Xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là việc phân định, chỉ ra một cách rõ ràng, chính xác nghĩa vụ về tài sản chung của vợ và chồng dựa trên các căn cứ nhất định, buộc vợ chồng cùng có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đó bằng tài sản chung và tài sản riêng của mỗi bên khi tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ.
1. Thực tiễn áp dụng pháp luật xác định các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập
Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng thường có sự thỏa thuận, bàn bạc và thống nhất với nhau khi xác lập các giao dịch với người thứ ba. Sự thỏa thuận đó có thể được thể hiện một cách công khai bằng văn bản, hoặc bằng lời nói. Các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thường do vợ chồng cùng trực tiếp tham gia giao dịch, nên khi phát sinh các khoản nợ thì vợ chồng cùng có nghĩa vụ thanh toán. Đối với các giao dịch có giá trị lớn hoặc liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định phải được thực hiện theo hình thức nhất định, thì sự thể hiện ý chí của vợ chồng cũng phải được thực hiện theo hình thức tương ứng mới có giá trị pháp lý. Trong thực tế, do yêu cầu chặt chẽ của pháp luật và có giá trị, ý nghĩa quan trọng nên các giao dịch liên quan đến bất động sản đều đòi hỏi ý chí của vợ chồng phải được thể hiện một cách công khai, minh bạch bằng văn bản. Trong khi đó, các giao dịch liên quan đến động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì ý chí của vợ chồng ít khi được thể hiện bằng văn bản.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, có rất nhiều giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện nhưng sự thể hiện ý chí của bên kia là không rõ ràng, dẫn đến việc xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng có thể phát sinh tranh chấp. Chẳng hạn, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng là người đứng tên mua hợp đồng bảo hiểm cho con và đóng phí bảo hiểm định kỳ bằng tài sản chung, thì người không trực tiếp tham gia giao dịch vẫn được xác định là đã biết, buộc phải biết về việc này và nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm được xác định là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (cả vợ và chồng đều có trách nhiệm chi trả tiền đóng phí bảo hiểm bằng tài sản chung). Khi vợ chồng ly hôn thì trách nhiệm đóng phí bảo hiểm thuộc về cả hai người, nếu không có thỏa thuận khác.
Đối với các tài sản chung của vợ chồng là tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán mà chỉ do một bên vợ hoặc chồng đứng tên thì người đứng tên “được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Có quan điểm cho rằng, với quy định này thì “người vợ, người chồng đứng tên là người được Luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 trao quyền đại diện đương nhiên của chồng, vợ mình trong xác lập, thực hiện giao dịch mà không cần có sự thỏa thuận, văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của chồng hoặc của vợ người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán”. Theo tác giả, khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 mới chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của người thứ ba ngay tình trong giao dịch với vợ hoặc chồng, mà chưa quan tâm và bảo vệ lợi ích của vợ hoặc chồng không đứng tên trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán.
Về nguyên tắc, khi các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán là tài sản chung của vợ chồng, thì khi thực hiện giao dịch với người thứ ba, vợ hoặc chồng đứng tên trên các tài khoản này vẫn phải có sự trao đổi, thỏa thuận với chồng hoặc vợ mình; nếu không có sự thỏa thuận đồng ý hoặc ủy quyền thì người thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu xảy ra) cho chồng, vợ mình theo khoản 3 Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2014. Quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 không thể hiểu là người đứng tên trên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán “có quyền đại diện đương nhiên của vợ hoặc của chồng mình trong xác lập, thực hiện giao dịch”, vì khi có sự đại diện thì vợ chồng phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản đối với các giao dịch đó. Điều này là không phù hợp vì giao dịch được xác lập không có ý chí của vợ hoặc chồng không đứng tên, thậm chí họ có thể không biết về giao dịch đó.
Trong trường hợp vợ chồng kinh doanh chung, pháp luật đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của vợ chồng trong việc đưa tài sản chung vào kinh doanh và phải thể hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thực tế, khi vợ hoặc chồng góp vốn vào thành lập doanh nghiệp thì Luật doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng không quy định phải có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc đưa tài sản chung vào góp vốn; “trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng không yêu cầu phải kèm theo có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về đưa tài sản chung của vợ chồng góp vốn vào công ty”. Đây là sự bất cập, không tương thích giữa Luật HN&GĐ năm 2014 với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Việc kinh doanh chung có thể được thực hiện dưới hai hình thức: Vợ chồng cùng trực tiếp tham gia kinh doanh hoặc vợ (chồng) ủy quyền cho chồng (vợ) mình trực tiếp kinh doanh.
Dù dưới hình thức nào nhưng khi có sự thỏa thuận ý chí của vợ chồng, thì việc kinh doanh chung đều phát sinh quyền, nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng đối với hệ quả của hoạt động kinh doanh. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng trong trường hợp vợ hoặc chồng là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân sử dụng tài sản chung của vợ chồng vào việc đầu tư doanh nghiệp tư nhân.
Qua phân tích trên cho thấy, mặc dù pháp luật HN&GĐ đã quy định rõ về sự thỏa thuận ý chí của vợ chồng trong việc xác lập, thực hiện các nghĩa vụ chung về tài sản, nhưng chưa bao quát được sự đa dạng, phong phú và biến động của thực tế cuộc sống. Do đó, việc xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng còn phải căn cứ vào diễn biến khách quan của các quan hệ pháp luật.
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ tài sản của vợ chồng là “vợ chồng có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Nguyên tắc này đòi hỏi vợ và chồng đều phải thực hiện các hành vi và nghĩa vụ để đảm bảo sự tồn tại, phát triển an toàn, lành mạnh của gia đình cũng như của các thành viên gia đình. Về nguyên tắc, các hành vi do một bên vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng; vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những nghĩa vụ tài sản này.
Các giao dịch do vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện liên quan đến tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi là có sự đồng ý đương nhiên của bên kia và làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Ví dụ: Các giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện như vay tiền chữa bệnh cho con, chi phí khám chữa bệnh, đóng học phí, mua thức ăn… hay các chi phí sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu của các thành viên gia đình được coi là mặc nhiên có sự đồng ý của bên kia và được thanh toán bằng tài sản chung, nếu tài sản chung không đủ thì vợ, chồng phải thanh toán bằng tài sản riêng.
Tuy nhiên, trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng thực hiện các giao dịch liên quan đến những tài sản chung là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình mà không có sự thỏa thuận ý chí với chồng hoặc vợ mình thì dù các giao dịch này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình vẫn không làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Khi đó, chồng hoặc vợ không tham gia vào giao dịch có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu. Ví dụ: Khi con ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, người vợ đã tự ý bán nhà là tài sản chung của vợ chồng để có tiền chữa bệnh cho con nhưng không bàn bạc, không hỏi ý kiến của chồng thì về nguyên tắc, giao dịch bán nhà đó là vô hiệu, người vợ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tài sản chung bằng tài sản riêng của mình, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Quy định này nhằm mục đích bảo vệ lợi ích chung của gia đình, vì đây là những tài sản có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống gia đình, nên đòi hỏi luôn phải có sự bàn bạc, thỏa thuận thống nhất của cả hai vợ chồng trong việc định đoạt tài sản.
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
Việc thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng cũng làm phát sinh các nghĩa vụ tài sản nhất định liên quan đến duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, hủy bỏ… tài sản chung. Các nghĩa vụ gắn liền với tài sản chung của vợ chồng đương nhiên làm phát sinh các nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng, ví dụ: Nghĩa vụ đóng thuế nhà đất hàng năm, đóng phí quản lý nhà, sửa chữa nhà, sửa chữa đồ dùng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình hoặc vận chuyển, tiêu hủy tài sản, đồ đạc hư hỏng…
Đối với các giao dịch định đoạt bất động sản là tài sản chung của vợ chồng, về nguyên tắc, đòi hỏi phải có sự thỏa thuận thống nhất ý chí của vợ chồng thì mới phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản đối với giao dịch đó. Tuy nhiên, trong thực tế, có những trường hợp chỉ một bên vợ hoặc chồng giao dịch về việc chuyển nhượng bất động sản và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người chồng (vợ) còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối, thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất và phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng, bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng vì lợi ích chung của gia đình
Trong đời sống chung, việc sử dụng, bảo quản, tu sửa tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng là lẽ đương nhiên do tính chất cộng đồng của hôn nhân. Thông thường, vợ chồng sử dụng tài sản chung để sửa chữa, tu bổ tài sản riêng của mỗi bên mà không tính toán gì do tình cảm và sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân. Trong nhiều trường hợp, tài sản riêng của mỗi bên vợ hoặc chồng được sử dụng phục vụ cho đời sống gia đình, đáp ứng các nhu cầu của gia đình (như nhà là tài sản riêng của vợ hoặc chồng được sử dụng làm chỗ ở chung của cả gia đình).
Việc sử dụng tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhằm đáp ứng nhu cầu chung của đời sống gia đình vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người vợ, người chồng có tài sản. Tài sản riêng của vợ hoặc chồng đóng góp không nhỏ vào đời sống chung của gia đình, vì hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là tài sản chung của vợ chồng, đặc biệt khi “hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình”. Do đó, việc duy trì, bảo quản, tu sửa những tài sản riêng đó để đảm bảo phát huy hết công năng, tác dụng của nó vì lợi ích chung của gia đình được xác định là nghĩa vụ chung của vợ chồng.Ví dụ: Việc sửa chữa nhà là tài sản riêng của vợ hoặc chồng để cho thuê được thực hiện bằng tài sản chung của vợ chồng là điều hợp lý, phù hợp với thực tế cuộc sống. Quy định này thể hiện sự tương thích với các điều luật khác điều chỉnh chế độ tài sản của vợ chồng.
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ về tài sản buộc người có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ tài sản để bù đắp thiệt hại đã xảy ra. Bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phát sinh trong các trường hợp sau: Vợ chồng cùng là người có hành vi gây ra thiệt hại; thiệt hại do tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng hoặc tài sản mà vợ chồng đang chiếm hữu gây ra; bồi thường thiệt hại do con gây ra.
Vợ chồng có nghĩa vụ chung trong việc bồi thường khi vợ chồng cùng là người thực hiện hành vi gây thiệt hại, dù với lỗi cố ý hay lỗi vô ý, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị hại. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng có hành vi gây thiệt hại (chồng lái xe va chạm với người khác gây thiệt hại hay vợ làm hư hỏng tài sản của người khác…) thì nghĩa vụ bồi thường là nghĩa vụ riêng của người gây thiệt hại và người đó phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận thanh toán bằng tài sản chung. Tuy nhiên, dù có thanh toán bằng tài sản chung thì nghĩa vụ đó vẫn là nghĩa vụ riêng của một bên vợ hoặc chồng.
Trường hợp tài sản chung của vợ chồng gây ra thiệt hại thì vợ chồng có nghĩa vụ bồi thường bằng tài sản chung. Ví dụ: Ô tô là tài sản chung của vợ chồng đỗ ở đoạn đường dốc, nhưng do đỗ xe không cẩn thận, không có vật chặn, xe bị hỏng phanh nên bị trôi, gây thương tích cho người khác; cây cối trồng trong sân vườn của vợ chồng bị gãy đổ làm cho người khác bị thương; tường rào bao quanh nhà của vợ chồng bị đổ gây tai nạn cho người khác… Khi đó, vợ chồng có nghĩa vụ bồi thường vì với tư cách là chủ sở hữu tài sản hoặc là người chiếm hữu hợp pháp tài sản nhưng do lỗi bất cẩn đã để tài sản đó gây thiệt hại cho người khác. Những nghĩa vụ này là nghĩa vụ chung của vợ chồng, được thực hiện bằng tài sản chung, nếu tài sản chung không đủ thì được thực hiện bằng tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.
Vợ chồng cùng có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do con gây ra. Cụ thể, vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự đang do cha mẹ quản lý, giáo dục gây ra cho người khác theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp này, hành vi trái pháp luật của con gây ra thiệt hại được xác định có lỗi của cha mẹ là người có trách nhiệm quản lý, giáo dục con, nên khi xảy ra thiệt hại, cha mẹ đều phải bồi thường. Con gây ra thiệt hại bao gồm cả con đẻ và con nuôi. Nếu con gây ra thiệt hại là con riêng của vợ hoặc chồng nhưng đang cùng sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế thì những người này vẫn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cùng với mẹ đẻ hoặc cha đẻ của đứa trẻ. Bởi lẽ, khi cùng sống chung với con riêng của vợ hoặc chồng thì “cha dượng, mẹ kế có quyền và có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình”.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Các nghĩa vụ chung khác về tài sản của vợ chồng có thể phát sinh từ quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là nghĩa vụ chung của vợ chồng trong việc đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bao gồm đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp như đất làm vật liệu xây dựng, làm gốm... Cá nhân, hộ gia đình cũng phải đóng phí bảo vệ môi trường, ví dụ: Vợ chồng xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại thì phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp18. Khi vợ chồng kinh doanh các loại hàng hóa hoặc các loại hình dịch vụ theo Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật và đây là nghĩa vụ chung của vợ chồng khi cùng kinh doanh chung…
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Thực tiễn áp dụng các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng cho thấy, còn có những bất cập trong quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 và một số văn bản pháp luật khác liên quan cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định đồng nhất giữa trách nhiệm liên đới của vợ chồng với nghĩa vụ chung của vợ chồng là chưa chính xác. Có thể thấy, nghĩa vụ liên đới của vợ chồng là nghĩa vụ chung của vợ chồng, nhưng nghĩa vụ chung của vợ chồng không phải là nghĩa vụ liên đới. Phương thức thực hiện nghĩa vụ liên đới hay nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng có điểm giống nhau nhất định: Nghĩa vụ tài sản đó trước hết được thực hiện bằng tài sản chung của vợ chồng, nếu tài sản chung không đủ thì được thực hiện tiếp bằng tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.
Tuy nhiên, trong nghĩa vụ liên đới của vợ chồng, người có quyền được yêu cầu bất cứ ai trong hai vợ chồng phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trong nghĩa vụ chung thì mỗi bên vợ, chồng chỉ phải thực hiện một nửa nghĩa vụ chung, nên chỉ phải trả giá trị tài sản tương ứng với phần nghĩa vụ của mình cho bên có quyền. Trong các nghĩa vụ liên đới của vợ chồng, nếu tài sản chung không đủ thì mỗi bên vợ, chồng phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình, thậm chí đối với toàn bộ nghĩa vụ, mà không được đòi bên kia phải hoàn trả bằng tài sản phần nghĩa vụ của họ. Đây là đặc điểm đặc thù của nghĩa vụ liên đới giữa vợ và chồng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Vì vậy, Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014 cần được quy định rõ ràng để thống nhất trong thực tế áp dụng. Theo đó, cần quy định rõ các điều kiện để xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại khoản 1 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014 để phân biệt với nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng; đồng thời, cần bỏ quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2014 có thể tạo ra sự thiếu trách nhiệm của một bên vợ hoặc chồng khi bên kia đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; mặt khác, Tòa án dựa vào quy định này để phán quyết về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng là không chính xác, vì với nguyên tắc vợ chồng bình đẳng, mỗi bên vợ, chồng đều phải có trách nhiệm thực hiện một nửa nghĩa vụ chung.
Thứ hai, Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 có thể dẫn đến cách hiểu không đúng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là có quyền đại diện đương nhiên cho vợ hoặc chồng của mình trong việc xác lập giao dịch với người thứ ba. Điều này khiến quyền, lợi ích hợp pháp của bên vợ hoặc chồng không đứng tên các tài sản này dễ bị xâm phạm, không được bảo vệ. Do đó, theo tác giả, cần bổ sung tại khoản 3 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 nội dung: Trong các giao dịch mà vợ hoặc chồng thực hiện tại khoản 1 và khoản 2 Điều luật này mà không có sự thỏa thuận với người chồng hoặc vợ của mình, thì người thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với phần quyền của chồng hoặc vợ. Quy định này nhằm đảm bảo các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng.
Thứ ba, để đảm bảo sự đồng bộ, tương thích và thống nhất của hệ thống pháp luật, các luật chuyên ngành khác cần có quy định tương ứng với Luật HN&GĐ năm 2014 trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, cũng như nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng khi vợ chồng tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Luật doanh nghiệp năm 2020 cần có quy định về việc người góp vốn vào thành lập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh phải có văn bản chứng minh, cam kết về tài sản đưa vào kinh doanh là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp tài sản đưa vào kinh doanh là tài sản chung của vợ chồng thì phải có văn bản thể hiện sự thống nhất ý chí của vợ chồng về việc đó. Quy định như trên vừa đảm bảo sự liên kết, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích chính đáng của vợ chồng và các bên tham gia hoạt động kinh doanh với vợ chồng.
Theo kiemsat.vn
Các giao dịch liên quan đến động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì ý chí của vợ chồng ít khi được thể hiện bằng văn bản- Một góc Tp Nha Trang - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận