
T không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn T có phạm tội không?” của tác giả Đinh Thu Nhanh đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 01/6/2020, quan điểm cá nhân tôi đồng tình với ý kiến của tác giả đó là T không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.
Trong vụ án Giao thông, trước tiên cần phải xác định việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ hay không để xác định về trách nhiệm hành chính hoặc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Tuy nhiên, tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, cần phải xác định đúng nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn (mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của họ với hậu quả xảy ra). Nếu hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn thì họ chỉ có lỗi về hành chính và hành vi đó không cấu thành tội phạm.
Trở lại với nội dung bài viết, việc chị X điều khiển xe mô tô đi gần tim đường là vi phạm quy định về sử dụng làn đường tại khoản 2 Điều 13 Luật giao thông đường bộ. Hơn nữa, do không chú ý quan sát nên hai xe suýt va chạm, việc đánh lái dẫn tới mất lái chứng tỏ chị X không làm chủ tốc độ lái xe của mình dẫn đến việc ngã xe và văng vào bánh xe của T. Thực tế ở đây, T điều khiển xe lấn sang làn đường ngược chiều là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ nhưng vi phạm này không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Vì vậy, không đủ cơ sở để xác định T phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại tp Vinh, Nghệ An – Ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
Bình luận