Quyền im lặng của bị can - Một số vấn đề về hoạt động chứng minh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung làm sáng tỏ nội hàm quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội của bị can, từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chứng minh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người của người bị buộc tội nói chung, bị can nói riêng. Trong đó, phải kể tới quyền im lặng (hay quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội) của bị can. Việc quy định quyền này đã gián tiếp thừa nhận quyền im lặng và đặt ra những vấn đề về chứng minh, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Mặc dù, quyền im lặng không chỉ là quyền của bị can mà còn là quyền của những chủ thể bị buộc tội khác. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án hình sự giai đoạn điều tra, truy tố tính công khai tương đối hạn chế. Do đó, việc quy định quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội của bị can là rất cần thiết và có ý nghĩa như một cơ chế giúp bị can thực hiện tốt quyền bào chữa của mình.
1. Khái quát chung về lời khai chống lại chính mình và nhận mình có tội của bị can
1.1. Khái niệm lời khai chống lại chính mình của bị can
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để thực hiện trách nhiệm này, pháp luật tố tụng hình sự đã trao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rất nhiều biện pháp thu thập chứng cứ. Đối trọng với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là bị can không có lời khai (một loại nguồn chứng cứ để chứng minh, xác định sự thật trong vụ án). Lời khai của bị can là lời trình bày của bị can về những nội dung liên quan đến vụ án hoặc là câu trả lời của họ đối với những câu hỏi, yêu cầu của cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Bị can có quyền chủ động, tự nguyện khi khai báo về những vấn đề liên quan đến vụ án và được quyền sử dụng lời khai của mình để minh oan, bào chữa và bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng vì vậy, bị can có quyền không khai báo, không đưa ra câu trả lời đối với những yêu cầu, những câu hỏi mà họ cho rằng có khả năng dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Theo Từ điển tiếng Việt, “chống” có nghĩa là hoạt động ngược lại, gây trở lực cho hành động của ai hoặc cho tác động của cái gì[2], chống lại chính mình tức là gây trở ngại, phương hại đến lợi ích của bản thân. Như vậy, có thể hiểu, lời khai chống lại chính mình của bị can là lời trình bày hoặc câu trả lời của bị can chứa đựng những tình tiết, thông tin, chứng cứ về vụ án hình sự có thể dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho họ.
1.2. Khái niệm nhận mình có tội (nhận tội)
Nhận mình có tội (nhận tội) hay còn gọi là thú tội là một hành vi tố tụng của người bị buộc tội nói chung, bị can nói riêng. Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ này được hiểu là tự nhận tội lỗi đã gây ra[3]. Nhận mình có tội hay nhận tội còn được hiểu là sự thừa nhận của người bị tình nghi hoặc người bị truy tố trước cơ quan cảnh sát hoặc cơ quan tư pháp, về tính chính xác của tất cả hoặc một phần sự thật mà họ bị buộc tội[4]. Việc nhận tội, thú tội của bị can phải được thực hiện một cách tự nguyện thông qua lời nhận tội. Trong lịch sử tố tụng hình sự, lời nhận tội luôn được coi là một loại nguồn chứng cứ. Thậm chí, trong pháp luật thời phong kiến, nhận tội được xem là chứng cứ tốt nhất, “chứng cứ vua” và là mục tiêu cuối cùng của các cơ quan tố tụng. Cũng vì vậy, bị can nhận tội giống như một áp lực vô hình đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, khiến họ có thể theo đuổi mục tiêu này bằng mọi cách, trong đó có cả những biện pháp bất hợp pháp (tra tấn, nhục hình, bức cung…). Ngày nay, lời nhận tội chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án và không còn là chứng cứ có giá trị chứng minh cao nhất. Bị can nhận tội bằng các hình thức sau: (i) Bị can đầu thú, tự thú; (ii) Bị can tự trình bày trong bản tự khai hoặc trình bày khi được hỏi cung về những tình tiết của vụ án.
Dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc nhận tội của bị can đều phải là sự tự nguyện của bị can. Nhận tội là quyền của bị can nên bị can có thể thực hiện hoặc không thực hiện, thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện một phần. Nói cách khác, bị can có thể nhận tội, có thể không nhận tội, có thể nhận tội toàn bộ hoặc chỉ nhận một phần, điều đó thể hiện sự tự do ý chí của bị can. Như vậy, có thể hiểu, bị can nhận mình có tội là việc bị can tự nguyện thừa nhận trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về toàn bộ hoặc một phần sự thật về hành vi phạm tội và các tình tiết khác trong vụ án hình sự.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội của bị can là quyền của bị can được tự do ý chí trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc trình bày hoặc không trình bày lời khai về những tình tiết trong vụ án mà bị can cho rằng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho họ; thừa nhận hoặc không thừa nhận về toàn bộ hoặc một phần sự thật về hành vi phạm tội và các tình tiết khác trong vụ án hình sự.
2. Quy định pháp luật về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội của bị can
2.1. Quy định pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới
Các văn bản pháp lý quốc tế đều ghi nhận quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội của các đối tượng người bị buộc tội. Văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên chính thức ghi nhận quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR). Điểm g khoản 3 Điều 14 ICCPR quy định: “Không ai buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội”. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 12 Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hình thức đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục khác năm 1975 như sau: “Bất kỳ lời khai nào đã được xác lập mà có được bởi kết quả của tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác không thể được viện dẫn làm bằng chứng chống lại người có liên quan hoặc chống lại bất kỳ người nào khác trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào”. Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm năm 1984 quy định: “Lời khai của người bị tra tấn, bị dùng nhục hình, bị đối xử vô nhân đạo không có giá trị chứng minh trong quá trình điều tra vụ án”. Như vậy, cần hiểu rằng, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội là quyền con người. Việc ghi nhận này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định về chứng minh, phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm chứng minh thuộc về bên khẳng định mà trong tố tụng hình sự đó là bên buộc tội. Khi cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát muốn buộc tội một đối tượng nào đó thì họ phải tìm chứng cứ để chứng minh; lời khai, lời trình bày chống lại người có liên quan hay bất kỳ người nào khác do bị đối xử tàn bạo, hạ nhục, ép buộc thì không có giá trị về pháp lý và không được sử dụng trong quá trình tố tụng.
Như vậy, hầu hết các văn kiện quốc tế đều ghi nhận quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội như là một biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự. Khi phát sinh mối quan hệ bất bình đẳng với cơ quan quyền lực nhà nước thì người bị buộc tội được quyền im lặng, không phải khai báo, trình bày lời khai vì có thể gây hậu quả pháp lý bất lợi đối với họ.
Các quốc gia trên thế giới đã nội luật hóa các văn bản pháp lý quốc tế này. Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2001 của Liên bang Nga[5] quy định, việc nhận tội của bị can chỉ được coi là căn cứ để buộc tội họ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án (khoản 2); bị can có quyền từ chối đưa ra lời khai (khoản 3). Nếu bị can đồng ý khai báo thì phải thông báo cho họ về việc lời khai đó có thể được sử dụng làm chứng cứ của vụ án, kể cả việc sau này họ phản bác lại lời khai đó. Đồng thời, gián tiếp quy định quyền của bị cáo không bị ép buộc khi khai báo tại Điều 275 rằng, Tòa án lấy lời khai của bị cáo, nếu họ đồng ý đưa ra lời khai. Tức là, Tòa án chỉ có thể lấy lời khai với sự đồng thuận của bị cáo mà không thể dựa trên bất cứ sự ép buộc nào.
Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2012 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Lời khai của bị can, bị cáo thu thập được bằng phương thức phi pháp như bức cung, dùng nhục hình; lời khai của người làm chứng, người bị hại thu thập được bằng phương thức phi pháp như sử dụng bạo lực, đe dọa đều phải bị loại trừ...”[6].
Có thể thấy, pháp luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga cũng như Trung Quốc đều không có điều luật nào quy định trực tiếp về quyền không bị ép buộc phải khai báo chống lại chính mình hoặc thú nhận tội và quyền im lặng mà chỉ thể hiện gián tiếp thông qua một số quy định trong các quy định nêu trên. Khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự của Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “Trước khi bắt đầu hỏi cung, người bị buộc tội phải được biết mình phạm tội gì và bị áp dụng điều khoản nào của Bộ luật Hình sự. Người bị buộc tội phải được thông báo rằng theo luật họ được tự do đưa ra quan điểm về lời buộc tội hoặc được quyền im lặng bất cứ khi nào, kể cả trước khi bị hỏi cung”. Do đó, người bị buộc tội trước tiên phải được quyền biết mình phạm tội gì, phạm vào điều khoản nào trong Bộ luật Hình sự. Quy định quyền này đối với người bị buộc tội rất quan trọng, vì nó làm cơ sở cho người bị buộc tội là có thực hiện quyền im lặng hay không[7]. Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Hoa Kỳ đề cập rõ ràng quyền không buộc tội mình: “Không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật”.
Nghiên cứu pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, có thể thấy rằng, quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội có thể được quy định một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong các văn bản pháp lý. Quy định quyền này là một bảo đảm quan trọng bảo vệ người bị buộc tội khỏi sự ép buộc và các biện pháp bất hợp pháp từ phía cơ quan chức năng.
2.2. Quy định pháp luật Việt Nam về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội của bị can
Trong lịch sử pháp điển hóa pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta có sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ liên quan đến nội luật hóa các công ước về quyền con người mà nước ta là thành viên. Cụ thể, Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã quy định nguyên tắc xác định sự thật của vụ án. Điều luật xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Khoản 2 Điều 54 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 quy định lời nhận tội của bị can chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu nó phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị can làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã kế thừa các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và bổ sung quy định tại Điều 9 về nguyên tắc: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và chính thức quy định nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13), quy định về xác định sự thật của vụ án (Điều 15), về vai trò của lời nhận tội của bị người bị buộc tội. Cả ba bộ luật trên đều nhấn mạnh lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ là một chứng cứ giống như những chứng cứ khác và không có giá trị chứng minh độc lập. Đồng thời, bổ sung quyền quan trọng của người bị buộc tội nói chung, quyền của bị can nói riêng, đó là quyền “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” tại điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Quy định này chính là biểu hiện nội luật hóa phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Đây là một biểu hiện cho thấy, quyền im lặng không phải là một quyền tuyệt đối, bị can nói riêng, người bị buộc tội nói chung chỉ được “im lặng” với những gì chống lại bản thân mình và vẫn có trách nhiệm khai báo những nội dung khác để làm sáng tỏ vụ án. Có thể thấy, đây là một thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp tố tụng hình sự của nước ta, góp phần bảo vệ quyền con người của người bị buộc tội. Quy định này đã làm thay đổi nhận thức không chỉ của chính người bị buộc tội để tự bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bản thân, đồng thời góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người tiến hành tố tụng, tăng cường vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự[8].
3. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chứng minh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Thứ nhất, về hoạt động thu thập chứng cứ từ lời khai của bị can trong giai đoạn điều tra: Hoạt động này được thực hiện thông qua hoạt động hỏi cung bị can. Đây là một trong những hoạt động thu thập chứng cứ phổ biến, kinh điển trong tố tụng hình sự. Hiệu quả hoạt động này chịu sự tác động một mặt từ chiến lược, chiến thuật hỏi cung của điều tra viên, mặt khác, từ thái độ khai báo thành khẩn của bị can. Như vậy, đối với quá trình chứng minh trong giai đoạn điều tra, bị can cần hiểu rõ, bị can có “quyền im lặng” nhưng quyền này không đồng nghĩa với “không khai báo” mà phải hiểu rằng “quyền im lặng” song song với “quyền khai báo” và không loại trừ nhau. Quyền im lặng nghĩa là không buộc phải đưa ra lời khai bất lợi cho mình, không buộc phải nhận tội và có quyền không khai báo khi không có sự chứng kiến hoặc tư vấn của người bào chữa. Trong khi đó, việc không khai báo sẽ có thể làm mất cơ hội để bị can tự bào chữa cho mình vì không làm sáng tỏ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, đặc biệt là những tình tiết có lợi cho bị can.
Về phía điều tra viên, cần quy định rõ trách nhiệm xác định sự thật của vụ án, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can, điều tra viên phải giải thích rõ cho họ biết về quyền và nghĩa vụ của họ, đồng thời, thuyết phục, cảm hóa, giáo dục họ để họ tự nguyện khai báo thành khẩn. Như vậy, bị can vừa thực hiện được quyền tự bào chữa, bảo vệ chính mình, vừa được khoan hồng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trước mắt, để thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan điều tra, điều tra viên cần đổi mới về tư duy cũng như cách thức tiến hành các hoạt động điều tra để bảo đảm rằng, dù bị can không khai hoặc khai báo không đúng sự thật vẫn xác định được sự thật vụ án, bảo đảm quyền của bị can, người bị buộc tội.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội phải được xác định là “kim chỉ nam” cho hoạt động chứng minh trong giai đoạn điều tra. Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội; người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Quy định này đã gián tiếp thừa nhận quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội của bị can. Việc buộc tội chỉ được coi là đầy đủ chứng cứ nếu nó không phụ thuộc vào việc bị can có nhận tội hay không. Điều đó có nghĩa là sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, dù bị can có khai báo hay không thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giai đoạn này vẫn phải có trách nhiệm chứng minh sự thật của vụ án. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội mà không được phép dùng bất cứ biện pháp bất hợp pháp nào để buộc bị can nói riêng, người bị buộc tội nói chung khai báo bất lợi cho họ. Do đó, có thể thấy, nguyên tắc suy đoán vô tội là một bảo đảm quan trọng để thực hiện quyền này.
Thứ ba, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về quyền của người bị buộc tội không bị ép buộc phải khai báo chống lại mình, nhưng khoản 3 Điều 466 lại quy định người bị buộc tội mà “từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật” sẽ bị “áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”. Chính những mâu thuẫn này đặt ra đòi hỏi rằng, cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt việc bị can dùng quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội với việc bị can quanh co chối tội, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, thậm chí phải chịu các biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 466.
Tóm lại, việc quy định về quyền im lặng (hay quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận tội) của bị can có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động chứng minh trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Nó góp phần bảo đảm tốt nhất các quyền con người của bị can, là sự cụ thể hóa của nguyên tắc suy đoán vô tội, góp phần nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của đội ngũ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Quy định quyền này là sự phát triển tất yếu của tư pháp hình sự, bảo đảm tương thích, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại.
Theo danchuphapluat.vn
[2]. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Ch%E1%BB%91ng.
[3]. Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2002, tr. 960.
[4]. Gérard Cornu, Association Henri Capitant, Vocabuaire juridique, Quadrige/PUF, 2007, p. 99.
[5]. Bộ luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga được Quốc hội (Duma) thông qua ngày 05/12/2001, có hiệu lực từ ngày 01/6/2002 và được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Bản dịch ra tiếng Việt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[6]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2012 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Bùi Việt Dương dịch.
[7]. Trần Hữu Tráng, Quyền im lặng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, https://js.hou.edu.vn/houjs/article/view/263/229.
[8]. Lê Huỳnh Tuấn Duy, Trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị buộc tội trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, https://iluatsu.com/hinh-su/truc-tiep-ghi-nhan-quyen-im-lang-chonguoi-bi-buoc-toi-trong-bltths
Hỏi cung bị can, có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý- Ảnh: MH
Bài liên quan
-
Tiếp tục khởi tố 5 bị can là nguyên Bí thư, Chủ tịch của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
-
Lý do phê chuẩn khởi tố Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh và thuộc cấp
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Đề nghị truy tố Tổng Giám đốc Công ty Thành An và 37 bị can gây thiệt hại ngân sách hơn 743 tỉ đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận