Không có người thực hiện hành vi phạm tội, xử lý tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" được không?

Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ xe mô tô hiệu Yamaha Sirius tại phòng trọ của Th. Th đây là chiếc xe do S (không rõ lai lịch) nhờ Th bán giúp, nguồn gốc xe Th biết do S trộm cắp mà có. Không tìm được S thì có xử lý Th theo Điều 323 của BLHS hay không?

Điều 323 của BLHS về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, quy định:“Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Phân tích quy định của điều luật thì có thể hiểu để chứng minh hành vi phạm tội của người này, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh được người thực hiện hành vi này phải “biết rõ” tài sản do mình mang đi tiêu thụ có nguồn gốc có được từ “hành vi phạm tội của người khác”. Tức là trước đó phải có một hành vi phạm tội của một người khác. Vậy trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không xác định, không tìm ra người đã thực hiện hành vi phạm tội thì có thể kết luận người mang tài sản đi tiêu thụ đã phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” hay không? Đây là một vướng mắc trên thực tiễn xét xử, chúng ta hãy cùng trao đổi thông qua 1 vụ việc cụ thể như sau:

Khoảng 18 giờ ngày 14/02/2022, chị Phan Thị L điều khiển xe mô tô hiệu Yamaha Sirius, màu đen, biển số 79C1-609.XX về để trước nhà tại tổ dân phố M, phường C, thành phố Y. Đến khoảng 1 giờ sau, chị L phát hiện một thanh niên không rõ lai lịch đang trộm cắp xe mô tô đó của mình nên đuổi theo, nhưng không kịp.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày thì cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ xe mô tô hiệu Yamaha Sirius nêu trên tại phòng trọ của Nguyễn Tấn Th. Theo lời khai của Th đây là chiếc xe do S (không rõ lai lịch) nhờ Th bán giúp, nguồn gốc xe Th biết do S trộm cắp mà có.

 Tại bản kết luận định giá tài sản số 16/HĐĐG ngày 23/02/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng thành phố Cam Ranh kết luận: xe mô tô hiệu Yamaha Sirius, màu đen, trị giá 18,4 triệu đồng.

Cơ quan điều tra không xác định được nhân thân, lai lịch của người tên S theo lời khai của Th.

Về vấn đề định tội danh của Th đang có nhiều quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm 1: Có cơ sở chứng minh Nguyễn Tấn Th tuy không hứa hẹn trước mà biết rõ xe mô tô hiệu Yamaha Sirius màu đen, biển số 79C1-609.XX do người tên S trộm cắp mà có nhưng có hành vi đồng ý cất giấu xe mô tô để tiêu thụ. Mặc dù hành vi trộm cắp chỉ kết luận thông qua lời khai của bị cáo nhưng lời khai này phù hợp với lời khai chị L về việc bị mất trộm chiếc xe. Mặc khác, xe moto là tài sản bắt buộc phải đăng ký nên Th buộc phải biết việc S chiếm giữ tài sản lá bất hợp pháp. Hành vi đó của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS.

Quan điểm 2: Vì chưa xác định được hành vi chiếm đoạt chiếc xe của chị L trước đó có phải là tội phạm hay không, đồng thời cũng không xác định được S có phải là người thực hiện hành vi phạm tội hay không nên không thể xác định Th phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS.

Tác giả theo quan điểm thứ hai vì các lý do như sau:

Thứ nhất, như đã phân tích, tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS là tội phái sinh, tức là tội phạm được hình thành trên một tội phạm khác. Nếu không chứng minh được đã có một tội phạm khác đã được thực hiện thì không thể kết tội một người về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Cụ thể trong vụ án này, cơ quan điều tra đã không chứng minh được hành vi chiếm đoạt xe moto là tội phạm, cũng không tìm ra người đã thực hiện hành vi tội phạm là ai. Do vậy, không đủ cơ sở kết tội Th về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Thứ hai, Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” với nội dung sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Với tình huống của bài viết, nếu cơ quan tiến hành tố tụng suy đoán chiếc xe là tài sản do người khác chiếm đoạt rồi kết luận Th đã tiêu thụ tài sản do người chiếm đoạt là đi ngược với nguyên tắc này.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của cá nhân tôi trong quá trình thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Mong có thêm nhiều ý kiến của các đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Ths. NGUYỄN THỊ THU HIẾU (TAND Tp Cam Ranh, Khánh Hòa)

Xe mô tô hiệu Yamaha Sirius màu đen- Ảnh MH