Về thời điểm phát sinh và căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Bài viết phân tích việc áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn giải quyết vụ án liên quan đến quan hệ giữa cha mẹ và con, đặc biệt là về thời điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, thời điểm chấm dứt việc nuôi con nuôi, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, trong đó có trẻ em.
1. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Hiện nay, việc xác định thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong các vụ án tranh chấp về xác định cha mẹ và con còn nhiều bất cập. Theo pháp luật hôn nhân và gia đình, khi các bên không tự nguyện nhận con thì việc xác định cha, mẹ, con sẽ thực hiện tại Tòa án; hoặc trong thời kỳ hôn nhân, nếu chồng nghi ngờ con do vợ sinh ra không phải là con của mình thì có thể yêu cầu Tòa án xác định lại quan hệ cha, mẹ và con, nếu Tòa án xác định có quan hệ cha con thì quan hệ đó được xác nhận về mặt pháp lý. Vấn đề đặt ra là: Cha phải thực hiện cấp dưỡng cho con từ thời điểm nào?
Ví dụ: Sau khi sinh con, mẹ yêu cầu xác định cha cho con và yêu cầu cha cấp dưỡng cho con. Tòa án xác định có mối quan hệ cha con và cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con kể từ khi con được sinh ra. Cụ thể: Chị D và anh C chung sống như vợ chồng và có một con chung là cháu Lê Gia P sinh năm 2014. Năm 2017, anh C và chị D đã chấm dứt việc sống chung. Chị D muốn xác định anh C là cha của cháu P và yêu cầu anh C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu P từ ngày 12/01/2014 (ngày cháu P được sinh ra) cho đến khi cháu P thành niên. Anh C cũng thừa nhận giữa anh và chị D có quan hệ chung sống như vợ chồng và có con chung là cháu P. Anh C đã muốn nhận con nhưng chị D không đồng ý, khi khai sinh cho con, cháu P mang họ mẹ. Anh C đồng ý cấp dưỡng cho cháu P nhưng việc cấp dưỡng kể từ ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con) cho đến khi cháu P trưởng thành (đủ 18 tuổi).
Có quan điểm cho rằng, việc anh C phải cấp dưỡng cho con từ ngày cháu P được sinh ra (12/01/2014) theo số tiền tương ứng hàng tháng là hợp lý. Bởi lẽ, theo khoản 24 Điều 3, các điều 82, 83, 107, 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vì lợi ích của đứa trẻ, nếu không chấp nhận yêu cầu của chị D về việc anh C phải cấp dưỡng cho cháu P từ ngày cháu P được sinh ra đến ngày chị D làm đơn yêu cầu khởi kiện cấp dưỡng cho con là không phù hợp. Do đó, anh C phải cấp dưỡng cho con từ khi con được sinh ra cho đến ngày chị D khởi kiện với một số tiền cụ thể; kể từ ngày 12/10/2017 (ngày chị D khởi kiện), anh C phải cấp dưỡng cho con theo định mức hàng tháng.
Tuy nhiên, theo tác giả, việc căn cứ vào các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để xác định việc cấp dưỡng của cha mẹ đối với con phải thực hiện từ khi con được sinh ra là chưa đủ cơ sở chắc chắn. Khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một trong các điều kiện cấp dưỡng là giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng phải có quan hệ huyết thống, không sống cùng nhau. Trong khi đó, trước ngày chị D khởi kiện, anh C chưa được chị D đồng ý nên anh C không thể nhận con, giấy khai sinh của cháu P chỉ có tên mẹ và cháu P mang họ mẹ; do đó, về mặt pháp lý, anh C không có quyền và nghĩa vụ đối với cháu P. Điều 82 và Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định về việc người cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm con được sinh ra.
Xét về mặt thực tế, khi đứa trẻ ra đời, ngay lập tức sẽ thiết lập các mối quan hệ với gia đình, trong đó có cha mẹ, anh chị em, ông bà…, nhưng về mặt pháp lý, các mối quan hệ đó chỉ được pháp luật điều chỉnh khi đứa trẻ được khai sinh và xác định cha mẹ cho mình. Nếu vợ chồng có hôn nhân hợp pháp thì họ tên vợ chồng mặc nhiên được ghi vào giấy khai sinh cho con do vợ sinh ra. Nếu hai bên nam nữ không có hôn nhân hợp pháp mà chỉ chung sống với nhau như vợ chồng và người nữ sinh con thì khi khai sinh cho con, không đương nhiên họ tên hai bên nam nữ được ghi vào giấy khai sinh của con, mà chỉ ghi họ tên mẹ. Cha muốn nhận con thì phải có sự đồng ý của mẹ và phải thông qua thủ tục đăng ký nhận con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật hộ tịch năm 2014.
Theo tác giả, trong vụ việc này, chỉ khi có bản án của Tòa án xác định anh C là cha của cháu P thì anh C mới có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu P. Tuy nhiên, giả sử anh C được nhận con từ khi con được sinh ra và đã nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho con nhiều năm thì anh C phát hiện cháu P không phải con của mình, hoặc có một người đàn ông khác yêu cầu xác định cháu P là con của người đó và được Tòa án xác định, thì anh C có thể đòi lại toàn bộ tài sản đã nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho cháu P từ chị D hay từ người đàn ông là cha ruột của cháu P hay không; chị D có quyền đòi người đàn ông được xác định là cha ruột của cháu P một phần hai số tiền đã nuôi dưỡng, chăm sóc cháu P, nếu anh C không có thu nhập nuôi cháu P hay không? Các vấn đề này chưa được pháp luật quy định cụ thể, dẫn đến việc Tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ việc trên thực tế.
Về mặt lý luận, chỉ khi một quan hệ được xác lập về mặt pháp lý thì giữa họ mới phát sinh quyền và nghĩa vụ; khi có căn cứ chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ đó sẽ chấm dứt theo. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, anh C chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu P kể từ khi Tòa án xác định anh C là cha của cháu P bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và giấy khai sinh của cháu P được bổ sung phần họ tên cha là anh C. Theo đó, cần xác định việc chị D yêu cầu anh C phải cấp dưỡng cho cháu P từ thời điểm cháu P được sinh ra là một yêu cầu hiện không có luật áp dụng, nên có thể áp dụng phong tục tập quán ở địa phương hoặc lẽ công bằng để giải quyết.
2. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi theo Luật nuôi con nuôi năm 2010
Về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
“1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này”.
Có thể thấy, căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi rất đa dạng, mục đích chủ yếu là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của con nuôi, đặc biệt là con nuôi chưa thành niên. Chỉ có duy nhất một căn cứ là ưu tiên sự thỏa thuận của hai bên trong quan hệ nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên. Tuy nhiên, thực tế, phát sinh những vụ việc yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi mà căn cứ không được quy định tại Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010.
Ví dụ: Năm 2015, bố mẹ đẻ của cháu H cho cháu H đi làm con nuôi, việc nuôi con nuôi được thực hiện theo đúng thủ tục luật định. Mẹ nuôi của cháu H là chị gái ruột của bố đẻ cháu H. Đây là trường hợp bác ruột nhận cháu ruột làm con nuôi. Năm 2019, bố mẹ nuôi có đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Có quan điểm cho rằng: Cháu H có nguyện vọng về ở với bố mẹ đẻ để có điều kiện chăm sóc và hỗ trợ các em ăn học, được bố mẹ nuôi là ông T, bà Q và bố mẹ đẻ là anh A, chị B đồng ý, nên ông T, bà Q mong muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi là tự nguyện, phù hợp với Điều 78 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010. Do đó, cần chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi của ông T, bà Q với cháu H; quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi có hiệu lực.
Tác giả không đồng tình với quan điểm trên, bởi lẽ không có cơ sở pháp lý áp dụng Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010 để giải quyết vụ việc này. Theo nội dung vụ việc, bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ thỏa thuận cùng với sự đồng ý của con nuôi để chấm dứt việc nuôi con nuôi. Thời điểm yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là năm 2019, con nuôi sinh năm 2003 nên con nuôi lúc đó mới 16 tuổi. Vì vậy, vụ việc không thuộc trường hợp được điều chỉnh tại khoản 1 Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010 “cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”. Tòa án cần bác đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong vụ việc này mới đúng quy định của pháp luật; đồng thời, cần giải thích cho các đương sự đến khi con nuôi thành niên sẽ cùng với cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi theo khoản 1 Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010.
3. Một số kiến nghị đề xuất
Thứ nhất, Luật nuôi con nuôi năm 2010 cần bổ sung căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi là: Có sự tự nguyện thoả thuận chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ vì lợi ích của con nuôi chưa thành niên.
Thứ hai, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cần quy định rõ thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con theo hướng: Nghĩa vụ, quyền của cha mẹ và con phát sinh kể từ khi con được sinh ra (mẹ có giấy chứng sinh hoặc có văn bản thỏa thuận mang thai hộ; có giấy đăng ký kết hôn); đối với quan hệ cha con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, thì quan hệ mẹ con được xác định tương tự như việc người mẹ có hôn nhân hợp pháp, còn quan hệ cha con chỉ phát sinh khi người cha được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu quan hệ giữa cha mẹ và con được xác định lại, thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con sẽ chấm dứt khi có quyết định của Tòa án xác định giữa họ không có quan hệ cha mẹ và con, quyết định này không có hiệu lực hồi tố đối với quãng thời gian mà họ được xác định là cha, mẹ, con.
Theo Kiemsat.vn
Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử vụ án ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn- Ảnh: TL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận