Tập huấn về nâng cao chất lượng tranh tụng  trong xét xử vụ án hình sự

TANDTC phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức các khóa tập huấn về “Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự” tại TP Đà Nẵng (ngày 7 và 8/9/2023) và TP Hồ Chí Minh (ngày 11 và 12/9/2023).

Nhằm giúp các Thẩm phán, Thư ký có cơ hội tiếp cận với các quy định, kỹ năng tranh tụng, nâng cao hiệu quả tranh tụng, TANDTC đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức các khóa tập huấn về “Nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự” tại Đà Nẵng (ngày 7 và 8/9/2023) và Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 11 và 12/9/2023). Tham dự khóa tập huấn có: Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC; ông Samuel J. Juett, Điều phối viên Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; các chuyên gia của Việt Nam gồm: PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án; ông Nguyễn Quang Hòa, Chánh án TAND thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh; chuyên gia Hoa Kỳ là ông James D.Peterson, Chánh án Tòa án vùng Wisconsin và hơn 100 Thẩm phán, Thư ký của Tòa án hai miền Trung bộ và Nam bộ.

Phát biểu tại khóa tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, nguyên tắc tranh tụng là một trong những nguyên tắc quan trọng của luật tố tụng, được thể hiện trong nhiều văn bản như Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2002 yêu cầu tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 yêu cầu tranh tụng càng được chú trọng và tăng cường, đặc biệt tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 xác định xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá. Chính vì vậy, tranh tụng là vấn đề quan trọng, là hạt nhân của cải cách tư pháp.

Ông Phạm Quốc Hưng cảm ơn sự phối hợp của các chuyên gia, Đại sứ quán Hoa Kỳ trong việc tổ chức khóa tập huấn và cho biết đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong bối cảnh hệ thống TAND đang nỗ lực tiến hành cải cách tư pháp và tự hoàn thiện hệ thống của mình. TANDTC đánh giá cao sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, đây là những kinh nghiệm quý báu giúp cho Tòa án Việt Nam hoàn thiện thêm chuyên môn của mình và giúp học hỏi để có thể đúc kết thành những nguồn tư liệu quý phục vụ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của Tòa án Việt Nam.

 

Chuyên gia Hoa Kỳ James D.Peterson phát biểu 

Trên thế giới hiện nay, hoạt động xét xử của Tòa án thường áp dụng một trong hai thủ tục là tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn (xét hỏi). Mỗi loại hình tố tụng này có những đặc điểm, nguyên tắc, trình tự riêng.

Trong thời gian qua, hệ thống TAND đang tích cực thực hiện lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng được quy định cụ thể trong các văn bản luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức của các cán bộ, những người tham gia tố tụng khi tham gia vào hoạt động tranh tụng. Với những quy định của pháp luật được ghi nhận, trong hoạt động xét xử của Tòa án sẽ thay đổi cách thức thực hiện, để các chủ thể thực hiện hoạt động tranh tụng bảo vệ quan điểm, quyền lợi của mình khi tham gia tố tụng. Chỉ trên cơ sở bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ thì hoạt động tranh tụng mới đảm bảo chất lượng và tính thực thi.

 

Các đại biểu thảo luận sôi nổi

Với cách tiếp cận từ góc độ so sánh, tại khóa tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung như: (1) Tổng quan về các nguyên tắc của hệ thống tranh tụng và Vai trò của Thẩm phán; (2) Chiến lược quản lý vụ án hình sự; (3) Bảo đảm tranh tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử - Nhiệm vụ và kỹ năng của Thẩm phán; (4) Chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh trong hệ thống tranh tụng ở Hoa Kỳ; Các vấn đề liên quan đến sử dụng chứng cứ điện tử tại Tòa; (5) Thực hành kỹ năng tranh tụng: Phiên tòa giả định. Ngoài ra, còn có các bài tập tình huống.

Các đại biểu tham dự khóa tập huấn đã tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, diễn phiên tòa giả định.

 

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu khai mạc

NGUYỄN THU