NGÀY PHÁP LUẬT
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ngôi trường tiểu học Nguyễn Trãi đối diện Tạp chí Tòa án nhân dân sáng thứ Hai bắt đầu sinh hoạt đầu tuần với chủ đề tìm hiểu Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. Tiếng cô Hiệu trưởng qua loa phóng thanh hào hứng như ngày hội. Mỗi khi có bạn trả lời đúng đều được một phần thưởng nhỏ và tiếng hoan hô rộn ràng. Không biết ở Hà Nội, ở khắp cả nước có bao nhiêu trường mở đầu tuần học tập mới bằng nội dung tuyên truyền pháp luật như vậy.
Pháp luật được tuyên truyền, quan tâm, tuân thủ từ tuổi học sinh như vậy là rất hay. Và việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật ấy cần phải được thực thi thường xuyên, liên tục đối với mọi đối tượng. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Có điều tuyên tuyền phổ biến pháp luật không đơn thuần là các câu hỏi và trả lời như cô và trò trường tiểu học đang làm, hay bằng các buổi tập huấn, các cuộc thi đang diễn ra khắp cả nước mà hiệu quả nhất, có giá trị thực tiễn cao nhất có lẽ chính là ở hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các thiết chế Nhà nước. Người dân nhìn vào đấy để thấy pháp luật cần thiết, hữu ích đối với họ và buộc phải tuân thủ.
Hãy cho người dân thấy, ra đường tham gia giao thông phải tuân thủ qui định về luật lệ để bảo đảm an toàn cho chính mình, cho người khác và bảo đảm sự thông suốt của giao thông. Nếu ai vi phạm đều bị xử lý đúng pháp luật, có thể nhắc nhở, có thể phạt tiền hay giữ phương tiện, không ai vì quan hệ, vì đưa tiền hối lộ mà có thể được đối xử khác với những người khác.
Hãy cho người dân thấy, đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở trái phép, không phép, nếu ai vi phạm đều bị xử lý, có thể phá dỡ hay xử phạt, thậm chí truy tố trước pháp luật, không có chuyện cùng điều kiện hoàn cảnh mà nhà này tồn tại còn nhà khác bị phá dỡ.
Hãy cho họ thấy đứng trước pháp luật, đứng trước Tòa án thì mọi công dân, mọi tổ chức đều bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử về sự khác biệt…
Cuộc sống xã hội đa dạng, các quan hệ xã hội cũng đa dạng, hệ thống pháp luật đang không ngừng được hoàn thiện nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước pháp quyền, biểu hiện cụ thể, minh bạch nhất ở tiêu chí Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội.
Pháp luật là công cụ chủ yếu và hữu hiệu nhất được Nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Và chỉ có thông qua Hiến pháp, pháp luật mới đảm bảo được lợi ích của nhân dân, lợi ích của cộng đồng, xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Hơn nữa, Nhà nước pháp quyền luôn tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, tất cả vì hạnh phúc con người; bảo đảm trách nhiệm giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ gắn tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
Cùng với sự trưởng thành của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, pháp luật hành chính đã tạo sự bình đẳng giữa Nhà nước và công dân khi trao cho công dân quyền khởi kiện vụ án hành chính, buộc người có hành vi hành chính, quyết định hành chính không phù hợp với quy định của pháp luật phải ra trước Tòa án để Tòa án xét xử. Hay việc những người bị xét xử oan sai được minh oan, đăng báo lời xin lỗi, xin lỗi công khai tại nơi người đó cư trú và bồi thường thiệt hại… là những minh chứng cho pháp luật của Nhà nước pháp quyền hiện hữu trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh đó hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng sai pháp luật, nhiều trường hợp có biểu hiện không công bằng khi bao che, nương nhẹ với sai phạm của những người có chức vụ quyền hạn hay có quan hệ thân thiết với người có chức vụ quyền hạn… gây phản cảm, giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.
Vì thế, Ngày Pháp luật Việt Nam khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhắc nhở mọi người tuân thủ pháp luật, nhưng trước hết yêu cầu đó đặt ra đối với các cơ quan Nhà nước, với công chức nhà nước.
Thực thi nhiệm vụ và quyền hạn đúng pháp luật là yêu cầu không thể tranh cãi.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận