Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu
Pháp luật hiện hành đang quy định có thể giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu nếu không có yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cũng đang có nhận thức khác nhau nên trong quá trình giải quyết.
1.Giao dịch dân sự vô hiệu và hợp đồng vô hiệu
Thực tiễn xét xử tranh chấp dân sự ở Việt Nam (bao gồm cả tranh chấp kinh doanh – thương mại, lao động) trong nhiều năm qua, có hiện tượng là số lượng các vụ án tranh chấp hợp đồng vô hiệu cao gấp nhiều lần các vụ án tranh chấp hợp đồng có hiệu lực. Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng có hiệu lực thì lại nhiều gấp nhiều lần quy định về giải quyết hợp đồng vô hiệu. Có thời kỳ còn không có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu mà áp dụng hoàn toàn các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu (thời kỳ thi hành BLDS năm 1995). Tình hình này dẫn đến tình trạng có nhận thức và áp dụng không chính xác những quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu.
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo quy định tại Điều 116 BLDS thì “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, hợp đồng là một loại giao dịch dân sự. Vì vậy, khi có những quy định riêng về hợp đồng thì áp dụng những quy định riêng, khi không có những quy định riêng thì phải áp dụng những quy định chung về giao dịch dân sự.
Hợp đồng là giao dịch dân sự có đặc trưng là giao dịch nhiều bên (ít nhất là hai bên) và phải có sự “thỏa thuận”. Cần lưu ý đặc trưng này để xác định thời điểm xác lập hợp đồng – một dấu hiệu quan trọng để xác định luật áp dụng (luật áp dụng là luật có hiệu lực ở thời điểm xác lập giao dịch). Thừa kế cũng là một giao dịch dân sự nhiều bên nhưng không đòi hỏi phải có thỏa thuận nên thời điểm xác lập giao dịch là thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Lập di chúc hay hứa thưởng là giao dịch dân sự đơn phương nên thời điểm xác lập giao dịch là thời điểm ký vào di chúc (di chúc viết) hay thời điểm công khai thông tin hứa thưởng. Đối với hợp đồng thì phải đến khi có sự thỏa thuận mới là có hợp đồng. Đó là thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, thời điểm xác lập hợp đồng là thời điểm giao kết hợp đồng. Thời điểm giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 400 BLDS và có quy định cụ thể với mỗi loại hình thức hợp đồng (như hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung hợp đồng; hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên cuối cùng ký vào văn bản).
Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm xác lập hợp đồng nhưng thời điểm giao kết hợp đồng không đồng nhất với khái niệm thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được quy định ở Điều 401 BLDS). Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà có hiệu lực ở thời điểm công chứng, nếu đã công chứng mà có tranh chấp là tranh chấp hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng mua bán nhà đã được ký nhưng chưa được công chứng, nếu có tranh chấp là tranh chấp hợp đồng vô hiệu. Nếu văn bản mới chỉ có chữ ký một bên thì là trường hợp chưa có hợp đồng. Việc giải quyết tranh chấp đối với trường hợp chưa có hợp đồng không áp dụng các quy định về hợp đồng vô hiệu mà phải áp dụng các quy định khác về nghĩa vụ dân sự.
2.Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
Theo quy định tại Điều 122 BLDS thì giao dịch dân sự vô hiệu là “Giao dịch không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117”. Theo các quy định tại Chương VIII (Giao dịch dân sự) về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch sẽ bị “tuyên bố vô hiệu” chứ không có quy định “hủy giao dịch”.
Theo quy định của BLDS thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu được áp dụng cho hợp đồng vô hiệu (Điều 407). Vì vậy, đối với hợp đồng vô hiệu thì cũng phải “tuyên bố hợp đồng vô hiệu”. Một số bản án tuyên “hủy hợp đồng vô hiệu” là không đúng vì “hủy hợp đồng” hay “chấm dứt hợp đồng” là chế tài dành cho tranh chấp hợp đồng có hiệu lực.
Quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu cũng được áp dụng cho hợp đồng vô hiệu. Theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 688 BLDS thì các giao dịch được xác lập trước ngày BLDS có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Vì vậy, đối với việc xác định thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì không phải áp dụng pháp luật ở thời điểm xác lập mà chỉ áp dụng quy định của BLDS.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 132 BLDS, trong đó có một quy định mới rất quan trọng là: “Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực”. Như vậy, một hợp đồng chỉ vô hiệu về hình thức, sau 2 năm kể từ ngày giao kết không có yêu cầu tuyên bố vô hiệu thì sẽ có hiệu lực mà không cần phải tiếp tục hoàn thiện về hình thức. Chỉ có 2 trường hợp quy định ở khoản 3 Điều 132 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự không bị hạn chế, đó là trường hợp vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS) và trường hợp vô hiệu do “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” (Điều 123 BLDS).
Cần lưu ý là không phải cứ “vi phạm điều cấm của luật” là trường hợp vi phạm thuộc Điều 123 BLDS (là trường hợp không bị hạn chế về thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu). Ví dụ: Hợp đồng mua bán nhà ở thì pháp luật quy định là phải có công chứng (khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014). Một hợp đồng mua bán nhà ở chưa có công chứng, dù không có các vi phạm khác thì vẫn là vi phạm quy định của Luật Nhà ở. Theo quy định của khoản 9 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 thì “Thực hiện các giao dịch mua bán…không đúng quy định của Luật này” là “hành vi bị nghiêm cấm”. Do đó, hợp đồng mua bán nhà không có công chứng là một trường hợp “vi phạm điều cấm của luật”. Tuy nhiên, lại không phải là trường hợp quy định tại Điều 123 BLDS vì là vi phạm về hình thức của hợp đồng chứ không phải “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật”.
3.Giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu
3.1. Quy định chung về giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 BLDS. Khoản 1 Điều 131 là quy định có tính nguyên tắc chung cho việc xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, đó là: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập”. Như vậy, khi hợp đồng vô hiệu là mọi thỏa thuận coi như không có, khác với trường hợp “chấm dứt hợp đồng” là trường hợp trước thời điểm chấm dứt hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực, các thỏa thuận của các bên vẫn có giá trị bắt buộc với các bên đến khi chấm dứt hợp đồng, việc thi hành đúng hợp đồng trước thời điểm chấm dứt hợp đồng phải được tôn trọng.
Khoản 2 Điều 131 BLDS quy định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Theo quy định của khoản 2 này thì việc trả lại hiện vật là ưu tiên, không thể trả bằng hiện vật thì mới trả tiền. Trong thực tế, nhiều khi tài sản không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận, được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý. Đó là hướng xử lý phù hợp với nguyên tắc quy định ở khoản 1 Điều 131 BLDS.
Khoản 3 Điều 131 BLDS quy định: “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”. Đây là một quy định mới so với BLDS năm 2005. Khái niệm hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 109 BLDS. Cần lưu ý phân biệt lợi tức là “khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản” với giá trị tăng thêm của tài sản do thị trường. Ví dụ: A bán một ngôi nhà cho B. B nhận nhà và trả đủ tiền mua nhà 5 tỷ đồng. B cho thuê nhà trong một năm được 150 triệu đồng. Sau một năm, A và B xác định hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, giá nhà tăng lên là 7 tỷ đồng. Như vậy, lợi tức mà B được hưởng khi giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là 150 triệu đồng chứ không phải là chênh lệch giá nhà 2 tỷ đồng.
Khoản 4 Điều 131 BLDS quy định: “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trong thực tiễn xét xử, việc xác định lỗi đang có một số nhầm lẫn. Lỗi là lỗi đối với thiệt hại nhưng cụ thể trong giao dịch vô hiệu thì thiệt hại là gì và xác định lỗi như thế nào. Thiệt hại vẫn xác định theo những quy định chung về xác định thiệt hại nhưng từ Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán thì thiệt hại từ giao dịch vô hiệu còn bao gồm chênh lệch giá tài sản từ thời điểm giao dịch đến thời điểm giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hợp đồng chính vô hiệu nhưng những thỏa thuận về biện pháp bảo đảm có thể không vô hiệu nên Nghị quyết 01/2003 nêu trên đã quy định chỉ khi “không có đặt cọc và các bên không có thỏa thuận khác… thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch…”. Việc xác định lỗi cũng được hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP. Từ giá trị pháp lý của giao dịch vô hiệu quy định ở khoản 1 Điều 131 cho thấy mọi thỏa thuận trong hợp đồng là không có giá trị ràng buộc (trừ các thỏa thuận về biện pháp bảo đảm) nên không thể xác định lỗi căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng. Lỗi được xác định là lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu chứ không phải là lỗi vi phạm hợp đồng.
Ví dụ: M trúng đấu giá một lô đất. Tuy M chưa trả tiền, chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng ngày 15/01/2017 đã lập hợp đồng chuyển nhượng đất cho N với giá 5 tỷ đồng. Hợp đồng có điều khoản quy định N phải giao cho M 3 tỷ vào ngày 30/01/2017 và trả nốt 2 tỷ vào 30/6/2017. Thực tế, ngày 15/2/2017, N mới giao cho M 3 tỷ đồng và đến 30/9/2017 mới giao cho M đủ 5 tỷ đồng. M cho rằng N đã vi phạm hợp đồng, giá đất đã tăng, nên yêu cầu trả thêm tiền. N không đồng ý trả thêm tiền. Đến 15/01/2019, N khởi kiện, yêu cầu tuyên bố hợp đồng ngày 15/01/2017 vô hiệu, buộc M trả lại 5 tỷ đồng và bồi thường toàn bộ chênh lệch giá (giá đất ở thời điểm năm 2019 là 9 tỷ đồng). M đồng ý tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không đồng ý bồi thường thiệt hại vì cho rằng N có lỗi vi phạm hợp đồng về thời gian trả tiền nên làm phát sịnh tranh chấp.
Đây là trường hợp hợp đồng vô hiệu do bên chuyển nhượng (M) chưa phải là chủ sử dụng đất hợp pháp nên vi phạm là vi phạm về nội dung hợp đồng. Trường hợp này, cả bên chuyển nhượng (M) và bên nhận chuyển nhượng (N) đều có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu. Vì hợp đồng vô hiệu nên việc N trả tiền chậm cũng không bị coi là có lỗi; N có trả tiền đúng hẹn thì hợp đồng vẫn vô hiệu. Do đó, M không thể lấy cớ N vi phạm hợp đồng để từ chối bồi thường. Ngược lại, N cũng biết rõ M chưa đủ điều kiện là chủ sử dụng hợp pháp mà vẫn ký hợp đồng với M nên N cũng có lỗi ngang với lỗi của M. Vì vậy, N chỉ được trả lại tiền đã giao (5 tỷ đồng) và một nửa chệnh lệch giá về quyền sử dụng đất (2 tỷ đồng).
3.2. Về phần hậu quả giao dịch vô hiệu chưa có yêu cầu giải quyết
Theo quy định của pháp luật thì việc giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu là khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, có những vấn đề phát sinh sau khi giao nhận tài sản. Do đó, ngoài việc trả lại tài sản còn phải giải quyết những vấn đề phát sinh là sự thay đổi của tài sản, hoa lợi, lợi tức của tài sản, bồi thường thiệt hại.
Có vấn đề đặt ra trong thực tiễn xét xử là có buộc phải cùng giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu với tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Có quan điểm cho rằng Điều 131 đã quy định rõ “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” nên hậu quả của giao dịch vô hiệu phải được giải quyết trong cùng một vụ án với việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Đã có một số bản án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, thậm chí có cả quyết định giám đốc thẩm hủy bản án của tòa án cấp dưới vì lý do tuyên bố giao dịch vô hiệu mà không giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu.
Thực tế, pháp luật đang quy định không bắt buộc phải giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu trong cùng một vụ án.
Khoản 3 Điều 27 chương III Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án đã quy định:
“3. Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
a) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đấtvô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồngphải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồngmua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.”.
Theo quy định từ khoản 3 nêu trên thì có vụ án Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Quy định này của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là pháp điển hóa các hướng dẫn trước đây của Tòa án nhân dân tối cao (khoản 3 Điều 17 Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Quy định “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” là quy định của pháp luật nội dung, xác định quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể tham gia giao dịch dân sự. Quy định của pháp luật nội dung là để các chủ thể biết các quyền, nghĩa vụ dân sự mà thực hiện, không phải cứ có quy định thì cơ quan nhà nước hay Tòa án phải can thiệp. Quy định “Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường” không có nghĩa cứ có thiệt hại là Tòa án quyết định về bồi thường khi không có ai yêu cầu. Do đó, đã có quy định về quyền dân sự, nghĩa vụ dân sự của pháp luật nội dung nhưng khi cần bảo vệ quyền dân sự bằng trình tự Tòa án thì phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng.
Khoản 1 Điều 5 BLTTDS đã quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Nội dung nguyên tắc này cũng đã được quy định từ BLTTDS năm 2004 (khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2004). Như vậy, quy định về việc Tòa án có thể giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không đồng thời giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu có cơ sở pháp lý là tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 5 BLTTDS.
Quy định Tòa án có thể giải quyết tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không đồng thời giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu còn có cơ sở thực tiễn là:
Phần lớn các trường hợp yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì người yêu cầu (nguyên đơn) không phải là người tham gia vào giao dịch dân sự vô hiệu mà họ chỉ là người có quyền lợi đối với đối tượng giao dịch. Ví dụ: Một đồng chủ sở hữu tự ý bán tài sản thuộc sở hữu chung. Người có quyền lợi bị xâm phạm là những người đồng chủ sở hữu không tham gia vào việc bán tài sản. Khi khởi kiện yêu cầu tuyên bố việc bán tài sản là giao dịch vô hiệu, nguyên đơn chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình là mong được tuyên bố giao dịch vô hiệu, không quan tâm đến việc các bên mua bán trả lại tiền, bồi thường thiệt hại cho nhau thế nào. Trong khi đó, các bên tham gia vào giao dịch vô hiệu đều không muốn bị tuyên giao dịch vô hiệu nên ngoài việc không đồng ý tuyên bố giao dịch vô hiệu thì họ không hợp tác, gây khó khăn cho việc giải quyết như không yêu cầu giải quyết hậu quả, không khai báo về giá cả, không cho thẩm định thực tế, làm thay đổi hiện trạng tài sản…Do vậy, nếu không quy định có thể giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không đồng thời với giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu thì sẽ không bảo vệ được kịp thời quyền dân sự hợp pháp.
Thực tế có nhiều trường hợp họ không yêu cầu giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu không phải vì lý do chống đối việc giải quyết. Họ chỉ cần Tòa án phán quyết giao dịch vô hiệu hay có hiệu lực, nếu vô hiệu họ sẽ tự giải quyết hậu quả với nhau và không phải chịu án phí. Trong giao dịch về kinh doanh, thương mại, giá trị tài sản có thể rất lớn nhưng việc trả lại tài sản lại rất dễ dàng thì họ càng phải cân nhắc việc có cần Tòa án can thiệp hay không để tránh một khoản án phí rất lớn. Và đó cũng là xử xự hợp pháp phù hợp với nguyên tắc “tự định đoạt” của đương sự quy định tại Điều 5 BLTTDS.
Riêng đối với những tranh chấp về chia tài sản chung (bao gồm cả chia thừa kế), đòi lại tài sản, có liên quan đến giao dịch vô hiệu thì phải coi là một yêu cầu kép, trong đó có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Ví dụ: X yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà mà Y đã bán cho Z thì phải coi là X đã có yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, yêu cầu buộc Z trả lại nhà, yêu cầu chia thừa kế ngôi nhà. Do đó, X phải làm thủ tục là nguyên đơn đối với cả ba yêu cầu nêu trên. Nếu Z có yêu cầu bồi thường thiệt hại từ giao dịch vô hiệu thì đó là yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì nó không trùng với phạm vi phải giải quyết từ yêu cầu của nguyên đơn.
Pháp luật hiện hành đang quy định có thể giải quyết yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu mà không giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu nếu không có yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế cũng đang có nhận thức khác nhau nên trong quá trình giải quyết, Tòa án phải làm rõ việc các đương sự có yêu cầu giải quyết hậu quả giao dịch dân sự vô hiệu hay không.
Làm thủ tục công chứng hợp đồng tại phòng công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
10 Bình luận
Nguyễn Quốc Trung
22:30 09/01.2025Trả lời
4 phản hồi
trần thanh long
22:30 09/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Đùa Tí Thôi
22:30 09/01.2025Trả lời
Duy
22:30 09/01.2025Trả lời
Nguyễn Anh Vũ
22:30 09/01.2025Trả lời
Ngân
22:30 09/01.2025Trả lời
minhluan
22:30 09/01.2025Trả lời
1 phản hồi
Nguyễn Hạnh
22:30 09/01.2025Trả lời
Bùi Xuân Hải
22:30 09/01.2025Trả lời
Gia Trinh
22:30 09/01.2025Trả lời