Thẩm phán có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ đối với thửa đất ngoài địa giới hành chính với Tòa án không ?
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có quyền tiến hành biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ đối với thửa đất ngoài phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đang giải quyết vụ án không thì thực tiễn còn nhận thức khác nhau.
Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì Tòa án (cụ thể là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án) có quyền tiến hành một hoặc một số biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 105 để thu thập chứng cứ, trong đó có biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ. Biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ thường tiến hành trong các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất…
Trong các vụ án vừa nêu thì có trường hợp các đương sự tranh chấp nhiều thửa đất, có thửa cùng địa giới hành chính và có thửa đất ngoài địa giới hành chính với Tòa án đang giải quyết vụ án.
Có một vụ án cụ thể như sau: Ông A cư trú tại huyện X nhận chuyển nhượng của hộ ông B cư trú tại huyện Y ba thửa đất, trong đó có hai thửa đất ở huyện X và một thửa đất ở huyện Y. Quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, hộ ông B không làm thủ tục chuyển ba thửa đất này cho ông A được do đất đang thế chấp tại ngân hàng. Vì vậy, ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện Y buộc hộ ông B tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà hai bên đã ký.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán Tòa án huyện Y có quyền ra quyết định ủy thác thu thập chứng cứ để yêu cầu Tòa án huyện X tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X. Tuy nhiên, vấn đề là Thẩm phán Tòa án huyện Y có quyền xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm phán Tòa án huyện Y không được quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X. Bởi vì hai thửa đất tại huyện X không cùng phạm vi địa giới hành chính với huyện Y. Cho nên, Thẩm phán Tòa án huyện Y phải ra quyết định ủy thác thu thập chứng cứ để yêu cầu Tòa án huyện X tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X. Nếu Thẩm phán Tòa án huyện Y tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Thẩm phán Tòa án huyện Y có quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X. Bởi vì, xem xét, thẩm định tại chỗ là một biện pháp để thu thập chứng cứ. Biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ không bị pháp luật giới hạn về phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đang giải quyết vụ án. Thực tế, nhiều vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất… có kháng cáo hoặc kháng nghị, quá trình xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ lại đối với thửa đất tranh chấp ở địa giới hành chính khác địa giới hành chính nơi Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trụ sở. Cho nên khẳng định Thẩm phán Tòa án huyện Y là người được phân công giải quyết vụ án thì có quyền tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với hai thửa đất tại huyện X.
Đây là vướng mắc thực tế tại một số Tòa án ở địa phương. Tác giả rất mong bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi thêm để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
2 Bình luận
Thanh
22:31 20/04.2025Trả lời
Dũng lò than
22:31 20/04.2025Trả lời