Tổng giám đốc Nhật Cường bị khởi tố về tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
Ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét với Bùi Quang Huy, 45 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, để điều tra về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 BLHS 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 Điều 221 BLHS 2015.
Liên quan vụ án, có 8 người khác bị khởi tố, tạm giam về cùng tội danh với Bùi Quang Huy, vai trò đồng phạm. Cơ quan điều tra cáo buộc Bùi Quang Huy cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức. Huy và các đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu. Trong thông báo khởi tố, nhà chức trách cho hay đã thu giữ hàng nghìn điện thoại di động, iPad, phụ kiện điện tử các loại…
Trước đó, sáng 9/5, đồng loạt 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, một trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile bị công an khám xét, nhiều thùng niêm phong được chuyển lên xe chuyên dụng.
Điều 188 BLHS năm 2015 về tội buôn lậu gồm 6 khoản. Trong đó khoản 1 quy định dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản. Các khoản 2, 3, 4 quy định các trường hợp phạm tội tăng nặng; khoản 5 quy định khung hình phạt bổ sung đối với người phạm tội và khoản 6 quy định khung hình phạt cho pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 1 của điều luật, tội buôn lậu chủ thể của tội buôn lậu được quy định là chủ thể bình thường mà theo Điều 12 của BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên, vì tội này không thuộc phạm vi các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
Dấu hiệu hành vi khách quan của tội buôn lậu là hành vi buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại hàng hóa tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý, di vật, cổ vật. Một hành vi buôn bán trái phép phép chỉ bị coi là tội phạm khi hàng hóa tiền Việt Nam, kim khí, đá quý có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính… hoặc đã bị kết án về một trong các tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Vật phạm pháp là di vật, cổ vật trong đó di vật được hiểu là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Cổ vật được hiểu là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học có từ 100 năm trở lên.
Buôn bán trái pháp luật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại được hiểu là hành vi trao đổi các thứ này qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái với quy định của Nhà nước như không khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, giấu diếm hàng hóa, không có giấy tờ hợp lệ của cơ quan có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan, Bộ đội biên phòng…
Người buôn lậu có thể chuyển các loại hàng hóa kể trên qua biên giới bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt hoặc qua bưu điện quốc tế tế.
Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Khoản 1 của điều luật khung hình phạt cơ bản là từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…
Khoản 4 của điều luật quy định khung hình phạt tăng nặng thứ 3 có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm, được áp dụng cho các trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng như: Vật phạm pháp trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh thiên tai dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác để phạm tội.
Điều 221 tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng là tội danh mới được bổ sung vào BLHS. Điều 221 gồm 4 khoản. Khoản 1 quy định về dấu hiệu pháp lý của tội phạm và khung hình phạt cơ bản; các khoản 2, 3 quy định về trường hợp phạm tội tăng nặng; khoản 4 quy định khung hình phạt bổ sung, áp dụng đối với người phạm tội.
Theo khoản 1 của điều luật, tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu pháp lý đáng chú ý như sau: Chủ thể của tội phạm được quy định là người có chức vụ quyền hạn và có nghĩa vụ tuân thủ quy định về kế toán.
Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm được quy định có thể là một trong các hành vi sau. mà khi thực hiện chủ thể đã lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đó là giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán, dụ dỗ, thỏa thuận, hoặc ép buộc người khác cung cấp xác nhận thông tin số liệu kế toán sai sự thật; để ngoài sổ sách kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán; hủy và hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán; lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài số kế toán tài sản nguồn vốn kinh phí của đơn vị kế toán.
Hành vi vi phạm quy định về kế toán bị coi là tội phạm nếu đã gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới mức đó nhưng chủ thể đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý đối với hành vi vi phạm, đối với thiệt hại đã gây ra lỗi của chủ thể là lỗi vô ý.
Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm… Khoản 3 của điều luật khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức hình phạt tù từ 15 đến 20 năm, áp dụng cho trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận