Trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội là hậu quả bất lợi mà người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu. Theo quy định tại Điều 14 BLHS, thì người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội một trong 25 tội phạm cụ thể.
1. Chuẩn bị phạm tội
Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS[1]. Như vậy, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện hành vi khách quan của một tội phạm cụ thể hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Nghĩa là có ba nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội sau đây:
- Thứ nhất, là nhóm hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm. Trong đó:
Công cụ, phương tiện phạm tội đều là đối tượng vật chất được chủ thể sử dụng trợ giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, công cụ phạm tội là dạng cụ thể của phương tiện phạm tội được chủ thể sử dụng tác động đến đối tượng tác động của tội phạm như dao để đâm nạn nhân, búa để phá cửa nhà kho vào trộm cắp... và bao gồm dụng cụ (sinh hoạt hoặc lao động, sản xuất), vật sẵn có trong tự nhiên hoặc là vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ở một số tội phạm, phương tiện phạm tội lại có ý nghĩa quy định bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và do vậy được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm như phương tiện phạm tội của tội đưa hối lộ được quy định phải là tiền hoặc lợi ích vật chất khác[2].
Tìm kiếm công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm là tìm kiếm dụng cụ (sinh hoạt hoặc lao động, sản xuất), vật sẵn có trong tự nhiên để làm công cụ hoặc phương tiện phạm tội. Sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm là việc sản xuất, chế tạo ra vật làm công cụ, phương tiện như mài nhọn thanh sắt, làm côn gỗ để thực hiện tội phạm.
- Thứ hai, là nhóm hành vi tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm. Tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm là hành vi tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra hoặc xảy ra được thuận lợi, dễ dàng hơn (mà không phải là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện). Đó có thể là chuẩn bị kế hoạch phạm tội, thăm dò địa điểm phạm tội, làm quen với nạn nhân hoặc loại trừ trước trở ngại khách quan đối với hành vi phạm tội[3].
- Thứ ba, là nhóm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm là hành vi hình thành hoặc tham gia nhóm có mục đích thực hiện tội phạm. Đây là nhóm hành vi mới được bổ sung vào BLHS năm 2015. Theo đó, thành lập nhóm tội phạm là hình thành nhóm để thực hiện tội phạm; Còn tham gia nhóm tội phạm là tham gia nhóm đã được thành lập để thực hiện tội phạm.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS, thì “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt…”. Như vậy, chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chỉ bao gồm hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện (là vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm) và hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà không bao gồm hành vi tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác.
Theo quy định tại Điều 14 BLHS, thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là chuẩn bị phạm tội khi người thực hiện hành vi đó nhằm mục đích thực hiện tội phạm cụ thể hoặc không thuộc trường hợp đã được quy định ở một số điều luật cụ thể của Phần các tội phạm BLHS. Trong đó:
- Nhằm mục đích thực hiện tội phạm cụ thể là trường hợp thực hiện một trong các hành vi chuẩn bị (tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra hoặc tạo ra những điều kiện vật chất khác) để thực hiện một trong những tội phạm (có hình thức lỗi cố ý) cụ thể được quy định tại Phần các tội phạm của BLHS và đã được liệt kê tại khoản 2 và 3 Điều 14 BLHS. Bởi lẽ, đối với các tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý thì không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội; và việc chuẩn bị phạm một tội không được liệt kê ở khoản 2 và 3 Điều 14 BLHS, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mục đích mà người chuẩn bị phạm tội nhằm đạt được khi thực hiện tội phạm mà họ đã chuẩn bị có thể là một kết quả nhất định mang tính chất định lượng hoặc định tính được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt. Ví dụ:
Ví dụ 1: Do không chịu lao động nhưng lại muốn có tiền nên Nguyễn Văn A rủ Nguyễn Văn B đến nhà Nguyễn Thị C để cướp tài sản vì chồng chị C thường xuyên đi làm ăn xa, vắng nhà. Khoảng 19 giờ 30 ngày 23/8/2023, Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B chuẩn bị dao găm, mặt nạ và đến nhà Nguyễn Thị C xé rào chui vào vườn sau nhà để thám tính. Dự định của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B là nếu không có gì thay đổi, thì 23 giờ cùng ngày, cả hai người sẽ đột nhập nhà Nguyễn Thị C để cướp tài sản. Tuy nhiên, khi tới gần nhà thì biết là chồng chị Nguyễn Thị C đang ở nhà nên Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B không thực hiện tội phạm nữa.
Ví dụ 2: Sau khi biết Nguyễn Văn D rút 300.000.000 đồng ở ngân hàng và đi về nhà bằng xe máy, Nguyễn Văn E báo cho Nguyễn Văn G là đồng bọn hay tụ tập ăn nhậu biết. Nguyễn Văn G đã chuẩn bị một số gai sắt được cắt từ dây thép gai rải trên đường thuộc cánh đồng làng, nơi Nguyễn Văn D sẽ về qua và đeo mặt nạ, cầm dao găm nằm phục kích nhằm cướp 300.000.000 đồng. Tuy nhiên, Nguyễn Văn D lại đi cùng với hai người khác chở nhau bằng một chiếc xe máy và xe máy của người đi cùng bị dính đinh nên dắt bộ. Vì không bị dính định nên Nguyễn Văn D vượt qua và Nguyễn Văn G không thực hiện được hành vi cướp 300.000.000 đồng của Nguyễn Văn D như dự định.
Trong các ví dụ nêu trên, Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B (ở ví dụ 1) đã chuẩn bị dao, mặt nạ và đến nhà Nguyễn Thị C xé rào chui vào vườn sau nhà để thám tính nhằm thực hiện hành vi cướp tài sản nhưng không xác định cụ thể tài sản bị cướp là gì, giá trị bao nhiêu; Nguyễn Văn G (ở ví dụ 2) đã sửa soạn công cụ (là một số gai sắt được cát từ dây thép gai rải trên đường thuộc cánh đồng làng, nơi Nguyễn Văn A sẽ về qua và đeo mặt nạ, cầm dao nhọn) để thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản với mục đích là cướp số tiền là 300.000.000 đồng. Dù nhằm hay không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản có giá trị cụ thể là bao nhiêu, thì hành vi của Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B (ở ví dụ 1), Nguyễn Văn G (ở ví dụ 2) đều là hành vi chuẩn bị phạm tội vì đã tìm kiếm (dao găm, mặt nạ), sửa soạn (gai sắt được cắt từ dây thép gai) và tạo ra những điều kiện khác (xé rào tạo chỗ chui vào nhà, rải gai sắt trên đường) để thực hiện tội cướp tài sản (thuộc diện phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS).
- Không thuộc trường hợp đã được quy định ở một số điều luật cụ thể của Phần các tội phạm BLHS là trường hợp thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm nhưng không thuộc trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS. Hành vi thành lập và hành vi tham gia nhóm tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015 chỉ là một loại hành vi chuẩn bị phạm tội và có thể là một trường hợp “phạm tội có tổ chức” cụ thể khi tội phạm đó được thực hiện. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 14 BLHS chỉ quy định “thành lập, tham gia nhóm tội phạm” mà không quy định “thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể” cho nên có ý kiến cho rằng, mục đích của việc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm là để thực hiện một tội phạm cụ thể hoặc để thực hiện tội phạm nói chung (có điều kiện thực hiện tội phạm nào, thì thực hiện tội phạm đó như tổ chức hoạt động vũ trang ở Tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83 BLHS năm 1999). Chúng tôi cho rằng, mục đích của việc thành lập nhóm tội phạm hoặc tham gia nhóm tội phạm là để thực hiện một tội phạm cụ thể. Bởi lẽ:
Thứ nhất, như đã trình bày, hành vi thành lập nhóm tội phạm và hành vi tham gia nhóm tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015 chỉ là một loại hành vi chuẩn bị phạm tội. Do vậy, mục đích của việc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm đồng nghĩa với mục đích của việc tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác là để thực hiện một tội phạm cụ thể;
Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS, thì người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội (trong đó có hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm) chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm một số tội cụ thể được liệt kê ở khoản này.
Mặt khác, mặc dù tại khoản 6 Điều 134 BLHS quy định một trong những hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người “là hành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” nhưng tại khoản 1 Điều 14 BLHS lại chưa loại trừ trường hợp này cũng là một bất cập về kỹ thuật lập pháp cần nghiên cứu khắc phục.
2. Trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội
Trách nhiệm hình sự của người chuẩn bị phạm tội là hậu quả bất lợi mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu bao gồm việc bị kết án và áp dụng biện pháp trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 14 BLHS, thì: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chụi trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của BLHS; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của BLHS. Theo đó:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chụi trách nhiệm hình sự về hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của BLHS. Đó là các tội: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội phá rối an ninh; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội cướp biển; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội rửa tiền.
Và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm để thực hiện một trong các tội phạm nêu trên, trừ các tội phạm sau đây: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Tội khủng bố. Bởi lẽ, thành lập, tham gia nhóm tội phạm đã được quy định: là tình tiết định tội của Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và Tội khủng bố.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chụi trách nhiệm hình sự về hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác, thành lập nhóm tội phạm hoặc tham gia nhóm tội phạm thực hiện Tội giết người hoặc Tội cướp tài sản.
Hình thức trách nhiệm hình sự mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu là hình phạt được quy định tại một khoản độc lập của các điều luật được liệt kê tại khoản 2 Điều 14 BLHS. Theo quy định tại các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của BLHS, thì:
- Hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là cải tạo không giam giữ đến 02 năn hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;
- Hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là cải tạo không giam giữu đến 03 năn hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;
- Hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm một trong các tội (Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Tội phá rối an ninh, Tội bắt cóc con tin và Tội rửa tiền) là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây là phạt từ từ 01 năm đến 05 năm: Tội phản bội Tổ quốc; Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội gián điệp; Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; Tội bạo loạn; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tội chống phá cơ sở giam giữ; Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; Tội giết người; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội cướp biển; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
Việc quyết định hình phạt đối với người bị kết án về hành vi chuẩn bị phạm tội được thực hiện theo quy định tại Điều 50 và 57 BLHS. Theo đó, Tòa án phải căn cứ vào vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định loại và mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể. Ví dụ, khi quyết định hình phạt đối với người bị kết bán về hành vi chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì Tòa án phải căn cứ vào vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để lựa chọn loại và mức hình phạt được quy định tại khoản 6 (là cải tạo không giam giữu đến 02 năn hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm) Điều 134 BLHS.
Về biện pháp tư pháp, thì tội phạm mà người chuẩn bị phạm tội định thực hiện chưa diễn ra mà mới chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị. Công cụ, phương tiện hoặc tiền mà họ đã chuẩn bị chưa được dùng vào việc phạm tội nên không thể áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Tuy nhiên, trong vụ án hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự một người về hành vi chuẩn bị phạm một trong các tội phạm được liệt kê ở Điều 14 BLHS, thì công cụ, phương tiện hoặc tiền mà họ đã chuẩn bị dùng vào việc phạm tội và có thể có tiền thu lời bất chính từ việc chuẩn bị phạm tội (như tiền mà người thuê ứng trước cho người được thuê phạm tội) được thu thập với nghĩa là vật chứng của vụ án. Do vậy, đối với những trường hợp này, Tòa án vẫn có thể áp dụng điểm a, b hoặc c khoản 2 Điều 106 BLTTHS để tịch thu nộp ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy với nghĩa là xử lý vật chứng.
Từ những nội dung nghiên cứu (nêu trên), chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 BLHS như sau: “1. Chuẩn bị phạm tội là việc thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm thực hiện một tội phạm cụ thể quy định tại khoản 2 và 3 Điều luật này:
a) Tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm;
b) Thành lập nhóm hoặc tham gia nhóm để thực hiện tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113, khoản 6 Điều 134 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự”.
[1] Xem: Bộ luật Hình sự, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, Điều 14.
[2]Xem: - https://luatminhkhue.vn/cong-cu-pham-toi-la-gi.aspx;
- Nghị quyết số 02/2003/HĐTP, ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.
[3] https://luatminhkhue.vn/chuan-bi-pham-toi-la-gi.aspx
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận