Xác định tình tiết mới trong thủ tục tái thẩm
Bản chất của việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo quy định của BLTTDS là giải quyết lại vụ án, khắc phục những sai sót của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về “tình tiết mới”, vì vậy, tác giả xin nêu quan điểm của mình về căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm để trao đổi cùng bạn đọc.
1.Quy định của pháp luật
Tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là một thủ tục tố tụng để xem xét lại tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bản án và quyết định đó không đúng với bản chất sự việc, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự do có xuất hiện tình tiết mới. Điều 351 BLTTDS quy định: “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó”. Theo quy định, mặc dù vụ án đã được giải quyết, xét xử ở hai cấp Tòa án nhưng trong quá trình giải quyết, các chứng cứ, tài liệu đã có nhưng không xuất hiện; đương sự và Tòa án đều không thể biết được về sự tồn tại của chứng cứ này trên thực tế, dẫn đến tài liệu, chứng cứ đó không được đưa ra xem xét, đánh giá khi Tòa án xét xử mà nó lại xuất hiện sau khi Tòa án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Sự xuất hiện của tài liệu, chứng cứ này làm cho bản án, quyết định đã xét xử trước đó không đúng với nội dung, bản chất của việc tranh chấp.
Điều 352 BLTTDS quy định:“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: 1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án’’. Theo điều luật thì mặc dù bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn bị người có thẩm quyền kháng nghị khi có xuất hiện tình tiết mới mà tình tiết này có liên quan trực tiếp đến vụ án, ngược lại những tình tiết mới xuất hiện sau thời điểm Tòa án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì không được coi là “tình tiết mới”.
2. Thực tiễn xét xử
Qua nghiên cứu các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì có nhiều quan điểm khác nhau khi xác định về “tình tiết mới”. Bản án dân sự phúc thẩm số 18/2014/DS-PT ngày 03/4/2014 của TAND tỉnh G và Bản án dân sự sơ thẩm số 79/2013/DS-ST ngày 27/9/2013 của TAND thành phố P là một minh chứng cụ thể, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 14/12/2012, nguyên đơn là bà Trần Thị Hồng L khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng bị đơn ông Phạm Thanh G, bà Đặng Thị H trả lại cho nguyên đơn phần diện tích đất có tài sản tranh chấp gồm 434 cây cà phê trồng vào năm 1996 trên thửa đất số 36B, tờ bản đồ 14 có diện tích 704,45m2 và một phần thửa đất số 36C, tờ bản đồ số 14, diện tích 4.485m2 tại thôn B, phường Y, thành phố P, tỉnh G.
Bản án dân sự sơ thẩm số 79/2013/DS-ST ngày 27/9/2013 của TAND TP P, tỉnh G và Bản án dân sự phúc thẩm số 18/2014/DS-PT ngày 03/4/2014 của TAND tỉnh G đều đã căn cứ vào tiểu mục 3.3 mục 3 phần I Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đã quyết định: “Tạm giao cho bà L được quyền sử dụng thửa đất 36B và một phần lô đất 36C, tờ bản đồ số 14, có tổng diện tích 5.189,45m2 tại thôn B, thành phố P; đồng thời bà L được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký cấp quyền sử dụng đất”.
Sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, bà L đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất có tài sản tranh chấp. Đến ngày 23/04/2021, bị đơn ông G và bà H có đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm.
Tại Quyết định tái thẩm số 03/2022/DS-TT, ngày 11/01/2022 Ủy ban Thẩm phán TANDCC đã quyết định: Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm và Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên vì cho rằng sau khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đã xuất hiện “tình tiết mới” bởi Báo cáo số 122/BC-TTr ngày 30/8/2016 và Báo cáo số 140/BC-XKT ngày 12/10/2016 của Thanh tra tỉnh G. Trên cơ sở các báo cáo này, ngày 15/11/2016, Ủy ban nhân dân thành phố P ban hành Quyết định số 1935/QĐ-UBND và Quyết định số 1936/QĐ-UBND thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà nguyên đơn Trần Thị Hồng L.
Như vậy, vấn đề đặt ra, các Báo cáo, các Quyết định nêu trên (được ban hành sau khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm) có được coi là “tình tiết mới” để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hay không.
Theo tác giả thì đây không phải là “tình tiết mới” để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bởi vì trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì các Báo cáo của Thanh tra tỉnh G và Quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh G chưa xuất hiện, vì vậy, Tòa án không biết chứng cứ này để đánh giá, xét xử, đồng thời đương sự không biết để giao nộp cho Tòa án. Sự tồn tại của chứng cứ này chỉ xuất hiện sau khi Tòa án đã ra bản án, quyết định, tức là xuất hiện sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Hơn nữa, như đã phân tích Điều 352 BLTTDS nêu trên, chúng ta có thể hiểu được “tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” là tình tiết đã có, đã tồn tại khách quan trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Và “quá trình giải quyết vụ án” là khoảng thời gian được xác định từ ngày nguyên đơn nộp đơn khởi kiện cho đến khi Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Trở lại vụ án nêu trên, bà Trần Thị Hồng L nộp đơn khởi kiện vào ngày 14/12/2012 và đến ngày 03/4/2014 TAND tỉnh G xét xử phúc thẩm, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, quá trình giải quyết vụ án được xác định từ ngày nguyên đơn bà L nộp đơn là ngày 14/12/2012, đến ngày 03/4/2014 (ngày tuyên án phúc thẩm), trong khi đó các Báo cáo của Thanh tra tỉnh G và Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân thành phố P lại xuất hiện sau khi Tòa án các cấp đã xét xử (năm 2016 mới xuất hiện), vì vậy, các chứng cứ nêu trên không phải là “tình tiết mới”.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Mục đích của việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp chúng ta đánh giá đúng bản chất sự việc, bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng đắn, bảo đảm quyền lợi của các đương sự và bảo đảm pháp luật được đưa ra thi hành. Dù vậy, trên thực tế vẫn có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất trong khi Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT- TANDTC-VKSNDTC, ngày 15/10/2013 đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/4/2023 (Theo Quyết định số 126/QĐ-TANDTC của Chánh án TANDTC) nhưng chưa có văn bản thay thế, đồng thời Thông tư này cũng chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết về “tình tiết mới” trong căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Chính vì vậy, để áp dụng thống nhất pháp luật, tạo ra sự phù hợp giữa các Tòa án, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xem xét ban hành Nghị quyết để hướng dẫn thi hành về việc áp dụng một số quy định của BLTTDS về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong đó cần hướng dẫn cụ thể đối với “tình tiết mới” là căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như đã phân tích nêu trên.
TAND tỉnh Hậu Giang tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự phúc thẩm “Tranh chấp quyền sử dụng đất - Ảnh: Phùng Bích Tuyền
Bài liên quan
-
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
-
Quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông B và Công ty A phải căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS 2015
-
Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm
-
Xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận