Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng kết luận giám định thương tích và kiến nghị
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử đối với các vụ án Cố ý gây thương tích mà các kết quả giám định thương tật của bị hại khác nhau.
1. Giám định nhiều lần và kết luận khác nhau
Kết quả giám định về tỷ lệ thương tật của nạn nhân giữ vai trò rất quan trọng trong vụ án hình sự. Việc xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 BLHS năm 2015. Mức độ tỷ lệ tổn thương cơ thể, tổn hại sức khỏe trong kết luận giám định pháp y về thương tích là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng được sử dụng là yếu tố cấu thành tội phạm về các tội xâm hại sức khỏe và định khung nhiều loại tội phạm theo quy định của BLHS. Thực tế xét xử có nhiều vụ án “Cố ý gây thưng tích” phải trưng cầu giám định nhiều lần và mỗi lần lại đưa ra kết luận khác nhau thì giải quyết thế nào cho đúng? Hội đồng xét xử căn cứ kết luận giám định nào để đánh giá, kết tội bị cáo? Hiện nay vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau.
1.1. Hai vụ án cụ thể
- Vụ án thứ nhất: Khúc Hữu T có hành vi dùng một con dao dài khoảng 40 cm chém vào cánh tay trái của ông S và bàn tay trái của ông Th.
Đối với thương tích của ông Trần Văn S, hồ sơ vụ án thể hiện có 2 kết luận giám định của Trung tâm pháp y tỉnh Q. Bản giám định thương tích số 12/GĐTT.20 ngày 13/01/2020 kết luận tỷ lệ thương tích là 37%, với những thương tích chi tiết: Mặt sau và mặt trong đoạn 1/3 giữa và dưới cẳng tay trái có vết rách da, cơ và vết mổ hình vòng cung đã lành còn đóng vảy dài 13,5cm, rộng 0,1 cm. Vết thương do vật sắc cạnh gây nên, lực tác động mạnh. Hướng từ dưới lên trên, từ sau ra trước. Bệnh nhân còn sưng đau vùng cẳng - bàn tay trái, các ngón bàn tay trái đang ở tư thế nửa gấp. Tê bì mặt trong và mặt sau đoạn 1/3 dưới cẳng tay xuống đến ngón IV,V bàn tay trái, cẳng tay trái đang được mang đai cố định tư thế gấp khớp khuỷu 900, chưa đánh giá được chức năng vận động cẳng - bàn tay. Mặt sau cổ tay trái có vết mổ xuyên đinh hình gần tròn đường kính 0,2 cm. Đề nghị sau khi ra viện 45 ngày đến giám định bổ sung (lần 2) để đánh giá chức năng vận động của cẳng - bàn tay trái.
Tại bản giám định bổ sung thương tích số 109/GĐTT.20 ngày 25/3/2020 kết luận: Tỷ lệ thương tích tại thời điểm hiện tại của ông Trần Văn S là 28%... Để làm rõ lý lo yêu cầu giám định bổ sung thì tại Công văn số 183/GĐPY ngày 27/10/2020, Trung tâm giải thích: Khi xếp tổng tỷ lệ thương tích 37%, Trung tâm giám định pháp y đã đánh giá chức năng vận động do tổn thương thần kinh và tổn thương gân ở mức tối đa trong Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2919 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ do tiên lượng nối dây thần kinh có khả năng sẽ khó phục hồi và ảnh hưởng đến chức năng vận động, cảm giác nên yêu cầu giám định bổ sung sau thời gian 45 ngày.
- Vụ án thứ hai: Do có mâu thuẫn nên Trần Văn D dùng dao chém 1 nhát vào má trái ông Huỳnh H khiến ông H ngã, tay phải gãy.
Tại bản giám định thương tích số 215/GĐTT.22 ngày 27/5/2022 của Trung tâm Pháp y tỉnh Q kết luận tỷ lệ thương tích của ông H là 35%, với những thương tích chi tiết: Vết rách da và cơ vùng mặt, tỷ lệ thương tích 3%; gãy cung tiếp gò má và mõm trán xương gò má trái, tỷ lệ thương tích 8%; gãy thành trước và xoang hàm trái, tỷ lệ thương tích 7%; gãy cánh lớn xương bướm trái, tỷ lệ thương tích 7%. Mặt trước đoạn 1/3 dưới cánh tay phải, tổn thương này có nhiều khả năng do vặn xoắn với lực tác động tương hỗ gây nên; tỷ lệ thương tích 15%. Hiện tại bệnh nhân còn đau vùng mặt bên trái và cẳng - bàn tay phải. Vận động gập, ngửa cổ tay phải còn hạn chế.
Đề nghị sau phẫu thuật rút định 30 ngày, đến giám định bổ sung (lần 2) để đánh giá lại chức năng vận động cẳng - bàn tay phải. Tỷ lệ có thể thay đổi.
Để làm rõ lý lo yêu cầu giám định bổ sung thì tại Công văn số 94/GĐPY ngày 20/6/2022 nêu: Tỷ lệ thương tích được xếp cho tổn thương vùng mặt tạm thời, di chứng chưa kết thúc, đề nghị giám định bổ sung để đánh giá lại di chứng có liên quan đến thẩm mỹ không.
Tại bản giám định thương tích số 996/KL-KTHS ngày 29/7/2022 của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Đ kết luận tỷ lệ thương tích tại thời điểm giám định của ông H là 29%.
1.2. Các quan điểm khác nhau
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thương tích của ông S và ông H được xác định theo bản giám định thương tích số 12/GĐTT.20 ngày 13/01/2020 và bản giám định thương tích số 215/GĐTT.22 ngày 27/5/2022 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Q; vì đây là thương tích ngay sau khi sự việc phạm tội xảy ra nên là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can Khúc Hữu T và Trần Văn D. Do đó, hành vi của các bị can phải bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015. Theo quan điểm này thì thương tích lần đầu là thương tích đánh giá đúng tính chất, mức độ do hành vi phạm tội gây ra và việc giám định lần 2 là sau thời hạn hơn 1 tháng sau mới giám định lại; lúc này các thương tích của nạn nhân đã phần nào được điều trị, hồi phục dẫn đến tỷ lệ thương tích của ông S giảm còn 28% và ông H còn 29%.
Hơn nữa, hiện nay Luật Giám định tư pháp cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định có liên quan đến giám định tư pháp chưa có quy định trong trường hợp có nhiều kết luận giám định khác nhau thì kết quả của lần giám định nào sẽ là kết quả chính thức được sử dụng trong việc giải quyết vụ án. Theo Điều 108 của BLTTHS năm 2015 thì việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định về thương tích như thế nào trong giải quyết các vụ án hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, việc chấp nhận bản kết luận giám định nào là do sự đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, cần áp dụng tỷ lệ thương tích 37% để quy kết đối với Khúc Hữu T và áp dụng tỷ lệ 35% để quy kết đối với Trần Văn D là đánh giá đúng mức độ, tính chất hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 210 BLTTHS năm 2015 thì việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp: “a. Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ; b. Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó” nên việc yêu cầu giám định bổ sung là có cơ sở. Vì vậy, tại Công văn số 183/GĐPY ngày 27/10/2020 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Q giải thích cho thấy khi đánh giá tỷ lệ thương tích ở lần giám định đầu, mặc dù chưa đánh giá được chức năng vận động cẳng – bàn tay trái nhưng Trung tâm giám định pháp y đã đánh giá chức năng vận động do tổn thương thần kinh và tổn thương gân ở mức tối đa nên kết quả xếp tỷ lệ thương tích lần đầu là tạm thời và đề nghị sau khi ra viện 45 ngày đến giám định bổ sung (lần 2) để đánh giá lại chức năng vận động và cảm giác của cẳng – bàn tay trái. Do đó, cần căn cứ bản giám định thương tích số 109/GĐTT.20 ngày 25/3/2020 của Trung tâm pháp y tỉnh Q để quy kết Khúc Hữu T về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Đối với thương tích của ông H, tại thời điểm giám định thương tích lần đầu vết thương của ông H chưa ổn định nên không thể đánh giá chính xác tỷ lệ thương tích. Do đó, cần áp dụng kết luận giám định bổ sung (lần 2) số 996/KL-KTHS ngày 29/7/2022 của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Đ để quy kết Trần Văn D về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Ngoài ra còn có quan điểm cho rằng: Kết quả giám định ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới quyền lợi của cả bị cáo lẫn bị hại, khi nó là căn cứ để khởi tố hoặc kết tội ai đó. Để giải quyết vướng mắc trên nên thành lập một tổ chức giám định pháp y cấp quốc gia gồm những chuyên gia đầu ngành về giám định pháp y với phương tiện tốt nhất phục vụ công tác. Trong các vụ án có kết luận "vênh" nhau sẽ trưng cầu tổ chức này giám định lại và kết luận của nó sẽ là cuối cùng.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi vì theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội; hơn nữa đối với kết quả giám định lần đầu do một số thương tích của người bị hại chưa ổn định nên chưa đánh giá được hết mức độ ảnh hưởng của tổn thương và phải giám định bổ sung lần hai mới xác định chính xác tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại.
3. Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị
- Thứ nhất, đối với trường hợp của ông S, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Q có cần thiết phải yêu cầu người bị hại đến giám định lại sau 45 ngày hay không? Tại sao khi Giám định thương tích lần đầu lại đánh giá chức năng vận động do tổn thương thần kinh và tổn thương gân ở mức tối đa trong khi người bị hại còn phải mang đai cố định nên không đánh giá được? Trung tâm Giám định pháp y yêu cầu phải giám định thương tích lần 2 thì kết quả giám định lần đầu có ý nghĩa gì không? Tại sao trong bản kết luận giám định không nêu rõ bản kết luận giám định nào là chính thức để làm cơ sở giải quyết vụ án dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng và phải làm văn bản hỏi cũng như phải mời Giám định viên trực tiếp tham dự phiên tòa để làm rõ về nội dung các Bản giám định thương tích?
- Thứ hai, đối với trường hợp ông H, Cơ quan giám định còn mâu thuẫn khi nêu lý do yêu cầu giám định bổ sung lần 2. Cơ quan giám định yêu cầu giám định bổ sung để đánh giá lại chức năng vận động cẳng - bàn tay phải hay để đánh giá lại di chứng có liên quan đến thẩm mỹ không? Kết quả giám định lần đầu có phải là kết luận giám định tạm thời hay không? Và trong trường hợp này có cần thiết phải giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 210 BLTTHS năm 2015 hay không?
Ngoài ra, thực tiễn xét xử có trường hợp kết luận giám định lần đầu kết luận tỷ lệ thương tích là > 11% nên Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án. Kết luận giám định lần 2 < 11%. Vậy, trong trường hợp này phải áp dụng bản kết luận giám định nào làm cơ sở xét xử? Trong khi người bị hại không yêu cầu. Theo quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015, việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, đối tượng gây thương tích dưới 11% thì bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, đối với trường hợp nêu trên người hại không yêu cầu nhưng do có thương tích trên 11% nên cơ quan tố tụng khởi tố vụ án; sau đó giám định lần 2 tỷ lệ dưới 11% thì xử lý thế nào? Trường hợp áp dụng kết luận giám định lần 2 thì dẫn đến trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố oan, sai; gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tin báo.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để tránh phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và kéo dài thời gian giải quyết vụ án, chúng tôi kiến nghị các cơ quan giám định khi kết luận giám định thương tật thì cần kết luận đầy đủ, chính xác để tránh trường hợp cần phải giám định bổ sung.
Hiện nay, việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định về thương tích như thế nào trong giải quyết các vụ án hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn về việc áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan TAND, VKSND.
Giám định pháp y- Ảnh: TL
Bài liên quan
-
S và Đ là bị hại trong vụ án
-
Cảnh sát điều tra tìm bị hại trong vụ án Tập đoàn Egroup
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận