Quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo pháp luật Singapore và kinh nghiệm với Việt Nam
Quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng là một vấn nạn của mỗi quốc gia, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như tâm lý người lao động trong cơ quan. Việc nghiên cứu pháp luật của những nước phát triển trong khu vực như Singapore góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
1.Quấy rối tình dục và các hình thức quấy rối tình dục theo pháp luật Singapore
Quấy rối tại nơi làm việc là những hành động xảy ra khi một bên tại nơi làm việc thể hiện hành vi gây ra hoặc có khả năng gây ra sự quấy rối, sự lo lắng, sợ hãi hoặc gây nỗi buồn, sự đau khổ cho một bên khác. Hành vi có thể là quấy rối tại nơi làm việc ở Singapore bao gồm: Đe doạ, lạm dụng, sỉ nhục, chửi bới, bắt nạt, quấy rối tình dục, lén lút theo dõi…[1]
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi xúc phạm, không được mong muốn và không được hoan nghênh có tính chất tình dục. Sự tán tỉnh vô hại giữa các bên đồng nghiệp trong cơ quan không phải là quấy rối tình dục. Tuy nhiên, khi hai bên không có quan hệ tình cảm, một bên đã thể hiện sự không đồng thuận nhưng bên kia vẫn có hành vi làm phiền, gạ gẫm về thể xác, động chạm hoặc có lời nói chứa đựng nội dung liên quan đến tình dục nữa thì có thể bị coi là đã đi qua ranh giới “tán tỉnh vô hại” và bị coi là quấy rối tình dục.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ giới hạn trong môi trường văn phòng. Bất kỳ hành vi sai trái nào trong một hoạt động liên quan đến công việc, chẳng hạn như hoạt động của công ty, sự kiện của công ty, hoạt động tập thể, dã ngoại hoặc đi công tác… đều có thể cấu thành quấy rối tình dục. Người thực hiện hành vi quấy rối không nhất thiết phải là đồng nghiệp tại nơi làm việc. Họ có thể là khách hàng, nhà cung cấp hoặc đồng nghiệp từ bên ngoài doanh nghiệp. Nghiên cứu năm 2008 của AWARE về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho thấy 20% các vụ quấy rối tình dục xảy ra bên ngoài văn phòng nhưng trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến công việc như tiệc văn phòng, đi ăn trưa, giải trí với khách hàng hoặc các sự kiện hoạt động tập thể.
Các hình thức được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hai hình thức chính là Quid pro quo và Hostile Sexual Environment
Thứ nhất là Quid pro quo. Quid pro quo được hiểu là sự quấy rối liên quan đến tống tiền tình dục, trong đó kẻ quấy rối yêu cầu các ưu đãi tình dục, buộc người nhận phải lựa chọn giữa việc thực hiện các yêu cầu dâm ô hoặc có nguy cơ bị mất lương, giảm lương, hoặc ảnh hưởng đến việc tăng lương, thăng chức hoặc thậm chí là mất việc. Đây là hình thức phổ biến nhất về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore và thậm chí là ở Việt Nam. Theo đó, trong cơ quan, cấp trên có thể lợi dụng vị trí của mình, yêu cầu cấp dưới phải thỏa mãn nhu cầu của mình như buộc phải hẹn hò, buộc phải quan hệ tình dục,…nếu như còn muốn tiếp tục công việc hoặc muốn thăng tiến. Nếu như không làm theo, nhân viên có nguy cơ mất việc làm hoặc sẽ phải làm việc dưới sự chèn ép của người cấp trên đó.
Thứ hai là Hostile Sexual Environment, nghĩa là tạo một môi trường tình dục thù địch, thông qua hành vi của cấp quản lý hoặc đồng nghiệp gây ra căng thẳng nghiêm trọng cho nhân viên, khiến họ không thể thực hiện một cách hợp lý các nhiệm vụ của mình[2]. Trường hợp này hiếm gặp hơn trường hợp trên. Theo đó, tại cơ quan, đơn vị, cấp trên hoặc thậm chí là đồng nghiệp sẽ gây ra những sự ức chế về tâm lý cho nhân viên như thường xuyên tán tỉnh, nhắn tin làm phiền, cố tình kích thích…làm người nhân viên không thể tập trung làm việc, dẫn tới hiệu quả công việc thấp hoặc nặng hơn là người nhân viên phải tìm cách chuyển việc.
2. Thực trạng pháp luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore
2.1. Thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore
Theo một Nghiên cứu do công ty nghiên cứu thị trường Ipsos và tổ chức bình đẳng giới Aware thực hiện trên tổng cộng 1.000 người Singapore và thường trú nhân, cả nam và nữ đang đi làm, đã được thăm dò ý kiến trực tuyến vào tháng 11 năm ngoái, hai trong số năm công nhân ở Singapore được hỏi trong cuộc khảo sát đại diện quốc gia đầu tiên về quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho biết họ là nạn nhân của những sự quấy rối tình dục trong văn phòng trong một khoảng thời gian dài. Khoảng 30% trong số những người bị quấy rối đã phải chịu đựng những sự quấy rối liên quan đến tình dục dưới bàn tay của sếp hoặc người nào đó cao cấp hơn họ trong văn phòng.
Trong số những người nói rằng họ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hơn một nửa nhận được những lời nhận xét thô thiển, hình ảnh hoặc văn bản có tính chất tình dục hoặc phân biệt giới tính khiến họ cảnh giác hoặc đau khổ hoặc bị đặt câu hỏi, nghe những nhận xét xúc phạm về ngoại hình, cơ thể hoặc các hoạt động tình dục của họ. Khoảng 13% người bị quấy rối bị chạm vào thể xác theo cách không mong muốn. Tuy nhiên, một sự thật là chỉ một phần ba trong số những người bị quấy rối báo cáo hành vi quấy rối với cơ quan chức năng hoặc với những bộ phận có chức năng tại nơi làm việc. Những người còn lại không báo cáo cho rằng họ muốn quên đi trải nghiệm khó chịu hoặc cảm thấy những gì họ đã trải qua chưa đủ nghiêm trọng. Một số người cũng cảm thấy họ không có bằng chứng về việc làm sai trái, do đó nếu báo cáo cũng rất khó để được giải quyết, thậm chí có thể đem lại rủi ro cho họ. Cách ứng phó với vấn đề này, có thể là bỏ qua, hoặc nghỉ việc chuyển sang một công việc, một đơn vị khác.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore không chỉ bao gồm quấy rối đối với phụ nữ, mà còn có cả quấy rối với đàn ông. Trong cuộc điều tra, Aware tiếp cận với câu chuyện của Jonathan, người bị nam giám sát viên trong cơ quan đưa ra bình luận về bộ phận riêng tư của anh ta, cùng những hành vi quấy rối khác. Jonathan đã báo cáo vấn đề với bộ phận nhân sự của công ty nhưng khiếu nại của anh ấy đã bị bác bỏ vì "Bộ phận nhân sự cảm thấy khó tin rằng một người đàn ông có thể bị quấy rối tình dục". Rõ ràng trên thực tế, Jonathan bị xâm phạm về quyền lợi, tuy nhiên những định kiến về giới tồn tại khiến cho anh gần như mất đi quyền được bảo vệ khỏi hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Về hậu quả đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore, trong khoảng 40% các trường hợp quấy rối được nạn nhân báo cáo cho bộ phận chức năng tại nơi làm việc của họ, người có hành vi quấy rối thường được điều chuyển công tác, được giao cho một công việc khác hoặc bị sa thải. Tuy nhiên, trong khoảng 20% trường hợp, người có hành vi quấy rối tình dục không phải đối mặt với hậu quả nào mặc dù có bằng chứng về hành vi phạm tội của họ. Bà Shailey Hingorani, trưởng bộ phận nghiên cứu và vận động của Aware, cho rằng: “Điều này khẳng định rằng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một vấn đề phổ biến và cấp bách tại Singapore. Người lao động đang không được đảm bảo quyền lợi của mình”. Chính vì lý do đó, Aware kêu gọi Chính phủ ban hành luật chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Aware cũng cho biết cần phải có khóa đào tạo thường xuyên về chống quấy rối giữa các ngành và áp dụng phổ biến các chính sách xử lý khiếu nại để bảo vệ tối đa lợi ích của người lao động. Bà Hingorani cho biết: "Việc trao cho người sử dụng lao động một nghĩa vụ theo luật định rõ ràng để ngăn chặn và giải quyết hành vi quấy rối tình dục, đồng thời giáo dục người lao động về các biện pháp khắc phục dành cho họ chống lại người sử dụng lao động của họ, sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để từ đó loại bỏ hành vi rất quỷ quyệt và gây tổn hại này."[3]
2.2. Thực trạng pháp luật Singapore về quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Năm 2014, Singapore chính thức thông qua đạo luật số 17 Bảo vệ khỏi hành động quấy rối (Protection from harassment Act). Đạo luật này trở thành cơ sở pháp lý vững chắc đầu tiên ở Singapore trong việc bảo vệ người lao động chống lại sự quấy rối nói chung và quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng.
Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức có ý định gây ra sự quấy rối, sự hoảng sợ, đau khổ cho người khác bằng một trong các cách như sử dụng bất kỳ lời nói hoặc hành vi đe dọa, lăng mạ hoặc lăng mạ; thực hiện bất kỳ giao tiếp đe dọa, lạm dụng hoặc xúc phạm nào; công bố bất kỳ thông tin nhận dạng nào của người mục tiêu hoặc người có liên quan của người mục tiêu…sẽ bị phạt tiền đến 5000 USD hoặc phạt tù có thời hạn đến 06 tháng hoặc áp dụng cả hai hình phạt tuỳ theo mức độ vi phạm.[4] Như vậy, Đạo luật 17 xây dựng quy định về quấy rối tại nơi làm việc theo hướng liệt kê, tức chỉ rõ hành vi quấy rối tại nơi làm việc là hành vi như thế nào, mô tả những hành vi được coi là quấy rối tại nơi làm việc, đồng thời đề xuất mức xử phạt đối với hành vi này khá cao, lên đến 5000 USD hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự Singapore cũng có những quy định về tội phạm liên quan đến hành vi xúc phạm người khác, bất kể ở nơi làm việc hay nơi công cộng. Điều 509 Bộ luật hình sự Singapore quy định: Bất cứ ai xúc phạm hoặc có ý định xúc phạm người phụ nữ bằng việc nói ra, hoặc tạo ra các âm thanh không đứng đắn có thể được nghe thấy bởi người phụ nữ, hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người phụ nữ thì bị phạt tù đến 01 năm hoặc phạt tiền hoặc chịu cả hai hình phạt tuỳ mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, Điều 304 Bộ luật hình sự cũng quy định: Bất cứ ai tấn công hoặc sử dụng vũ lực đối với người khác, xúc phạm hoặc có khả năng xúc phạm sự khiêm nhường của người khác thì bị phạt tù đến 02 năm hoặc phạt tiền hoặc hình phạt thể xác khác…
Singapore áp dụng pháp luật và xử lý khá quyết liệt với những hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điển hình là vụ việc bị cáo quốc tịch Ấn Độ có thâm niên làm việc gần 4 năm tại một công ty ở Singapore trước khi nạn nhân, lúc đó 24 tuổi, gia nhập công ty với tư cách là điều phối viên hậu cần, dưới quyền quản lý của bị cáo. Khi làm việc được khoảng ba tháng, cô gái bị kẻ này quấy rối. Khoảng 16g30 ngày 27/3/2018, nạn nhân xong việc tại kho hàng thì đi ra cầu thang bộ. Khi cô ngồi trên ghế hút thuốc, bị cáo cũng tham gia, đưa ra nhiều câu hỏi và bất ngờ cưỡng hôn cô. Nạn nhân đã cố gắng gọi điện thoại cho một người bạn để lấy lý do rời đi, nhưng không ai trong số bạn bè của cô bắt máy. Trước khi cố gắng chạy đi, cô còn bị người đàn ông chạm vào ngực. Bị hại không dám tố cáo, nghĩ rằng giám đốc sẽ không tin cô vì thời gian bị cáo làm việc ở công ty lâu hơn. Một tháng sau sự việc, cô nộp đơn xin nghỉ. Hành vi phạm tội làm tổn hại tâm lý cho bị hại. Người đàn ông này sau đó phải chịu mức án 6 tháng tù giam sau khi nhận một tội danh quấy rối tình dục.[5]
Như vậy, có thể thấy, pháp luật Singapore bước đầu tiệm cận đến việc xây dựng và ban hành các quy định nhằm xử lý hành vi quấy rối nói chung và quấy rối tình dục nói riêng, dưới góc độ xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Chế tài đưa ra là khá cao, mặc dù chưa quá nổi bật so với nhiều quốc gia khác tuy nhiên cũng có thể coi là đủ sức răn đe đối với những người phạm tội. Tuy vậy, thực chất Singapore cũng chưa có những quy định cụ thể về việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì sẽ xử lý như thế nào. Các dấu hiệu nhận biết đối với hành vi quấy rối tình dục cũng chưa thật sự cụ thể. Các quy định pháp luật mới chỉ dừng lại ở dạng quy định chung, áp dụng cho việc quấy rối nói chung, chưa thật sự tập trung vào quấy rối tình dục. Vấn đề xử lý kỷ luật đối với quấy rối tình dục cũng chưa được đặt ra trong quy định pháp luật lao động, chưa có các quy trình pháp lý về khiếu nại, tố cáo, giải quyết vụ việc quấy rối tình dục trong phạm vi doanh nghiệp.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
3.1. Thực trạng pháp luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam hiện nay
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc thực chất đã xuất hiện từ lâu trong môi trường làm việc tại Việt Nam, tuy nhiên phần vì ngại mất thể diện, phần vì lo sợ mất việc làm mà người lao động thường bỏ qua và xem đó là việc bình thường. Theo kết quả khảo sát về tình trạng quấy rối tình dục tại các nhà máy may ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng do Tổ chức ActionAid và Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện: Có 82,8% nữ công nhân từng bị huýt sáo trêu ghẹo; 59,5% bị nhìn chằm chằm vào cơ thể; 45,8% phải nghe những lời bình luận khiếm nhã về ngoại hình, trang phục hoặc các bộ phận trên cơ thể mình. Với tình trạng quấy rối tình dục đó, chỉ có 57,6% số người khảo sát cho rằng nạn nhân và những người chứng kiến nên lên tiếng về vụ việc. Nhưng đến 42,4% còn lại chọn cách giữ im lặng. Lý do họ đưa ra là tâm lý mặc cảm, xấu hổ và lo sợ bị mất danh dự cá nhân hoặc bị chính người quấy rối tình dục trả thù mình.[6]
Vụ việc một nữ chuyên viên phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tố cáo bị nam đồng nghiệp giở trò đồi bại ngay tại phòng làm việc, trong giờ hành chính là một ví dụ điển hình cho thấy người lao động ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ quấy rối tình dục công khai và ngày một nguy hiểm. Theo đó, chị L.A (SN 1988, chuyên viên tại huyện Triệu Phong, Bình Định) trong lúc đang ở phòng làm việc một mình (tầng 2, trụ sở Phòng Tài chính Kế hoạch) thì ông N.B.Tr (chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, làm việc ở cùng tầng 2, khác phòng) đi vào rồi khép cửa lại. Tiếp đó, ông Tr ép sát chị L.A, dùng tay sờ soạng, luồn tay vào áo, cởi cúc quần chị. Khi chị L.A tìm cách vùng chạy thì ông Tr chốt cửa lại rồi tiếp tục cưỡng bức chị, mặc cho chị này chống trả quyết liệt. Cũng theo lời chị L.A, trước đó, ông Tr đã nhiều lần có hành vi đụng chạm cơ thể khiến chị này bức xúc. Tuy nhiên, nam công chức không bị xử lý theo luật vì thiếu chế tài mà chỉ xử lý theo Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính, buộc cho thôi việc.
Một ví dụ khác, một doanh nghiệp có đông công nhân lao động ở Hải Phòng từng xảy ra vụ một người giữ chức vụ quản lý bị tố có hành vi quấy rối tình dục với một nữ công nhân lao động. Dưới áp lực của đông đảo công nhân lao động công ty, doanh nghiệp xử lý bằng cách kỷ luật sa thải người này. Tuy vậy, người bị tố cáo không chấp nhận quyết định của công ty, sau đó tham vấn luật sư và đệ đơn kiện lại quyết định của doanh nghiệp. Công ty sau đó phải bồi thường cho người này một số tiền khá lớn, khoảng 10 tháng lương. Những vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về quấy rối tình dục nơi công sở mà chúng ta nói đến trong thời gian qua.[7] Rõ ràng trong trường hợp này, người thực hiện hành vi quấy rối bị xử lý kỷ luật như vậy là phù hợp, tuy nhiên do thời điểm đó, pháp luật chưa có quy định về việc quấy rối là lý do để sa thải, do đó, doanh nghiệp sa thải người này lại thành sai và phải bồi thường. Điều này là một lỗ hổng lớn của pháp luật lao động, gây ức chế cho người bị quấy rối, đồng thời không răn đe được người có hành quấy rối tình dục.
Bên cạnh đó, giống như ở Singapore, hành vi quấy rối tình dục không chỉ diễn ra đối với lao động nữ, mà ngay cả nam công nhân cũng chịu nhiều hành vi quấy rối. Khi nói đến quấy rối tình dục, không chỉ có nữ bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị sốc tâm lý không kém. Thực tế, nam giới khi bị quấy rối tình dục cũng rất khó chịu, dẫn đến những hoảng loạn ban đầu về tâm lý. Nếu bị quấy rối tình dục kéo dài sẽ gây ra ám ảnh trong cuộc sống của người đó.
Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 ra đời đã đánh dấu sự điều chỉnh của pháp luật về vấn đề này thông qua việc đưa hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào danh mục những hành vi bị nghiêm cấm. Trên cơ sở đó, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục với người lao động. Tuy nhiên BLLĐ 2012 chưa định nghĩa được thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cũng như các chế tài riêng cho nó.
BLLĐ 2019 đã đưa ra định nghĩa cụ thể về quấy rối tình dục. Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Nội dung phòng chống, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng được đưa vào một nội dung bắt buộc trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để xem xét kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi quấy rối tình dục.
Bên cạnh đó, theo Bộ Quy tắc ứng về hành vi Quấy rối tình dục nơi làm việc do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ban hành, Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là những hành vi liên quan đến thể xác (tiếp xúc, vuốt ve, sờ mó, sàm sỡ, ôm ấp…), lời nói (gợi ý về tình dục, mời đi chơi mang tính cá nhân liên tục…) hoặc cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể (nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, phô bày hình ảnh, màn hình máy tính..., liên quan tới tình dục).
Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động có quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc với từng đối tượng, cụ thể như sau:
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động; khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
- Người lao động có nghĩa vụ: Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm: Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.
3.2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Như vậy có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những nỗ lực tiệm cận với pháp luật quốc tế trong việc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, thông qua việc quy định khá cụ thể và chi tiết những vấn đề có liên quan. Việt Nam đã cố gắng đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, hướng xử lý đối với những đối tượng có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người lao động, tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động trong việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, trên cơ sở so sánh với pháp luật Singapore, có thể thấy quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này còn một số hạn chế như sau:
- BLLĐ 2019 mặc dù đã có định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tuy nhiên lại chưa chỉ ra những dấu hiệu cụ thể xác định hành vi thế nào là quấy rối tình dục, hành vi có tính chất tình dục được nêu ra trong định nghĩa là hành vi như thế nào?
- Không giống như Singapore, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định hình thức xử lý cao nhất đối với người có hành vi quấy rối là sa thải, mà không có những hình phạt bổ sung là phạt tiền. Bên cạnh đó, việc không hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong BLHS có thể làm giảm đi tính răn đe đối với người thực hiện hành vi này.
- Giống như Singapore, hiện nay chưa có các quy trình pháp lý về khiếu nại, tố cáo, giải quyết vụ việc quấy rối tình dục trong phạm vi doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, một số kiến nghị có thể được đưa ra để hoàn thiện pháp luật về quấy rồi tình dục tại nơi làm việc như sau:
Thứ nhất, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn chỉ rõ những dấu hiệu cấu thành hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là những dấu hiệu nào, định nghĩa rõ hành vi có tính chất tình dục là hành vi như thế nào. Ví dụ, có thể xác định hành vi có tính chất tình dục là hành vi sờ mó, đụng chạm vào cơ thể của người khác, dùng lời nói, âm thanh, tin nhắn có yếu tố kích thích tình dục, bình phẩm về đặc điểm cơ thể người khác…Tức là, cần phải đưa ra những dấu hiệu càng chi tiết càng tốt để dễ dàng trong việc phát hiện và xử lý.
Thứ hai, cần hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong một số trường hợp nhất định, đưa hành vi này vào nhóm tội phạm xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm trong bộ luật hình sự. Điều này sẽ giúp tăng tính răn đe đối với những đối tượng thực hiện hành vi, thay vì chỉ kỷ luật sa thải, không thể răn đe và phòng ngừa chung được, vì người này rồi sẽ đi làm ở nơi khác và tình trạng quấy rối sẽ lại tiếp diễn, có thể với tính chất, mức độ còn nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng hình phạt tiền đối với những người quấy rối tình dục. Singapore quy định mức phạt lên tới 5000 USD, Việt Nam cũng cần căn cứ trên cơ sở thu nhập trung bình để quy định một mức phạt, tuy nhiên không thể quá thấp để đảm bảo đủ tính cảnh cáo, răn đe, có thể từ 10.000.000 đồng – 50.000.000 đồng.
Thứ ba, cần xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp thật sư phải có trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin tố cáo về hành vi quấy rối, tích cực điều tra, tìm hiểu, làm rõ hành vi để bảo vệ người bị quấy rối, kiên quyết xử lý đối với hành vi quấy rối.
[1] https://www.mom.gov.sg/faq/workplace-harassment/what-is-workplace-harassment
[2] https://www.aware.org.sg/training/wsh-site/4-what-is-it/
[3] https://www.straitstimes.com/singapore/two-in-five-workers-said-they-have-been-sexually-harassed-atwork-aware-study
[4] Page 10, Protection from harassment Act
[5] https://zingnews.vn/ngoi-tu-vi-quay-roi-tinh-duc-nu-nhan-vien-cap-duoi-post1144167.html
[6] https://cuocsongantoan.vn/quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec-hanh-vi-am-anh-nguoi-lao-dong-63224.html
[7] https://nld.com.vn/cong-doan/am-anh-quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec-20190731103251279.htm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
1 Bình luận
Thuy
04:56 09/01.2025Trả lời