Vướng mắc về việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với người bị kết án
Việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phải bằng quyết định riêng hay trong cùng quyết định thi hành án, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, thời điểm ban hành và có bắt buộc phải ra quyết định tạm hay không đang là vướng mắc trên thực tế cần có hướng dẫn.
Về tính bắt buộc ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh
Các điều 24, 25, 36, 37 Luật Thi hành án hình sự về thủ tục và thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, không quy định về việc người bị kết án được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù không được xuất cảnh.
Pháp luật không quy định trong các quyết định hoãn, đình chỉ chấp hành hình phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện phải có nội dung “tạm hoãn xuất cảnh” cũng như không quy định thời điểm phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, khi ban hành các quyết định nêu trên thì không phải ban hành nội dung “tạm hoãn xuất cảnh” trong các quyết định. Hơn nữa, theo khoản 10 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019 về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, quy định: “Người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này chỉ được ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và đối với trường hợp liên quan đến vụ án, vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết”.
Theo các quy định trên thì quyết định tạm hoãn xuất cảnh phải được ban hành bằng một văn bản riêng và ra đồng thời với quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, quyết định thi hành án treo, quyết định thi hành án cải tạo không giam giữ, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Khoản 1 Điều 28 Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định, người nước ngoài chỉ có thể bị tạm hoãn xuất cảnh chứ không phải đương nhiên bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, theo Luật Thi hành án hình sự quy định về các trường hợp không được xuất cảnh như sau:
- Khoản 3 Điều 67: Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
- Khoản 4 Điều 92: Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.
- Khoản 4 Điều 100: Người chấp hành án (cải tạo không giam giữ) không được xuất cảnh trong thời gian chấp hành án.
Và theo quy định tại khoản 2 Điều 36; khoản 2 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019 thì những “Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo Luật thi hành án hình sự” thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này.
Như vậy, Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện có thẩm quyền ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh theo khoản 2 Điều 36 Luật Xuất cảnh, Nập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
Các vướng mắc
Tuy nhiên, cũng có vướng mắc là cơ quan, người có thẩm quyền có bắt buộc phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với đối tượng thuộc khoản 3 Điều 67; khoản 4 Điều 92; khoản 4 Điều 100 Luật Thi hành án hình sự 2019; đối tượng thuộc khoản 2 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam năm 2019 hay chỉ ra quyết định trong trường hợp xét thấy cần thiết. Các trường hợp vướng mắc cụ thể như sau:
1. Khi ra quyết định thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án thì Tòa án có phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp này không? Nếu có thì thẩm quyền, thời hạn áp dụng như thế nào?
2. Các trường hợp Tòa án đã ra quyết định thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án trước ngày Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực (Ngày 01/7/2020) thì xử lý như thế nào?
3. Biểu mẫu ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh có áp dụng theo quy định tại Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 84; khoản 1 Điều 96, Luật Thi hành án hình sự quy định về quyết định thi hành án treo và quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ và Điều 66 BLHS về tha tù trước hạn có điều kiện đều không có quy định về việc khi ra Quyết định thi hành án treo, Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện phải có nội dung người bị kết án không được xuất cảnh.
Tại khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 37, điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định đối với các trường hợp này thì Tòa án có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án. Theo đó, tại Điều 36, Điều 65, Điều 66, Điều 67, Điều 68 BLHS; Phần thứ năm (Từ Điều 363 đến Điều 369) BLTTHS; Luật Thi hành án hình sự không quy định về việc Tòa án phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp này. Hơn nữa theo biểu mẫu Quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01) ban hành kèm theo Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an thì Tòa án không có nghĩa vụ thu thập ảnh và căn cước công dân để làm thủ tục tam hoãn xuất nhập cảnh.
Đề xuất giải pháp
Pháp luật không quy định rõ hình thức, thời điểm và tính bắt buộc phải ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án. Để nguyên tắc “Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án” được thực thi triệt để, đồng thời giảm thủ tục hành chính, thì cần sửa đổi, bổ sung mẫu mới theo hướng cơ quan, người có thẩm quyền khi ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định thi hành án treo, quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ sẽ đưa quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong cùng một quyết định.
Hành khách hoàn tất thủ tục xuất cảnh và lên tàu bay- Ảnh: MH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận