Đình chỉ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Đình chỉ vụ án hình sự là việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án tạm dừng hoặc kết thúc việc giải quyết vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ do BLTTHS quy định[1]. Như vậy, việc đình chỉ vụ án hình sự có thể xảy ra ở giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử vụ án hình sự.
Trong đó, việc đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra được gọi là “đình chỉ điều tra” vụ án hình sự hoặc “đình chỉ điều tra đối với bị can”; việc đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố và chuẩn bị xét xử được gọi là “đình chỉ vụ án hình sự’ hoặc “đình chỉ vụ án hình sự đối với bị can”. Đình chỉ vụ án khác với không khởi tố vụ án hình sự, bởi lẽ:
Thứ nhất, đối tượng của đình chỉ là vụ án hình sự (là vụ việc phạm tội đã được khởi tố vụ án hình sự, có thể đã hoặc chưa khởi tố bị can đang bị điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử nhưng chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử); Còn đối tượng của việc không khởi tố vụ án hình sự là sự việc phạm tội bị tố giác, báo tin hoặc kiến nghị khởi tố;
Thứ hai, hậu quả của việc đình chỉ vụ án là vụ án bị dừng hoặc kết thúc việc giải quyết vụ án hình sự; còn hậu quả của việc không khởi tố vụ án hình sự là kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo hoặc kiến nghị khởi tố và sự việc phạm tội bị tố giác, báo tin hoặc kiến nghị khởi tố không trở thành vụ án hình sự để điều tra theo quy định của BLTTHS.
Việc đình chỉ vụ án hình sự trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử (chuẩn bị xét xử) có thể có một số điểm giống nhau về căn cứ và chắc chắn khác nhau về thẩm quyền và một số căn cứ khác theo quy định của BLTTHS. Theo đó:
- Việc đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự[2]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 BLTTHS, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của BLHS; đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Trong đó:
+ Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS là trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, trừ trường hợp có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố vụ án trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Đây là căn cứ đình chỉ điều tra đối với vụ án hình sự đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nay người đó rút yêu cầu. Vụ án hình sự chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thải tinh thần bị kích động mạnh, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, tội hiếp dâm, tội cướng dâm, tội làm nhục người khác và tội vu khống quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 BLHS. Đối với các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các điều khoản nêu trên, thì vụ án được coi là khởi tố đúng thủ tục do BLTTHS quy định khi trong hồ sơ có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại có thể được thể hiệu dưới dạng văn bản (Đơn yêu cầu khỏi tố vụ án hình sự) hoặc dưới dạng lời nói. Trường hợp yêu cầu được thể hiện dưới dạng lời nói, thì cơ quan điều tra hoặc cơ quan tiếp nhận sự việc phải lập biên bản ghi nhận yêu cầu của họ về việc khởi tố vụ án hình sự. Do vậy, vụ án hình sự về một trong các tội phạm quy định tại khoản 1 của các điều luật nêu trên sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi trong hồ sơ vụ án không có đơn yêu cầu hoặc biên bản ghi nhận yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án hình sự về một trong các tội phạm nêu trên nhưng không thuộc diện quy định tại khoản 1 của các điều luật này sẽ không bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu trong hồ sơ vụ án không có đơn yêu cầu hoặc biên bản ghi nhận yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Bởi lẽ, quy định về việc bắt buộc phải có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong hồ sơ vụ án chỉ áp dụng đối với trường hợp khởi tố vụ án hình sự về một trong các tội phạm nêu trên nhưng thuộc diện quy định tại khoản 1 của các điều luật được liệt kê tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS. Mặt khác, vụ án hình sự được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo khoản khác (nặng hơn) khoản 1 của các điều luật này hoặc tội khác bằng hoặc nặng hơn tội phạm quy định tại khoản 1 của các điều luật này nhưng Tòa án vẫn có thể xử phạt bị cáo về một trong các tội phạm thuộc diện quy định tại khoản 1 của các điều luật được liệt kê tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS theo nguyên tắc “giới hạn của việc xét xử” quy định tại Điều 298 BLTTHS.
Ví dụ:
Ví dụ thứ nhất, vụ án về tội cố ý gây thương tích được khởi tố theo quy định tại khoản 2, 3, 4 hoặc 5 Điều 134 BLHS không phục thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu hay không nhưng Tòa án vẫn có thể kết án bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật này;
Ví dụ thứ hai, vụ án về tội cố ý gây thương tích được khởi tố theo quy định tại khoản 2,3, 4 hoặc 5 Điều 134 BLHS không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu hay không nhưng Tòa án vẫn có thể kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại khoản 1 Điều 135 Bộ luật này.
+ Căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS là những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự, bao gồm: không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Trong đó:
Không có sự việc phạm tội là trường không có sự kiện pháp lý (là sự kiện nảy sinh trong đời sống xã hội dưới dạng hành vi của con người hoặc sự cố tự nhiên) hoặc có sự kiện pháp lý nhưng không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ). Ví dụ: Phát hiện một người chết ở tư thế treo cổ nhưng qua xác minh thấy người đó tự sát bằng cách treo cổ. Trường hợp này, hành vi tự sát của nạn nhân không làm phát sinh quan hệ (trách nhiệm của người khác) bất khả xâm phạm về quyền sống của một người được Hiến pháp và pháp luật hình sự bảo vệ bằng cách quy định một tội phạm cụ thể trong BLHS.
Hành vi không cấu thành tội phạm là trường hợp có hành vi do cá nhân nhân thực hiện nhưng hành vi đó không cấu thành tội phạm. Ví dụ: Có hành vi trộm cắp tài sản nhưng tài sản bị trộm cắp có giá trị dưới 2.000.000 đồng và không thuộc một trong những trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d hoặc đ khoản 1 Điều 173 BLHS.
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự là trường hợp hành đã xảy ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng người thực hiện hành vi đó lại chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Có hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 30.000.000 đồng nhưng người thực hiện hành vi đó là người dưới 16 tuổi thực hiện. Bởi lẽ, hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng là hành vi nguy hiểm cho xã hội và bị coi là phạm tội ít nghiêm trong quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS, thì người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Do vậy, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải căn cứ vào khoản 3 Điều 157 BLTTHS để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS nhưng quá trình điều tra phát hiện người thực hiện hành vi đó chưa đủ 16 tuổi, thì căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật là trường hợp hành vi phạm tội của họ đã được giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật. Ví dụ:
Ví dụ thứ nhất, vụ án hình sự đã được giải quyết bằng một bản án hình sự sơ thẩm nhưng hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không có quyền khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mới về hành vi phạm tội đó theo nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” quy định tại Điều 14 BLTTHS.
Ví dụ thứ hai, vụ án đang trong quá trình giải quyết nhưng có lý do nên cơ quan có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can (nào đó), thì cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mới về hành vi phạm tội đó. Việc tiếp tục tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) vụ án đó được tiến hành khi có lý do để hủy quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án bằng quyết định phục hồi điều tra hoặc quyết định phục hồi vụ án theo quy định tại Điều 235, 249 và 283 BLTTHS.
Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là trường hợp tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua một khoảng thời gian quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS tương ứng với từng loại tội phạm (05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Đối với trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự không được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự người đã thực hiện hành vi phạm tội. Khi tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên cần chú ý:
Chú ý thứ nhất, là nếu trong thời hạn 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới;
Chú ý thứ hai, là nếu trong thời hạn nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ;
Chú ý thứ ba, là không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) quy định tại Điều 27 của BLHS đối với các tội phạm sau đây: các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này; tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này. Do vậy, đối với các tội phạm này thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự bất cứ lúc nào khi phát hiện tội phạm mà không phụ thuộc vào việc hành vi phạm tội đó đã xảy ra được bao nhiêu lâu.
Tội phạm đã được đại xá là trường hợp BLTTHS hay văn bản pháp luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt vẫn đang có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định đại xá (tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định) không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một hoặc một số tội phạm cụ thể không phân biệt họ đã bị truy tố, xét xử hay chưa hoặc đã phải chấp hành hình phạt hay chưa nhân sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia[3]. Theo quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định đại xá[4]. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Hiến pháp, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa từng ban hành quyết định đại xá mặc dù trước đó nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã từng quyết định đại xá vào năm 1946 và năm 1976 (tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định với hàng loạt người phạm tội không phân biệt họ đã phải chấp hành hình phạt hay chưa, hoặc đã bị truy tố, xét xử hay chưa nhân sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia…)[5].
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết là trường hợp mà BLTTHS quy định không được khởi tố vụ án hình sự. Theo đó, đối với vụ án hình sự do một hoặc một số người thực hiện và vì nhiều lý do khác nhau mà tất cả những người thực hiện tội phạm đều đã chết, thì cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị giết và Tòa án đã xử phạt Nguyễn Văn B về tội giết người vì cho rằng đã giết Nguyễn Văn A. Bản án có hiệu lực pháp luật và có căn cứ cho rằng Nguyễn Văn C mới chính là người giết Nguyễn Văn A, còn Nguyễn Văn B không phạm tội nhưng Nguyễn Văn C đã chết. Trong trường hợp này, pháp luật cho phép khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để điều tra và chứng minh việc Nguyễn Văn C phạm tội giết Nguyễn Văn A làm căn cứ để tái thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và tuyên Nguyễn Văn B không phạm tội.
Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của BLHS là những tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Do vậy, đối với những tội phạm này, cơ quan có thẩm quyền không được ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
+ Căn cứ quy định tại Điều 16 BLHS là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Theo quy định tại Điều 16 BLHS, thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội mà mình định phạm, trừ trường hợp hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội khác. Khi quyết định đình chỉ vụ án trong trường hợp này cần chú ý:
Chú ý thứ nhất, là theo quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này. Do vậy, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm một trong các tội phạm nếu trên (tùy theo độ tuổi) vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ đã tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS. Tuy nhiên, để thống nhất áp dụng, TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định tại Điều 14 và 16 BLHS.
Chú ý thứ hai, là trường hợp hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội khác, thì cơ quan có thẩm quyền vẫn khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự mà người phạm tội đã thực hiện.
Căn cứ quy định tại Điều 29 và khoản 2 Điều 91 BLHS là căn cứ miễn hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nói chung và người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng. Khi quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự trong trường hợp này cần chú ý:
Chú ý thứ nhất, là trường hợp có quyết định đại xá, thì cơ quan điều tra căn cứ vào khoản 6 Điều 157 BLTTHS để ra quyết định đình chỉ việc điều tra vụ án;
Chú ý thứ hai, là trường hợp có căn cứ quy định tại khoản 2 hoặc 3 Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 BLTTHS, thì cơ quan điều tra phải quyết định việc miễn trách nhiệm hình sự sau đó mới quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì theo quy định tại các điều khoản nêu trên, thì đây là những căn cứ “có thể miễn trách nhiệm hình sự” chứ không phải là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
+ Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm là trường hợp đã hết thời hạn điều tra (thời hạn điều tra lần đầu, thời hạn phục hồi điều tra, thời hạn điều tra bổ sung, thời hạn điều tra lại và thời gian gia hạn) quy định tại Điều 172 và 174 BLTTHS nhưng cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được bị can (người đã bị khởi tố bị can) đã thực hiện tội phạm nên không ra được kết luận điều tra đề nghị truy tố vụ án hình sự.
- Việc đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự[6]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLTTHS, thì Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự (mà chúng tôi đã phân tích trên đây). Vấn đề đặt ra là “quyết định không truy tố” là nội dung của “quyết định đình chỉ vụ án” hay là một văn bản tố tụng độc lập. Chúng tôi cho rằng, “quyết định không truy tố” là nội dung của “quyết định đình chỉ vụ án” mà không phải là một văn bản tố tụng độc lập. Do vậy, trong hồ sơ vụ án chỉ có “quyết định đình chỉ vụ án” mà không có “quyết định không truy tố vụ án hình sự”.
- Việc đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thuộc thẩm quyền của Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa[7]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 282 BLTTHS, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này; Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Trong đó:
+ Các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của BLTTHS (mà chúng tôi đã phân tích trên đây) bao gồm: Người đã yêu cầu khởi tố (đối với vụ án hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại) rút yêu cầu khởi tố không trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
+ Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa là trường hợp Viện kiểm sát đã truy tố rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa bằng văn bản.
Như vậy, với căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của BLTTHS và việc Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, thì có thể cho rằng tại Điều 282 BLTTHS quy định 7 căn cứ đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử trước khi mở phiên tòa. Đây là những căn cứ độc lập và chỉ cần có 1 trong 7 căn cứ nêu trên là Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án.
[1] Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng từ “tạm dừng việc giải quyết vụ án hình sự” với nghĩa là việc giải quyết vụ án đã được đình chỉ có thể được khôi phục khi có lý do để hủy quyết định đình chỉ vụ án; “kết thúc việc giải quyết vụ án hình sự” với nghĩa việc giải quyết vụ án hình sự đã xong và không được ban hành quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định phục hồi vụ án hình sự theo bất cứ căn cứ nào.
[2] Điều 36 BLTTHS 2015.
[3] Nguyễn Sáng, Đặc xá là gì? Phân biệt đại xá và đặc xá?, https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/dac-xa-la-gi-phan-biet-dai-xa-va-dac-xa-7143#google_vignette, truy cập ngày 18/9/2024.
[4] Điều 70 Hiến pháp năm 2013.
[5] Nguyễn Sáng, Tlđd.
[6] Điều 41 BLTTHS năm 2015.
[7] Điều 45 BLTTHS năm 2015
Công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam bị can để điều tra- Ảnh: TTXVN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận