Những vấn đề bất cập bộc lộ từ một trường hợp trả lại đơn khởi kiện
Nhận, giải quyết đơn khởi kiện là một vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến Chiến lược cải cách tư pháp. Do đó tác giả đưa vấn đề này, thông qua một trường hợp trả lại đơn để trao đổi, để những khó khăn, vướng mắc được giải quyết.
1. Từ một vụ án không được giải quyết triệt để trước đây
Năm 1994, bà Lê Thị K có nhận chuyển nhượng một thửa đất thuộc địa bàn xã PT, huyện BT, tỉnh B, diện tích 54 m2 từ ông Phạm Văn C với giá 41.000.000 đồng. Ranh giới thửa đất được xác định: Phía Đông giáp nhà ông L, phía Tây giáp Cửa hàng Công Thương nghiệp cũ, phía Bắc giáp hồ nước sau Bưu điện LH, phía Nam giáp đường vào chợ LH.
Nguồn gốc thửa đất này là do ông Phạm Văn C và bố của ông C là ông Phạm K nhận chuyển nhượng từ Hợp tác xã H. Sau đó ông Phạm K đã giao cho ông Phạm Văn C toàn quyền sử dụng, định đoạt đối. Khi hai bên thực hiện việc chuyển nhượng, có làm giấy tờ, được Uỷ ban nhân dân xã PT xác nhận và việc trả tiền đã thực hiện xong.
Tuy nhiên sau đó giữa Hợp tác xã H và Uỷ ban nhân dân xã PT có tranh chấp về ranh giới đất mà Hợp tác xã được giao và việc tranh chấp này có liên quan đến thửa đất bà Lê Thị K nhận chuyển nhượng nói trên. Nguyên nhân là do Hợp tác xã H chưa nộp đủ tiền lệ phí sử dụng đất. Vì vậy mà bà Lê Thị K phải để trống thửa đất, không làm gì trên đó. Một thời gian sau, bố con ông K đã thay Hợp tác xã H, nộp đủ tiền lệ phí sử dụng đất cho Uỷ ban nhân dân xã PT, nên việc tranh chấp giữa Hợp tác xã H và Uỷ ban nhân dân xã PT được giải quyết.
Tuy vậy trong quãng thời gian đang có tranh chấp nói trên, thấy thửa đất chưa có ai sử dụng, nên bà Hồ Thị Th đã làm quán bán hàng trên thửa đất này, và không chấp nhận việc trả lại quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị K sau khi tranh chấp giữa Hợp tác xã H và UBND xã PT được giải quyết xong.
Ngày 6/12/1993, UBND xã PT ra thông báo số 99/TB-UB với nội dung yêu cầu bà Hồ Thị Th giải toả quán bán hàng, vì đất này đã được giao cho ông C, nhưng bà Th không chấp hành. Vì trên đất có tài sản của bà Hồ Thị Th nên bà Lê Thị K không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 5/10/2011, bà Lê Thị K buộc phải làm đơn khởi kiện, yêu cầu TAND huyện BT công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà với ông Phạm Văn C là có giá trị pháp lý, buộc bà Hồ Thị Th phải trả lại quyền sử dụng thửa đất cho bà. TAND huyện BT giải quyết vụ kiện tại Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012, theo đó đã xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên là vô hiệu, bác đơn khởi kiện của bà Lê Thị K. Đối với việc sử dụng Thửa đất của bà Hồ Thị Th, Toà án đã né tránh việc này, cụ thể Toà án không công nhận bà Th có quyền sử dụng đối với thửa đất đang tranh chấp, đồng thời cũng không buộc bà Th giải toả các công trình xây dựng trên đó để trả lại đất cho Nhà nước.
Ngoài ra Toà án còn bỏ sót việc giải quyết hậu quả Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Lê Thị K với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn C, mà Toà án đã xác định là vô hiệu trước đó. Do thiếu hiểu biết pháp luật nên bà Lê Thị K đã không kháng cáo bản án, vì vậy Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 của TAND huyện BT có hiệu lực pháp luật.
2. Đến quan điểm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về giải quyết hậu quả của Hợp đồng của các cấp Toà án hiện nay
Sau khi vụ án được Toà án huyện BT xét xử, không những quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên không được Toà án công nhận, mà ngay cả một số tiền lớn đã bỏ ra vào thời điểm năm 1994, bà K cũng không thể lấy lại được từ ông Phạm Văn C. Do đó, ngày 25 /9/2023, bà Lê Thị K buộc phải làm đơn khởi kiện, yêu cầu TAND huyện BT giải quyết hậu quả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà với ông Phạm Văn C, mà toà đã xác định là vô hiệu tại Bản án số 06/2012/DSST ngày 28/9/2012. TAND huyện BT đã trả lại đơn, với các lý do chính sau đây:
Về nội dung: Theo TAND huyện BT thì Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 của TAND huyện BT chỉ có phần nhận định xác định Hợp đồng chuyển nhượng đất là vô hiệu, còn phần quyết định không tuyên Hợp đồng vô hiệu, chỉ tuyên bác đơn khởi kiện của bà K. Do đó việc Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có vô hiệu hay không chưa được Bản án số 06/2012/DSST ngày 28/9/2012 của Toà án huyện BT giải quyết. Vì vậy bà K phải khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu đồng thời với việc yêu cầu giải quyết hợp đồng hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Toà án mới thụ lý giải quyết; còn nếu chỉ có yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Toà án không thể thụ lý giải quyết.
Về tố tụng:
- Thứ nhất: Bà K đã không cung cấp được cho Toà án Phiếu báo phát của Bưu điện để chứng minh là đã giao đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho bên bị kiện.
- Thứ hai: Bà K đã không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cung cấp địa chỉ của họ theo yêu cầu, hướng dẫn của Toà án để làm rõ nội dung vụ án.
(Trước đó Toà án nhân dân huyện BT đã có văn bản yêu cầu bà K sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo các nội dung cơ bản trên, nhưng bà K có văn bản phúc đáp, nội dung là không đồng ý với quan điểm trên của Toà án nhân dân huyện BT).
Bà Lê Thị K không chấp nhận việc giải quyết của Toà án huyện BT, nên đã khiếu nại đến TAND tỉnh B và TANDCC, tuy vậy khiếu nại của bà không được chấp nhận, vì cả hai cấp Toà án nói trên đều cho rằng quan điểm trả lại đơn khởi kiện của TAND huyện BT là đúng pháp luật.
3. Và những vướng mắc không thể giải quyết được từ việc trả lại đơn khởi kiện
Tác giả thấy rằng cần có trao đổi về quan điểm giải quyết trên đối với yêu cầu khởi kiện của bà K của ba cấp Toà án.
Về vấn đề nội dung khởi kiện: Trước hết, cần phải nhận thức bản án dân sự của Toà án là một thể thống nhất giữa các phần mở đầu, nội dung vụ án, nhận định và quyết định của Hội đồng xét xử. Phần quyết định của bản án về cơ bản phải là những gì được trình bày một cách ngắn gọn, cô đọng nhất, trực tiếp giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, thông qua việc xác định nội dung tranh chấp và nhận định của Hội đồng xét xử về nội dung tranh chấp ở phần trước đó. Do tính chất của phần quyết định của một bản án nói chung, cũng như của một bản án dân sự nói riêng là như vậy, nên phần quyết định của một bản án, về mặt hình thức, được coi là đầy đủ, đúng pháp luật khi dựa trên phần nhận định để giải quyết trọn vẹn những vấn đề được đặt ra nói trên và hướng dẫn cho đương sự biết một số quyền, nghĩa vụ sau khi Toà án xét xử vụ án.
Với nhận thức như vậy thì việc Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 của TAND huyện BT, tại phần nhận định xác định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, từ đó phần quyết định tuyên bác đơn khởi kiện mà không nhắc lại hợp đồng vô hiệu, xét về mặt hình thức là hoàn toàn hợp lý. Đối với vụ án này, cũng như nhiều vụ án dân sự tương tự khác, trong thực tế cũng có một cách trình bày khác, là tại phần quyết định của bản án, nhắc lại vấn đề hợp đồng vô hiệu đã xác định trước đó tại phần nhận định. Đây là một cách trình bày thường được các Toà án sử dụng, lý do có thể từ nhận thức, nhưng cũng có thể từ tâm lý chung của những người làm công tác xét xử, là đối với những gì mà chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất cao trong giới luật gia, thì thà thừa còn hơn thiếu. Tuy nhiên tác giả cho rằng không phải vì cách trình bày thứ hai cũng được chấp nhận và sử dụng phổ biến trong thực tiễn, mà cho rằng cách trình bày thứ nhất là sai.
Để làm rõ hơn vấn đề trình bày bản án, theo tác giả, có hai khái niệm sau đây mà chúng ta cần hiểu đúng:
Thứ nhất là khái niệm “vấn đề được Toà án quyết định”. Đây là những vấn đề được trình bày trong phần quyết định của bản án, và là những gì ngắn gọn, cô đọng nhất, giải quyết trực tiếp yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Thứ hai là khái niệm “vấn đề được Toà án giải quyết”. Đây là những vấn đề đã được bản án kết luận, xác định, quyết định thuộc tất cả các phần của bản án. Cụ thể ngoài những vấn đề Toà án quyết định tại phần quyết định của bản án, còn có những vấn đề trung gian, mà để quyết định được những vấn đề liên quan trực tiếp đến yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên trong vụ án, Toà án phải xác định, kết luận những vấn đề trung gian này. Nhưng do những vấn đề này chỉ liên quan một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp đến yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên trong vụ án, nên chúng không cần thiết phải được trình bày tại phần quyết định của vụ án.
Như vậy trong một vụ án, “những vấn đề được Toà án quyết định” chỉ là một bộ phận của “những vấn đề được Toà án giải quyết” và không phải chỉ “những vấn đề được Toà án quyết định” mới có giá trị pháp lý, còn những “những vấn đề được Toà án giải quyết” khác không có giá trị pháp lý.
Ví dụ tại phần mở đầu của một bản án, Toà án ghi họ tên, ngày tháng năm sinh của một đương sự nào đó, thì vấn đề họ tên, ngày tháng năm sinh của đương sự này trong vụ án đã được Toà án xác định (tức là đã được Toà án giải quyết). Việc thi hành bản án này liên quan đến đương sự trên phải căn cứ vào các thông tin về đương sự này mà bản án của Toà án đã xác định. Nếu trong thực tế không có người nào có họ tên, ngày tháng năm sinh như Toà án đã xác định trên, thì bản án phải được xem xét giải quyết lại về vấn đề các thông tin trên theo các thủ tục pháp lý quy định, chứ không thể được giải thích một cách tuỳ tiện. Hay vấn đề hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong vụ án trên có vô hiệu hay không cũng là vấn đề đã được Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 của TAND huyện BT giải quyết, cho dù trong phần quyết định của bản án không nhắc lại nhận định hợp đồng này vô hiệu. Việc cho rằng đây là vấn đề chưa được Toà án quyết định, nên đồng nghĩa với việc chưa được Toà án giải quyết sẽ dẫn đến bất hợp lý là một vấn đề đã được Toà án xác định trong một bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng không có giá trị gì. Mặt khác trong thực tế việc không công nhận giá trị pháp lý của sự xác định trên sẽ dẫn đến các tình huống sau đây, mà Toà án giải quyết theo cách nào thì cũng đều trái pháp luật.
Tình huống thứ nhất là bà K khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu (như hướng dẫn của Toà án). Trong trường hợp này Toà án có quyền không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu của bà K, bởi khi nguyên đơn yêu cầu một vấn đề gì đó, thì thẩm quyền của Toà án là có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu này. Trong trường hợp Toà án không chấp nhận yêu cầu, nghĩa là Toà án cho rằng hợp đồng có hiệu lực, thì vụ kiện mà TAND huyện BT đã xét xử tại Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 phải được giải quyết lại, vì vấn đề Toà án dùng để làm căn cứ bác đơn khởi kiện trước đây, thì nay Toà án xác định lại là không đúng. Nhưng đây là bản án đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì không có bất cứ căn cứ pháp luật nào để làm điều đó.
Tình huống thứ hai là bà K khởi kiện với nội dung như đã khởi kiện tại Vụ án mà TAND huyện BT đã ban hành Bản án số 06/2012/DSST, ngày 28/9/2012 trước đó. Phải khẳng định là bà K hoàn toàn có quyền này, vì các cấp Toà án khi giải quyết khiếu nại đã cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lê Thị K với ông Phạm Văn C chưa được giải quyết. Nếu Toà án từ chối thụ lý yêu cầu thì Toà án tự mâu thuẫn với chính mình. Còn nếu Toà án thụ lý giải quyết yêu cầu, thì Toà án giải quyết lại một vụ án đã được giải quyết trước đây và vụ án này đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Như vậy dẫu xảy ra tình huống nào thì Toà án cũng không có cách giải quyết đúng pháp luật.
Nhân đây, xin nói thêm là hiện nay có một xu hướng viết án, theo đó sợ rằng phần quyết định của bản án mà ngắn gọn sẽ không đầy đủ các nội dung cần thiết, nên thường trình bày phần này một cách dài dòng, áp dụng các điều luật mang tính hình thức vào trong đó, nhiều trường hợp dẫn đến sai lầm mà không biết. Tác giả xin dẫn chứng nhận định này từ một vụ án hình sự phúc thẩm mà mình đã làm chủ toạ:
Bị cáo Hoàng Anh Q thực hiện hai lần phạm tội, một lần khi chưa đủ 18 tuổi, một lần khi đã đủ 18 tuổi. Tại phần nhận định, Bản án sơ thẩm đã nói rõ quan điểm là trong hai lần phạm tội, có một lần Q thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi, nên cần xem xét tình tiết này để giảm nhẹ phần nào đó trách nhiệm hình sự cho Q so với người đã thành niên phạm tội trong trường hợp tương tự. Tại phần quyết định, Bản án sơ thẩm không ghi áp dụng các Điều 91, 98, 101 Chương Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của BLHS đối với bị cáo Q.
Bản án sơ thẩm bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B kháng nghị về vấn đề này.
Bản án hình sự phúc thẩm đã không chấp nhận nội dung kháng nghị trên, vì xác định tình tiết bị cáo Q có một lần phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi đã được Toà án cấp sơ thẩm xem xét, thể hiện ở việc đã ghi rõ điều đó tại phần nhận định của Bản án. Mặt khác nếu áp dụng các Điều 91, 98, 101 BLHS đối với bị cáo Q sẽ dẫn đến bất hợp lý, đó là không thể áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền đối với Q, nếu xét thấy cần thiết, hoặc không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với Q nếu xét thấy chỉ riêng lần phạm tội khi Q đủ 18 tuổi, thì Q xứng đáng chịu hình phạt tử hình. Việc chấp nhận kháng nghị sẽ dẫn đến tình trạng là hành vi phạm tội nguy hiểm hơn (phạm thêm một lần khi chưa đủ 18 tuổi) có thể là một lợi thế để không phải chịu thêm hình phạt bổ sung, hoặc được hưởng mức án nhẹ hơn, so với trường hợp nếu không có lần phạm tội này.
Dẫn chứng này, cũng như quan điểm của các Toà án về giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị K nói trên cho thấy trong thực tiễn áp dụng pháp luật, có xu hướng đánh giá không đúng ý nghĩa của các phần không phải là phần quyết định của bản án, cụ thể cho rằng mọi vấn đề đặt ra cần giải quyết trong một vụ án đều bắt buộc phải được đề cập, trình bày ở phần quyết định của bản án, còn nếu chỉ trình bày ở các phần khác của bản án thì sẽ không có giá trị pháp lý.
Về vấn đề tố tụng
Đây là các vấn đề mà nếu hiểu không đúng cũng sẽ gây rất nhiều phiền phức cho người dân khi có nhu cầu tiếp cận công lý bằng con đường toà án. Tác giả xin chỉ ra việc hiểu không đúng khái niệm đương sự và việc hiểu không đúng vấn đề đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án vào vụ kiện.
- Thứ nhất là việc hiểu thế nào là đương sự trong vụ án dân sự
Tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 BLTTDS, Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của TANDTC đều có quy định về việc người khởi kiện phải gửi đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo cho người bị kiện và ngược lại, người bị kiện cũng phải gửi các tài liệu mà họ cung cấp Toà án cho người khởi kiện.
Tuy vậy trong các văn bản này, người khởi kiện, người bị kiện được dùng một thuật ngữ chung là đương sự, tức là các văn bản trên nói đến nghĩa vụ của người khởi kiện, người bị kiện khi vụ án đã được thụ lý, vì chỉ khi vụ án đã thụ lý thì họ mới là đương sự.
Việc hiểu không đúng về khái niệm đương sự nói trên, dẫn đến buộc Người khởi kiện phải thực hiện một nghĩa vụ không có căn cứ pháp luật, gây khó khăn, cản trở cơ hội được tiếp cận công lý của người dân. Cụ thể Toà án đã yêu cầu bà Lê Thị K phải cung cấp cho Toà án Phiếu báo phát của Bưu điện để chứng minh rằng mình đã giao đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho ông Phạm Văn C; nếu bà K không chứng minh được điều này thì đây là lý do để Toà án không nhận đơn khởi kiện. Và thực tế đây là một trong những lý do mà TAND huyện BT đưa ra để trả lại đơn khởi kiện.
Lẽ ra nghĩa vụ này chỉ phát sinh sau khi Toà án đã thụ lý đơn khởi kiện của bà K, còn khi Toà án chưa thụ lý đơn, thì không thể buộc bà K phải gửi các loại tài liệu trên cho ông C.
- Thứ hai là việc Toà án yêu cầu đưa một số người vào đơn khởi kiện, buộc người làm đơn khởi kiện phải xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cung cấp địa chỉ của họ
Trong vụ án này, bà K yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà và ông Phạm Văn C, theo đó yêu cầu Toà án buộc ông Phạm Văn C phải hoàn trả cho bà số tiền đã nhận, bồi thường thiệt hại đã gây ra. Do đó, ngay cả trong trường hợp bà K chấp nhận bổ sung đơn khởi kiện là yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu, như yêu cầu của Toà án, thì yêu cầu của bà K cũng chỉ liên quan đến ông Phạm Văn C, mà không liên quan đến người khác. Nếu ông C cho rằng yêu cẩu khởi kiện của bà K có liên quan đến người khác, phải đưa những người này vào tham gia tố tụng, thì đây là yêu cầu độc lập của ông C, ông C có quyền, nghĩa vụ liên quan đến yêu cầu này và Toà án phải thụ lý vụ án đã mới biết ông C có yêu cầu hay không. Đây không phải là nghĩa vụ của bà K. Do đó việc TAND huyện BT yêu cầu bà K đưa một số người vào đơn khởi kiện, xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, buộc cung cấp địa chỉ của họ là việc làm không đúng, gây khó khăn cho bà K trong việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Về quan điểm cần xác định ai là người có quyền lợi, nhĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự, nghĩa vụ cung cấp địa chỉ của họ, tác giả xin trích dẫn quan điểm của Toà án nhân dân tối cao, được thể hiện tại các trang 98, 99 Quyển I Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân phần chuyên sâu về hình sự và dân sự xuất bản năm 2014, như sau: Vấn đề pháp lý cần rút ra là: 1. Đương sự nào yêu cầu giải quyết quan hệ tranh chấp nào thì có nghĩa vụ cung cấp địa chỉ của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ tranh chấp đó. Phải xem xét nghĩa vụ cung cấp địa chỉ theo từng quan hệ tranh chấp chứ không phải chỉ có nguyên đơn có nghĩa vụ cung cấp địa chỉ của tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến các quan hệ tranh chấp mà các đương sự nêu ra trong vụ án.
2. Quan hệ có thể tách ra giải quyết riêng là trường hợp chưa giải quyết quan hệ tranh chấp ấy vẫn giải quyết được các quan hệ tranh chấp khác (các quan hệ còn lại trong vụ án).
Đây là quan điểm rất đúng đắn. Việc áp dụng quan điểm này vào giải quyết vấn đề trên một lần nữa cho thấy rõ yêu cầu của TAND huyện BT về vấn đề này là không hợp lý.
4. Lời kết
Nhận, giải quyết đơn khởi kiện là một vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị đang được triển khai trong toàn quốc. Do đó tác giả mạnh dạn đưa vấn đề này ra trao đổi, thông qua một trường hợp cụ thể, nhưng tính chất của nó lại mang tính phổ biến, mong nhận được sự quan tâm của giới luật gia.
Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử vụ án Tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất - Ảnh: Minh Quân
Bài liên quan
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Toà án trả lại đơn khởi kiện khi chưa có thông báo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ là có căn cứ
-
Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi đương sự không nộp chứng cứ về việc đã thông báo cho bên vay
-
Khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện tranh chấp vay tài sản
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận