Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
Bài này xin trao đổi thêm đối với đánh giá về giá trị của Bộ luật Gia Long được viết trong bài “Pháp luật triều Nguyễn và một số giá trị cơ bản của nó” của tác giả Đỗ Việt Hà, đăng ngày 23/02/2024 trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.
1.Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ ,dưới đây xin gọi tắt là “bộ luật” ) được soạn thảo xong vào 1812 với bài Tựa của vua Gia Long và được khắc in, cho phát hành vào 1813. Năm 1820, vua Minh Mạng đã có Chiếu nói rằng bộ Hoàng Việt luật lệ “đối với pháp độ thì hợp mà đối với phong tục thì không hợp”. Vì lẽ đó, vua Gia Long “thường thường nhân từng việc mà thêm vào, bớt đi. Như năm Gia Long thứ 13 (1814), đặt thêm điều khoản về tội trộm cắp phải tội trượng, lưu. Năm thứ 16 (1817), đặt thêm điều khoản về thưởng cho kẻ nào cáo giác việc ẩn lậu số đinh. Năm thứ 17 ( 1818 ), đặt thêm điều khoản chuẩn cho tội lưu xuống làm tội đồ…” . Ý của Gia Long là sửa lại hết bộ luật, “nhưng vì bận nhiều công việc, chưa có thì giờ làm được”. Vì vậy, vua Minh Mạng muốn ông sẽ sửa chữa rồi cho in lại bộ luật.
Năm thứ 10 (1829) vua Minh Mạng lại có Dụ về việc sửa đổi bộ luật, cuối Dụ viết: “Nay chuẩn cho đình thần đem các điều khoản trong luật hết lòng bàn bạc, phải so sánh luật xưa để thi hành hiện nay thế nào cho được thỏa đáng, và có nên đặt ra một nơi để hội họp mà làm, hay chia đặt ra các chức quan từ chức tổng tài, toản tu trở xuống, để sửa chữa lại hay không, thì làm tờ tâu lên đợi chỉ thi hành. Phải kính theo Dụ này. Tuân theo lời Dụ, đình thần đã họp bàn, được Chỉ chuẩn cho mệnh quan sửa chữa lại, làm thành bản thảo tâu lên, giao Nội các và 6 bộ chia nhau duyệt lại”.
Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), có Chỉ Dụ chuẩn giao cho tòa Tam pháp [bộ Hình, Đại lý tự và viện Đô sát] hội đồng kiểm duyệt kỹ lại bộ Hình luật sửa chữa lại ấy.
Nhưng Tự Đức năm thứ nhất (1848), tòa Tam pháp dâng tập tâu xin nên tuân theo luật lệ của những năm Gia Long đã làm ra mọi lẽ. Vâng Chỉ Dụ rằng: “Bộ “Quốc triều luật lệ”, trước đây tuân chỉ dụ của tiên đế [vua Thiệu Trị] giao cho tòa ấy phải kiểm duyệt lại, là vì bộ luật lệ mới thêm ra, chưa từng được chuẩn cho tiếp tục thi hành. Nay bộ “Đại Nam hội điển” mới sửa định lại, đã kê rõ các Dụ Chỉ và nghị định về các năm để chuẩn định, cũng đủ theo đó mà làm. Vậy chuẩn cho y theo lời xin của Tam pháp ty mà thi hành. Phải kính theo Chỉ Dụ này.” (1)
Như vậy, ngay sau khi bộ luật được ban hành, chính vua Gia Long đã có những sửa chữa và có ý định sửa đổi toàn bộ bộ luật, nhưng chưa thực hiện được. Theo như Chỉ Dụ của vua Tự Đức dẫn ở trên, có thể hiểu, vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị đã hoàn thành việc sửa đổi bộ luật nhưng chưa chuẩn cho thi hành. Chỉ Dụ cũng chuẩn cho thi hành bộ Đại Nam hội điển mới sửa định lại.
2. Bộ Đại Nam hội điển (tên gọi đầy đủ là Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ) gồm 262 quyển, là bộ sách ghi chép tất cả các dụ chỉ, sắc lệnh, chiếu chỉ v.v... đã đem thi hành kể từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Tự Đức thứ tư (1851). Trong đó từ quyển 179 đến quyển 204 biên soạn về hình luật, bao gồm phần Danh lệ và đủ 398 điều luật như Bộ luật, phần lớn các điều luật cũng trình bày gồm ba mục nhưng sửa đổi khác so với Bộ luật. Xin lấy thí dụ Điều 340 Bộ luật viết :
Quan lại ở đêm với con hát
Phàm quan lại văn võ ở đêm với con hát, phạt 60 trượng (đem con hát theo tiệc rượu cũng bị tội theo luật này). Người mưu cho cuộc họp, giảm 1 bực. Nếu con cháu quan viên (được tập ấm ) ở đêm với con hát, tội cũng vậy.
Giải thích: Con hát là hạng phụ nữ vui chơi. Quan lại văn võ ở đêm với họ tuy không phải là gian so ra cũng hoen vết hành vi, nên phạt 60 trượng, người mưu gây cuộc vui, giảm 1 bực tội, phạt 50 roi. Nếu con cháu quan văn võ được tập ấm mà ở đêm với con hát thì tội cũng vậy.
Điều lệ :
Giám sinh, sinh viên chơi bời uống rượu, coi thường sư trưởng không giữ giám quy, học hiệu và đem con hát ra vào quan phủ, bài bạc, khởi giảm đơn thưa kiện, nói tội lấy tiền, bao thâu nhiều việc. Các hạng như vậy thì cho về làm dân, trị tội; có tang vật thì kể tang vật buộc tội nặng.(2)
Bộ Đại Nam hội điển viết :
Quan lại ngủ với gái điếm
Phàm quan lại (dù văn hay võ) mà ngủ với gái điếm thì xử phạt 60 trượng, uống rượu với gái điếm cũng phạm vào luật này. Người mối lái thì xử kém tội kẻ can phạm 1 bậc. Nếu con cháu các quan viên (đáng được tập ấm) mà ngủ với gái điếm cũng phải xử tội như thế.
Phụ chép các điều về luật này Giám sinh, sinh viên , người nào tính phóng đãng thích uống rượu, cậy thế lấn át người sư trưởng, không giữ quy chế nhà trường, quy chế việc học, cặp kè với gái điếm, cờ bạc, ra vào nơi quan phủ, bới ra hay dập đi các việc kiện cáo, lo hộ việc, đưa hộ tiền, nhận khoán các vật liệu v.v…, thì xử đuổi về làm dân và đều trừng trị về tội đã can phạm; nếu có lấy được tiền của, thì tính số tang theo mức nặng trị tội .
Sự lệ các năm đã định ra
Minh Mạng năm thứ 8, chuẩn y lời đình nghị như sau: Các quan lại ngủ với gái điếm, tuy không ví như tội gian dâm, nhưng phẩm hạnh đã kém, nên xử phạt 80 trượng để làm răn. Kẻ mối lái xử kém 2 bậc phạt 60 trượng. Lại nữa con cháu các quan viên được tập ấm, tuy không ví như quan đương chức, nhưng cũng có vết nhơ đến phẩm hạnh, nên xử kém tội của quan lại 2 bậc.(3)
Ví dụ trên cho thấy điều luật đã được trình bày lại với lời văn rõ ràng, dễ hiểu hơn và mục “Sự lệ” đã sửa đổi điều luật trước của bộ luật. Đáng chú ý là có quy định ở mục này còn chuẩn cho thi hành luật nhà Thanh, chẳng hạn ở điều luật Lệ gia tội nặng lên, hay giảm tội nhẹ xuống (như tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt, như cách nói hiện nay), năm Tự Đức thứ nhất (1848), “đã chuẩn cho tham khảo vào tắc lệ của nhà Thanh mà luận tội” (4) (tắc lệ là thể lệ,nguyên tắc) . Có thể thấy các quy định ở mục “Sự lệ” có hiệu lực như luật, việc nào đã được quy định ở mục này thì sẽ áp dụng thay cho luật (5) . Đại Nam hội điển cho thấy phần lớn các điều luật của bộ luật đều được sửa đổi lại, một số ít điều không sửa đổi thì cũng được viết lại rõ ràng hơn .
3. Sau bộ Đại Nam hội điển, năm Thành Thái thứ nhất (1889), triều đình lại sai soạn tiếp Hội điển từ 1852 trở về sau theo thể lệ cũ, đến năm Thành Thái thứ 7 (1895) thì hoàn thành. Bộ Hội điển này bao gồm các chỉ dụ… từ năm Tự Đức thứ 5 (1852) đến Thành Thái thứ nhất (1889), được gọi là Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, các quyển từ 38 đến 43 là về Bộ Hình. Khác với bộ Đại Nam hội điển, ở bộ tục biên này chỉ ghi tên điều luật và ngay dưới là ghi chép các dụ chỉ, nghị định giải quyết những vụ việc cụ thể để các nha môn áp dụng trong thực tiễn, hoàn toàn không chép lại quy định của bộ luật Gia Long.
Với những dẫn chứng ở trên, cho thấy Bộ luật Gia Long chỉ như là bộ khung luật pháp, còn thực tế thì các “lệ “mới là “luật” được áp dụng. Đúng như ông Vũ Quốc Thông nhận xét: “Bộ luật Gia Long vì rập theo bộ luật nhà Mãn Thanh, nên bỏ hết những điều đặc biệt trong pháp chế cũ (thí dụ những điều về quyền lợi cá nhân) và chỉ chú trọng tới các vấn đề liên can đến trật tự công xã hội.
Do đó đã xảy ra tình trạng sau đây, là người dân Việt thời Nguyễn gần như sống ngoài lề Bộ luật Gia Long và vẫn tiếp tục theo các tập quán cổ truyền đời Lê được di lưu lại “(6). Và ông Lê Thành Khôi cũng nhận xét bộ luật Gia Long “… có nhiều điều khoản đi ngược lại truyền thống và phong tục, nên ngay từ buổi đầu, đã không được áp dụng hoặc nhanh chóng bị xếp xó “.(7)
Với Hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, nước ta trở thành thuộc địa của Pháp, nhiều bộ luật đã được người Pháp soạn thảo và ban hành ở nước ta. Ở Nam Kỳ có Bộ Dân luật giản yếu 1883 và Bộ Hình luật tu chính 1912 được áp dụng cho người Việt Nam ở Nam kỳ.
Ở Bắc Kỳ có các bộ luật Bắc Kỳ pháp viện biên chế, Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự và thương sự ban hành năm 1921 và 1922 cùng các luật Dân sự -t hương sự lệ phí – giá mục, Hình sự lệ phí – giá mục năm 1922, Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931.
Ở Trung kỳ có các bộ luật Hoàng Việt hình luật năm 1933, Bộ Dân luật Trung kỳ 1936, các bộ luật tố tụng được ban hành năm 1935.
Với việc ban hành các bộ luật nói trên, Bộ luật Gia Long đã không còn hiệu lực trên đất nước Việt Nam nữa. Cũng nói thêm rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chính phủ lâm thời nước VNDCCH đã ban hành Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 cho giữ tạm thời nhiều trong số các luật này, nếu những “luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”.
Như vậy, nếu tác giả Đỗ Việt Hà nhận định bộ luật Gia Long “…có sức ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của xã hội đương thời và có giá trị rất lớn đối với sự phát triển của luật pháp đương đại”, thì quả là chưa thỏa đáng.
Có lẽ, bài học đắt giá nhất của Bộ luật Gia Long là việc nhập khẩu một bộ luật thì chắc chắn bộ luật nhập khẩu ấy sẽ sớm bị xếp xó.
(1) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 11, Nxb Thuận Hóa –Huế, 1993, tr 162,163.
(2) Bộ luật Gia Long, Nxb Văn hóa –Thông tin 1994, tr 916, 917.
(3) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 12, Nxb Thuận Hóa - Huế 1993, tr 341, 342.
(4) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 11, Nxb Thuận Hóa - Huế 1993, tr 147.
(5) Xem thêm : Ngô Cường, Lệ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tạp chí TAND điện tử ngày 25-10-2020.
(6) Vũ Quốc Thông,Pháp chế sử Việt Nam, Tủ sách đại học Sài gòn 1968,tr 395.
(7) Lê Thành Khôi , Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nhã Nam- Thế giới xb 2014, tr420.
Mộc bản và bản dập cuốn Hoàng Việt luật lệ
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận