Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay
Bài viết khái quát quá trình hình thành pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, đánh giá thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian tới.
1. Sự ra đời và phát triển của pháp luật phòng, chống tham nhũng
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta chủ trương vừa đẩy mạnh sản xuất, tăng cường bảo vệ Tổ quốc, vừa từng bước hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội, bảo đảm an ninh trật tự quốc gia. Ngay tại thời điểm đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước[1].
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ: Giám sát tất cả công việc và nhân viên của các Ủy ban nhân dân (UBND) và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 223 về việc xử phạt tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hay của công dân. Sắc lệnh số 223 được coi là đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong sắc lệnh này ghi rõ: Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ bị phạt tù từ 05 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật nhận hối lộ...
Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử, hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Trong những năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như:
- Pháp lệnh Chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành ngày 26/02/1998, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/1998, gồm 5 chương, 38 điều, trong đó chương III gồm 10 điều, từ điều 21 đến điều 30 quy định về xử lý các hành vi tham nhũng đã quy định khá chi tiết, cụ thể đối với các hình thức, biện pháp và mức xử lý đối với các hành vi tham nhũng.
- Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành ngày 28/04/2000, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2000, sửa đổi, bổ sung Điều 3, Điều 13, Điều 21 của Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, trong đó, quy định rõ hơn các hành vi tham nhũng, những việc người có chức vụ, quyền hạn không được làm và các hành vi tham nhũng bị xử lý hình sự; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Việc ban hành Pháp lệnh này đánh dấu bước ngoặt quan trọng về cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng. Thời điểm đó, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Pháp lệnh trên đã bộc lộ nhiều hạn chế về nội dung vì chưa có nhiều quy định về phòng ngừa tham nhũng.
Với sự vận động không ngừng của các quan hệ xã hội, hành vi tham nhũng ngày càng đa dạng, phức tạp diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, ở nhiều lĩnh vực. Để kịp thời điều chỉnh, từ năm 2005 đến nay, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, cụ thể:
- Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 gồm có 08 chương, 92 điều. So với Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, Luật Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã nâng cao tính pháp lý, bổ sung toàn diện hơn quy định về công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào đời sống, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung vào năm 2007.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 04/8/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày công bố, gồm có 02 điều, sửa đổi, bổ sung là: Điều 73 về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và Điều 74 về giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23/11/2012; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2013, gồm có 02 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản, điểm. Đồng thời, Luật cũng quy định Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành những điều, khoản được giao trong Luật. Trên cơ sở đó, nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2012), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2019, gồm có 10 chương, 96 điều. Luật bổ sung các quy định mới: Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; biến động tài sản từ 300 triệu đồng trở lên trong năm phải kê khai bổ sung; thời điểm kê khai tài sản, thu nhập hàng năm trước ngày 31 tháng 12; bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai; kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới trách nhiệm nếu xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Việc bổ sung các quy định điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nhằm bao quát hết các hoạt động ngày càng phong phú trong thực tiễn, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của cá nhân người kê khai tài sản, thu nhập, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Cùng với đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đã áp dụng đối với các hành vi tham nhũng ngoài nhà nước. Chính vì thế, hoạt động phòng, chống tham nhũng được mở rộng hơn và áp dụng có chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Song song với việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Thanh tra năm 2010; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Luật Tiếp công dân năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Báo chí năm 2016… và các nghị quyết của Quốc hội, nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối toàn diện về phòng, chống tham nhũng. Những quy định này đã thể hiện mức độ tuân thủ cao Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng của Việt Nam.
2. Thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trong những năm qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không những được sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân mà còn được quốc tế đánh giá cao. Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, thời gian qua các “đại án” tham nhũng đã được xử lý nghiêm minh, bước đầu tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân, thu hồi được nhiều tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chặng đường còn dài, đầy khó khăn, thử thách. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức, xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều địa phương. Nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng nặng nề. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã đề ra, vẫn còn một số hạn chế, bất cập:
Một là, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch; nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực trùng lặp với quy định về công khai trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành; chế độ thông tin, báo cáo, đo lường, đánh giá về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng chưa cụ thể.
Hai là, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ba là, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; một số biện pháp hiệu quả còn hạn chế như: Thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn…
Bốn là, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; cơ chế xác định người đứng đầu và phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu còn thiếu cụ thể…
Năm là, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập…
Sáu là, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phát huy vai trò của mỗi cơ quan trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Bảy là, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng, các quy định chưa bao quát được hết các tình huống phát sinh trên thực tế như việc tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Tám là, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản khác trong hệ thống pháp luật dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, đặc biệt là với các quy định của Bộ luật Hình sự; thiếu quy định về các biện pháp xử lý phi hình sự đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng và thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo như đánh giá tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (từ năm 2012 đến năm 2022) chúng ta đã gặt hái được những thành quả nhất định: “đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”[2]. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh... Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[3].
Cho đến thời điểm hiện tại, tham nhũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, tài chính… mà còn diễn ra ngay cả ở những lĩnh vực an sinh - xã hội, tưởng như là vùng cấm không thể tham nhũng, đó là: Y tế, giáo dục, khoa học,… nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác. Đây thật sự là điều rất đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây bất bình trong nhân dân.
Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chúng ta cũng không chủ quan nóng vội, cũng không được né tránh, cầm chừng; mà phải “rất kiên trì”, không “ngừng” không “nghỉ”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời “cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta[4]. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ, vì vậy, đòi hỏi phải được thực hiện thận trọng, tỉnh táo, bài bản, không gây hoang mang, dao động, không thể thỏa hiệp, xuôi chiều.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời, tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm tính đồng bộ với quy định liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các đạo luật được Quốc hội thông qua và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng,… trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc tuyên truyền tới từng người dân, từng địa phương, các cấp, các ngành sẽ thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Hình thành và xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tư tưởng này cần phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi và phải đi vào thực chất, từ đó, tạo bước chuyển biến tích cực, căn bản về nhận thức, thống nhất trong hành động.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính. Để cán bộ công chức chuyên tâm và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Ba là, nghiêm túc thực hiện phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh, phát hiện và xử lý tham nhũng. Chỉ khi tiến hành triệt để, kiên quyết, đồng bộ thì công tác phòng, chống tham nhũng mới đạt kết quả cuối cùng và bảo đảm tính răn đe trong thực tế.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử phải được thực hiện một cách hiệu quả, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng góp phần khắc phục, hạn chế hậu quả của tham nhũng, đồng thời thể hiện tính răn đe của pháp luật.
Năm là, cần xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người tích cực, dũng cảm phát giác, đấu tranh chống tham nhũng.
Theo https://tcdcpl.moj.gov.vn
[1]. Vụ án Trần Dụ Châu là ví dụ điển hình: Sau khi Tòa án binh Tối cao mở phiên tòa đặc biệt tuyên án: Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) tử hình về tội tham nhũng; bị cáo đã gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu. Vụ án đã xảy ra hơn nửa thế kỷ trước đây vẫn là bài học quý cho việc chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.
[2]. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và những định hướng hoạt động trong giai đoạn tới: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới”, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-nhin-lai-10-nam-qua-dinh-ra-phuong-huong-nhiem-vu-cho-thoi-gian-toi-69861 , truy cập ngày 03/12/2022.
[3]. Tlđd.
[4]. Tlđd...
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Kế hoạch triển khai thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
-
Kiểm soát xung đột lợi ích để phòng chống tham nhũng
-
Chủ thể của tham nhũng trong khu vực tư - Quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử
-
Tăng cường thanh tra về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận