Trần Văn V chỉ phạm tội Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự
Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn V phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền đăng ngày 25/5/2023, tôi cho rằng Trần Văn V chỉ phạm tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự.
Thứ nhất, về dấu hiệu khách thể của tội phạm trong tình huống trên là “07 khẩu súng ngắn bị mất”, theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 “07 khẩu súng ngắn” là vũ khí quân dụng do Quân đội quản lý, sử dụng để huấn luyện và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Việc mất vũ khí quân dụng không chỉ xâm phạm đến khách thể quyền sở hữu của Nhà nước đối với loại tài sản đặc biệt này mà còn trực tiếp xâm phạm sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Như vậy dấu hiệu về mặt khách thể thõa mãn dấu hiệu của tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự.
Thứ hai, dấu hiệu về mặt chủ thể, Trần Văn V là thủ kho vũ khí thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TN, là quân nhân tại ngũ đang được giao quản lý trang bị vũ khí của kho vũ khi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh TN. Căn cứ quy định tại Điều 392 Bộ luật Hình sự và mục 5 phần III Thông tư số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/08/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Trần Văn V thỏa mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự
Thứ ba, dấu hiệu về mặt hành vi khách quan của tội phạm phạm tội, theo tình huống đưa ra theo quy định của đơn vị, nhiệm vụ chính của thủ kho vũ khí là tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trang bị trong kho, ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi người vào kho, chìa khóa kho phải để và bảo quản đúng nơi quy định, khi ra về phải gửi lại bảo mật của đơn vị khi thủ kho vũ khí nghỉ phép hay đi công tác phải bàn giao lại chìa khóa kho vũ khí cho trợ lý kỹ thuật của đơn vị phải có biên bản giao nhận và xác nhận của chỉ huy đơn vị. Trần Văn V không thực hiện đúng đã quy định trên, thường xuyên không kiểm tra số lượng vũ khí trang bị trong kho cũng như không nắm được số người ra vào kho, nghiêm trọng hơn ngày 12/3/2020, Trần Văn V về nghỉ phép 1 tuần và tự ý đưa lại chìa khóa cho anh M. Việc giao nhận này không có biên bản giao nhận, cũng như không có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị. Khi trở lại đơn vị, V có nhận lại chìa khóa kho nhưng không kiểm tra lại số lượng vũ khí trang bị có trong kho.
Hậu quả là ngày 30/3/2020, đoàn kiểm tra cấp trên tiến hành kiểm tra thì phát hiện mất 07 khẩu súng ngắn. Trần Văn V không giải trình được thời gian và nguyên nhân mất 07 khẩu súng trên. Như vậy, về hành vi phạm tội, Trần Văn V đã vi phạm các quy định về quản lý, bảo quản, giữ gìn vũ khí quân dụng của đơn vị dẫn đến việc mất vũ khí của đơn vị mà Trần Văn V đang là thủ kho vũ khí người có trách nhiệm quản lý trực tiếp vũ khí bị mất. Hành vi của V đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự: “Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất”. Về lỗi V thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý do cẩu thả, V không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả làm mất vũ khí quân dụng mà mình có trách nhiệm quản lý mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Thứ tư, dấu hiệu hậu quả của tội phạm, theo hướng dẫn tại mục 6 phần III Thông tư số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/08/2003: “D1) Gây thiệt hại về vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc một trong các trường hợp sau được coi là gây hậu quả nghiêm trọng:
- Từ 3 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên”.
Căn cứ quy định trên, hành vi của Trần Văn V làm mất “07 khẩu súng ngắn” đã thỏa mãn dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng trong tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự.
Từ những phân tích trên cho thấy, Trần Văn V thỏa mãn đầy đủ các cấu thành của tội “Làm mất vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” theo quy định tại khoản 1 Điều 414 Bộ luật Hình sự.
Có ý kiến cho rằng , Trần Văn V phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự. Quan điểm này không chính xác vì các lý do sau:
Thứ nhất, đối tượng của tội phạm là vũ khí quân dụng tài sản đặc biệt của Nhà nước do lực lượng vũ trang quản lý không chịu sự điều chỉnh của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Điều này thể hiện rõ trong cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự: “ Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm”. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã loại trừ “Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 308 Bộ luật Hình sự).
Thứ hai, xét về hành vi khách quan và ý thức chủ quan thì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” giống với tội “Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định Điều 308 Bộ luật Hình sự. Ngay cả trong trường hợp hành vi khách quan thỏa mãn dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối tượng của tội phạm là vũ khí quân dụng cũng phải định tội danh về tội “Thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định Điều 308 Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, không thỏa mãn về dấu hiệu hậu quả của tội phạm, chỉ cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
“- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.
Tòa án Quân sự Quân khu 7 xét xử vụ án bảo kê trùm buôn lậu xăng dầu - Ảnh: Nguyễn Hưng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận