá nhân đều được hưởng những lợi ích chính đáng, được đòi hỏi quyền lợi một cách hợp pháp liên quan đến vấn đề danh dự, nhân phẩm của mình dựa trên các quy định của pháp luật, được pháp luật bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp, chế tài nhằm ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân. Đây được coi là một trong số những quyền nhân thân quan trọng nhất gắn liền với mỗi cá nhân, là luôn được pháp luật bảo vệ, quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, tình trạng xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm như xúc phạm, đả kích, làm nhục người khác đang diễn biến ngày càng nhiều với cường độ lớn và tính chất vô cùng phức tạp, đặc biệt hơn là khi những hành vi này được thực hiện ngay trên phạm vi không gian mạng.
2.Thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng
2.1.Hiện tượng khá phổ biến
Ngày 23/6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này vừa phối hợp Công an thành phố Thủ Dầu Một củng cố hồ sơ để xử lý một đối tượng xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội.
Theo đó, đối tượng Nguyễn Đức Tấn (sinh năm 1996), hộ khẩu thường trú thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương bị xử lý về hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo hồ sơ vụ việc, thông qua các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, youtube, đối tượng Nguyễn Đức Tấn đã tạo nhiều tài khoản “ảo” để đăng tải 53 video, 179 hình ảnh có nội dung vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của lãnh đạo và một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an tỉnh Bình Dương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bình Dương.
Qua sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an thành phố Thủ Dầu Một đã phát hiện và mời đối tượng Nguyễn Đức Tấn làm việc và thu giữ phương tiện thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một thụ lý điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Một sự kiện gây chú ý của dư luận khác là Ngày 21/9/2023, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù, Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (trưởng phòng truyền thông, Công ty cổ phần Đại Nam) cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS năm 2015.
Theo HĐXX, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân.
Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hằng là tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương) được nhiều người trên mạng xã hội biết đến.
Từ tháng 3/2021, bà Phương Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, trái quy định của pháp luật.
Bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.
Hay một chuyện khác xảy ra cuối năm 2021, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc một nữ sinh lấy trộm chiếc váy trị giá 160 ngàn đồng ở một shop quần áo trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa và bị chủ cửa hàng bắt quả tang. Cao Thị Mai Hường là chủ cửa hàng và các nhân viên đã nữ sinh cởi mũ để quay video song cô gái sợ hãi, quỳ van xin. Hường tát vào mặt và đạp vào đầu; kéo áo và dùng kéo cắt tóc, áo ngực của bị hại, mặc mọi lời van xin. Chồng Hường là Trịnh Đình Anh đến shop, đưa nạn nhân lên tầng hai yêu cầu trong ba ngày phải đền số tiền 15 triệu đồng…
Nữ sinh bị cắt tóc, đánh đập tại shop quần áp Mai Hương. Ảnh cắt từ camera an ninh
Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại shop quần áo này. Đồng thờ là quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường, sinh năm 1992, về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh, sinh năm 1990 (là chồng của Hường) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc trong rất nhiều vụ xâm phạm đối với danh dự, nhân phẩm của người khác đang diễn ra rất phức tạp trên môi trường mạng xã hội, cho thấy nhiều người sử dụng mạng xã hội nhận thức về pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật kém.
2.2. Quy định của pháp luật
Những năm gần đây pháp luật Việt Nam đã có nhiều cải thiện, đạt được những bước tiến mới trong việc bổ sung thêm một số quy định về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã được quy định trực tiếp trong Hiến pháp, hay BLDS và BLHS cũng quy định về các chế tài xử phạt nhằm bảo vệ quyền hiến định này. Bên cạnh đó, cơ quan lập pháp cũng tiếp tục bổ sung các văn bản luật, nghị định, quyết định điều chỉnh trực tiếp các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, như Nghị định số 167/2013/ NĐ-CP, Luật An ninh mạng 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Trong BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đã có quy định về Tội làm nhục người khác, cụ thể ở khoản 1 Điều 155 “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”, nhưng để xác định thế nào là “xúc phạm nghiêm trọng” thì hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể để đánh giá mức độ xúc phạm trong những tình huống này, dẫn tới việc phổ biến cũng như áp dụng pháp luật trong thực tiễn còn mơ hồ, chưa rõ ràng.
Có thể nhận thấy, những quy định của Luật An ninh mạng 2018 còn khá chung chung và chưa thực sự đặt ra những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cũng chưa bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng và ngày càng phức tạp của mạng xã hội. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng 2018 còn khá bất cập trong việc điều chỉnh các hành vi đa dạng của người dùng Internet để có thể phòng ngừa và xử lý các trường hợp xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Không chỉ vậy, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Quyết định 874/QĐ-BTTTT 2021) có chỉ ra những quy tắc, chuẩn mực cho người dùng, tuy nhiên, những quy tắc đó chỉ mang tính chất tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, dường như vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những người sử dụng mạng xã hội. Sự lăng mạ, vu khống, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội hiện nay vẫn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau… Có thể do những quy tắc được đưa ra vẫn chưa chưa có chế tài xử lý cụ thể, vì vậy chưa đủ sức ảnh hưởng nhằm hạn chế những hành vi tiêu cực nói trên.
Bên cạnh đó, việc xác định hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng nhìn chung vẫn còn gây ra khó khăn đối với cơ quan chức năng. Khó khăn ở chỗ việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng dù được thực hiện dưới hình thức văn bản hay âm thanh, hình ảnh thì vẫn khó có thể xác định được hành vi này có thực sự gây ra tổn hại về mặt tinh thần cho người bị xâm phạm hay không, trong khi đó sẽ là không khách quan nếu như sự việc đó được xác thực thông qua lời khai của người xâm phạm hay người bị xâm phạm.
Như vậy, rất nhiều quy định pháp luật có đề cập tới không gian mạng, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, nhưng chưa có quy định cụ thể cho vấn đề xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng dễ dàng tiếp cận đến toàn thể xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề mấu chốt dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân trên không gian mạng hiện nay.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận đóng góp, phản hồi của người dân nói chung và các chủ thể tham gia hoạt động trên không gian mạng nói riêng.
Việc theo dõi kịp thời, sát sao tình hình của nhân dân là điều vô cùng cần thiết, bởi nhân dân là đối tượng mà pháp luật hướng tới để điều chỉnh, nếu trong quá trình xây dựng luật chỉ dựa vào tình hình kinh tế, sự phát triển của công nghệ thông tin hay học hỏi những kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế thì quả thực luật pháp sẽ còn lỏng lẻo, thiếu tính kết nối với nhân dân. Người sử dụng không gian mạng cũng cần chủ động hơn trong việc tự bảo vệ bản thân trước những hành vi xâm phạm đến quyền con người, ở đây là quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, đặc biệt là trên môi trường số. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thái độ, phong cách làm việc của những người có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý trình báo vi phạm từ người dân là vô cùng cần thiết, để các vụ việc sai phạm đều được báo cáo và giải quyết một cách kịp thời, người dân cũng không có tâm lý e ngại mà bỏ ngỏ việc trình báo và thật sự cảm thấy thoải mái khi tới làm việc với các cơ quan chức năng.
Thứ hai, xây dựng quy định về vấn đề xử lý vi phạm trong vấn đề xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng một cách cụ thể, có hệ thống, cập nhật với thực tiễn.
Hiện nay, những văn bản như Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm, vì vậy rất cần bổ sung kèm theo bên cạnh các quy tắc những hình thức xử lý trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, những thuật ngữ như “xúc phạm nghiêm trọng” hay những mức độ của hành vi xâm phạm cũng cần được quy định rõ ràng để dễ dàng hơn trong quá trình đối chiếu, xác định mức độ vi phạm của hành vi. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng phát triển vô cùng mạnh mẽ, luôn đòi hỏi sự tiếp cận nhanh chóng của các nhà làm luật, từ đó đưa ra những quy định hợp tình, hợp lý và bắt kịp với thời đại.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội và xây dựng văn hóa pháp lý cho công dân về bảo vệ danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng.
Vấn đề tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần bắt nguồn từ các cấp cơ sở, bởi lẽ, điều này để đảm bảo cho mỗi cá nhân trong cộng đồng đều được tiếp cận, hiểu biết về pháp luật một cách cụ thể nhất. Những yêu cầu, điều kiện, quy định pháp luật mà nhà nước ban hành là chuẩn mực, là đúng đắn nhất nên người sử dụng khi quan tâm đến vấn đề pháp luật về bảo vệ quyền về danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng sẽ lựa chọn những trang thông tin chính thống đến từ các cơ quan liên quan để tìm hiểu. Nhưng thực tế, không có nhiều cá nhân hiểu được chính xác hoàn toàn các yêu cầu của nhà nước, từ đó đòi hỏi phải có hoạt động giải thích trực tiếp.
Thứ tư, đẩy mạnh việc đào tạo, sắp xếp đội ngũ cán bộ chuyên môn trong vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng.
Như chúng ta đã biết, các vấn đề liên quan trên không gian mạng tương đối phức tạp, đặc biệt là trong vấn đề xử lý vi phạm đã và đang gặp không ít khó khăn. Do vậy, một đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn cao trong lĩnh vực này là mục tiêu quan trọng, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đáp ứng được. Để nâng cao hiệu quả về mặt cán bộ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lên kế hoạch tuyển chọn những người có chuyên môn cao, đã được đào tạo cả về mặt công nghệ thông tin và về mặt luật pháp, cụ thể là vấn đề pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng. Không chỉ vậy, cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức đào tạo, củng cố nghiệp vụ thường xuyên thông qua các buổi tập huấn, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như liên tục cập nhật các hiện tượng, công nghệ mới để từ đó có thể kịp thời ứng phó trước diễn biến mới. Cuối cùng, theo từng giai đoạn cần có những đợt rà soát, phân loại cũng như đánh giá năng lực hệ thống cán bộ chuyên môn, có như vậy, bộ máy cán bộ trong lĩnh vực này mới thực sự hoạt động chặt chẽ và có hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lí vi phạm pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng
Để đạt được những mục tiêu, giải pháp đưa ra, bên cạnh sự phối hợp giữa nhà nước và người dân thì vấn đề phát triển công nghệ thông tin cũng mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Việc đầu tư, cập nhật những công nghệ mới trên thế giới nhằm phục vụ cho công tác hoạt động, kiểm soát việc phát tán thông tin, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng sẽ giúp hạn chế được sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước tham gia quản lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa, vấn đề xâm phạm bắt nguồn từ không gian mạng nên trong quá trình cải thiện công tác quản lý cũng như xử lý thì không gian mạng cần là điểm khởi đầu để giải quyết, ngăn chặn các vấn đề phát sinh.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quá trình bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng
Vấn đề không gian mạng nói chung và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng nói riêng vẫn có những sự liên đới nhất định giữa các quốc gia vì tính chất đặc thù của không gian mạng là môi trường mở, kết nối toàn cầu. Hợp tác trong lĩnh vực pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng góp phần giúp Việt Nam có thể tiệm cận với tầm nhìn cấp tiến của những nhà làm luật trên thế giới, đồng thời học hỏi có chọn lọc cách thức thực hiện, thi hành pháp luật của những quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này. Việc hợp tác không chỉ góp phần bảo vệ công dân nước ngoài khi bị người dùng mạng xã hội tại Việt Nam xâm phạm danh dự, nhân phẩm, mà còn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trên môi trường quốc tế.
4. Kết luận
Dù ở ngoài đời sống thực hay trên không gian mạng thì hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân vẫn luôn là vấn nạn xảy ra phổ biến trong xã hội, do đó hành động xấu này cần phải bị lên án và ngăn chặn, xử lý kịp thời. Gọi không gian mạng là “ảo” nhưng nó vẫn “thực”, “thực” là ở chỗ các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội là thật và mục đích tác động đến những chủ thể đó cũng là thật. Có thể nói, chính những xử sự sai lệch trên không gian mạng của các cá nhân là yếu tố tác động tới trật tự, an toàn xã hội bởi nó không bị giới hạn bởi vấn đề không gian và thời gian. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các quan điểm chủ yếu nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tiễn.
* Sinh viên lớp 4536, Khóa 45 ngành Luật Chất lượng cao, Trường Đại học Luật Hà Nội
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận